LỊCH SỬ CỘNG HÒA BỒ ĐÀO NHA GIAI ĐOẠN 1911 – 1974 – Part Cuối

LỊCH SỬ CỘNG HÒA BỒ ĐÀO NHA GIAI ĐOẠN 1911 – 1974

Part Cuối

Bồ Đào Nha trong Đệ nhị Thế chiến
Trong những năm trước WWII, Salazar củng cố mối quan hệ tốt đẹp với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trừ Liên Xô. Mong muốn giữ cho nước Bồ Đào Nha được trung lập, ông đã ký một loạt hiệp định không xâm phạm lẫn nhau với các cường quốc Âu châu trong Nội chiến Tây Ban Nha (1936 – 1939). Tuy vậy, các hoạt động quân sự của Liên Xô cộng với các chính sách thiên tả của Cộng hòa Tây Ban Nha buộc Salazar phải hậu thuẫn cho phe Quốc gia của Francisco Franco, bằng cách cho phép 20000 tình nguyện quân đến chiến đấu cho Franco. Cuộc chiến khốc liệt dần lan rộng, Salazar đành huy động thành lập Binh đoàn Bồ Đào Nha (Legião Portuguesa) để củng cố tình hình trị an đất nước.

Là con chiên ngoan đạo, Salazar ngưỡng mộ Benito Mussolini vì đã giải quyết êm đẹp xung đột giữa Tòa Thánh Vatican và Nhà nước Ý, nhưng ông không ưa chính quyền Đức Quốc Xã bởi những chính sách hạn chế, đàn áp tôn giáo của họ (Đức Quốc Xã chú trọng khoa học và từ chối lý luận thần học của Cơ đốc giáo). Ông còn kịch liệt phản đối cuộc xâm lược Ba Lan, một nước theo Công giáo, cũng như ngấm ngầm ủng hộ phe Đồng Minh từ sớm.

Bồ Đào Nha vẫn duy trì chính sách trung lập trong WWII, nhưng vẫn giữ nguyên hiệp định liên minh Anh – Bồ truyền thống. Theo đó, Anh sẽ cố gắng bảo vệ tình trạng trung lập và chủ quyền của Bồ Đào Nha, đổi lại, Bồ Đào Nha sẽ cho Anh, Mỹ xài ké căn cứ quân sự ở quần đảo Azores và cung cấp các mặt hàng như đồng và crom để tiếp sức cho nền công nghiệp thời chiến của phe Đồng Minh. Dù đã tuyên bố trước cộng đồng quốc tế, song không phải nước nào cũng tôn trọng sự trung lập của Bồ Đào Nha, đặc biệt là Nhật. Ngày 19/2/1942, nghe được tin một toán quân Đồng Minh đang tạm trú ở Timor thuộc Bồ, quân Nhật tiến hành đổ bộ lên hòng truy kích bằng hết lính Đồng Minh. Sau 3 ngày chiến đấu ác liệt, một bộ phận lớn đầu hàng quân Nhật. Tuy nhiên, khoảng vài trăm lính Úc rút vào rừng sâu, tiếp tục kháng cự ngoan cường. Bị cả hai phe tham chiến xâm phạm lãnh thổ, nhưng với Salazar thì sự hiện diện của quân Nhật đáng lo ngại hơn rất nhiều. Vì vậy, ông đã ra chỉ thị mật, kêu gọi các đơn vị lính Bồ đồn trú cùng toàn thể nhân dân Timor che chở, tiếp tế và phối hợp với quân Đồng Minh tổ chức chiến tranh du kích kháng Nhật, khiến cả sư đoàn sa lầy trên đảo Timor trong suốt cuộc chiến, tạo điều kiện thuận lợi cho quân Đồng Minh tập kết và mở các chiến dịch tấn công quân Nhật trên mặt trận Thái Bình Dương.

Trong chiến tranh, bên cạnh Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha là niềm hy vọng cho những ai muốn tỵ nạn. Các số liệu thống kê khoảng 100 ngàn đến 1 triệu người đã từng lưu vong tỵ nạn ở Bồ Đào Nha, một con số rất lớn nếu đem so với dân số 6 triệu của Bồ Đào Nha thời bấy giờ. Ngày 26/6/1940, 4 ngày sau khi Pháp đầu hàng Đức, Salazar cho phép di dời trụ sở chính của Hội Hỗ trợ người nhập cư Do Thái (HIAS) từ Paris về Lisbon. Tháng 7/1940, cư dân ở Gibraltar (một lãnh thổ của Anh nằm trên bán đảo Iberia) được sơ tán, đề phòng bị quân Đức – Ý đánh úp, riêng tỉnh Madeira chấp nhận chứa 2500 người tỵ nạn, đa phần là phụ nữ và trẻ em. Năm 2010.một bia tưởng niệm công lao của nhân dân Madeira được dựng nên tại đây. Theo chỉ đạo của Salazar, đại sứ Bồ Đào Nha tại Hungary Carlos Sampaio Garrido đã che giấu và bảo vệ cho khoảng 1000 người Do Thái. Ngày 28/4/1944, cảnh sát mật Gestapo đột kích vào nơi ở của đại sứ, bắt giữ ông và tất cả những người trong nhà lúc đó, nhưng sau đó ông được thả ra. Năm 2010, Garrido được ghi công tại Yad Vashem và phong tặng danh hiệu Người danh ngoại công chính vì những đóng góp của ông trong việc bảo vệ và giải cứu người Do Thái.
Những ngày hậu chiến
Sau chiến tranh, năm 1949, Bồ Đào Nha trở thành một trong những thành viên sáng lập của khối NATO, nhưng phải đến năm 1955 Bồ Đào Nha mới được chính thức gia nhập Liên Hiệp Quốc do bị Liên Xô ngăn cản. Vào thập niên 50 – 60, mô hình kinh tế của Salazar dần lỗi thời, kinh tế Bồ Đào Nha không còn phát triển nhanh chóng như trước nữa. Tuy vậy, ông vẫn duy trì đường lối cũ sau hàng chục năm vận hành. Thế rồi Salazar cũng vẫn chấp nhận cởi mở thoáng hơn một chút trong bối cảnh hậu chiến, chẳng hạn như cho phép các đảng đối lập được hoạt động công khai ở mức độ hạn chế, người dân được tự do ngôn luận, có quyền chỉ trích Nhà nước trong một chừng mực nào đó.

Bồ Đào Nha tiếp tục từ chối thi hành yêu sách của Liên Hiệp Quốc về vấn đề trao trả độc lập cho thuộc địa. Thay vào đó, Angola, Mozambique, Guinea, Goa và Timor được chính thức sáp nhập thành tỉnh hải ngoại của Bồ Đào Nha với địa vị ngang hàng với các tỉnh nội địa. Goa tuy có diện tích nhỏ bé nhưng lại là một thuộc địa cực kỳ phát triển, bình quân đầu người cao ngất ngưỡng. Ấn Độ từ lâu luôn thèm khát Goa, muốn sáp nhập mảnh đất trù phú này vào nước mình, vì vậy luôn tìm cách khiêu khích, kiếm cớ. Ngày 18/12/1961, quân Ấn xâm lược (hay nói theo cách của họ là giải phóng) Goa và đến ngày hôm sau thì làm chủ được hòn đảo này. Sự kiện này đến nay vẫn gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận quốc tế, người thì ca ngợi sự sáp nhập đảo Goa là một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kẻ thì lên án hành vi này là sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ Bồ Đào Nha một cách trắng trợn.

Không chỉ mất Goa, Bồ Đào Nha còn vấp phải phong trào đấu tranh vũ trang chống lại chính quyền và đến năm 1964 thì còn lan ra cả Mozambique và Guinea. Tính đến năm 1974, hơn 140 000 quân, tức 80% quân số Bồ Đào Nha hiện diện ở châu Phi để trấn áp các cuộc nổi dậy (Fact: hơn 60% lực lượng Bồ Đào Nha tác chiến tại châu Phi là người da đen).

Thương vong của quân Bồ khá nhẹ, và phần lớn các trận chiến đều diễn ra với quy mô nhỏ, cách xa những khu tập trung dân cư đông đúc. Chỉ có Guinea là quân nổi dậy giành được quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Chung quy, lính Bồ Đào Nha đã kiểm soát được tình hình và cô lập các lực lượng phiến quân. Theo nhiều nhà quan sát, dường như Bồ Đào Nha vẫn có thể tiếp tục trụ vững tốt và cuộc chiến coi như đã kết thúc với phần thắng nghiêng về Bồ Đào Nha.

Các cuộc chiến tranh thuộc địa trên không hề ảnh hưởng đáng kể đến sự ổn định của kinh tế Bồ Đào Nha và các tỉnh hải ngoại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt mức 5% – 7%. Sản xuất vẫn tiếp tục tăng vọt ở Angola và Mozambique, nhất là những đô thị lớn. Một dự án lớn nhằm phát triển nông thôn Mozambique được tiến hành, bên cạnh dự án khai thác dầu khí tại vùng Cabinda của Angola (trớ trêu thay, phần lớn vốn đầu tư để thực hiện các dự án đó lại đến từ các nước lên án chế độ thực dân).

Có lẽ Salazar chính là người để lại dấu ấn đậm sâu nhất trong lịch sử Bồ Đào Nha hiện đại. Sau 40 năm cai trị Bồ Đào Nha, cuối cùng tháng 6/1968, Salazar hứng chịu một cơn trụy tim nặng, phải rút lui khỏi chính trường, đến năm sau thì ông qua đời.
Giờ tàn cuộc

Sau cái chết của Salazar, Marcello José das Neves Caetano được bổ nhiệm làm Tân Thủ tướng. Caetano là một giáo viên, luật sư và là một học giả có uy tín trên quốc tế. Ông cũng là một trong những người tham gia soạn thảo Hiến pháp năm 1933. Ông có tư tưởng ôn hòa và ủng hộ các trào lưu tiến bộ ở châu Âu đương thời. Năm 1960, Caetano từ chức Hiệu trưởng Đại học Lisbon nhằm phản đối cảnh sát đàn áp sinh viên biểu tình. Không như Salazar, ông xuất thân từ tầng lớp trung lưu, là một chính trị gia hoạt bát, năng động và tiếp xúc rất nhiều với mọi tầng lớp trong xã hôi.

Ông tích cực đề xuất mở cửa cho Bồ Đào Nha và ủng hộ xây dựng thị trường tự do, đặt trọng tâm lên tiêu dùng hàng hóa mà lại chưa chú trọng đến sản lượng sản xuất. Về dài hạn thì chính sách này tạo điều kiện để cải cách kinh tế Bồ Đào Nha theo hướng mới về sau, tuy nhiên trước mắt lạm phát bắt đầu tăng cao trong những năm đầu thực hiện, điển hình là gạo và cá tuyết, hai thứ thực phẩm quan trọng hàng đầu của công nhân lạm phát đến 15%

Caetano không có nhiều quyền lực như Salazar, cũng như không tài năng bằng người tiền nhiệm của mình. Vì vậy, trong lúc đó, Tổng thống Tomás, một nhân vật cực kỳ bảo thủ được hậu thuẫn mạnh mẽ từ giới chính trị gia cánh hữu dần dần chiếm được nhiều quyền lực hơn. Tomás đe dọa sử dụng quân đội để gây áp lực lên Caetano, buộc ông phải thủ tiêu các chính sách tự do.

Tuy nhiên, giới quân đội Bồ Đào Nha của năm 1974 giờ đã khác hoàn toàn với thời Salazar mới cầm quyền. Từ sỹ quan, tướng lĩnh đến người binh nhì đều thấm nhuần tư tưởng tiến bộ của thế giới đương thời. Họ không muốn phải sống dưới một chế độ kiềm hãm quyền tự do của con người chỉ để đổi lấy miếng cơm sống qua ngày. Cộng thêm các cuộc chiến tranh thuộc địa dù không đổ máu nhiều nhưng đã khiến binh sỹ mệt mỏi, chán chường sau 20 năm chinh chiến. Vì lẽ đó, binh sỹ Bồ Đào Nha đã thành lập Phong trào Quân lực (Movimento das Forças Armadas – MFA) nhằm đấu tranh chống chế độ. Ngày 25/4/1974, Cách mạng Hoa cẩm chướng bùng nổ, binh lính MFA tấn công các trụ sở của chính quyền và bắt giữ Caetano cùng Tomás. Chính quyền quân sự lâm thời được thiết lập do tướng António de Spínola lãnh đạo nhằm trông coi đất nước trong lúc chờ đợi một chế độ mới thay thế.
Chi tiết hơn về Cách mạng Hoa Cẩm Chướng, các bạn có thể đọc bài của bạn Phạm Đăng: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1123754037975898/

Kết:
Có lẽ nước Bồ Đào Nha vào những năm 1990 sẽ rất xa lạ đối với những ai đã từng viếng thăm đất nước này lần cuối vào thời điểm thời điểm ngay trước khi Cách mạng bủng nổ năm 1974. Tất cả những gì bị kìm hãm trong xã hội cũ được cởi trói và vùng lên: nhạc pop, văn hóa hippie, quyền dân chủ và tự do cá nhân,… Sau cách mạng, Bồ Đào Nha từng bước hiện đại hóa và được chính thức chấp nhận trở thành thành viên của Cộng đồng Châu Âu (EC), sự thay đổi trong xã hội vẫn tiếp tục tiếp diễn, nhưng không mãnh liệt như những năm 1970, thời điểm chính quyền quân sự thực hiện cải tổ triệt để trên mọi lĩnh vực.
Trước năm 1974, Bồ Đào Nha là một xã hội câu nệ truyền thống. Các tầng lớp trong xã hội bị chia rẽ rạch ròi, cứng ngắc. Một người sinh ra trong tầng lớp nào thì sẽ phải sống mãi trong tầng lớp đó đến cuối đời. Từ cách ăn mặc, đi đứng, nói chuyện, xử sự đều được quy định cụ thể. Nhiều người đến đây mà cứ tưởng là mình đang thăm một đất nước ở thế kỹ XIX.

Nhưng ngay trong xã hội bảo thủ ấy, sự thay đổi cũng đã ngấm ngầm hình thành nhờ sự phát triển của nền kinh tế vào những năm 60. Tầng lớp trung lưu và các công đoàn ngày càng đông đảo và mạnh mẽ hơn, tiếp thu những yếu tố mới từ bên ngoài nhiều hơn, tạo tiền để cho những cải tổ về sau.

Về sau, khi đã thiết lập nền chế độ dân chủ Đệ tam Cộng hòa, những di sản về mặt xã hội để lại từ thời Estado Novo vẫn còn đó. Đó là những áp lực về giáo dục, ruộng đất, công việc, y tế, nhà ở và bình đẳng xã hội vẫn chồng chất trên vai nền Cộng hòa non trẻ. Mặc dù có những bước tiến vượt bậc trong kinh tế – tài chính những năm 80 – 90, Bồ Đào Nha vẫn là một nước nghèo tính theo tiêu chuẩn của phương Tây.

Hơn nữa, những kỳ vọng quá cao của nhân dân vượt quá khả năng đáp ứng của chế độ mới cũng là một khó khăn. Tham gia vào EC vào năm 1992 đồng nghĩa với việc không còn thuế quan cho hàng hóa nhập vào Bồ Đào Nha lại càng gây trở ngại cho Bồ Đào Nha. Bất chấp những khó khăn trên, Bồ Đào Nha dần tiến gần hơn với tương lai mới: Một thời kỳ ổn định, dân chủ chờ đón nước Bồ Đào Nha.
Hết

Cảm ơn mọi người đã theo dõi loạt bài của mình trong thời gian qua.
#bodaonha
#19111974
#estadonovo

Nguồn tư liệu tham khảo:

http://history-of-portugal.blogspot.com/2010/03/first-and-second-republic-1910-1974.html

https://en.wikipedia.org/wiki/Estado_Novo_(Portugal)

https://en.wikipedia.org/wiki/Portugal_during_World_War_II

https://www.britannica.com/place/Portugal/The-New-State-after-Salazar




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *