1. Lê Thái Tông (1423 – 1442): Cái chết của ông rất nổi tiếng với thảm án Lệ Chi Viên. Vào ngày 7/9/1442, ông ghé thăm vườn vải ở xã Đại Lai ven sông Đuống (Bắc Ninh). Tại đây, ông thức đêm với bà Nguyễn Thị Lộ rồi qua đời. Các quan bí mật đưa thi hài về kinh rồi phát tang. Bà Lộ bị bắt.
Ngày 19/9, bản án tru di tam tộc được thi hành. Đến ngày 19/10 (16/9 âm lịch), ông được an táng tại Hựu Lăng (Thanh Hóa).
2. Lê Nhân Tông (1441 – 1459): Ngày 28/10/1459 (3 tháng 10 âl), Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân đang đêm bắc thang vào cung giết vua Nhân Tông. Hôm sau, Thái Hậu cũng bị hại. Do niên hiệu của ông, sự kiện này được hậu nhân gọi là Chính biến Diên Ninh.
3. Lệ Đức Hầu (1440 – 1460): Lê Nghi Dân lên ngôi đặt niên hiệu Thiên Hưng, tại vị 8 tháng. Ngày 24/6/1460 (6/6 âl), các đại thần như Nguyễn Xí, Đinh Liệt… chém chết vây cánh của ông, giữ chặt cấm binh, đóng các cửa thành lại. Họ đưa ông ra khỏi cung, giáng làm Lệ Đức Hầu và buộc ông treo cổ. Sự kiện này được đời sau gọi là Chính biến Thiên Hưng.
4. Lê Uy Mục (1488 – 1509): 1/12/1509, Giản Tu Công Lê Oanh buộc ông uống thuốc độc tự tử. Sau đó, sai người để xác ông vào miệng pháo, bắn cho tan tành, chỉ lấy ít tro tàn về chôn tại An Lăng quê mẹ ông (Bắc Ninh).
5. Lê Tương Dực (1495 – 1516): Năm 1516, có khởi nghĩa Trần Cảo. Đồng thời, Trịnh Duy Sản cũng muốn phản. Ngày 7/3, Thừa Chỉ Nguyễn Vũ theo ông đi tắt qua nhà Thái Học. Đến phường Bích Câu, ông gặp Trịnh Duy Sản. Vua hỏi: “Giặc ở phương nào?”, ông Sản cười lớn nhưng không trả lời. Sau đó, ông sai một vũ sĩ tên Hạnh đâm vua, Nguyễn Vũ chết theo. Trịnh Duy Sản đem xác vua về quán Bắc Sứ, khâm liệm rồi thiêu. Hoàng hậu nhảy vào lửa tuẫn táng.
6. Lê Quang Trị (1509 – 1516): Cháu gọi Tương Dực bằng bác ruột. Sau khi giết Tương Dực, Trịnh Duy Sản họp bàn đại thần lập vua mới. Ông định lập Lê Quang Trị nhưng Vũ Tá Hầu Phùng Mại phản đối. Do đó, ông Sản lập Chiêu Tông. Tuy nhiên, một số đại thần vẫn muốn lập Quang Trị. Trịnh Duy Đại – em họ Trịnh Duy Sản đưa ông vào Tây Kinh. Đến khi triều đình Chiêu Tông cũng tới Tây Kinh, vì tránh thế mạnh của Trần Cảo. Tháng 5 năm 1516, Lê Quang Trị bị giết cùng 2 em. Lúc đó, ông 8 tuổi và chưa đặt niên hiệu.
7. Lê Chiêu Tông (1506 – 1527): Năm 1525, Cung Hoàng đăng cơ, giáng phong Chiêu Tông làm Đà Dương Vương. Đến ngày 19/1/1527, Mạc Đăng Dung bí mật sai Bái Khê Bá Phạm Bảng giết Chiêu Tông ở nơi bị giam (phường Đông Hà), sau đó chôn ở Vĩnh Hưng Lăng.
8. Lê Cung Hoàng (1507 – 1527): Năm 1527, Mạc Thái Tổ ép anh em đồng hao Lê Cung Hoàng nhường ngôi. Ông bị giáng làm Cung Vương, giam cùng mẹ ở Tây Cung. Vài tháng sau, mẹ con ông tự sát. Mạc Thái Tổ sai mang xác 2 vị ra ngoài Bắc Sứ rồi chôn ở Hoa Dương Lăng (Thái Bình) theo nghi lễ Thiên tử & Thái hậu.
9. Lê Anh Tông (1532 – 1573): Năm 1572, ông muốn lấy lại quyền bính nên cùng hẹn Lê Cập Đệ giết Trịnh Tùng. Nhưng ông Đệ bị giết, vua và 4 hoàng tử chạy ra Nghệ An. Trịnh Tùng đón con nhỏ của ông lên làm vua, tức Lê Thế Tông. Sau đó, chúa sai quân đến Nghệ An bắt Anh Tông. Nguyễn Hữu Liêu khuyên Anh Tông trở về. Trịnh Tùng bảo Tống Đức Vị giám sát Anh Tông. Ông Vị bức tử vua rồi phao tin vua thắt cổ tự sát.
10. Lê Kính Tông (1588 – 1619): Thành Tổ Triết Vương quả là người nắm giữ kỷ lục tru đế trong lịch sử, giết ông rồi giết cháu. Năm 1619, Lê Kính Tông hợp mưu với Trịnh Xuân – con Trịnh Tùng làm chính biến. Chúa biết kế hoạch của họ nên khóc trước triều đường: “… Tôi tôn phò 3 triều, trải trăm trận, thu phục giang sơn, tổn phí bao nhiêu tâm lực, tuổi đã bảy mươi. Nay nhà vua nghe đứa con phản nghịch làm việc này”.
Cả triều đều yêu cầu: “Con bất hiếu phải giết, vua vô đạo phải phế”. Chúa bắt giam Trịnh Xuân, vua thắt cổ chết. Đến năm 1631, triều đình mới dâng miếu hiệu và tôn hiệu cho vua.
11. Lê Duy Phường (1709 – 1735): Còn gọi là Vĩnh Khánh Đế, Hôn Đức Công hay Lê đế Duy Phường. Năm 1732, Trịnh Giang vu cho ông tội tư thông với thiếp thị của Trịnh Cương. Ông bị giáng làm Hôn Đức Công, Thái Hậu họ Trịnh bị giáng làm Quận Quân. Trịnh Giang đưa Thuần Tông lên ngôi, ông bị dời ra ngoài. Tháng 9 năm 1735, Trịnh Giang sai người thắt cổ ông. Đến khi Trịnh Doanh làm chúa (1740), ông cho chiêu hồn Duy Phường và an táng ở làng Lũ (quận Hoàng Mai).
Tham khảo: Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, tập 1 & 2, Quốc sử quán triều Nguyễn, NXB GD, 2007
Nguồn: Lạc Khởi