CÓ NHỮNG THỨ QUÝ GIÁ HƠN BẠC VÀNG

Lớn lên trong thời đại công nghệ phát triển, mười lăm tuổi bắt đầu đọc loại sách tư duy, tôi cứ ngỡ bản thân trưởng thành và chín chắn, nhưng khi đọc “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” tôi nhận ra mình đã lầm. 

Trên thế giới có rất nhiều cuốn sách về mẹ, cũng không thiếu những cuốn sách làm tôi cảm động, nhưng mỗi cuốn vẫn có khía cạnh riêng biệt. Cuốn sách này là một câu chuyện đề tài về gia đình về một người mẹ sắp rời xa mãi mãi. “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” làm người đọc ý thức được sự tồn tại quan trọng của mẹ ở khía cạnh thời gian. 

Vào độ tuổi hai mươi, từ nhiều năm trước tôi nuôi trong mình cái suy nghĩ phải sống tốt cuộc đời của mình, phải làm điều mình thích và mình thấy cần thiết. Tôi dành thời gian để học tập cho ước mơ của mình, đọc sách hay xem phim để thỏa mãn sở thích cá nhân, có những ngày tôi cảm thấy hai mươi bốn giờ là không đủ. Thời gian nghỉ dịch ở nhà tôi rất khó chịu mỗi lần tiếng chuông nhắc nhở tới giờ nấu cơm vang lên, bởi nó báo cho tôi biết dù muốn tiếp tục đến đâu tôi cũng cần phải dừng lại. Vô tình tôi coi việc nhà như những công việc phiền phức nhất đời. Vậy mà tôi quên rằng mẹ đã làm chúng suốt hai mươi năm qua. 

Người ta vẫn nói con gái là người gần gũi với mẹ nhất, tôi từng lầm tưởng bản thân là một đứa con hiểu mẹ. Cho đến ngày tôi đọc được những suy nghĩ của Yeon Soo về mẹ khi cô bắt đầu quan sát mẹ mình, tôi nhận ra bản thân đã bỏ qua quá nhiều điều. 

“Chỉ là bóng lưng mẹ đang bận bịu nấu nướng thôi cũng có thể khiến cho bầu không khí trong nhà trở nên ấm áp như vậy, trước đây sao cô lại không biết nhỉ?” [Trích sách: Lời chia tay đẹp nhất thế gian]

Mẹ tôi thích làm dưa muối, tôi vốn chẳng để tâm nhiều đến điều này cũng giống như cô gái Yeon Soo trong tác phẩm không để tâm đến mấy hũ tương của mẹ cô. Chi tiết bà mẹ hoảng hốt vì mấy hũ tương bị hỏng làm tôi bất ngờ. Ở Hàn Quốc người ta tâm niệm rằng khi hũ tương bị hỏng tức là người phụ nữ đang có điều gì đó không ổn. Người mẹ trong truyện bị bệnh nặng, bà không còn nhiều sức khỏe để quán xuyến mọi việc như xưa thế nên đã bỏ quên mấy hũ tương nhà mình. Lúc mẹ còn khỏe, chẳng ai quan tâm mấy điều ấy, bởi mẹ luôn làm tốt, thường xuyên đến mức mọi người bỏ qua sự chăm sóc của mẹ. Đến khi mẹ đã mệt mỏi, Yeon Soo bắt đầu làm những công việc thường ngày của mẹ, dùng thời gian của mình để chăm sóc gia đình từng chút từng chút một mới hiểu ra tình yêu thương của mẹ dành cho gia đình lớn lao nhường nào. 

Đâu có ai không muốn dành thời gian cho những việc mình thích, nhưng mẹ đã dẹp bỏ những điều bản thân yêu thích để trở thành mẹ – người dành toàn bộ thời gian của mình để chăm lo cho gia đình mà chẳng mấy khi lên tiếng oán thán. Có những người nói xã hội hiện tại người phụ nữ đã ra ngoài làm việc nên mối quan tâm của họ đã không còn chỉ ở góc bếp. Có lẽ điều này đúng, nhưng không có nghĩa là sự hy sinh của mẹ giảm đi, thậm chí mẹ còn vất vả hơn rất nhiều. 

Hai bốn giờ một ngày, mẹ là người dậy sớm nhất chuẩn bị bữa sáng cũng là người ngủ muộn nhất để lau cho xong cái sàn nhà bị bẩn. Phải đến khi đọc được những điều này trong “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” tôi mới nhận ra bản thân ích kỷ trước sự hy sinh của mẹ thật nhiều. Tôi giận người con gái trong truyện vì muốn đi ăn với người cô thích mà từ chối mẹ, càng giận bản thân cũng từng vì những điều khác mà bỏ qua sự quan tâm của mẹ. 

Có những thứ quý giá hơn bạc vàng đó là thời gian bạn còn bên cạnh mẹ, còn được mẹ chăm sóc và còn có thể chăm sóc mẹ. Suốt cả cuộc đời mình, bạn có rất nhiều thời gian để kiếm tiền, có nhiều thời gian để tụ tập và có nhiều thời gian để yêu đương, nhưng thời gian mẹ bên bạn thì có hạn. Một ngày nào đó khi mẹ rời xa, hy vọng rằng bạn đã kịp đáp trả một phần nào tình yêu thương của mẹ để không hối tiếc những ngày tháng về sau. 

“Thật kỳ lạ.

Khi còn trên đời,

Mẹ chỉ là mẹ thôi.

Chẳng có gì hơn.

Thế nhưng khi bà qua đời

Tôi bỗng có suy nghĩ rằng

Bà chính là cả cuộc đời của mình.”

[Trích sách: Lời chia tay đẹp nhất thế gian]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *