LOẠN BÁT VƯƠNG CUỐI THỜI NHÀ TẤN – P5

Dịch từ: Serious Trivia

PHẦN 5: VÒNG 2: TƯ MÃ LUÂN CƯỚP NGÔI

Trong phần trước, chúng ta đã thấy Giả Nam Phong (賈南風) bắn một mũi tên trúng hai đích, sau đó tiện tay vứt luôn mũi tên, với nhiếp chính Dương Tuấn (杨骏), Thái hậu Dương Chỉ (杨芷), đồng nhiếp chính Nhữ Nam Vương (汝南王) Tư Mã Lượng (司馬亮) và Vệ Quán (卫瓘), Sở Vương (楚王) Tư Mã Vĩ (司馬瑋) đều bị tiêu diệt, Giả Hoàng hậu đã hoàn toàn kiểm soát triều chính và cai quản đất nước dưới danh nghĩa chồng mình, Hoàng đế thiểu năng Tư Mã Trung (司馬衷). Và bà chứng minh mình là một người cai trị khá tốt, trong vòng 8 năm cai quản của mình, nhà Tấn đã vô cùng phát triển.

Nhưng vào năm 299, một biến cố khác lại xảy ra với Hoàng hậu Giả Nam Phong, khiến cho nền hoà bình tạm thời này chấm dứt và một lần nữa đẩy Trung Hoa vào nội chiến với quy mô chưa từng có kể từ thời Tam Quốc.

Nhưng trước khi chúng ta nói tới việc triều đình Giả Nam Phong sụp đổ như thế nào, cần phải giới thiệu thêm một vị Bát Vương nữa tham gia biến loạn, Triệu Vương (趙王) Tư Mã Luân (司马伦). Tư Mã Luân là con trai thứ 9 của huyền thoại Tư Mã Ý (司馬懿), tức ông chú Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung, em trai Nhữ Nam Vương Tư Mã Lượng.

Trước đây chúng ta chưa bao giờ nhắc đến ông, vì vậy cũng nên biết Tư Mã Luân đã làm gì trong suốt thời gian này, Tư Mã Luân được phong tước Triệu Vương và cai trị nước Triệu, bao gồm cả Nghiệp Thành phía bắc Trung Hoa, từ năm 274, ông được giao cho 1 nhiệm vụ đơn giản là gìn giữ hoà bình với một số ngoại tộc phương bắc vốn đã đồng ý làm chư hầu cho nhà Tấn.

Nhưng mặc dù là con trai của Tư Mã Ý, Tư Mã Luân từ nhỏ đã chán việc học hành và chỉ lo nghiên cứu những thứ mê tín như phép thuật phù thuỷ. Năm 291, cùng năm mà Giả Nam Phong lên nắm quyền, hai bộ tộc phương bắc đã nổi lên chống lại nhà Tấn do sự quản lý tệ hại của ông, và Tư Mã Luân ngay lập tức bị triệu về kinh lãnh tội. Tuy nhiên, khi đến Lạc Dương, Tư Mã Luân lập tức tìm cách mua chuộc Giả Nam Phong và mẹ Quách Hoè (郭槐) nên không những không bị trị tội mà còn được phong làm Thái phó thay cho Vệ Quán đã chết và chịu trách nhiệm dạy học cho Thái tử là Tư Mã Duật (司马遹). Trong 8 năm tiếp theo, Tư Mã Luân tiếp tục ở kinh thành giúp đỡ Giả Nam Phong và còn được phong làm Tả Trung Lang Tướng (左中郎將).

Mặc dù đây là tin rất vui cho Tư Mã Luân, nhưng còn vùng đất Triệu ông bỏ lại thì sao? Mặc dù Tư Mã Luân chưa bao giờ bỏ chức Triệu Vương, nhưng ông cũng không thèm quan tâm khu vực đó. Thay vào đó, vào năm 292, Thành Đô Vương (成都王) Tư Mã Dĩnh (司马颖) được đưa ra trấn giữ Nghiệp Thành và ngăn chặn mối đe doạ từ phía bắc thay cho Tư Mã Luân. Đây là lần đầu tiên chúng ta nhắc đến Tư Mã Dĩnh, nên hãy tìm hiểu chút về ông, bởi ông cũng là một trong số Bát Vương. Tư Mã Vĩnh là con trai thứ 16 của Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm (司馬炎), tức em trai Tư Mã Trung.

Năm 289, một năm trước khi Tư Mã Viêm băng hà, mẹ của Tư Mã Dĩnh là một phi tần của Tấn Vũ Đế, xin ông trước khi chết phong cho con trai mình được một chức tước gì đó, Tư Mã Viêm, vốn ít khi dám nói không với phụ nữ, nên đồng ý và cho Tư Mã Dĩnh làm Thành Đô Vương ở Thục. Tuy nhiên lúc đó vì Tư Mã Dĩnh còn quá nhỏ nên không ra khỏi kinh thành đến Thành Đô cai trị được. Ông lớn lên ở Lạc Dương và hay chơi cùng với anh trai là Thái tử, nên mối quan hệ của hai người rất thân thiết. Cho đến năm 299, vị Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh 17 tuổi này vẫn không đến Thành Đô làm việc mà chỉ ở kinh thành chơi chung với anh trai, giờ là Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung.

Tại thời điểm đó, Giả Nam Phong và nhiều người nhà của bà đã quen với việc cai trị đất nước, và không còn coi trọng ngôi vị nữa. Giả Hoàng hậu ngang nhiên đem người tình của mình vào cung, và một trong số cháu trai của Giả Nam Phong là Giả Mật (賈謐) thường hay hỗn xược với Thái tử Tư Mã Duật khi 2 người này chơi cờ vây. Một lần nọ khi Tư Mã Dĩnh ở đó, ông đã mắng Giả Mật, hỏi rằng tại sao Giả Mật có gan hỗn láo với Hoàng đế tương lai. Tức giận vì việc này, Giả Mật sau đó báo chuyện lại cho Hoàng hậu Giả Nam Phong, và bà cho rằng tốt nhất là nên cho Tư Mã Dĩnh rời khỏi Lạc Dương nên thăng chức và giao cho ông nhiệm vụ trấn thủ Nghiệp Thành khỏi quân nổi loạn thay cho Triệu Vương Tư Mã Luân, người chỉ muốn ở kinh thành làm việc với Giả Nam Phong.

Giờ chúng ta biết mặt các nhân vật rồi, hãy quay trở lại với sự kiện làm nổ ra vòng 2 của cuộc Loạn Bát Vương. Nếu mọi người còn nhớ trong phần 3 thì Tư Mã Viêm đã từng nói Giả Nam Phong là người hay ghen tị, xấu xí, lùn và da đen, lời này dường như trở thành lời nguyền, và đến tận năm 299, cuộc hôn nhân 28 năm giữa bà và Tư Mã Trung vẫn không đem lại đứa con trai nào, điều này càng làm cơn ghen của bà ngày càng lớn và bà đổ dồn hết sự ghen tức đó lên đầu Thái tử Tư Mã Duật.

Trong phần 2 khi chúng ta nói về Tư Mã Duật, có thể thấy ông là một người thông minh từ nhỏ và rất được ông mình là Tư Mã Viêm yêu quý, Tư Mã Viêm muốn nhường ngôi cho Tư Mã Trung để sau này cháu Tư Mã Duật được kế vị. Nhưng sau khi Tấn Vũ Đế băng hà, đời sống của Tư Mã Duật bắt đầu đi xuống. Quan hệ của ông với Hoàng hậu Giả Nam Phong ngày càng xấu đi. Tệ hơn nữa, Tư Mã Duật lại được Thái phó Tư Mã Luân dạy học, người mà không phải nho sĩ giỏi giang gì mà chỉ là vị Vương không quản lý nổi đất của mình và thích phép thuật phù thuỷ. Nên tại thời điểm này, Tư Mã Duật không còn hy vọng trở thành vị Hoàng đế có trí tuệ ngang với Tư Mã Ý nữa, mà chỉ ở trong cung bán thịt cho thái giám.

