TẠI SAO CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG VÀ TÂY PHƯƠNG KHÔNG MỪNG NGÀY LỄ GIÁNG SINH CÙN

TẠI SAO CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG VÀ TÂY PHƯƠNG KHÔNG MỪNG NGÀY LỄ GIÁNG SINH CÙNG MỘT NGÀY?

(Nguồn gốc của Dương lịch cùng hai cuộc cải cách lịch pháp của Julius Caesar và Đức Giáo hoàng Gregorius XIII)

Cách đây gần hai tuần, các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới đã mừng Đại Lễ Giáng Sinh vào ngày 25-12-2020, thế nhưng phải tới ngày mai, ngày 7-1-2021, một số Giáo Hội Chính Thống Đông Phương mới mừng lễ Giáng Sinh. Tại sao lại như vậy? Hóa ra, đằng sau câu hỏi này là một câu chuyện dài hằng ngàn năm liên quan tới cách nhân loại đếm tháng tính ngày…
NĂM RỘNG VÀ THÁNG DÀI
Phần lớn niên lịch là âm lịch hoặc dương lịch. Trên lý thuyết, âm lịch căn cứ vào tháng giao hội, hoặc tháng âm lịch, thời kỳ được tính từ trăng non này tới trăng non tiếp, trung bình là 29,53059 ngày = 29 ngày 12 giờ 44 phút 2,976 giây; 12 tháng như thế hợp thành một năm âm lịch. Dương lịch tập hợp ngày thành năm bằng việc đo lường chuyển động của trái đất xoay quanh Mặt trời; năm dương lịch này lại chia thành các đơn vị nhỏ hơn là các tháng, nhưng tháng dương lịch không bị tác động bởi tuần trăng. Độ dài chính xác của một năm dương lịch là 365,24224219 ngày = 365 ngày 5 giờ 48 phút 45,2 giây.
Mặc dù tồn tại các dương lịch mà năm bắt đầu khi Mặt trời đạt tới thiên đỉnh hoặc đi vào một chòm sao nhất định, nhưng sẽ dễ dàng hơn nhiều khi làm việc với con số xấp xỉ 365 ngày của năm dương lịch. Tuy nhiên việc hằng đêm thấy trăng tròn rồi lại khuyết hẳn nhiên tác động không nhỏ lên con người, thế nên một năm dương lịch thường được cấu tạo bằng 12 tháng có 30 ngày cộng thêm năm ngày ‘epagomenal’ (ngoài thời hạn), những ngày này thường được xem là thiếu may mắn. Đó là nguyên lý của lịch dân sự Ai Cập cổ đại, bộ lịch thế giá nhất cổ thời.
NIÊN LỊCH ĐẦU TIÊN CỦA NHÂN LOẠI
Lịch Ai Cập sơ khai chính là ‘Nile kế’-thang đo đơn giản theo chiều thẳng đứng các các vạch ghi dấu nước lụt sông Nile hằng năm. Quan sát ‘năm sông Nile’ người Ai Cập thấy nó không tương ứng với các tháng giao hội của Mặt trăng. Ngay từ rất sớm họ đã nhận thấy rằng nếu tạo ra loại lịch một năm có 12 tháng mà mỗi tháng gồm 30 ngày có thể tạo thành một loại lịch hữu ích biểu thị các mùa, nếu thêm năm-ngày-không-hội-nhập nữa vào cuối năm, để có một năm 365 ngày. Điểm giao niên đó được đánh dấu bằng một lễ hội năm ngày kỉ niệm lần lượt ngày sinh của các thần Osiris, Horus, Seth, Isis, và Nephthys. Người Ai Cập bắt đầu sử dụng ‘năm sông Nile’ từ năm 4241 BC.
Về mặt khái niệm, niên lịch Ai Cập bắt đầu với việc mọc gần Mặt trời của sao Sirius, điều này báo hiệu sông Nile tràn bờ, đem đến phù sa phúc lộc cho toàn cõi Ai Cập. Tuy nhiên trên thực tế khi so sánh với việc mọc lên thực sự của sao Sirius, cứ bốn năm một lần, tình trạng ngập lụt của sông Nile lại sớm hơn một ngày. Bởi lẽ, vấn đề lớn nhất của niên lịch Ai Cập là nó tính thiếu đi của mỗi năm gần 6 giờ. Xét về tổng thể, trong thời gian của một đời người lâu nhất, sự thiếu hụt của năm chỉ có 365 ngày khó có thể nhận thấy nhưng sau một vài thế kỉ nó hoàn toàn không khớp với các mùa, do đó nó được biết như là ‘annus vagus’-năm lang thang.
Vào thế kỷ 4 BC, các nhà thiên văn Hi Lạp đã ý thức được là ‘năm Ai Cập’ có vấn đề. Theo lời kể của nhà tự nhiên học Pliny Già thì người học trò của triết gia Plato là nhà thiên văn Endoxus đã đề xuất sáng kiến chu kỳ bốn năm các năm Mặt trời, trong đó năm đầu tiên là một năm nhuận 366 ngày. Giả thuyết nền tảng của Enxodus là chuyển động xoay vòng của Trái đất hết 365 ngày 6 giờ. Tính toán của Enxodus dài hơn so với năm tiêu chuẩn hơn 11 phút, điều này sẽ đem lại nhiều vấn nạn đau đầu cho các nhà làm lịch mà hàng chục thế kỉ sau người ta mới giải quyết ổn thỏa.
Vào năm 238 BC, vua Potolemy III của Ai Cập chỉ thị ngày-không-hội-nhập thứ 6 sẽ được cộng thêm vào năm thứ tư trong chu kỳ 4 năm; cải cách này không có hiệu lực vì các tư tế Ai Cập không chấp nhận thêm một xui xẻo vào năm của họ theo lệnh của một ông vua gốc ngoại bang. Việc cải cách lịch pháp phải chờ thêm 192 năm nữa mới được thực hiện bởi quyền lực tối cao và sự quyết đoán của nhà độc tài Julius Caesar.
BÃI LẦY ROME VÀ BƯỚC TIẾN DỨT KHOÁT CỦA JULIUS CAESAR
Trước cuộc cải cách của Caesar, Rome sử dụng một bộ lịch trời ơi đất hỡi đầy những tùy tiện và sửa đổi lộn xộn. Năm của người Rome bắt đầu từ tháng ba và kết thúc vào tháng hai, gồm 355 ngày, vì số lẻ được quan niệm là điềm lành. Cũng vì lí do đó, lịch Rome không có những tháng 30 ngày như trong các lịch bình thường; tháng hai có 28 ngày, nhưng mọi tháng khác đều là một số lẻ, hoặc 29 hoặc 31 ngày. Để phù hợp với các mùa, các giáo sĩ ‘pontifices’ thi thoảng lại chỉ thị xen vào một tháng có 27 ngày vào sau ngày 23 hoặc 24 tháng hai, những ngày còn lại của tháng hai bị bỏ, cho nên những năm đó có 378 hoặc 377 ngày.
Khi các pontifices tiếp tục việc đưa ngày xen vào, họ lại thêm quá nhiều tới mức, vào năm 153 BC, khi một tình trạng quân sự khẩn cấp buộc các tân chấp chính quan phải nhậm chức để bắt đầu ngay chiến dịch mùa xuân, họ không lên nắm quyền vào ngày 15 tháng 3 theo thông lệ, mà vào ngày 1 tháng Giêng. Bởi ngày ấy được giữ làm khởi điểm cho nhiệm kì của các chấp chính quan từ đó về sau nên người Rome cũng dùng nó làm ngày đầu năm mới.
Vào năm 63 BC, thời điểm mà Julius Caesar vẫn còn đang là một nhà chính trị trẻ tuổi nhiều tham vọng chứ chưa trở thành một nhà chinh phục, ông được bầu là ‘pontifex maximus’, chức vụ chịu trách nhiệm về việc xen ngày, nhưng ông đã không thay đổi gì niên lịch Rome vào thời điểm đó. Năm 46 BC, sau khi đánh bại hoàn toàn Pompeius trong cuộc nội chiến, Julius Caesar trở thành nhà độc tài của Rome, và lần này thì ông được hoàn toàn tự do hành động để tạo ra một niên lịch chính xác hơn hẳn bộ lịch truyền thống của người Rome. Bộ lịch đó mang chính tên ông, niên lịch Julius Caesar.
Julius Caesar đã ra chỉ thị xen vào giữa hai tháng 11 và 12 tới 67 ngày, tức là ông đã kéo dài năm ấy thành tới 445 ngày để bù đắp lại việc xen ngày tùy tiện đã làm lệch ngày tháng trong niên lịch và các mùa trong năm. Từ năm 45 BC trở đi, lịch mới có hiệu lực: tháng hai có 28 ngày bốn tháng 31 ngày (tháng 3, 5, 7, 10), các tháng 29 ngày (tháng 4, 6, 9, 11) được kéo thêm một ngày hoặc hai ngày (tháng 1, 8, 12), do đó một năm có 365 ngày thay vì 355 ngày như trước đây.
Nhu cầu về tháng xen vào không còn nữa, nhưng để giữ cho năm bắt nhịp được với các mùa, một năm nhuận được thiết lập trong đó ngày 24 tháng hai được tính hai lần. Ngày được thêm vào được biết như là ‘ante diembis sextum Kanlendas Martias’-ngày thứ sáu kép trước ngày Kalendas của tháng ba; từ đây xuất hiện thuật ngữ tiếng Anh ‘bissextile year’ và tiếng Pháp ‘année bissextile’ để chỉ năm nhuận. Vào quãng thế kỉ thứ 5, ngày nhuận được chuyển thành ngày 29 tháng hai như ngày nay.
Năm 44 BC, tháng sinh của Julius Caesar là tháng ‘quinclilis’ được đặt tên lại là ‘Julius’ để vinh danh nhà độc tài được thần thánh hóa, nhưng điều đó cũng không ngăn cản được các nguyên lão ám sát Julius Caesar bằng 23 nhát dao găm. Sau đó, người cháu ruột được Julius Caesar nhận làm thừa kế là Gaius Octavius đã chiến thắng trong cuộc nội chiến Rome cuối cùng trong thế kỉ 1 BC trước Marcus Antonius để thành Augustus-Đấng Chí Tôn của Rome; và người ta đã tôn vinh ông bằng cách tương tự với Julius Caesar: tháng ‘sextilis’ được đặt tên lại là tháng ‘Augustus’.
ĐỨC GIÁO HOÀNG GREGORIUS XIII VÀ TÔNG CHIẾU INTER GRAVISSIMAS
Cải cách của Julius Caesar giả định rằng một năm dương lịch gồm 365 ngày và 6 giờ, nghĩa là nhiều hơn 11 phút so với một năm chí tuyến. Sự cách biệt này lên cộng dồn lại thành 24 giờ sau khoảng 128 năm. Từ thế kỉ 13 trở đi, khi sự sai biệt vượt quá một tuần, các đề nghị cải cách được đưa ra, căn cứ trên nguyên tắc là một số ngày nào đó nên được bỏ đi như là sự-điều-chỉnh-một-lần và sau đó thỉnh thoảng việc xen vào cũng sẽ bị loại bỏ để giảm đi con số quá mức những năm nhuận. Năm 1476 nhà thiên văn học Johannes Muller được Đức Giáo hoàng Sixtus IV triệu tới Rome nhằm mục đích cải cách niên lịch đã qua đời ngay khi vừa tới nơi. Khoảng bốn mươi năm sau, Đức Giáo hoàng Leo X chuyển vấn đề tới các trường đại học nhưng không nhận được phản hồi.
Công Đồng Chung Trento của Hội Thánh Công Giáo họp từ 1545 đến 1563 để xem xét các cải cách trong Giáo Hội cũng không đả động gì đến vấn đề này. Tuy nhiên, phiên họp cuối cùng của Công Đồng đã mở lại vấn đề một cách gián tiếp, do việc duyệt lại Sách Lễ Roma và Sách Các giờ kinh phụng vụ. Dù rằng chính Đức Giáo hoàng Pius V phê duyệt các sách trên nhưng người kế vị ngài là Đức Giáo hoàng Gregorius XIII đã ngoại suy ra một quyền phổ quát để cải cách niên lịch mà các sách vừa kể dựa vào.
Đức Giáo hoàng Gregorius XIII tên thật là Ugo Boncompagni, sinh tại Bologne ngày 7 tháng 1 năm 1502, kế vị Đức Giáo hoàng Pius V ngày 14 tháng 5 năm 1572, là Giáo hoàng thứ 226 của Giáo Hội Công Giáo. Năm 1578 Đức Giáo hoàng Gregorius XIII thiết định một tiến trình đã lên tới cực điểm bốn năm sau, năm 1582, với việc công bố Tông chiếu Inter Gravissimas-‘Trong những điều nghiêm trọng’- để ban hành niên lịch mới mang tên ngài, niên lịch Gregorius.
Cải cách của Đức Giáo hoàng Gregorius XIII là cần thiết vì độ dài năm mà Julius Caesar lấy từ lịch Ai Cập để phục vụ cho xã hội phương Tây đã không đủ chính xác. Năm Mặt trời thực, hay chu kì Mặt trời, thời gian cần thiết để Trái đất quay trọn một vòng quỹ đạo quanh Mặt trời là 365 ngày 5 giờ 48 phút 45,2 giây, ít hơn 11 phút 14,8 giây so với năm dài 365,25 ngày tính theo lịch Julius. Kết quả là ngày tháng theo lịch này cứ mất dần mối liên hệ ban đầu đối với các hiện tượng theo Mặt trời và đối với các mùa.
Để ngày xuân phân, đương thời vào khoảng ngày 11 tháng ba, sẽ một lần nữa rơi vào ngày 21, Đức Giáo hoàng Gregorius XIII chỉ thị ngày đi sau ngày 4 tháng 10 năm 1582 sẽ được gọi là ngày 15 tháng 10. Việc áp dụng niên lịch mới này của Giáo hoàng được gọi là Kiểu Cách Mới. Sự sai lệch của niên lịch những năm về sau liên quan đến hơn 11 phút dư ra mỗi năm sẽ được ngăn chặn bằng việc dẹp bỏ ngày nhuận trong những năm số trăm (những năm kết thúc với hai số cuối là 00) trừ phi năm đó có thể chia hết cho 400. Đây không phải là sự điều chỉnh đúng đắn nhất nhưng là thuận tiện nhất, nó cũng có lợi thế là 18 năm sau, năm 1600 vẫn còn là một năm nhuận và sự dẹp bỏ ngày nhuận đầu tiên phải tới tận năm 1700.
Cũng trên bộ lịch này tên các ngày trong tuần được đưa vào quy chuẩn là Dom, Seg, Ter, Qua, Qui, Sex, Sab, đó là những tính từ ở dạng viết tắt và được hiểu như danh từ theo nguyên tắc văn phạm Latin: Dominicus, Secunda, Tertia, Quarta, Quinta, Sexta, Sabatum. Năm 1615 các thừa sai Dòng Tên người Bồ Đào Nha sang Việt Nam truyền giáo. Đời sống Đạo tất nhiên được tổ chức theo lịch Công giáo. Do đó các vị đã dịch tên các ngày trong tuần từ tiếng Latin trong lịch Gregorius ra tiếng Việt là Chúa nhật, Thứ hai, Thứ ba, Thứ tư, Thứ năm, Thứ sáu, Thứ bảy.
SỰ CHẤP NHẬN VÀ PHẢN ĐỐI KIỂU CÁCH MỚI
Việc áp dụng sửa đổi theo niên lịch mới của Đức Giáo hoàng Gregorius XIII đã vô tình làm xảy ra khá nhiều chuyện kì khôi. Bên ngoài Rome, các nhà cầm quyền thế tục ở Tây Ban Nha và các tiểu quốc Italia đã nhanh chóng bám sát cải cách, cho nên thánh Teresa thành Avila ở tây Ban Nha chết ngày 4 tháng 10 năm 1582 được chôn cất vào ngày ngày hôm sau là ngày 15 tháng 10. Ở nước Pháp phải tới tháng 12 sự thay đổi mới được thực hiện, và ở nhiều nước việc thi hành cải cách niên lịch bị trì hoãn còn lâu hơn nữa. Đặc biệt, các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương tuyên bố: lịch Julius, bộ lịch đã được Công Đồng Nicea chấp nhận, chỉ có thể bị sửa đổi bởi một Công Đồng Chung khác.
Lịch mới đã đạt được vài tiến triển vào đầu thế kỉ 17, chẳng hạn như việc tuy phần lớn người Tin Lành vẫn sử dụng lịch cũ nhưng lịch mới bắt đầu được Công quốc Phổ và tổng bang Wallis của Thụy Sĩ chấp nhận. Thụy Điển toan tính thực hiện Kiểu Cách Mới một cách êm ả bằng cách dẹp bỏ 11 ngày nhuận từ 1700 tới 1740. Ngày nhuận của năm 1700 được bỏ đi nhưng không hiểu sao ngày nhuận của các năm 1704 và 1708 lại được giữ lại, điều đó khiến cho chiến bại của Charles XII trước Peter Đại đế ở Poltava được các sử gia Anh và Nga ghi chép vào ngày 27-6-1709 theo lịch cũ trong khi phần lớn các nước khác ghi vào ngày 8-7-1709 theo lịch mới, riêng Thụy Điển một mình một lối, ghi vào ngày 28-6-1709. Tới tận năm 1753, Thụy Điển cuối cũng mới chấn nhận Kiểu Cách Mới, bằng việc bỏ đi các ngày từ 18-28 tháng hai.
Cho tới thế kỉ 20, không có nước theo Chính Thống Giáo nào chấp nhận cải cách ngay cả với mục đích dân sự; nhưng việc dẹp bỏ các ngày 1-13 tháng 4 năm 1916 ở Bulgaria, sau đó là hành động tương tự ở Liên Xô, Serbia và Hi Lạp đã dẫn tới việc xem xét lại. Tháng 5 năm 1923, một số Giáo hội Đông Phương đã thỏa thuận về ‘Lịch Julius xét lại’, bao gồm hai cải cách:
-Nên bỏ 13 ngày đầu tháng 10 năm 1923.
-Những năm nhuận số trăm duy nhất phải là những năm khi chia cho 900 có số dư 200 hoặc 600.
Đáng tiếc, cuộc cải cách cuối cùng đã thất bại, và hai bên Đông Tây vẫn tính ngày tháng theo hai bộ lịch khác nhau.
TẠI SAO CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG VÀ TÂY PHƯƠNG KHÔNG MỪNG NGÀY LỄ GIÁNG SINH CÙNG MỘT NGÀY?
Vậy, đã rõ là Đại Lễ Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh trong các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương tuy cử hành cùng một ngày ‘hai mươi lăm tháng mười hai’ với các Giáo Hội Công Giáo Tây Phương, nhưng lại diễn ra sau 13 ngày, rơi vào ngày 7 tháng 1, do lẽ sau rất nhiều biến cố, các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương vẫn chọn dùng niên lịch Julius Caesar thay vì chuyển qua sử dụng niên lịch cải cách của Đức Giáo hoàng Gregorius XIII.
Năm dài và tháng rộng, tuy rằng mọi ngày tháng trong đời đều đã được ban cho con người hưởng dụng, nhưng chẳng phải mọi ngày đều trọng như nhau, bởi như đã có lời chép trong sách Huấn Ca:
Tại sao lại có ngày này trọng hơn ngày khác,
ánh sáng ngày nào mà chẳng do mặt trời?
Ấy là vì chúng đã được phân biệt
ngay trong tư tưởng của Đức Chúa.
Người đã ấn định thời tiết và các ngày lễ khác nhau. (Hc 33, 7-8)
Lạc Vũ Thái Bình
Huế, 1-2021
Tham khảo:
-Leofranc Holford Strevens – Lịch sử thời gian
-Daniel J. Boorstin – Những nhà khám phá
-Nguyễn Thành Thống – 265 Đức Giáo hoàng



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *