Các cảnh chết đuối mà bạn thấy trên phim và TV hoàn toàn không giống ngoài đời thực. Nạn nhân bị đuối nước không có nhiều sự quẫy đạp hay kêu cứu, do thiếu oxy phổi nhanh chóng ngập nước và tim ngừng đập.
Các lí do dẫn đến chết đuối (đuối nước) có thể kể đến như t.ự t.ử bằng cách nhảy cầu, ngạt nước, những người không biết bơi ngã xuống nước, hoặc trẻ em ngã cắm đầu vào chậu nước hay bồn tắm, ngất đột ngột khi vừa tiếp xúc với nước, lặn sâu dưới nước khi hết hơi không ngoi lên kịp bị ngạt, bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút rồi ngất đi…
Khi bắt đầu được Thần chết ghé thăm, tim sẽ ngừng đập, cơ thể lúc này sẽ thả lỏng. Sau vài phút, cơ thể sẽ trở nên lạnh (quá trình mát lạnh tử thi – algor mortis) do thiếu sự lưu thông của máu và cũng bởi nhiệt độ ở dưới nước thấp hơn bình thường.
Khi mới rơi xuống nước, thi thể sẽ chìm nhanh chóng do sự xuất hiện của nước trong phổi và dạ dày. Sau 30 phút đến 1 giờ đồng hồ, da ở lòng bàn tay, bàn chân bắt đầu trắng nhợt vì ngâm nước. Vết hoen tử thi (là những mảng màu đỏ tím nhạt xuất hiện trên da và nội tạng sau khi cơ thể chết) xuất hiện nhanh và lan rộng.
Người chết đuối sẽ có bọt sùi ra tại khoang mũi và miệng, được gọi là nấm bọt, chỉ xảy ra khi hô hấp trong nước (nếu nạn nhân đã chết trước khi rơi xuống nước sẽ không có hiện tượng này).
Sau 15 đến 24 giờ, tử thi bắt đầu thối rữa. Lúc này, vi khuẩn trong cơ thể bắt đầu tự tiêu hóa, tạo ra khí gas khiến xác trương phềnh, nổi lên. Do đã ngâm nước quá lâu, da người chết nhợt dần, nhăn nheo, trắng bệch, mất đi sự đàn hồi và bong dần. Ngoài ra khi nổi lên, được tiếp xúc với không khí và ánh sáng, những vùng thi thể lộ ra chuyển màu xanh hoặc nâu đen.
Từ 24 – 48 giờ tiếp theo, lớp biểu bì trên cơ thể bắt đầu tách rời. Ở gan bàn tay và chân xuất hiện hiện tượng “lột găng” và “lột bít tất” (thuật ngữ khi khám nghiệm tử thi, ám chỉ sự lột da hoàn toàn ở 2 vùng này).
Trong khoảng thời gian 5 – 15 ngày tiếp theo là giai đoạn “rùng rợn” nhất. Lúc này lông tóc, móng tay thi thể đã rụng, còn lớp da đầu cùng lớp thịt bong hoàn toàn, còn trơ xương sọ. Các cơ quan nội tạng rữa ra, phân hủy dần.
Tuy nhiên, nếu môi trường nước có nhiệt độ khá thấp (dưới 21 độ C), thi thể sẽ hình thành một lớp “sáp mỡ tử thi” – chất adipocere (hợp chất hình thành từ chất béo do vi khuẩn phá hủy các mô tạo thành), đóng vai trò như một lớp bảo quản tự nhiên.
Nhưng trong khoảng thời gian này, cơ thể giống như bàn tiệc dành cho những loài thủy sinh nhỏ như cua, cá – chúng có thể đến rỉa những mô mềm trên khuôn mặt (mắt, môi…). Ngoài ra, những loài cá lớn hơn có thể xuất hiện, đẩy nhanh quá trình phân hủy xác, để sau cùng chỉ còn lại bộ xương.
TẠI SAO XÁC chết THƯỜNG NỔI TRÊN MẶT NƯỚC SAU 3 NGÀY ?
Thông thường, một xác chết bị rơi xuống nước sẽ bắt đầu chìm ngay sau khi lượng không khí có trong phổi bị thay thế bởi lượng nước tràn vào trong đó.
Khi bị chìm xuống, cơ thể sẽ bị nằm trong nước cho đến khi các vi khuẩn trong ruột và ngực nạn nhân sản xuất ra đủ các loại khí: methane, hydrogen sulfide, và carbon dioxide khiến cho cơ thể nổi được trên mặt nước như một chiếc khí cầu. (Việc hình thành các loại khí đủ để khiến cho cơ thể có thể nổi lên cần nhiều ngày hoặc hàng tuần, phụ thuộc vào nhiều yếu tố.)
Sau khi chết 2 giờ tử thi bắt đầu sẽ co cứng, sau đó 48 – 72 giờ, hiện tượng co cứng mất đi. Nếu ở trong môi trường nước thời gian đó có thể tăng lên. Sau 36 giờ, cơ thể có dấu hiệu phân huỷ, khi đó các tế bào trong cơ thể sẽ bị trương lên, khí sinh ra tích trong bụng như vậy sẽ làm cho thể tích của người tăng lên mà khối lượng không giảm, do đó sẽ nhẹ hơn khối lượng riêng của nước làm cho người chết nổi lên. Ở dưới nước sự thoát hơi nước của tử thi giảm nên càng bị trương nhanh do đó sau thi chết khoảng 3 ngày, xác chết dưới nước bắt đầu nổi lên.