ĐỊNH KIẾN HIỆN TẠI: NGUYÊN NHÂN NGƯỜI TA KHÔNG THÈM QUAN TÂM ĐẾN TƯƠNG LAI CỦA MÌNH

Tuổi thọ của con người đang tăng lên. Về mặt logic, chúng ta sẽ cần nhiều tiền hơn để sống thoải mái sau khi ngừng làm việc. Tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm ở Mỹ đã giảm trong những thập kỷ gần đây. Họ chỉ tiết kiệm bằng 1/3 tỷ lệ cần thiết để duy trì mức sống hiện tại. Vì sao mọi người lại sử dụng hết khoản chi phí cho sự hạnh phúc trong tương lai của họ?

Để giúp giải thích hành vi có vẻ phi lý này, nhà tâm lý học Hal Hershfield đã yêu cầu những người tham gia thí nghiệm đánh giá chính mình và người khác ở hiện tại cũng như tương lai. Kết quả: não bộ hoạt động tích cực nhất khi nghĩ về bản thân ở hiện tại và hoạt động kém nhất khi nghĩ về người khác ở hiện tại. Nhưng khi nghĩ về chính mình trong tương lai, tín hiệu lại khá giống với việc đánh giá người khác ở hiện tại.

Nói một cách thực tế, khi nghĩ về bản thân trong 1 tháng, 1 năm hoặc 1 thập kỷ, bạn vẫn cảm thấy thân thuộc. Hiểu theo cách này, tiết kiệm để nghỉ hưu tương đương với việc cho… người khác số tiền đó. Việc không tiết kiệm để nghỉ hưu trở nên hoàn toàn hợp lý.

Phát hiện của Hershfield là bằng chứng chắc chắn rằng xu hướng bỏ qua tương lai của chúng ta không phải là sự thất bại về mặt đạo đức mà là một hành vi thần kinh. Bộ não có xu hướng đặt con người hiện tại lên hàng đầu. Mặt khác, các mục tiêu dài hạn khiến chúng ta cảm thấy không cụ thể và khó vượt qua. 

 Định kiến hiện tại (present bias) là gì và ảnh hưởng đến các lựa chọn của chúng ta ra sao?

Con người có xu hướng chọn phần thưởng nhỏ ngay tức thời thay vì chờ đợi phần thưởng lớn hơn trong tương lai. Định kiến ​​nhận thức này giải thích cho nhiều hành động thiếu nguyên tắc như chọn xem Netflix thay vì đi tập thể dục, kiểm tra Facebook thay vì hoàn thành báo cáo.

Chúng ta có thể tận hưởng những lợi ích cụ thể, tức thì từ hành động của mình trong khi “ai đó khác” (bản thân chúng ta ở tương lai) phải gánh chịu những hậu quả giả định trong tương lai. Do đó, các quyết định mà chúng ta đưa ra cho “bản thân hiện tại” thường rất khác so với cho “bản thân trong tương lai”.

Đầu tiên, chúng ta có xu hướng đặt ra mục tiêu cao hơn khả năng cho tương lai. Một nghiên cứu năm 2008 yêu cầu sinh viên dành thời gian để dạy kèm các bạn học đang gặp khó khăn trong tuần giữa học kỳ. Họ được chia thành 3 nhóm và cam kết dạy kèm trong 3 thời gian: 

– Giữa kỳ hiện tại (tượng trưng cho bản thân hiện tại).

– Giữa kỳ tiếp theo (tượng trưng cho bản thân trong tương lai).

– Nhóm thứ ba được hỏi họ nghĩ rằng sinh viên năm nhất có thể dành bao nhiêu thời gian để giúp đỡ (điều kiện hiện tại khác).

Có khác biệt đáng kể về sự hào phóng giữa hiện tại và tương lai. Thời gian họ sẵn sàng dành ra để giúp đỡ ở học kỳ này trung bình chỉ là 27 phút. Trong khi những người được hỏi trong khoảng thời gian giữa kỳ tiếp theo trả lời là 85 phút. 

Tình huống này có vẻ khá quen thuộc. Lần cuối cùng bạn cam kết thực hiện một điều gì đó dù đã quá tải là khi nào? Có một giả định rằng năng lực và động lực của bạn trong tương lai bằng cách nào đó sẽ lớn hơn ở hiện tại.

Khi đến lúc thật sự làm điều đã cam kết, chúng ta một lần nữa ưu tiên sự thoải mái ở hiện tại hơn là hạnh phúc trong tương lai. Thay vì hoàn thành, chúng ta thường tạo ra những cái cớ rằng nhiệm vụ này sẽ khó khăn hoặc nhàm chán như thế nào. Chúng ta tự nhủ ngày mai sẽ khác. 

 Hậu quả cho tương lai

Những suy nghĩ tiêu cực này tạo ra sự khó chịu về tâm lý, đôi khi là thể chất. Chúng ta trở nên căng thẳng, lo lắng và sợ thất bại. Trong quá trình này, chúng ta tạo ra sự chần chừ. Chúng ta không nói “Tôi sẽ không bao giờ làm”. Thay vào đó, chúng ta nói, “Tôi sẽ làm nhưng là vào ngày mai”.

Quá trình nhượng bộ và từ bỏ này về cốt lõi là một cách để tự huyễn hoặc chính mình. Bằng cách chuyển sự khó chịu của cái tôi hiện tại sang hình ảnh trừu tượng và xa vời của cái tôi trong tương lai, chúng ta có thể giảm bớt áp lực vì phải làm điều mình không muốn. 

TẤT NHIÊN, BẠN CUỐI CÙNG CŨNG SẼ PHẢI ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG GÌ ĐÃ TRÁNH TRONG QUÁ KHỨ CŨNG NHƯ CẢM GIÁC XẤU HỔ, TỘI LỖI VÀ LO LẮNG. Chúng ta cứ đặt ra mục tiêu và sau đó trì hoãn các cam kết. Sau đó, chúng ta tự trừng phạt bản thân vì sự trì hoãn này, tạo ra cảm giác tiêu cực và không thể tập trung cho các nhiệm vụ tiếp theo. 

 Cách để vượt qua định kiến hiện tại

 Đừng né tránh những điều hiện tại mình không muốn làm

Việc đặt các mục tiêu trong tương lai đôi khi gây khó khăn, vậy nên bạn cần tạo ra những điều kiện dễ dàng ở hiện tại để thực hiện chúng.

– Nếu bạn muốn ăn uống lành mạnh hơn, hãy luôn chuẩn bị sẵn. Ví dụ như đông lạnh các bữa ăn lành mạnh để dự phòng trường hợp khẩn cấp.

–  Hãy luôn sẵn sàng trước khi bước vào bất kỳ công việc nào. Chẳng hạn trong ngày mai, bạn cần hoàn thành một bài báo. Khi mở máy tính lên, bạn sẽ đóng tất cả các ứng dụng khác và chỉ tập trung vào việc hoàn thành bài báo đó mà thôi.

Đương nhiên là các kế hoạch mà bạn đề ra sẽ không thể quá sát sao, ví dụ như tránh hoàn toàn việc truy cập các trang web khác khi đang viết bài. Ít nhất thì bạn có thể đưa ra cho mình khoảng thời gian giới hạn để lướt web như hình thức thư giãn giữa giờ.

Nếu cần những biện pháp mạnh hơn thì dưới đây là 2 gợi ý cho bạn.

– Một deadline đậm tính cổ điển và “lỗi thời” đôi khi lại hiệu quả. Nếu trì hoãn công việc quá lâu, hãy thử đặt ra cho mình một thời hạn bắt buộc phải hoàn thành kèm theo điều kiện nghiêm khắc. Ví dụ: nếu không làm xong bài tập thì sẽ không được xem chương trình TV yêu thích.

– Nếu không thể tự quản lý chính mình, hãy nhờ ai đó làm giúp bạn. Ví dụ, nếu bạn đã bỏ tiền đi gym nhưng quá lười để tập thì hãy thử nghĩ đến việc thuê huấn luyện viên riêng. Chi phí chắc chắn sẽ cao hơn và việc bị họ đốc thúc sẽ khiến bạn không thể chểnh mảng được nữa.

Các chiến thuật cụ thể được sử dụng để thiết lập phiên bản tương lai sẽ phụ thuộc vào mục tiêu của bạn. Điều quan trọng cần nhớ là vì chính bạn trong tương lai sẽ có xu hướng thoái thác hoàn thành các công việc, nên biện pháp được lựa chọn cần phù hợp để tránh gây tác dụng ngược.

 Nhắc nhở chính mình: Bạn vẫn là bạn ở tương lai

Việc xác định rõ mình trong tương lai như thế nào sẽ khuyến khích chúng ta đưa ra quyết định dài hạn tốt hơn.

Trở lại với nghiên cứu của Hershfield. Nhóm nghiên cứu đã chụp ảnh những người tham gia, sau đó làm già khuôn mặt của họ. Người tham gia được nhìn vào gương và thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình khi già đi. Những người này cho biết họ sẽ tiết kiệm hơn 30% tiền lương khi nghỉ hưu so với nhóm còn lại. 

Có một cách sinh động hơn để đặt mình vào vị trí ở tương lai là tự viết thư gửi bản thân. Hershfield cùng cộng sự đã phát hiện ra những người viết thư cho chính mình trong 20 năm sau có nhiều khả năng tập thể dục hơn so với nhóm viết cho chính họ chỉ 3 tháng tới.

Một chiến thuật khác để thu hẹp khoảng cách giữa bạn ở hiện tại và tương lai là làm cho tương lai trông có vẻ gần hơn. Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan và Đại học Nam California cho thấy khi nghĩ về các sự kiện trong tương lai theo ngày thay vì năm thì ta có cảm giác chúng xảy ra sớm hơn. Khi được yêu cầu xem xét về việc nghỉ hưu, những người được cho biết nó sẽ xảy ra trong 10.950 ngày bắt đầu tiết kiệm sớm hơn 4 lần so với những người được cho biết nó sẽ xảy ra trong 30 năm.

Lần tới, khi thấy mình trì hoãn một mục tiêu cụ thể hoặc đưa ra quyết định có kết quả xa vời, hãy dành thời gian để kết nối với bản thân tương lai bằng cách:

– Viết một bức thư gửi cho chính bạn ở tương lai. Hãy tưởng tượng cuộc sống sẽ như thế nào và đâu là những điều quan trọng với bạn.

– Đặt thời hạn cho mục tiêu của bạn theo ngày, tuần hay thậm chí là giờ, thay vì tháng hoặc năm.

– Mỗi buổi sáng, thử tưởng tượng về thành quả của mình vào cuối ngày. Hãy bắt đầu với nhiệm vụ khiến bạn tự hào nhất đầu tiên.

 Tận dụng sự hài lòng tức thời 

Mặc dù hai chiến thuật ở trên có thể hiệu quả trong việc đưa ra các lựa chọn dài hạn nhưng cuối cùng thì bạn vẫn đang đấu tranh chống lại bản chất con người. Bộ não của chúng ta rất khó để đạt được sự hài lòng ngay lập tức. Thay vì chống lại nhu cầu từ hiện tại, sao bạn không sử dụng nó để tạo lợi thế cho mình?

Khi đặt mục tiêu, chúng ta tập trung vào kết quả dài hạn, ví dụ: giảm cân, thăng chức, nghỉ hưu thoải mái, thành thạo công việc… Mặc dù những tầm nhìn đó về tương lai có thể rất truyền cảm hứng, nhưng việc thực hiện trên thực tế sẽ không diễn ra như những gì ta mong đợi.

Trong một nghiên cứu, người dùng trên mạng được hỏi về những mục tiêu mà họ đặt ra vào đầu năm. Hầu hết mọi người đặt mục tiêu để đạt được lợi ích lâu dài như thăng tiến trong sự nghiệp, trả nợ hoặc cải thiện sức khỏe. Kết quả cho thấy sự thích thú sẽ giúp họ duy trì mục tiêu này tốt hơn so với tầm quan trọng của chính nó.

Điều này đúng với nhiều mục tiêu khác nhau từ tập thể dục, học tập đến ăn những thực phẩm lành mạnh hơn. Phát hiện này cho thấy việc tận hưởng quá trình quan trọng hơn những lợi ích lâu dài. Nói cách khác, bản thân hiện tại vượt trội hơn bản thân tương lai. Bạn có thể sử dụng thực tế này để thúc đẩy mình ở hiện tại làm (hoặc không làm) một số điều đáng ngạc nhiên:

– Thay vì nhịn ăn kém khoa học để mặc vừa bộ bikini mà bạn thích trong vòng 3 tháng, hãy chọn một loại hình tập luyện phù hợp để không cảm thấy quá căng thẳng khi giảm cân.

– Thay vì học chăm chỉ để đạt điểm cao, hãy chọn những môn học mà bạn yêu thích để có thêm động lực.

– Khi không thể tránh khỏi những công việc nhàm chán và khó chịu, hãy cố gắng kết hợp chúng với thứ bạn thích. Bạn có thể đi đến quán cà phê yêu thích, nghe podcast hoặc ăn những món hợp khẩu vị.

Sự hài lòng tức thì không phải là một điều xấu. Khi thực hiện những mục tiêu đầy tham vọng cho tương lai, hãy đảm bảo rằng chính bạn ở hiện tại cũng đang tận hưởng quá trình đó.

Nguồn: Trần Đăng Khoa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *