JD (Job Description) – bản mô tả công việc bản mô tả công việc là một tài liệu mô tả các nhiệm vụ, trách nhiệm và các kỹ năng cần thiết để thực hiện một vai trò cụ thể. Đây là tài liệu quan trongh mà ứng viên cần tìm hiểu trước khi ứng tuyển vào bất kì vị trí nào.
Một JD đầy đủ cần có các nội dung sau:
+Giới thiệu ngắn gọn về đơn vị tuyển dụng.
+ Tiêu đề và tóm tắt về vai trò
+ Mô tả nhiệm vụ
+ Trình độ học vấn và bằng cấp cần có
+ Kỹ năng cốt lõi của vị trí
+ Kinh nghiệm chuyên môn
+ Thu nhập
Trong đó, nội dung quan trọng nhất mà ứng viên cần phải đi vào tìm hiểu và phân tích sâu là mô tả nhiệm vụ, trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn.
1. Trình độ học vấn và bằng cấp:
Mục này đa số các vị trí sẽ không yêu cầu bằng cấp quá chi tiết, ngoại trừ các vị trí liên quan nhiều đến chuyên môn cứng như kỹ sư IT, developer, luật sư, giáo viên, ….
Còn lại nhà tuyển dụng sẽ mở rộng phạm vi chuyên môn (đưa ra một số nhóm ngành chính và chấp nhận các ngành có liên quan) để có thể tìm được ứng viên phù hợp nhất.
Như vậy, khi đọc JD, ứng viên cần quan tâm đến mục bằng cấp đầu tiên, xem bản thân mình có bằng cấp phù hợp với vị trí này hay không. Nếu đáp ứng được hãy đọc tiếp, không thì bỏ qua, tránh mất thời gian.
2. Mô tả nhiệm vụ:
Mục này sẽ liệt kê tất cả những nhiệm vụ mà ứng viên cần làm sau khi trúng tuyển. Ứng viên cần đọc kỹ từng mục. Nếu cảm thấy bản thân có thể tự tin từ 80% trở lên đối với các nhiệm vụ trong phần mô tả thì hãy nghĩ đến chuyện ứng tuyển. Dù bạn có chuyên ngành đúng với vị trí đang tuyển, nhưng nếu bạn không tự tin đối với các nhiệm vụ được yêu cầu thì bạn nên bỏ qua. Vì thực tế yêu cầu công việc ở từng công ty sẽ khác nhau và rất khác so với những gì bạn từng học ở trường.
3. Kỹ năng cốt lõi của vị trí
Ở mục này ứng viên cần quan tâm nhiều đến các kỹ năng cứng được yêu cầu. Vd như cách sử dụng các phần mềm, các công cụ phục vụ cho công việc. Ngoài ra bạn cũng nên để ý đến các kỹ năng mềm được yêu cầu, một số vị trí, nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu ứng viên có những kỹ năng mềm rất đặc thù như cẩn thận kỹ lưỡng (sẽ không phù hợp với các bạn cẩu thả), có sức chịu đựng cao (sẽ không phù hợp với các bạn nóng vội), xử lý thông tin nhanh nhạy (sẽ không phù hợp với các bạn chậm chạp),…
4. Kinh nghiệm chuyên môn
Ngoại trừ vị trí quản lý và một số vị trí đặc biệt quan trọng trong công ty thì đa số các công ty vấn chấp nhận các bạn sinh viên mới ra trường – nhưng có kiến thức + kỹ năng đáp ứng được yêu cầu công việc.
Nếu bạn đã có kinh nghiệm làm việc ở vị trí tương đương thì điều này không có gì để bàn cãi.
Nếu bạn là sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, hãy đọc kỹ lại phần mô tả yêu cầu nhiệm vụ xem bản thân có đáp ứng được không? Bạn đã từng tham gia hay phụ trách các nhiệm vụ tương tự hay chưa. Nếu có thì hãy liệt kê ra và đưa vào CV như một minh chứng rằng bạn dù chưa có kinh nghiệm đi làm, nhưng đã có các kinh nghiệm liên quan đến yêu cầu nhiệm vụ công việc thông qua các hoạt động ngoại khóa hoặc thông qua các việc làm thêm.
Nếu bạn là sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, và hoàn toàn xa lạ với những gì được ghi trong phần mô tả nhhiệm vụ thì bạn không nên ứng tuyển.
Một số lưu ý khác:
Trước khi muốn ứng tuyển, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến công ty đó. Hãy Google Search tên công ty/ địa chỉ công ty để xem đây có phải là công ty lừa đảo không. Nếu trên mạng chưa có thông tin về công ty, bạn có thể trực tiếp hỏi người đã đăng tin tuyển dụng. Ứng viên có quyền được biết các thông tin liên quan đến công ty để cân nhắc có nên ứng tuyển hay không.
Sau khi đã đọc kỹ JD, tìm hiểu kỹ về công ty và quyết định ứng tuyển, hãy chuẩn bị CV sao cho phù hợp nhất với vị trí mình ứng tuyển và gửi CV đi. Hãy nhớ ghi lại vào sổ tay thông tin công ty, vị trí ứng tuyển, thời gian gửi CV để có thể nắm được là bạn đã gửi CV cho những công ty nào, vị trí nào, tránh trường hợp rải CV nhiều quá nên không nhớ, đến khi nhà tuyển dụng gọi lại thì ú ớ vì không biết đầu dây bên kia đang gọi đến từ công ty nào!