Mặc dù vậy, nhiều đại thần trong triều vẫn hy vọng vào một ngày Tư Mã Duật sẽ lên ngôi, đưa nhà Tấn và họ Tư Mã trở về với thời hoàng kim trước đây. Do ông quá được các đại thần kính nể dẫn đến Giả Nam Phong và Giả Mật càng lo sợ Tư Mã Duật hơn nữa, sợ rằng nếu một ngày nào đó Tư Mã Trung băng hà thì Tư Mã Duật sẽ nối ngôi và quét sạch họ Giả.

Vì vậy Giả Hoàng hậu lại tìm kế hoạch khác để loại bỏ Tư Mã Duật, vào mùa đông năm 299, Giả Nam Phong gọi Tư Mã Duật đến dinh thự mình, nói rằng Hoàng đế đang bị bệnh nặng. Khi tới nơi, ông được một phi tần mang thức ăn và rượu đến phục vụ, Hoàng hậu nói rằng Tư Mã Trung vẫn chưa đủ khoẻ để vào thăm, và Hoàng đế đã dọn sẵn thức ăn và đồ uống cho con trong khi ngồi ở ngoài chờ. Tư Mã Duật mặc dù là người có tửu lượng nhỏ và rất ít khi uống rượu, nhưng ông không thể từ chối Thánh chỉ được cho dù có hơi nghi ngờ. Ông uống hết chỗ rượu đã được chuẩn bị và rồi say xỉn, trong cơn say, Giả Nam Phong đem ra cho ông một bức thư và yêu cầu Tư Mã Duật sao chép từng chữ trong lá thư. Tư Mã Duật đang say xỉn thì đồng ý nhưng sao chép được một nửa thì ngất đi nên Giả Nam Phong phải tự mình giả chữ Tư Mã Duật sao cho giống nhất có thể.

Sau đó, Giả Nam Phong đưa lá thư này cho Tư Mã Trung, trong thư yêu cầu Hoàng đế và Hoàng hậu nhường ngôi cho Tư Mã Duật và vợ ông, tất nhiên, Hoàng đế thiểu năng không cần suy xét ra lệnh bắt giữ và chém đầu con trai Tư Mã Duật. Nhưng tất nhiên là có những đại thần trong triều có não và không tin lời của Hoàng hậu, họ đòi thu thập thêm bằng chứng rồi mới kết luận. Sợ rằng một cuộc điều tra sẽ được mở ra gây bất lợi cho mình, Giả Nam Phong thoả hiệp với triều đình và hứa sẽ tha mạng cho Tư Mã Duật, nhưng nói rằng hành động này của Tư Mã Duật không thể tha thứ và ông sẽ bị phế chức Thái tử đồng thời giam lỏng ở thành Kim Dung cho đến khi có nhiều bằng chứng hơn. Không dám đòi thêm gì từ Hoàng hậu và phe cánh của bà, triều đình đồng ý và Tư Mã Duật bị giam giữ.

Một tháng sau khi Tư Mã Duật bị bắt, nhiều đại thần trong triều trung thành với Tư Mã Duật bắt đầu lên kế hoạch đảo chính lật đổ Giả Nam Phong. Các đại thần này sau đó thông báo cho Tư Mã Luân biết về kế hoạch của mình, bởi lúc bấy giờ ông đang là Tả Trung Lang Tướng và nắm giữ binh quyền, họ cũng nghĩ rằng Tư Mã Luân là người của gia tộc Tư Mã nên sẽ không muốn triều đình bị Giả Nam Phong kiểm soát. Và Tư Mã Luân nhanh chóng đồng ý.

Tuy nhiên, bản thân ông lại có kế hoạch khác, mặc dù Tư Mã Luân không phải là người thông minh cho lắm, ông dựa rất nhiều vào mưu sĩ Tôn Tú (孫秀) để đưa ra tất cả kế hoạch. Tôn Tú và Tư Mã Luân có rất nhiều điểm chung, họ đều người mê tín và tin vào phép thuật phù thuỷ, đồng thời 2 người cũng ngủ chung giường với nhau, bởi Tôn Tú là một nam sủng (情夫) của Tư Mã Luân (thời này quan hệ đồng giới bình thường như ở Hy Lạp cổ đại vậy, và nhiều quý tộc cũng có quan hệ ở cả 2 giới,… biết vậy thôi chứ đừng hỏi ai công ai thụ ?).

Sau khi đồng ý với kế hoạch của các đại thần, Tôn Tú tới gặp Tư Mã Luân và nói rằng nếu họ phản bội Giả Nam Phong và lập lại Thái tử, thì họ cũng không nhận được gì cả. Vì vốn trước đây Tư Mã Luân luôn liên minh với Giả Nam Phong, nên cho dù bây giờ đổi phe thì Tư Mã Duật vẫn có thể không tin tưởng và có thể bị trừ khử cùng các đồng đảng khác của Hoàng hậu sau khi Tư Mã Duật lên làm Hoàng đế. Vì vậy, Tôn Tú ra một kế hoạch là khuyên Giả Nam Phong giết Tư Mã Duật, sau đó lấy cớ là báo thù cho Thái tử để động binh giết Hoàng hậu. Với cả Hoàng hậu và Thái tử bị tiêu, Tư Mã Luân có thể lấp đầy khoảng trống quyền lực và còn có cơ hội làm Hoàng đế.

Tư Mã Luân khi nghe mình có thể làm Hoàng đế thì khoái chí, ra lệnh cho Tôn Tú thi hành kế hoạch ngay. Tôn Tú sau đó phao tin Tư Mã Duật đang cùng các đại thần lên kế hoạch đảo chính lật đổ Giả Nam Phong và lấy lại chức Thái tử cho không ai khác ngoài Giả Mật, người vốn rất ghét Tư Mã Duật và luôn hỗn xược với Thái tử khi chơi cờ vây như chúng ta đã thấy, Giả Mật sau đó báo lại tin này cho Giả Nam Phong.

Ngay lập tức, Hoàng hậu cho người đến đầu độc Tư Mã Duật, tuy nhiên, Tư Mã Duật cũng không ngu và đòi tự nấu thức ăn cho mình, nếu không sẽ tuyệt thực. Thấy rằng không còn cách nào bí mật đầu độc Tư Mã Duật, Hoàng hậu cho người vào thẳng thành Kim Dung và ép Thái tử uống thuốc độc, Tư Mã Duật cố gắng chống cự nhưng không thành. Người cháu mà Tấn Vũ Đế tin tưởng thông minh như Tư Mã Ý và sẽ mang lại thời hoàng kim cho nhà Tấn đã chết dưới tay Hoàng hậu Giả Nam Phong và ông chú Triệu Vương Tư Mã Luân.

Khi tin tức về cái chết của Tư Mã Duật truyền ra ngoài, Tư Mã Luân ngay lập tức huy động quân đội và kêu gọi Tề Vương (齊王) Tư Mã Quýnh (司馬冏) cùng tham gia. Khi chúng ta nhắc đến Tư Mã Quýnh trong phần 3, chúng ta biết Tư Mã Quýnh là con trai của Tư Mã Du (司馬攸) và Giả Bao (賈褒), con cả Giả Sung (賈充), và là chị cùng cha khác mẹ của Giả Nam Phong, giống như trong lọ lem, Giả Bao bị hà hiếp bởi mẹ con Quách Hoè và Giả Nam Phong, không được đoàn tụ với mẹ ruột mình là Lý Uyển (李婉). Vì vậy Tư Mã Quýnh đã quyết tâm trả thù cho mẹ mình và diệt Giả Nam Phong.

Ngày 3 tháng 4 năm 300, Tư Mã Luân giả Thánh chỉ hạ lệnh cho quân đội chiếm giữ kinh thành và bắt giữ tất cả những người thuộc họ hàng của Giả Hoàng hậu. Trong khi đó, Tư Mã Quýnh tự mình dẫn 100 quân lính xông vào dinh thự của Hoàng hậu, chém Giả Mật và bắt giữ Giả Nam Phong. Và hơn một nửa các quan chức trong triều đều bị giết, bởi Tư Mã Luân hạ lệnh chém đầu tất cả những người từng làm việc cho Giả Nam Phong (trừ bản thân Tư Mã Luân, tất nhiên), và có rất nhiều quan chức từng làm việc cho Hoàng hậu, dù sao thì bà cũng đã từng cai trị được 8 năm rồi.

Như vậy là trong một đêm, Tư Mã Luân đã kiểm soát hoàn toàn triều đình nhưng đồng thời cũng không xét xử mà chém vô số các quan chức trong triều. Ngày hôm sau, Tư Mã Luân tự phong mình là Sử trì tiết, Đại Đô đốc, Đốc Trung ngoại chư quân sự và Tướng quốc, quyền lực ngang với cha mình là Tư Mã Ý thời Tào Nguỵ trước đây. Vì vậy, các quý tộc khác bắt đầu lo sợ Tư Mã Luân sẽ giống như cha và một ngày nào đó làm đảo chính cướp ngôi. Nỗi lo sợ này khiến Tư Mã Luân mâu thuẫn với 2 người là Tề Vương Tư Mã Quýnh, vốn vừa giúp ông đảo chính; và Hoài Nam Vương (淮南王) Tư Mã Sung (司馬充).

Tư Mã Quýnh tuy hỗ trợ Tư Mã Luân đảo chính vào đêm hôm đó, nhưng động cơ chỉ là do ghét Giả Nam Phong, người sau đó đã bị đầu độc trong tù, nên ông nghĩ rằng giờ mình đã trả thù cho mẹ xong, không có lý do gì ủng hộ Tư Mã Luân nữa. Tư Mã Luân đồng thời cũng cảm nhận được Tư Mã Quýnh không thực sự ủng hộ mình nên cố tìm cách đẩy ông ra khỏi kinh thành và lệnh cho Tư Mã Quýnh đi trấn thủ Hứa Xương. Mặc dù đây là công việc nắm giữ binh quyền, Tôn Tú đã cài người vào nội bộ quân đội ở Hứa Xương để giám sát Tư Mã Quýnh.

Trong phần trước khi giới thiệu Sở Vương Tư Mã Vĩ, chúng ta có nhắc đến tên Tư Mã Sung. Tư Mã Sung là con thứ 10 của Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm, và là một trong 3 người con được ông phong Vương của các vùng đất gần kinh thành trước khi băng hà, nhằm giúp anh trai Tư Mã Trung phòng khi có biến cố xảy ra. Vì là Hoài Nam Vương nên Tư Mã Sung có đất và quân đội, thấy những hành động của Tư Mã Luân sau cuộc đảo chính, Tư Mã Sung cho rằng Tư Mặc Luân còn tệ hơn Giả Nam Phong nên cáo bệnh không đến kinh thành Lạc Dương. Ông ngầm xây dựng một đội quân gồm 700 kiếm sĩ tinh nhuệ ở Hoài Nam nhằm lật đổ Tư Mã Luân.

Thấy rằng Tư Mã Sung đang trốn tránh triều chính, Tôn Tú nghi ngờ và khuyên Tư Mã Luân nên thăng chức cho Tư Mã Sung lên một chức quan nội chính nào đó ở Lạc Dương, nhằm lấy đi binh quyền của ông. Tư Mã Luân đồng ý và viết thư triệu Tư Mã Sung vào kinh thăng chức. Nhưng Tư Mã Sung vẫn cáo bệnh và vờ như không nhận được lá thư. Việc này khiến cho Tôn Tú càng nghi ngờ và ông giả Thánh chỉ đến bắt Tư Mã Sung. Lúc quân lính của Tư Mã Luân đến nơi, Tư Mã Sung đòi xem Thánh chỉ, quả thực là do Tôn Tú viết và ông còn coi thường không thèm để dấu ngọc tỷ lên.

Đây là giọt nước tràn ly và đội kiếm sĩ tinh nhuệ của Tư Mã Sung lập tức xông ra giết hết đội quân do Tôn Tú cử tới, và tiến thẳng từ Hoài Nam đến Hoàng cung, do Tư Mã Sung biết ông cần phải nắm giữ Hoàng đế mới có chính danh giết Tư Mã Luân. Tôn Tú thấy vậy liền hạ lệnh cho quân đội đóng cổng Hoàng cung, không cho Tư Mã Sung tiến vào. Tư Mã Sung thấy vậy nên chuyển đổi kế hoạch và ra lệnh cho các kiếm sĩ của ông đánh thẳng vào dinh thự của Tư Mã Luân. Mặc dù Tư Mã Luân có hơn 20,000 vệ quân ở khắp kinh thành, không một người nào trong số đó có thể chống lại đội kiếm sĩ tinh nhuệ từ Hoài Nam, thề rằng sẽ trung thành đến chết, của Tư Mã Sung.

Và từ lúc đội quân này tiến vào kinh thành, họ đã giết hơn 1,000 binh sĩ của Tư Mã Luân, với rất ít tổn thất. Việc này khiến cho đội vệ quân thiếu tổ chức của Tư Mã Luân sợ hãi và bỏ chạy, bản thân Tư Mã Luân sau đó buộc phải tìm chỗ chốn trong dinh thự, chờ viện binh tới giúp, khi mà quân Tư Mã Sung bao vây và liên tục bắn cung vào chỗ ở của Tư Mã Luân từ buổi lúc tối cho đến tận trưa ngày hôm sau.

Lúc viện quân đến nơi, Tư Mã Luân đã sống sót nhờ có quân lính lấy thân mình che cung cho ông. Tuy nhiên, dù có viện quân trong tay, Tư Mã Luân cũng không thể đẩy lùi được đội quân tinh nhuệ của Tư Mã Sung. Khi mà Tư Mã Luân đã sắp bị giết, một nhóm thái giám từ Hoàng cung bỗng xuất hiện, họ cầm Thánh chỉ trong tay và đến xin gặp mặt Tư Mã Sung, nói rằng Hoàng đế đã chính thức ủng hộ cuộc đảo chính của ông để lật đổ Tư Mã Luân. Thấy vậy, Tư Mã Sung vui mừng, lập tức cho quân lính dừng tấn công và đến nhận Thánh chỉ. Khi ông vừa mở ra thì phát hiện đó là một tờ giấy trắng, ngay lập tức, một nhát kiếm xuất hiện đâm thẳng vào tim Tư Mã Sung, kết thúc cuộc đời ông ở tuổi 29. Thì ra, nhóm thái giám này đã được Tôn Tú và con trai thứ 3 của Tư Mã Luân là Tư Mã Kiền (司馬虔) mua chuộc để giả Thánh chỉ và ám sát Tư Mã Sung nhằm cứu nguy cho tình hình.

Với cái chết của Tư Mã Sung, quân đội của ông nhanh chóng đầu hàng, và Tư Mã Luân, tức giận do mình suýt chết, trả thù bằng cách giết hết 3 đứa con nhỏ của Tư Mã Sung và hàng nghìn người khác có liên hệ với ông.

Giờ đã không còn đối thủ cản đường, Tư Mã Luân đã sẵn sàng soán ngôi Hoàng đế. Để có được chính danh ngôn thuận, Tôn Tú sử dụng những thứ mình học được trong lúc nghiên cứu về phép thuật phù thuỷ và đưa ra hàng tá những mê tín dị đoan, nói rằng Thiên-Địa đang đòi đổi ngôi. Về phần Tư Mã Luân thì giả vờ như mình là một đại thần trung thành với Hoàng đế nên từ chối nhiều lần và diễn như thể tất cả những người khác đang ép mình làm Hoàng đế vậy.

Như vậy vào đầu năm 301, Tư Mã Luân cướp ngôi cháu và trở thành Hoàng đế và giam giữ Tư Mã Trung ở thành Kim Dung. Con cả của ông là Tư Mã Phức (司馬荂) được phong làm Thái tử, và cả 3 người con thứ của ông lẫn Tôn Tú đều được nắm giữ các chức quan cao trong triều.

Nhưng Tư Mã Luân là một lãnh đạo bất tài, và bản thân còn không giữ nổi một quận lúc làm Triệu Vương, và càng không thể quản lý nổi một Trung Hoa rộng lớn. Vương triều của ông không kết thúc bằng một cuộc đảo chính hay ám sát, mà kết thúc bằng một cuộc nội chiến đẫm máu giữa các thành viên trong họ Tư Mã. Để biết ai sẽ lật đổ Tư Mã Luân, trở lại với phần sau nhé.

Phần 4: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1153813498303285?sfns=mo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *