Làm sao để một người tự ti trong thời gian dài trở nên tự tin hơn?

1. Nguyên nhân là do từ nhỏ mình đã sống trong một gia đình không mấy vui vẻ, cộng thêm xuất thân nông dân, thành ra mình toàn tiếp xúc với những việc rất “lúa”. Hiện tại mình đang học đại học ở thành phố trực thuộc tỉnh, song mình cảm thấy bản thân có tầm nhìn hạn hẹp, hiểu biết ít so với các bạn khác, nên càng tự ti hơn.

2. Ngoài điều kiện xuất thân ra thì những thứ khác cũng tàm tạm, mình thuộc kiểu người có ngoại hình dáng người, thành tích đứng nhất trường, đạt được học bổng toàn quốc lẫn danh hiệu học sinh ba tốt tại trường, cũng kết bạn với những người rất tốt, nhưng vẫn không thể thay đổi cảm giác tự ti, thấy mình không bằng người ta.

3. Lúc nào cũng muốn phải thật hoàn hảo. Học hành đâu ra đấy rồi thì mình lại đi hâm mộ những bạn hoạt bát tích cực biết ăn nói trong lớp. Kết bạn rất nhiều nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị họ chán ghét cuối cùng bị bỏ rơi, nói chung là lúc nào cũng so sở đoản của mình với sở trường của người ta, kết quả là không nói mọi người cũng biết, mình ngày càng trở nên tự ti hơn, hướng nội hơn. Trên trường lúc nào cũng đơn điệu, luôn thấy mình không bằng người khác, nếu ai mà nhìn mình chằm chằm là mình lại cảm thấy hổ thẹn, nghĩ rằng mình sẽ làm người ta thất vọng. Mình thật sự không muốn sống mãi như thế này nữa, mình nên làm gì đây?

[4k liked]

Để biết một người tự ti hay tự tin, không phải nhìn vào những gì người đó có, mà phải xem họ “cho rằng” bản thân mình có những gì.

Nếu như nội tâm họ luôn ở trong trạng thái âu lo thiếu cảm giác an toàn thì dù cho họ sở hữu nhiều thứ hơn nữa, cũng sẽ bị tâm trí vô thức gạt bỏ, xem những kiểu triệu chứng bệnh ví dụ như tự phủ nhận, tự hoài nghi, thậm chí tự huỷ hoại v,v… như một cơ chế phòng vệ. Trước khi đưa ra kiến nghị, xin phép cho tôi được bạo gan dự đoán tình trạng của bạn.

Trước tiên bàn về hoàn cảnh lớn lên của bạn.

△ Điều kiện gia đình bình thường, bố mẹ bạn sinh ra và lớn lên trong khoảng thời kì cách mạng văn hoá, cả cuộc đời không có được thành tựu nổi bật nào, thuộc thời đại cực kì thiếu cái tôi về mặt tinh thần.

△Trong đó có ít nhất một người (khả năng là mẹ bạn) có tính tình ương bướng, cực kì cố chấp, bề trên (có thể có bệnh hoang tưởng ở một mức nhất định, có biểu hiện là tính khí nóng nảy, khó có thể giao tiếp thông qua lời nói hay logic). Nhưng đôi khi bố/mẹ lại chiều chuộng bạn quá mức.

△Từ khi còn nhỏ họ đã đặt kì vọng vô cùng lớn ở bạn, đồng thời yêu cầu cực kì nghiêm khắc. Thường xuyên trách mắng bạn (thậm chí đánh đập), dù cho bạn có cố gắng ra sao, làm tốt đến thế nào, trước mặt bạn họ đều khịt mũi khinh khi, còn trước mặt người ngoài thì lại cố kiếm tìm cảm giác hơn người bằng sự xuất sắc của bạn. Mặt khác, nếu như bạn không tốt việc gì một chút thôi thì sẽ bị họ phủ nhận ngay. Câu nói bạn thường hay nghe nhất là “Mày xem con nhà XX kia kìa… Sao tao lại phải nuôi một đứa xxx như mày chứ.”

△Họ không thực hiện lời hứa với bạn, chẳng dễ dàng gì có một thứ coi như hi vọng, cuối cùng bạn phát hiện ra nó thật xa vời.

△Bạn đã từng có sở thích nho nhỏ hoặc một nơi gửi gắm tâm hồn nào đó, nhưng bị họ bóp nghẹt với một lí do nào đó (Rất có thể là nói sợ ảnh hưởng đến thành tích học tập của bạn). Chung quy, dường như tất cả động lực trong cuộc sống trước kia của bạn đến từ việc không ngừng nỗ lực khiến bố/mẹ hài lòng.

Lớn lên trong môi trường như vậy đã dẫn đến việc bạn có rất nhiều triệu chứng bệnh. Ví dụ:

1. Theo chủ nghĩa hoàn hảo, rối loạn hành vi cưỡng chế (OCD). Rất nhiều người không bận tâm đến tiểu tiết, nhưng những thứ đó lại có sức thu hút sự chú ý rất lớn đối với bạn. Những khu vực riêng tư như giường, kệ sách v,v… bạn phải làm nó gọn gàng sạch sẽ hơn người khác.

2. Đối với yêu, vừa khao khát cũng vừa trốn tránh. Khao khát tất cả kiểu tình cảm ấm áp như tình bạn, tình yêu v,v… Sợ hãi bị người khác phủ nhận, do đó dù có chịu uất ức cũng muốn làm hài lòng người khác, một khi có người đối xử tốt với bạn là bạn sẽ cảm động không nói nên lời, bạn thường sẽ lâm vào trạng thái đáp trả một cách điên cuồng, không có lí trí. Nhưng không bao giờ bạn chủ động, vì sự chủ động của người khác mới đem lại cảm giác an toàn cho bạn. Vì thế trong mắt những người khác, bạn trông có vẻ hơi hướng nội một chút. Bạn sợ sẽ nợ ân tình của người khác.

3. Sợ những ánh nhìn và bình luận của người khác, thiếu chủ kiến, thường xuyên bị suy nghĩ của người khác chi phối.

4. Tính hiếu thắng mạnh mẽ. Cảm xúc thì tự ti, nhưng lại muốn mình trở nên giỏi giang, cứng cỏi ở nhiều mặt. Vì thế mà dù đã trở nên giỏi nhưng vẫn muốn mình giỏi hơn nữa.

5. Trước khi làm việc gì luôn suy nghĩ vô số tình huống có thể xảy ra đồng thời lập ra những kế hoạch tương ứng, nhưng thứ bạn suy nghĩ nhiều nhất là những khả năng tiêu cực.

6. Người trông ốm, nhưng ăn uống lại khá nhiều, so với những người có hình thể ngang nhau, thì có vẻ bạn ăn nhiều hơn.

7. Có xu hướng trì hoãn ở rất nhiều chuyện.

… và còn rất rất nhiều biểu hiện khác nữa mà tôi không nói cụ thể nữa.

Có thể những dự đoán trên không hoàn toàn đúng 100%, nhưng nếu đúng phần lớn thì mời bạn tiếp tục đọc.

Đầu tiên tôi sẽ kể đến cách để khắc phục những vấn đề do tự ti mang đến. Căn nguyên của tất cả đau khổ đều do sâu trong đáy lòng bạn thiếu cảm giác an toàn và thiếu sự khẳng định bản thân trầm trọng. Còn những biểu hiện này đều là cơ chế phòng vệ của tâm trí vô thức hình thành nhằm ứng phó với lo âu, quan hệ nhân quả cụ thể tôi không phân tích cặn kẽ nữa dài quá rồi.

Cách giải quyết xoay quanh hai điểm cơ bản: Cảm giác an toàn và khẳng định bản thân. Bạn có thể dựa vào hai hướng này để tìm cho mình một phương pháp phù hợp cụ thể, chứ không thể tồn tại một phương pháp nào có thể áp dụng phù hợp với tất cả mọi người. Một vài kiến nghị tôi đề xuất dưới đây chỉ để tham khảo.

1. Rũ bỏ sự ỷ lại quá mức vào cách suy nghĩ của người khác, lập cho mình một hệ thống đánh giá.

2. Tạo ra môi trường sống tích cực, tránh xa các nguồn cơn áp lực. Dựa vào kinh nghiệm trước đây của tôi, ý định thay đổi sự cố chấp, bề trên của bố mẹ là không thể. Cho nên, cố gắng đừng ở cùng bố mẹ lâu. Đương nhiên vẫn phải tận hiếu. Cụ thể nên làm thế nào phải xem tình hình của từng người.

