Basilic – khẩu pháo huyền thoại của quân Hồi giáo Ottoman

Basilic – khẩu pháo huyền thoại mà quân Hồi giáo Ottoman dùng để nã vào tường thành Constantinople trong cuộc vây hãm năm 1453 và vẫn được nhắc đến trên các trang web tuyên truyền của Hồi giáo hay các cuốn sách tóm tắt về lịch sử khí tài quân sự một cách đầy tự hào như là một “kỳ công kỹ thuật quân sự” của Hồi giáo – thật ra do một người…châu Âu đúc và sử dụng 100% công nghệ đúc pháo của châu Âu. Lịch sử ghi nhận rất ít về người thợ đúc súng bí ẩn này, chỉ biết anh ta tên là Urban (hay Orban) một người gốc Hungary hoặc gốc Đức.

Năm 1452 Urban đến Constantinopole và “quảng cáo” công nghệ của mình cho Hoàng đế Constantine XI nhưng tình hình tài chính của Byzantine vào những năm cuối đã quá cạn kiệt không thể chi trả cho cái giá quá đắt đỏ mà anh ta đưa ra. Urban sau đó bèn quay sang mời chào đối thủ của người Byzantine là sultan Mehmet II của Đế quốc Ottoman (lúc này Ottoman đã chiếm được hầu hết lãnh thổ Byzantine). Vị vua trẻ Mehmet rất hứng thú với mục tiêu chiếm nốt “Thành Roma mới” và yêu cầu Urban đúc khẩu súng với những viên đạn – mà theo lời tuyên bố của Urban – có thể bắn thủng tường thành Constantinople, một trong những hệ thống phòng thủ mạnh nhất thế giới thời bấy giờ (khúc tường thành giáp với đất liền của Constantinople chưa bao giờ bị đục thủng bằng bất cứ loại thiết bị công thành nào), ngay tại thủ đô Ottoman lúc bấy giờ là Edirne (Adrianople).

Mặc dù kỹ thuật dùng để chế tạo những khẩu siêu pháo nặng từ 10-15 tấn tới lúc đó đã trở nên phổ biến tại châu Âu, nhưng khẩu Basilic vẫn thật sự là một con quái vật. Dài 8,3m (27 feet), đường kính 30 inch, nó bắn được viên đạn bằng đá nặng hơn nửa tấn đi xa cả dặm. Khẩu súng gồm hai phần được đúc riêng biệt (giống như nhiều loại pháo ở châu Âu lúc bấy giờ) và nối lại với nhau bằng ren, phần đuôi làm buồng chứa thuốc súng, phần nòng súng dày 8 inch bằng đồng đặc để có thể chịu được sức mạnh của vụ nổ. Nhưng tất nhiên, cũng như những công nghệ quá mới ở thời đại của mình, Basilic có mặt hạn chế của nó: nặng gần 20 tấn, để kéo nó trên con đường đến chân tường thành Constantinopole cần 70 con bò và 200 nô lệ. Cần hàng trăm người nữa để vận hành nó. Mehmet ra lệnh đặt khẩu pháo ngay trước lều của mình để ông ta có thể đánh giá sự hoạt động của nó. Ngoài Basilic, Urban còn đúc nhiều khẩu súng khác nhỏ hơn cho Mehmet – vốn không hề tiếc tiền trang bị những khẩu súng “khủng” nhất cho lục lượng pháo binh mới của mình (tuy nhỏ hơn Basilic nhưng kích cỡ của chúng cũng rất lớn, vào hàng siêu pháo, dài từ 4-6m), tất cả được huy động cho cuộc vây hãm cuối cùng.

Mỗi phát đạn của Basilic tiêu tốn cả trăm cân thuốc súng. Khi khẩu đại pháo khai hỏa, mặt đất như rung chuyển và một tiếng nổ kinh thiên động địa làm khiếp vía những người đứng xung quanh. Khẩu súng cực kỳ thiếu chính xác nhưng cũng gây ra được thiệt hại đáng kể cho tường thành Constantinople. Hiệu quả mà nó mang lại vượt trội so với bất kỳ loại máy bắn đá nào. 

Mỗi phát bắn trúng đích của nó để lại một cái hõm sâu to tướng trên mặt tường hoặc thổi bay một cái vọng gác hay tháp canh cùng những người đứng bên trong đó. Tuy nhiên cần rất nhiều thời gian để nạp một phát đạn. Nòng súng nóng rực sau khi bắn tiếp xúc với không khí lạnh (một phần do đồng dùng để đúc nên nó không hoàn toàn nguyên chất) liền xuất hiện các vết nứt và đội sửa chữa phải ngăn không cho các vết nứt này rộng ra bằng cách thoa dầu ấm hay gia cố thêm các vòng đai sắt cho nó. Vì vậy Basilic chỉ bắn được tối đa 7phát/ngày và người Byzantine cũng có chút thời gian để gia cố lại những chỗ tường thành bị hư hỏng do những phát đạn của nó gây ra. Người Byzantine đứng trên tường thành cũng bắn trả bằng những khẩu đại bác nhỏ hơn của chính họ, tuy nhiên loại súng này cũng có những bất lợi của mình và chúng thường gây thiệt hại cho chính người sử dụng nhiều hơn cho đối phương. Cuối cùng, sau vài tuần khạc đạn hết công suất, không còn chịu nổi áp lực từ những phát súng của chính mình, Basilic nổ tung khi đang bắn trong sự tức giận của Mehmet, nòng súng vỡ ra giết chết nhiều người trong đội vận hành, trong đó có lẽ có cả Urban, người tạo ra nó. Nhưng dầu sao, nó và những khẩu pháo nhỏ hơn cũng đã gây ra thiệt hại không gì cứu chữa nổi lên bức tường tội nghiệp.

Hồi quân dù có pháo binh hùng hậu yểm trợ nhưng lực lượng giữ thành cũng tu sửa ráo riết cả ngày lẫn đêm nên cuộc vây hãm kéo dài đến gần hai tháng và các bên đều đã mệt mỏi. Nhiều đợt tấn công do Hồi quân phát động đã bị đẩy lùi. Tuy vậy đối với lực lượng giữ thành ít hơn nhiều lần thì những thiệt hại quá lớn đã đẩy họ tới giới hạn và số phận của họ coi như đã được định đoạt. Mehmet ra lệnh tiến hành đợt tấn công cuối cùng vào nửa đêm rạng sáng ngày 29/5/1453. Quân Ottoman, đông đảo nhưng phần lớn ô hợp và trang bị kém, tràn lên không theo một chiến thuật nào. Người Byzantine kiên cường kháng cự. Lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện và tồn tại hơn 100 năm, những khẩu đại bác thể hiện được toàn bộ uy lực và sức mạnh hủy diệt mà những người tạo ra chúng đã dự định. Trời đất rung chuyển bởi những tiếng nổ ầm ầm ghê rợn mà trước đó các cuộc xung đột giữa loài người chưa bao giờ được chứng kiến. Súng to súng nhỏ trong đội pháo binh khổng lồ của Ottoman nã tới tấp vào chỗ tường thành mà trước đó đã bị những khẩu đại pháo làm cho suy yếu và chỉ được vá víu tạm thời bằng đất, đá, gỗ, cuối cùng đục thủng được một lỗ ở bức tường phía ngoài và quân Ottoman phá rộng lỗ này để chui vào bên trong. Họ ùa vào thành một cách vô trật tự. Hoàng đế Constantine XI chết trong cuộc chống trả. Cuối cùng quân Ottoman cũng chiếm được thành phố nhưng với thương vong khủng khiếp.

Kể từ khi cách thức chế tạo thuốc súng lần đầu tiên được ghi chép tại phương Tây vào thế kỷ 13 bởi Roger Bacon, những phiên bản sơ khai của đại bác lần lượt xuất hiện tại châu Âu cũng như các nước Hồi giáo và Byzantine, trong khoảng thời gian cách nhau chừng vài – vài chục năm, bắt đầu từ thế kỷ 14 (lần đầu tiên loại đại bác bằng kim loại và bắn đạn sắt được đưa vào sử dụng tại châu Âu có lẽ là trong cuộc Chiến Tranh Metz vào năm 1324, hoặc trong cuộc Chiến Tranh Trăm Năm). Một thế kỷ sau đó, công nghệ đúc súng của châu Âu đứng đầu thế giới, Hồi giáo cố gắng bắt chước theo châu Âu còn Byzantine thì bị tiêu diệt.

Công nghệ chế tạo đại bác bắt đầu từ cuối thời Trung Cổ đã biến những hệ thống phòng thủ của chính thời đại này dù là kiên cố bậc nhất, tưởng chừng như bất khả xâm phạm cũng trở nên lỗi thời và làm thay đổi triệt để bộ mặt chiến tranh của nhân loại cho tới tận ngày nay.

Cre: Make Christianity Great As Always

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *