Nói về Napoleon I – Phần 6: Chiến dịch Italia lần 1 (1796-1797) – Chiến thắng liên t…

Nói về Napoleon I – Phần 6: Chiến dịch Italia lần 1 (1796-1797) – Chiến thắng liên tiếp
Tên các địa danh sẽ được in đậm để phân biệt với tên người.
Tên chỉ huy phía Pháp trừ Napoleon sẽ in nghiêng để phân biệt với chỉ huy phía quân liên minh.
Sau khi tạm nghỉ một thời gian ngắn, Napoleon có một nước đi tạt cánh thông minh, và băng qua dòng sông Po tại Placenza, gần như cắt đứt đường lùi của quân Áo. Hai bên Pháp và Áo chiến đấu ở trận Fombio, kéo dài từ ngày 07/05 đến ngày 09/05/1796.
Trận đánh này là một điểm chiến lược quyết định, khi Napoleon vượt sông Po ở hậu quân của Beaulieu (chỉ huy quân Áo), đe dọa cảthành Milan và đường liên lạc của quân Áo. Mối đe dọa này đã buộc quân Áo phải rút lui về phía đông.
Sớm ngày 07/05, lực lượng cận vệ tiền quân (gồm 3500 lính ném lựu grenadier và 1500 kỵ binh) chiếm được một bến tàu gần Piacenza và nhanh chóng vượt sông. Đại tá Jeean Lannes là người Pháp đầu tiên có mặt ở bờ bắc con sông. Quân Pháp nhanh chóng tạo một đầu cầu phía bờ bắc con sông. Một lực lượng quân Áo gồm 4000 bộ binh và 1000 kỵ binh nhanh chóng phát hiện người Pháp và một vài cuộc tấn công đã diễn ra trong ngày. Sau khi Beaulieu nghe được tin báo, ông ra lệnh cho Vukassovich hành quân về Valeggio để hỗ trợ quân Áo tại đó, đồng thời ra lệnh cho quân đội bắt đầu rút lui về hướng sông Adda. Trong lúc ấy, Augereau, sư đoàn trưởng quân Pháp đã đưa 7000 lính của mình vượt sông Po xa về phía Tây bằng cách sử dụng một cây cầu ông chiếm được.
Vào sáng ngày 08/05, quân Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Dallemagne và được hỗ trợ bởi 6500 quân thuộc sư đoàn của Laharpe, tấn công ngôi làng Fombio. Ban đầu quân Áo chống cự mãnh liệt, sử dụng khinh kỵ binh hussar để phản công lại. Nhưng sau đó, chỉ huy quân Áo quyết định rút lui để tránh bị bao vây bởi cánh quân Pháp đang tiếp cận từ bên cánh. Sau khi quân Áo rút lui vềCodogno, quân Pháp tiếp tục tấn công quân Áo tại Codogno, buộc quân áo phải chiến đấu để lùi về Pizzighettone, nơi có một cây cầu bắt qua sông Adda. Chỉ trong khoảng từ ngày 07-08/05, quân Áo mất 568 người, trong khi theo một báo cáo, quân Pháp mất 150 người, bị thương 300 người trong loạt đạn đầu tiên.
Tối hôm đó, khiLaharpe cùng lữ đoàn bộ binh số 51 hành quân qua Codogno, quân Áo với 1000 bộ binh và 580 khinh kỵ binh uhlans tấn công thị trấn từ phía Tây. Trong một cuộc đụng độ tại một con đường tối, Laharpe bị giết, nhiều khả năng do bị trúng đạn từ phe mình. Lữ đoàn trưởng Berthiernhận quyền chỉ huy và nhanh chóng tăng viện thêm 2 lữ đoàn nữa vào cuộc chiến trước khi quân Áo rút lui vào hừng đông ngày 09/05. Bị chặn lại khỏi cây cầu qua sông Adda tại Pizzighettone, chỉ huy quân Áo Beaulieu buộc phải chỉ huy quân của mình làm một cây cầu tại Lodi xa về phía Bắc.
Kết thúc trận Fombio, quân Pháp, với 11 500 quân tham chiến, mất 450 người, trong khi quân Áo với 6580 quân tham chiến, mất 1568 người và 20 đại bác.
Ngày 10/05, Napoleon truy kích quân Áo của Beaulieu tại Lodi. Trận Lodi bắt đầu, quân Pháp do Napoleon chỉ huy, với 15 500 bộ binh, 2000 kỵ binh và 30 đại bác, tấn công hậu quân của quân Áo, với 9500 quân và 14 đại bác.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 10/05, tiền quân của Napoleon bắt kịp hậu quân của Áo do Vukassovich chỉ huy trên đường hành quân đến Lodi. Quân Áo nhanh chóng được hỗ trợ bởi quân phòng thủ gần thị trấn Lodi. Tuy nhiên khả năng phòng ngự của thị trấn không mạnh, quân phòng thủ cũng ít và quân Pháp đã có thể tiến vào bên trong thị trấn đồng thời hướng về phía cây cầu. Lúc này cây cầu được phòng thủ từ bờ phía xa bởi 9 tiểu đoàn bộ binh xếp thành 2 hàng cùng 14 khẩu đại bác. Tướng chỉ huy quân Áo phỏng thủ tại Lodi, cũng có 4 đoàn kỵ binh Naples (Sicily) như quân dự bị, nâng tổng số quân Áo phòng thủ lên 6577 người, tuy nhiên gần như tất cả đều trong tình trạng kiệt sức do phải hành quân nhanh. Quân Áo quyết định không nên rút lui vào ban ngày, và sẽ cầm cự đến đêm.
Lính Pháp phát hiện người Áo đang cố gắng phá hủy cây cầu, quân Pháp nhanh chóng ngăn chặn bằng cách cho đại bác bắn dọc cây cầu. Lẽ ra chuyện phá hủy cây cầu để chặn đứng cuộc truy kích của người Pháp khá là đơn giản mới đúng, vì cây cầu làm bằng gỗ, có thể châm lửa đốt cháy nó, và nó là một cây cầu đơn sơ được dựng nhanh chóng bằng cách cắm các cọc gỗ xuống lòng sông và gác những cây xà lên trên làm thành đường đi (thời hiện đại ngày nay thì xài cầu phao do công binh xây dựng nhanh và cơ động).
Tiền quân Pháp không đủ mạnh để có thể thử vượt sông, vậy nên sau vài giờ chờ đợi, càng nhiều quân Pháp đến được bờ sông. Suốt buổi chiều, một cuộc chiến đại bác bạo lực bắt đầu, khi pháo binh Pháp đến và bắt đầu bắn dọc theo con sông. Có nguồn cho rằng, đích thân Napoleon đã chỉ huy một số khẩu pháo, và quân lính bắt đầu gọi ông là “le petit caporal”, nghĩa là hạ sĩ bé nhỏ vì điều này, tuy nhiên không có bất kỳ tài liệu hay bằng chứng nào chứng minh được việc này. Nhưng Napoleon đúng là được quân đội mình đặt cho biệt danh này, kiểu như một cách gọi thân mật của người phương Tây dành cho người mình có quan hệ thân thiết (Napoleon rất được lòng quân, có tài liệu nói ông thuộc tên biết mặt từng người lính trong đội cận vệ già The Old Guard của mình).
Khoảng 6 giờ tối, quân Pháp bắt đầu chuẩn bị tấn công, kỵ binh Pháp vượt sông ở thượng nguồn, và một đoàn quân gồm tiểu đoàn carabine số 2 bộ binh hạng nhẹ tinh nhuệ (súng cạc-bin, loại súng cải tiến từ súng trường hoặc súng hỏa mai, với chiều dài ngắn hơn và nhẹ hơn) bắt đầu tấn công vào bên trong những bức tường của thị trấn. Những người lính carabine này bắn đầu chiến cổng vào và đánh lên cầu. Pháo binh Áo nã đạn vào quân Pháp, lúc này đang còn trên cầu, gây một số thương vong và khiến quân Pháp ngừng lại. Nhưng một số sĩ quan cấp cao của Pháp đã chạy lên phía trước để dẫn đầu cuộc tấn công. Một số quân Pháp trèo qua cây cầu và bắt đầu bơi qua sông, đồng thời bắn về phía quân Áo. Người Áo, lúc này đã hoàn toàn kiệt sức sau một cuộc hành quân gấp, hàng giờ liền chiến đấu với quân Pháp mà không hề có thức ăn, có thể còn bị vùi dập bởi pháo binh Pháp, và có vẻ lo sợ sẽ bị bao vây bởi kỵ binh Pháp. Tinh thần họ nhanh chóng sụp đổ khi quân carabine Pháp xông về phía họ, và họ bắt đầu tháo chạy, phần lớn nhờ vào bóng tối để thoát về Crema, tuy nhiên cũng có những đơn vị dũng cảm ngăn chặn người Pháp truy đuổi họ quá gần. Một bá tước, chỉ huy trung đoàn bộ binh số 16 của Áo, hy sinh trong lúc yểm trợ cuộc rút lui mặc dù thành công, nhưng cái giá phải trả là quá đắt với quân Áo.