3. Thường xuyên hoàn thành những việc thuộc sở trường của mình, tạo nên cảm giác thành công. Bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt, từng chút loại bỏ cảm giác bất lực với cuộc sống, thúc đẩy cảm giác khống chế.

4. Đối mặt với nỗi sợ.

Chúng ta thường phạm phải sai lầm là “Sợ hùm sợ cả phân hùm”, trở nên âu lo, bất an khi đối mặt với tất cả những thứ mình không quen thuộc. Bạn càng để ý, thì sẽ càng chạy trốn trong vô thức. Ví dụ như sợ tình yêu, chưa bao giờ chủ động liên lạc với những người bạ cũ v,v… Sự trốn tránh này sẽ khiến chúng ta bỏ lỡ rất nhiều kỉ niệm đẹp, cơ hội tốt. Cho nên, bạn buộc phải ép mình đối diện với những âu lo, sợ hãi, lúc đó bạn sẽ phát hiện, có những thứ trông thì đáng sợ đấy, nhưng bạn có khả năng khống chế được nó. Thử bàn lùi lại một chút, cho dù bạn thật sự đụng mặt “hùm”, cũng không có gì lớn lao cả, đau vài lần sẽ quen thôi. Cứ ở lì trong vòng an toàn của mình trốn tránh mưa bão ngoài kia, cũng sẽ khiến chúng ta bỏ lỡ những tia nắng mặt trời và cầu vồng rực rỡ.

Tiếp theo tôi sẽ kể đến ưu thế của những người có tính cách như chúng ta. Không sai! Ai nói người tự ti là “con ghẻ” của tạo hoá chứ? Trên một ý nghĩa nào đó, thậm chí chúng ta còn là “con cưng” của tạo hóa đấy.

Vì nội tâm luôn thiếu đi cảm giác an toàn và cảm giác được công nhận, nên tâm trí vô thức của người tự ti cần phải kiếm tìm sự bù đắp và trốn tránh từ thế giới bên ngoài, cho nên thường thường sản sinh triệu chứng thèm khát đối với một yêu cầu nào đó. Tính hiếu thắng quá mạnh chính là một trong những biểu hiện của bệnh này.

Nói đơn giản, thì chính là “nghiện”. Ví như trong số những người tự ti nghiêm trọng tôi từng gặp, có cô gái bị bệnh nghiện ăn, có người phụ nữ trẻ bị nghiện tình dục mãnh liệt, còn bản thân tôi thì nghiện đọc sách và nghiện suy nghĩ. Nếu như không có sự dẫn dắt cho những thèm khát trong tính cách, rất có khả năng gây ra việc nhân cách tàn lụi thậm chí sa ngã. Ngược lại, nếu như có thể khiến bản thân hình thành một kiểu “nghiện” lành mạnh, vậy thì bệnh tình đó sẽ trở thành cội nguồn tinh thần cho chúng ta không ngừng trưởng thành.

Nói tóm lại, bất kể là khắc phục vấn đề do tự ti mang đến, hay là tận dụng ưu thế của tính cách này thì đều cần quá trình dài tích luỹ. Cần phải không ngừng quan sát bản thân, tiến hành phân tích và điều hoà những xung đột trong nhân cách, thậm chí có khi vì sự điều hoà này sẽ dẫn đến những vấn đề phức tạp mới.

Đương nhiên có nhiều người không giải quyết được sự xung đột trong đầu, cuối cùng đi đến bước đường tự kết liễu. Tuy nhiên tình huống như vậy họ thường đều bị bệnh trầm cảm nặng. Năm học năm ba đại học tình trạng của tôi không hề ổn chút nào, cũng từng có những suy nghĩ tiêu cực nguy hiểm trong đầu, nhưng sau khi vượt qua những tháng ngày đau khổ đó, tôi nghĩ được sống đúng là có lợi.

Đây là con đường trải đầy gai nhọn. Nhưng xin bạn đừng sợ hãi, cũng đừng sốt sắng. Mặc dù nghe có hơi “đạo lý”, nhưng tôi luôn tin rằng, những khổ đau khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn.

Cố lên!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *