Bắc phong quét qua thành Thăng Long báo hiệu trời đã vào thu, cũng là báo trước cho số mệnh của một triều đại phồn hoa sắp đi vào buổi xế bóng. Hào quang buổi thịnh thế đã sớm chìm vào ký ức, thời của những bậc anh kiệt cũng đã qua, để lại những dấu son không thể phai mờ trên sử sách. Nhưng rồi vật cực tất phản, cảnh phồn vinh tưởng chừng có thể trường tồn lại như giấc mộng Hoàng Lương hoang đường, bị thực tế xã hội suy đồi làm cho tan biến. Sử gia đời sau khi bàn về sự suy yếu của nhà Lý đều nhắc đến Linh Chiếu Hoàng Thái hậu với vai trò là người khiến cho triều cương suy thoái bởi những quyết sách nặng tư tình, lại thêm trọng dụng người thiếu tài đức.
Linh Chiếu Hoàng Thái hậu xuất thân cao quý, là con gái trưởng của Phụ Thiên đại vương, mẹ là Thụy Thánh công chúa. Tổ phụ của bà là Chân Đăng bảo sở Quan sát sứ họ Lê, cháu của Ngự Man đại vương Lê Long Đinh, như vậy dòng họ bà là hậu duệ xa của hoàng đế Lê Đại Hành. Tổ mẫu là Ngọc Kiều công chúa, con gái của Phụng Càn vương Lý Nhật Trung, được Lý Thánh Tông nhận làm con gái nuôi.
Bà nhập cung năm 1134, nhận tước hiệu Cảm Thánh phu nhân (感聖夫人). Nhưng dã sử lại cho rằng trước đó, vào năm 1129 bà đã được ra vào cung, tình cờ bắt gặp Đỗ Anh Vũ vừa đến độ nhược quán đứng hầu Thần Tông ở mành trướng. Va phải một ánh mắt, cơn say theo cả đời, lúc này Đỗ Anh Vũ và bà đã gặp gỡ nhau và phải lòng nhau, bắt đầu một mối nghiệt duyên bị muôn đời chê trách. Năm 1136, mùa hạ, tháng 4, bà sinh ra Hoàng tử Lý Thiên Tộ, là con trai thứ hai của Thần Tông hoàng đế. Trước đó, Thần Tông đã lập Đại hoàng tử là Lý Thiên Lộc làm Hoàng thái tử, nhưng bà thấy Thiên Lộc là con người hầu, địa vị thấp hèn, trong khi Thiên Tộ sinh chỉ sau Thiên Lộc 4 năm, địa vị bà lúc đó lại thuộc hàng chánh cung nên bèn cùng Phụng Thánh phu nhân tìm cách mà xin việc phế lập ngôi Thái tử để bà có thể ngồi lên ngôi Thái hậu sau này.
Năm 1138, tháng 9, Thần Tông hoàng đế lâm bệnh nặng. Bà cùng hai vị phu nhân là Nhật Phụng phu nhân, Phụng Thánh phu nhân đem tiền vàng đút lót Tham tri chính sự Từ Văn Thông, và dặn rằng: “Nếu có vâng mệnh vua thảo di chiếu thì chớ nên bỏ lời của ba vị phu nhân”. Văn Thông bị tài bảo làm cho loá mắt, bèn nhận lời. Đến khi bệnh tình Thần Tông ốm nặng, sai hắn soạn di chiếu, Văn Thông liền chần chừ không viết, cố ý kéo dài thời gian. Chao ôi! Người xưa bảo rằng Nho sĩ chỉ có thanh bạch liêm chính mới có thể giữ được phẩm cách, cũng tựa như đóa lan sống nơi cằn cỗi thì hương sắc mới đáng động lòng. Tiếc thay thời mạt vận đám Nho sinh như phường Văn Thông nào đâu nhớ lời thánh hiền, phủ phục trước phú quý vinh hoa, khác chi đám sình lầy nhơ nhuốc!
Ba phu nhân phủ phục bên long sàng mà khóc lóc, nghẹn ngào nói rằng: “Bọn thiếp nghe người xưa lập con nối thì lập con đích chứ không lập con thứ; Thiên Lộc là con nàng hầu yêu, nếu cho nối ngôi thì ả mẫu thân lại sinh lòng ghen ghét tất tiếm lấn, làm hại mẹ con thần thiếp. Như thế chúng thiếp làm thế nào được?”. Thần Tông hoàng đế cho là phải, sau xuống chiếu rằng: “Hoàng tử Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn Thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo Vương”. Ngày 26 tháng 9, năm đó, Thần Tông hoàng đế băng hà. Con trai là Thái tử Thiên Tộ kế vị, tức Lý Anh Tông. Cảm Thánh phu nhân được tôn làm Hoàng thái hậu, tôn hiệu là Hiến Chí hoàng thái hậu (憲至皇太后), ở tại Quảng Từ cung. Theo lệ như Linh Nhân thái hậu trước đây, buông rèm nhiếp chính. Cũng từ đây, Thái hậu tuỳ ý làm nên nhiều việc sai lầm, kéo triều thống dần dần lụn bại.
Tương truyền khi Thần Tông hoàng đế qua đời, Thái tử Lý Thiên Tộ mới 3 tuổi, triều thần muốn tôn Kiến Hải vương Lý Dương Côn – một người con nuôi khác của Nhân Tông hoàng đế, vốn là con đẻ của Thành Quảng hầu – lên nối ngôi. Nhưng lúc đó Linh Chiếu Thái hậu dựa vào Đỗ Anh Vũ giúp đỡ, khiến Kiến Hải vương bị hạ bệ và phải lưu vong. Đỗ Anh Vũ đã nắm hết binh quyền, trừ khử hết các địch thủ của Thái tử Thiên Tộ, nên Thiên Tộ được đưa lên ngôi một cách thuận lợi. Đỗ Anh Vũ giết người quen thói, liền nhân đó muốn giết hết tông tộc của các thân vương, ý muốn trảm thảo trừ căn. Vì có vợ là họ hàng với Thái phó Tô Hiến Thành nên Đỗ Anh Vũ ra vào cung cấm dễ dàng. Lấy lý do hầu hạ Hoàng thái hậu, hắn nhân đó vào cung mà tư thông với Hoàng thái hậu. Lúc bấy giờ nhiều người bất bình nhưng không dám lên tiếng vì sợ chuốc họa vào thân.
Đến tận khi xảy ra Canh Ngọ cung biến, Thái hậu vì bao che cho tình nhân mà làm nhiều việc trái cương thường: cho vàng bạc để đút lót Vũ Đái, xin con trai tha tội chết cho hắn, lại tổ chức nhiều lễ lộc xa hoa, phung phí tiền của chỉ để tình nhân được hưởng ân xá đến sạch mọi tội lỗi. Sau đó lại ‘khuyên nhủ’ con trai ban chức cũ lại cho tình nhân, dẫn đến việc hắn trả thù tàn nhẫn, lấy máu nhuộm đỏ kinh thành (Trí Minh vương giáng xuống tước Hầu, Bảo Ninh hầu giáng xuống tước Minh tự, Bảo Thắng hầu giáng xuống tước Phụng chức, Nội thị là 5 người bọn Đỗ Ất bị hành hình “cưỡi ngựa gỗ”, 8 người bọn Hoả đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi bị chém ở chợ Tây Giai, 20 người bọn Điện tiền đô chỉ huy Vũ Đái bị chém bêu đầu thị chúng ở các bến sông, 30 người dưới trướng Phò mã Dương Tự Minh thì bị tội lưu ở nơi xa độc, những người dự mưu đều bị tội đồ làm điền hoành, khao giáp, cả thảy không sót một người). Lúc đó, triều thần cùng bách tính đều kinh sợ, dẫu hận Đỗ Anh Vũ lòng lang dạ sói đến nghiến răng nghiến lợi nhưng lại e dè thế lực của Thái hậu đứng sau lưng hậu thuẫn hắn.
Sau sự kiện năm 1150, Anh Tông hoàng đế dẫu khi ấy đã 14 tuổi, đến tuổi có thể tự mình thân chính, nhưng Hoàng thái hậu vẫn quyết định tiếp tục giữ mọi quyền hành trong triều. Đắc thế, Đỗ Anh Vũ ngồi chức cao, dưới một người nhưng trên vạn người, ai gặp hắn cũng đều phải khúm núm sợ hãi. Mãi đến năm 1158, vì sát nghiệp nặng nề dẫn đến bị thượng thiên rút bớt dương thọ, Thái úy phụ chính Đỗ Anh Vũ từ trần, dương thọ 46 tuổi, phụ chính triều Lý trong vòng 20 năm. Thái hậu khi ấy mới giao trả quyền hành lại cho Anh Tông hoàng đế mà lui về hậu cung. Dù xảy ra sự kiện rúng động nhân tâm vào năm 1150, Đỗ Anh Vũ vẫn được truy phong “Kiểm hiệu Thái úy Minh chính Bình chương sự Thượng trụ quốc Nguyên soái Đại Đô thống”. Năm Đại Định thứ 22 (1161), mùa thu, tháng 7, Hoàng thái hậu giá băng sau 3 năm lui về hậu cung, không rõ bao nhiêu tuổi, Anh Tông hoàng đế dâng thụy là Linh Chiếu (靈詔), đến đó thì không có ghi chép hay phẩm bình gì nữa.
Than ôi, thế sự nổi trôi, kiếp phù sinh ngắn ngủi như cái chớp mắt, biết giữ đạo cương thường, lấy đức làm tim, lấy trí làm mắt mà khiêm nhường thì tất được người quý trọng mà trời cũng lấy đạo hiếu sinh mà đối đãi vậy! Lại như Thái hậu, ngồi ở ngôi cao nhưng để tình cảm lấn át lý trí, làm sao có thể so với Linh Nhân Thái hậu trước kia, lập được nhiều công tích cho đất nước khiến lòng dân ngả về? Dung túng tình nhân lộng hành, coi thường kỷ cương phép nước, sao có thể làm gương cho kẻ dưới? Dùng vài mươi năm sống theo tình cảm rồi đổi lại tiếng xấu ngàn đời, liệu có đáng hay chăng?