Người Áo mất 21 sĩ quan, 5200 lính và 235 con ngựa bị giết, bị thương hoặc bị bắt, cộng thêm 14 khẩu pháo và 30 xe chở đạn dược cũng bị mất. Người Pháp mất khoảng 1000 quân.
Trận Lodi không phải là một trận đối đầu quyết định vì quân Áo đã trốn thoát thành công, tuy nhiên nó trở thành nhân tố trung tâm cho huyền thoại về Napoleon, và, theo như bản thân Napoleon nói, chiến thắng này thuyết phục ông rằng ông áp đảo các vị tướng khác và vận mệnh của ông sẽ dẫn dắt ông đạt được những điều vĩ đại.
Một số chú thích khác:
1. Khinh kỵ Hussar: Là khinh kỵ binh phổ biến của châu Âu vào thời điểm thế kỷ 15 và thế kỷ 16. Sau đó được các đơn vị khinh kỵ binh châu Âu sử dụng làm tên hiệu phổ biến vào thế kỷ 17 và thế kỷ 18. Có thể nhận ra họ khi họ hay mặc quân phục sặc sỡ, khoác một cái áo khoác ngoài bên vai nhưng không xỏ tay áo. Trong đó có một đội Hussar nổi tiếng của Ba Lan là Winged Hussar.
2. Uhlans: Khinh kỵ binh người Ba Lan. Thường thì họ được trang bị một cây thương dài (lancer). Họ là cơn ác mộng của kỵ binh (kỵ binh sinh ra để diệt kỵ binh) do khả năng tân công hủy diệt kỵ binh khi xung phong. Trong trận Waterloo, Napoleon đã dùng các đơn vị này để tiêu diệt gọn gàng kỵ binh của quân Anh.
3. Pháo binh dưới thời Napoleon có rất nhiều loại từ 4-8-12-24 pound, cộng thêm cái loại pháo dạng howitzer (lựu pháo), đây là loại trung gian giữa pháo nòng dài thường thấy trong các bộ phim thời này (pháo như trong hình phía dưới bài viết, được phân loại theo cân nặng của đạn như trên), và súng cối (bắn đạn lên thật cao rồi rơi xuống, tiêu diệt địch trốn sau công sự)
4. Lính ném lựu Grenadier là một loại lính bộ binh, cũng đồng thời là một danh hiệu. Lựu đạn thời kỳ đầu khá nặng, và phải là một người lính có tâm lý vững vàng, cao to, lực tay mạnh để có thể cầm cái viên lựu đạn tròn đang cháy xèo xèo này chính xác ném sang phía quân địch, vì vậy trong quân đội, grenadier vừa có nghĩa là lính ném lựu, vừa có nghĩa họ là những người lính khỏe mạnh, tinh nhuệ, rất men lỳ. Dần dần grenadier đã không chỉ còn có nghĩa là lính ném lựu nữa mà có nghĩa như một danh hiệu, một tôn xưng cho những đơn vị tinh nhuệ trong quân đội (quân bộ binh Wehrmacht của Đức quốc xã được gọi là grenadier nhằm mục đích tuyên truyền). Grenadier trong thời kỳ này có thể xem như là trọng bộ binh với khả năng cận chiến tốt, ngược với khinh bộ binh có khả năng bắn xa và chính xác.
5. Cận vệ già – the Old Guard, là lực lượng tinh nhuệ nhất, đánh nhiều chiến trận nhất cùng với Napoleon. Được tạo thành từ nhiều đơn vị: grenadier (có thể xem là trọng bộ binh), khinh kỵ, trọng kỵ, pháo binh, khinh bộ binh, vân vân và mây mây… Sẽ nói kỹ hơn với mọi người nếu có dịp. Dù sao họ là một huyền thoại, nói trong chú thích thì kỳ lắm.
Hết phần 6.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *