Có thể nói Sài Gòn là mảnh đất hội tụ của rất nhiều nền văn hóa ẩm thực đặc sắc và đa dạng. Một trong số những món ăn đặc trưng và có từ rất lâu đời của mảnh đất miền Nam này chính là món mì gia truyền của người Hoa.
Những tô mì Tàu khói bốc nghi ngút mang hương vị đặc trưng của ẩm thực Trung Hoa có thể được tìm thấy ở bất kỳ đâu trên đường phố Sài Gòn, tập trung đông đảo nhất vẫn là khu phố người Hoa ở Quận 5 Chợ Lớn sầm uất. Nơi đó bạn có thể bắt gặp hàng dãy quán ăn nằm san sát bên nhau, hoặc ra một góc phố để tìm đến những chiếc xe đẩy có lồng kính được trang trí bằng những bức tranh Tam Quốc Chí bắt mắt.
Đặc điểm chung của những hàng quán này đó là chúng đều có một chữ “ký” (記) trên biển hiệu, chẳng hạn Trương Ký Mì Gia, Thiệu Ký Mì Gia, Hải Ký Mì Gia, Hưng Ký Mì Gia… Không riêng gì những tiệm mì danh tiếng mà ngay cả những chiếc xe đẩy ở các góc phố cũng có chữ này. Vậy chữ “ký” này có nghĩa là gì?
Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách đặt tên quán của các gia đình người Hoa. Cũng giống như đa số người Việt, họ cũng dùng tên riêng, tên đệm, hoặc tên họ tộc của mình để đặt cho quán, và những cái tên này bao giờ cũng đứng đầu tiên trên biển hiệu.
Cũng có nhiều gia đình không dùng tên riêng mà lại dùng một từ mang ý nghĩa tốt đẹp làm tên quán, để gửi gắm vào đó những kỳ vọng cho việc buôn may bán đắt. Chẳng hạn những cái tên như Phát Ký Mì Gia hay Phúc Ký Mì Gia đều mang hàm ý sẽ làm ăn phát đạt hay gặp nhiều may mắn thuận lợi.
Sau đó mới đến chữ “Ký” (記) và chữ “mì gia”. “Mì gia” có nghĩa là “tiệm mì” hoặc “nhà làm mì”. Từ “mì gia” đứng trên biển hiệu của một quán ăn nào đó mang ý nghĩa rằng mì của quán ăn đó là do nhà tự làm, sử dụng công thức gia truyền từ đời này sang đời khác, và không giống với bất kỳ tô mì nào khác.
Còn từ “ký” (記) thì có rất nhiều nghĩa, chẳng hạn “dấu ấn”, “dấu hiệu”, “nhãn hiệu”, “thương hiệu”. Như vậy, những quán có tên như Chánh Ký Mì Gia có nghĩa là “tiệm mì gia truyền thương hiệu của nhà ông Chánh,” hay như Lương Ký Mì Gia thì là “tiệm mì gia truyền đặc sản của nhà họ Lương”.
Ngoài ra, từ “ký” còn có nghĩa là “nhớ” và “danh dự”. Một tiệm mì có chữ “ký” sẽ được hiểu là một tiệm mì ngon, làm ăn uy tín, thực khách hãy nhớ đến nó và xin mời lần sau lại ghé cái quán Hồng Ký, Huỳnh Ký, Toàn Ký… này của chúng tôi mà ăn nữa nhé.
Người Hoa hành nghề buôn bán thường sử dụng chữ ‘ký’ (記) trên bảng hiệu. Điều này gần như trở thành tập quán, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp điều hành cơ sở làm ăn qua nhiều thế hệ (cùng dòng họ). Chữ ‘ký’ sẽ tạo cảm giác lâu đời, cho thấy đó là 1 cửa hàng có uy tín cao. Đây là phương pháp tạo ấn tượng, gọi là ‘Lão tự hiệu’ (老字号), cũng giống như cách viết “since 1809” hoặc “since 1912” trong tiếng Anh vậy. Về sau, nhiều người buôn bán có tính hoài cổ hoặc không thật sự nghĩ ra 1 tên hay ho cho cửa hàng của mình, họ thường mượn cách đặt tên kiểu này (sử dụng chữ ‘ký’).
Như vậy, từ “Ký” chính là một đặc điểm đặc trưng của những tiệm mì gia truyền của người Hoa, mang nhiều ý nghĩa rất hay. Sau nhiều thế hệ, nhiều hàng quán vẫn giữ lại những cái tên này, và cũng có nhiều hàng quán khác mở ra, cũng đặt tên có một chữ “Ký” nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của nó. Người ta chỉ đơn giản thấy nó có một cái gì đó rất Tàu mà thôi.
Hồng Đào