Ý NGHĨA BIỂU TƯỢNG THIÊN NHÃN TRONG ĐẠO CAO ĐÀI

Đạo Cao Đài hay Cao Đài giáo là một tôn giáo độc thần được thành lập ở Miền Nam của Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, năm 1926.

Tên gọi Cao Đài theo nghĩa đen chỉ “một nơi cao”, nghĩa bóng là nơi cao nhất ở đó Thượng đế ngự trị; cũng là danh xưng rút gọn của Thượng đế trong tôn giáo Cao Đài, vốn có danh xưng đầy đủ là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Để tỏ lòng tôn kính, một số các tín đồ Cao Đài thường gọi tôn giáo của mình là Đạo Trời.

Tín đồ Cao Đài tin rằng Thượng đế là Đấng sáng lập ra các tôn giáo và cả vũ trụ này. Tất cả giáo lý, hệ thống biểu tượng và tổ chức đều được “Đức Cao Đài” trực tiếp chỉ định. Và đạo Cao Đài chính là được Thượng đế trực tiếp khai sáng thông qua Cơ bút cho các tín đồ với nhiệm vụ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (chữ Hán: 大道三期普度), có nghĩa là Nền đạo lớn cứu khổ lần thứ Ba.

Cơ bút là nghi lễ cầu cơ và chấp bút, là một nền tảng của đạo Cao Đài, được cho là đã khai sinh ra và là phương tiện giảng truyền của tôn giáo này. Cao Đài gọi là những phương pháp Thông công ( Thông công là những cách thức nhằm giao tiếp với thế giới siêu tự nhiên như xây bàn, cầu cơ, chấp bút (gọi tắt là cơ bút)… Các phương tiện để sử dụng phép thông công được xem là những Bửu Pháp, tức những vật dụng tôn quý, của tôn giáo này)

Đạo Cao Đài thờ Thượng Đế bằng hình ảnh con mắt trái, gọi là Thiên Nhãn.

Thiên Nhãn là sự thể hiện quyền năng giám sát và điều động của vũ trụ, quyền năng tối cao là Thượng Đế.

Thiên Nhãn còn biểu thị sự cảm thông giữa con người và vũ trụ, có ý nghĩa rất quan trọng với người tín đồ Cao Đài, nhắc nhở tín đồ rằng mọi cử chỉ, hành động, luôn luôn có Thượng Đế soi xét

_______

Thờ Thiên Nhãn bao gồm nhiều ý nghĩa:

Về hình thể:

  • Trong dân gian thường nói :” Trời cao có mắt “ – để chỉ rằng Ông Trời, nhìn thấy rõ tất cả những hành vi thiện ác của khắp chúng sanh, dù bộc lộ ra ngoài hay giấu giếm kín đáo bên trong.Thờ Thiên Nhãn với con mắt mở, để chúng ta luôn luôn nhớ rằng, bất cứ ta làm việc gì, Trời đều thấy rõ, không thể giấu giếm, cũng không thể sau này chối cãi được
  • Vẽ MỘT con Mắt để thờ, mà không vẽ 2 con Mắt (một cặp) là bởi vì 1 là số khởi thủy của Càn khôn Vũ trụ và vạn vật (theo Dịch học) : 1 sanh 2, 2 sanh 3, 3 sanh vạn vật. Cho nên, số 1 là gốc, lại là số Dương, mà Ðức Chí Tôn làm Chủ Dương quang, thì rất hợp lẽ. Số 1 cũng chỉ ngôi Thái Cực, là ngôi độc nhứt trong Càn Khôn Vũ trụ.
  • Vẽ Con Mắt bên TRÁI để thờ, chớ không phải vẽ Con Mắt bên Mặt, bởi vì bên Trái thuộc về Dương, bên Mặt thuộc về m, nên khi vào Thánh Thất quì cúng Ðức Chí Tôn, phái Nam quì bên Trái của Ðức Chí Tôn; phái Nữ quì bên Mặt của Ðức Chí Tôn (Nam tả Nữ hữu).
  • Thờ Thiên Nhãn có ý nghĩa Ðại đồng. Bất cứ sắc dân nào, dân tộc nào cũng biết vẽ Con Mắt để thờ, và vẽ hình Con Mắt không có tính cách phân biệt chủng tộc, nên có tính chất chung hết, tức là Ðại đồng. ( Như chúng ta thấy, Phật giáo vẽ hình Ðức Phật Thích Ca với hình dáng là người Ấn Ðộ; Thiên Chúa giáo vẽ hình Ðức Chúa Jésus với hình dáng là một người Do Thái; do đó có tánh cách phân biệt về dân tộc, về quốc gia, là thờ người ngoại quốc, . . . Vẽ hình Con Mắt mà thờ thì tránh được các sự phân biệt vừa nêu trên. )

Ý nghĩa theo thiên chúa giáo.

Thiên Chúa giáo có một quyển sách tựa là : “Catéchisme Album ” (Giáo lý Cương yếu) do nhà xuất bản Saint Joseph ở Paris phát hành, nơi trang đầu tiên có in hình Thiên Nhãn (L’Oeil de Dieu) và chú thích như vầy :

” Dieu est esprit, il ne peut être vu de nos yeux, ni, par conséquent, représenté sur une image. C’est OEIL, vous rappelle que Dieu est le souveraine intelligence, qu’il sait tout et voit tout.On l’encadre le Soleil, car Dieu est le Vrai Soleil qui éclaire et réchauffe tout et porte la vie partout. Dieu est la Lumière Éternelle.”

Tạm dịch :

Thượng Ðế là Ðấng thiêng liêng, đôi mắt trần của chúng ta không thể thấy được Ngài, vì thế, không thể mô tả Ngài bằng một hình ảnh.

Thiên Nhãn nầy nhắc cho chúng ta nhớ rằng : Thượng Ðế là Ðấng Toàn Tri, Ngài biết tất cả và thấy tất cả. Người ta vẽ chung quanh Thiên Nhãn những tia sáng của Mặt Trời, bởi vì Thượng Ðế là Ánh sáng vĩnh cửu, soi sáng và sưởi ấm vạn vật và mang đến sự sống khắp nơi.

Biểu tượng Thiên Nhãn cũng được tìm thấy ở nhiều nền văn minh phương Tây và phương Đông

Thiên Nhãn là sự thể hiện quyền năng giám sát và điều động của vũ trụ, quyền năng tối cao là Thượng Đế.
Thiên Nhãn còn biểu thị sự cảm thông giữa con người và vũ trụ, có ý nghĩa rất quan trọng với người tín đồ Cao Đài, nhắc nhở tín đồ rằng mọi cử chỉ, hành động, luôn luôn có Thượng Đế soi xét
Trong thần thoại Ai Cập, Thiên Nhãn được gọi là Mắt của thần Horus, Mắt của Mặt Trăng hay Mắt của thần Ra. Người cổ đại tin rằng biểu tượng bất diệt này sẽ hỗ trợ việc tái kiếp, vì thế người ta đã tìm thấy biểu tượng này dưới lớp vải liệm thứ 12 của xác ướp vua Tutankhamun.
Năm 1782, Thiên Nhãn được chọn là một phần trong biểu tượng khắc trên Quốc ấn (con dấu quốc gia) của Hoa Kỳ. Người ta cho rằng Thiên Nhãn là đề nghị của Pierre Eugene du Simitiere, nhà tư vấn nghệ thuật cho ban thiết kế Quốc ấn. Trên Quốc ấn, Thiên Nhãn được vẽ phía trên một kim tự tháp có 13 bậc, tượng trưng cho 13 tiểu bang đầu tiên của Mỹ. Toàn bộ biểu tượng ngụ ý Thiên Nhãn hay Thượng đế ban ân huệ cho một nước Mỹ thịnh vượng
Ngoài ra Thiên Nhãn còn được nhìn thấy khắc trên con dấu của tiểu bang Colorado. Đặc biệt là trên mặt sau của tờ giấy bạc 1 đô la của Mỹ cũng có biểu tượng này. Chính việc này làm cho nhiều người biết Thiên Nhãn, bởi vì đồng đô la của Mỹ rất phổ biến trên thế giới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *