GIÁO DỤC LỊCH SỬ CẤP TIỂU HỌC Ở NHẬT VÀ MỸ CÓ GÌ KHÁC NHAU?

“Giáo dục lịch sử” ở Việt Nam luôn là một đề tài gây tranh cãi. Việc tham khảo kinh nghiệm giáo dục lịch sử ở các nước khác vì thế là rất cần thiết. Bài viết dưới đây là bản tóm tắt của một bài viết đầy đủ hơn (link ở cuối bài) của tác giả Watanabe Masako.
Vì nhiều lí do cả về lịch sử lẫn xã hội mà hai quốc gia Nhật và Mỹ đã lựa chọn hai cách tiếp cận giảng dạy lịch sử khác nhau. Mặc dù vậy, cả hai cách tiếp cận đều cho thấy sự hiệu quả trong việc đạt được mục tiêu giảng dạy cũng như phù hợp với bối cảnh xã hội.
1 – Trước những năm 70 thì cả Mỹ và Nhật Bản đều coi trọng phương pháp thuyết minh theo dòng chảy của thời gian: Triển khai dần sử kiện theo thời gian và chú trọng vào câu hỏi “HOW” – “Điều đó đã diễn ra như thế nào?”
Ở Nhật, BỐI CẢNH rất được chú trọng và chiếm thời lượng nghiên cứu cao; vì cách tiếp cận của giáo viên sẽ là “Giáo dục đồng cảm” – hỗ trợ học sinh hóa thân vào hoàn cảnh của nhân vật lịch sử để có thể lý giải các sự kiện – nên cần hiểu rất rõ bối cảnh. Cách tiếp cận này được lựa chọn vì: Cách tiếp cận trước đó (lấy sử kiện làm trung tâm) đã trở nên nhàm chán; do vậy “GIÁO DỤC ĐỒNG CẢM” sử dụng các nhân vật lịch sử làm trung tâm được kỳ vọng sẽ giúp học sinh đồng cảm với nhân vật bằng chính trải nghiệm của bản thân.
2 – Sau những năm 70, những chuyển dịch trong xã hội Mỹ đã gián tiếp thúc đẩy cách tiếp cận giảng dạy sử theo hướng “từ kết quả tìm nguyên nhân”: Lựa chọn một sự kiện và đặt câu hỏi “WHY?” – “Tại sao kết quả đó lại diễn ra?” để truy tìm nguyên nhân chính, với sự nhấn mạnh vào các kỹ năng:
+ tri thức (knowledge),
+ hiểu (comprehension),
+ ứng dụng (application),
+ phân tích (analysis),
+ tổng hợp (synthesis),
+ đánh giá (evaluation).
Cách tiếp cận “PHÂN TÍCH VÀ RA QUYẾT ĐỊNH” này có sự tương đồng nhất định với cách tiếp cận “ĐỒNG CẢM” của giáo dục lịch sử Nhật Bản. Điểm khác biệt là: Cách tiếp cận “PHÂN TÍCH” của Mỹ chú ý đến quan hệ nhân quả trong thời gian ngắn (không quá chú trọng bối cảnh mà tập trung xác định xem để đạt được mục tiêu trong tương lai thì cần phải có được điều gì, từ mục tiêu đó lật lại mà quyết định hành động ở hiện tại); còn cách tiếp cận “ĐỒNG CẢM” của Nhật chú trọng nhiều hơn đến cấu tạo chuỗi dài theo mô hình trật tự thời gian.
3 – Tại sao có sự khác biệt này?
3.1 – Với người Nhật, “Giáo dục đồng cảm” là một mô hình được phát triển và kế thừa từ những biến thiên trong lịch sử lâu dài của cải cách giáo dục:
+ Từ phong trào Tân giáo dục (coi trẻ em là trung tâm của học tập, học tập theo tình cảm và cuộc sống của học sinh nhằm giải phóng trẻ em khỏi lối dạy học nhồi nhét của giáo viên kiểu truyền thống thời Minh Trị);
+ Cho đến “Giáo dục cảm thụ hóa” (sử dụng sự thuyết minh và lặp đi lặp lại sự hỏi-đáp giữa giáo viên và học sinh).
+ Thời Showa (sách giáo khoa quốc định lấy trung tâm là nhân vật được biên soạn và cả phương pháp giảng dạy cũng chuyển sang nhấn mạnh giáo dục cảm hóa – xu hướng này tiếp tục cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc).
+ Từ năm 1958, trước tình trạng học sinh thi rớt và sa sút từ ngay cấp tiểu học, phương pháp giáo dục nhờ vào đồng cảm như “tuân theo cuộc sống của học sinh”, “có sự hấp dẫn”, “không phụ thuộc vào sự dạy nhồi nhét của giáo viên”… đã lại lan rộng. => Giờ học dễ hiểu hơn với câu hỏi “HOW” làm cho tất cả trẻ em có hứng thú thay cho giờ học trả lời câu hỏi “WHY”.
3.2 – Với người Mỹ, họ có xuất phát điểm của một dân tộc có tính đồng nhất thấp, trẻ em có nhiều nguồn gốc khác nhau với các giá trị quan, văn hóa khác nhau; do đó có lẽ phương pháp “ĐỒNG CẢM” khó mà áp dụng thành công. Thêm nữa, với việc sửa đổi luật di dân năm 1965, các địa phương ngoài New York cũng có nhiều di dân tới sống, dẫn đến các tranh luận về giáo dục đa văn hóa chú ý tới sự tôn trọng đa giá trị. Trong bối cảnh đó, phương pháp “PHÂN TÍCH VÀ RA QUYẾT ĐỊNH” được lựa chọn vì nó là hình thức đơn giản, là kĩ thuật có thể tiến hành mà KHÔNG CẦN DỰA VÀO GIÁ TRỊ QUAN NHẤT ĐỊNH NÀO. Và như vậy, năng lực phân tích, năng lực phê phán tìm ra điểm chung với đối thủ từ trong tranh luận đã trở thành thử nghiệm chủ yếu ở đại học.
4 – Tóm lại:
4.1 – Trong quan sát giờ học lịch sử của Nhật Bản, trước tiên giáo viên tái hiện lại quá khứ theo thứ tự các sự kiện xảy ra giống như kể lại, bằng việc làm cho học sinh tưởng tượng cảm xúc của nhân vật lịch sử đương thời và gắn kết các sự kiện đã tạo ra xu hướng với cơ cấu giải lịch sử.
Trong khi đó ở Mĩ, trong số các sự kiện đã học theo trình tự thời gian, lấy một sự kiện với tư cách là kết quả rồi ngược dòng thời gian xác định nguyên nhân; tức là khuynh hướng với cơ cấu lý giải lịch sử bằng quy luật nhân quả. Giáo viên thay vì kể mà hỏi lặp đi lặp lại tạo nên giờ học.
4.2 – Với cơ cấu thuyết minh theo thứ tự thời gian ở Nhật, cho dù cho bám theo sách giáo khoa cẩn thận đi nữa thì cũng dựa trên sự lý giải cảm xúc của nhân vật đương thời-thứ mà sách giáo khoa không viết. Thêm nữa, NĂNG LỰC ĐỒNG CẢM trong giờ học được coi là năng lực tư duy.
Trong khi đó ở Mĩ, bằng việc trả lời câu hỏi “tại sao” của giáo viên mà nguyên nhân được lựa chọn từ trong rất nhiều các sự kiện của quá khứ và các thông tin không liên quan trực tiếp kết quả bị loại bỏ. Và ở đó đòi hỏi học sinh NĂNG LỰC PHÂN TÍCH để tiến hành lựa chọn các thông tin xuất phát từ kết quả.
4.3 – Trong cơ cấu triển khai theo thời gian ở Nhật thì mục tiêu là trừu tượng và xa vời. Nó chú ý đến thái độ, mối quan tâm đối với mục tiêu hơn là mức độ đạt được mục tiêu.
Trong khi đó ở Mỹ, cơ cấu kiểu quan hệ nhân quả để xác định mục tiêu có khả năng thực hiện được hay không, nó đặt trọng tâm vào việc kiểm soát môi trường, điều kiện và hành động như thế nào để đạt được mục tiêu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *