Ảnh: biểu tượng của ”Quân đội nhân dân Iraq” – Al Jaysh ash Shaabi – tồn tại song hành với quân đội chính quy Iraq thời Saddam Hussein. Nó giống hệt với Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran nhưng ít khi được nói tới. Vào thời đỉnh cao, quân đội chính quy Iraq có 900.000 lính thì Al Jaysh ash Shaabi cũng có tới 700.000 người.
Từ năm 1980 đến 1990, để phục vụ cho 2 cuộc chiến lớn của Iraq lúc đó nhằm vào Iran và Kuwait, chính quyền Saddam Hussein đã có những phù phép để quân đội Iraq vượt lên trở thành quân đội có sức mạnh được xếp hạng 4 trên thế giới. Có những con số và thông tin sau đây.
-Từ năm 1980 đến mùa hè năm 1990, Saddam Hussein đã tăng quân số trong quân đội Iraq từ 180.000 người lên 900.000 người, tạo ra quân đội thường trực lớn thứ tư trên thế giới. Với tốc độ huy động quân như thế, người ta ước tính Iraq có thể nâng con số này lên 2 triệu người – 75% tổng số đàn ông Iraq trong độ tuổi từ 18 đến 34 – vào năm 1995, dĩ nhiên với điều kiện họ đảm bảo được hậu cần.
-Tính cả lực lượng bán quân sự, tổng cộng số binh lính vũ trang bảo vệ Iraq có 1,7 triệu người năm 1987. Phần quân dư ra này chính là ”Al Jaysh ash Shaabi” – ”Quân đội Nhân dân” của Iraq, tồn tại song hành với Quân đội chính quy. Điều này về cơ bản là giống hệt với Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran. ”Al Jaysh ash Shaabi” trung thành tuyệt đối với Đảng Ba’ath và Saddam Hussein, quân số đông hơn quân chính quy Iraq (thường là lấy trực tiếp dân thường) nhưng trang bị kém hơn. Cũng giống như Quds của Iran, lực lượng này của Iraq cũng thường xuyên tham chiến ở nước ngoài dưới hình thức dân quân hỗ trợ để Iraq đỡ mang tiếng là ”can thiệp” nội bộ nước khác. ”Al Jaysh ash Shaabi” đã tham chiến nhiều mặt trận: Palestine, Lebanon, Uganda, Sudan,… nhưng chịu thiệt hại rất nặng tại mặt trận Nam Sudan. Hàng nghìn lính Iraq đã chết trận ở Nam Sudan khi giúp chính phủ độc tài Arab của Omar al-Bashir ở Sudan đàn áp người da đen Nam Sudan. Xương của lính Iraq ngập trắng một vùng đồi, ngày nay là đồi ”Jebel Iraqi” ở ngoại ô thủ đô Juba của Nam Sudan. Năm 1991, ”Al Jaysh ash Shaabi” mới bị giải thể sau cuộc nổi dậy lớn chưa từng có ở Iraq, trong đó nhiều thành viên của ”Al Jaysh ash Shaabi” đã làm phản.
-Chưa hết, để bảo vệ cá nhân chặt hơn nữa, có thêm lực lương bán quân sự ”Fedayeen Saddam” – đoàn thanh niên Saddam. Lực lượng này bảo vệ còn chuyên biệt hơn – chỉ có nhiệm vụ bảo vệ Phủ tổng thống và lãnh đạo Iraq khỏi âm mưu đảo chính, không có nhiệm vụ tham gia chiến tranh. Về mặt này, nó giống với lính GAP bảo vệ phủ tổng thống Chile Salvador Allende trong cuộc đảo chính năm 1973, nhưng khác ở chỗ trong khi bảo vệ phủ Tổng thống Chile được trang bị vượt trội với quân đội Chile với AK được Cuba và Tiệp Khắc dâng cho, thì ”Fedayeen Saddam” được trang bị nghèo nàn và không được trả lương, dù được ban cho một số đặc quyền về xe cộ, nhà ở và y tế. Đoàn thanh niên Saddam có quân số vào khoảng 40.000 lúc đỉnh cao, và chỉ huy trực tiếp của họ là Uday Hussein – con cả của Saddam Hussein. Đoàn thanh niên Hussein được cho là có vai trò lớn trong việc đàn áp các nhân vật đối lập, trong đó từng bị cáo buộc sát hại nhiều cầu thủ bóng đá Iraq theo lệnh Uday Hussein, làm bóng đá Iraq trì trệ một thời gian dài. (Khi nào có dịp sẽ viết về sự thao túng bóng đá của Uday Hussein và sự hồi sinh thần kỳ của bóng đá Iraq). Fedayeen Saddam cũng là lực lượng cuối cùng chống trả Liên quân Mỹ trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003.
-Quân đội biên chế 7 quân đoàn, 63 sư đoàn. Trong đó 8 sư đoàn tinh nhuệ thiện chiến nhất biên chế thành lực lượng riêng biệt bảo vệ thủ đô và lãnh đạo Saddam Hussein gọi là Vệ binh Cộng hòa. Họ là những người mạnh hơn bất cứ lực lượng nào ở Iraq, được huấn luyện tốt hơn, có kỷ luật, được trang bị và được trả lương cao nhất so với những người lính Iraq bình thường, nhận tiền thưởng, ô tô mới và nhà ở trợ cấp. Đồng phục của họ cũng khác, với kí hiệu nhận biết là Tam giác đỏ trên mũ. Đây cũng là lực lượng phát triển cao nhất về công nghệ, có khả năng tự chế tạo tên lửa đạn đạo, chuyên trách thực hiện các vụ phóng tên lửa vào Arab Saudi và Israel trong chiến tranh Vùng vịnh 1991, cũng là lực lượng bắn hạ nhiều máy bay Mỹ.
-Từ năm 1980 đến 1990 số lượng xe tăng trong quân đội Iraq tăng từ 2.700 lên 5.700 và pháo tăng từ 2.300 lên 3.700. Xe tăng tốt nhất của nó, những chiếc T-72 do Liên Xô chế tạo, từng được so sánh là ngang ngửa với những chiếc Abrams của Mỹ và Challenger của Anh. Pháo binh cũng chủ yếu là của Liên Xô, nhưng bao gồm G-5, một loại lựu pháo được cải tiến của Nam Phi với tầm bắn 23 dặm. Về tên lửa Iraq từng được cho là tự sản xuất được tên lửa đất đối đất FROG-7 và Scud-B với tầm bắn lên đến 300 km và 4.000 pháo phòng không (một số loại tự hành) cùng với đó là lượng lớn tên lửa SAM từ Liên Xô. Kho vũ khí khổng lồ này đã mang lại cho Iraq một lợi thế rõ ràng so với Iran vào năm 1987. Iraq có lợi thế hơn 4 đối 1về xe tăng so với Iran (4.500 đến 1.000); 4 đối 1 về xe bọc thép (4.000 đến 1.000); và 2 đối 1 về pháo và phòng không (7.330 đến 3.000). Bất chấp lợi thế khổng lồ đó, quân Iraq vẫn thất bại trong cuộc xâm lược vào Iran.
-Lực lượng không quân được coi là hùng hậu lúc bấy giờ của Iraq có khoảng 800 máy bay, bao gồm máy bay trực thăng của Liên Xô và hơn 500 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom do Pháp và Liên Xô chế tạo, được trang bị để mang bom và tên lửa bao gồm tên lửa chống hạm Exocet do Pháp sản xuất. Tuy vậy phần mạnh nhất của không quân Iraq tập trung vào trực thăng. Các trực thăng mạnh mẽ của Iraq đã chứng minh hiệu quả rất lớn trong việc ”thảm sát” các cuộc tấn công biển người của Iran. Các bác cứ xem thử vài phim Iran chiến tranh với Iraq đi, phần hào hùng nhất lúc nào cũng là phần một ông lính Iran cầm RPG hạ trực thăng Iraq sau khi bị nó thảm sát cả đại đội!
Cho đến ngày nay không quân Iraq vẫn được coi là lực lượng mạnh trong khu vực, mặc dù đã ”bay màu” theo những cách khó đỡ năm 2003. Chiến dịch không kích Bão táp sa mạc kéo dài bảy tuần cũng đã đánh gục lực lượng không quân của Saddam. Trong khi các chỉ huy Mỹ cuối cùng thừa nhận rằng chỉ có 15% máy bay chiến đấu của Iraq – khoảng 75 máy bay – bị phá hủy, khoảng 100 chiếc đã được bay đến Iran để bảo vệ an toàn, và bị Iran bắt giữ. Vào thời điểm đó Iran cũng chỉ có chừng 200 máy bay mà thôi. Những chiếc máy bay đó vẫn còn được sử dụng ở Iran cho đến ngày nay, cùng với khoảng 50 chiếc được giữ ở các quốc gia khác.
-Trái lại, Hải quân Iraq là lực lượng nhỏ và yếu kém, thừa nhận một thực tế là Iraq có đường bờ biển rất ngắn, và còn bị các đảo của Kuwait ”chặn họng” – chính là nguyên nhân thúc đẩy Saddam Hussein chiếm Kuwait năm 1991.
-Iraq rất chăm mua vũ khí, chính Iraq chứ không phải nước nào mua vũ khí nhiều nhất thế giới. Vào thời điểm năm 1987, Iraq đã trở thành thị trường vũ khí lớn nhất thế giới. Đấy mới chỉ là ”mua”, còn viện trợ không cho Iraq để chống Iran thì Hoa Kỳ đã là trùm. Ngoài việc mua vũ khí từ Liên Xô và Pháp, Iraq còn tìm cách mua vũ khí từ Trung Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức), Ý, Brazil, Ba Lan, Tiệp Khắc và Ai Cập,… Cơ quan Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí Hoa Kỳ ước tính vào năm 1987 rằng Iraq đã nhập khẩu khoảng 24 tỷ USD thiết bị quân sự trong giai đoạn từ 1981 đến 1985. Có thể thấy, Iraq nhập khẩu vũ khí từ mọi bên trong chiến tranh Lạnh, không quan tâm ý thức hệ.
-Năng lực tên lửa của Iraq thực sự đáng gờm. Nước này được coi là đã tự sản xuất được tên lửa đạn đạo ”cây nhà lá vườn”. Những nhà khoa học Iraq đã nổi tiếng thế giới vì chiến công chế tên lửa mang đầu đạn hóa học dưới thời Saddam Hussein là Nassir al-Hindawi, Rihab al-Taha và Huda Salih Mahdi Ammash,… đều bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách truy lùng và ám sát hàng đầu. Họ đã có công rất lớn trong việc xây dựng nền công nghiệp tên lửa đẩy của Iraq đi trước bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên điều đáng buồn là kế hoạch phóng vệ tinh bằng tên lửa tự làm của Saddam Hussein đã phá sản trước khi ông kịp hoàn thoàn. Nhưng trong chiến tranh, tên lửa của Iraq thực sự đã chứng minh sức mạnh. Trong 2 năm cuối chiến tranh 1987-1988, việc làm chính của Iraq là ngồi nhà phóng tên lửa phá hủy các thành phố và giếng dầu của Iran, cũng đã đủ để buộc Iran phải cầu hòa.
Trong chiến tranh Vùng vịnh 1991. Họ đã phóng được tên lửa Scud chính xác đến Israel và căn cứ Mỹ ở Arab Saudi. Các vụ phóng tên lửa của Iraq là tác nhân gây thương vong lớn thứ 2 trong một trận chiến của Liên quân trong chiến tranh Vùng Vịnh. Đó là khi tên lửa Al Hussein tự chế của Iraq nã trúng căn cứ Mỹ giết chết 28 lính Mỹ. Sự kiện duy nhất làm chết nhiều người hơn là việc máy bay của liên quân tự đâm đầu xuống đất làm chết 92 lính Senegal và 6 lính Arab Saudi, quá nhọ!
-Và một điều không thể không nói đến về sức mạnh quân sự của Iraq: vũ khí hóa học. Không phải cường quốc quân sự nào cũng có và dám dùng trò này. Nhưng với Iraq, vũ khí hóa học chính là cứu cánh lớn nhất cứu nước này khỏi những đợt tấn công biển người của Iran những năm 1987-1988. Vũ khí hóa học của Iraq được cho là chịu trách nhiệm về cái chết của gần 200.000 binh lính và dân thường Iran, khiến hàng triệu người khác chịu ảnh hưởng. Đến nay Iran vẫn là nước chịu thiệt hại nặng nhất bởi vũ khí hủy diệt hàng loạt trong lịch sử thế giới. Điều quan trọng là Iraq sau đó tự phát triển được công nghệ vũ khí hóa học của riêng mình, với thủ lĩnh là em họ Ali Hassan al-Majid của Saddam Hussein – biệt danh Ali ”hóa học” – cùng 3 nhà khoa học lẫy lừng của Iraq đã nói ở trên: Nassir al-Hindawi, Rihab al-Taha và Huda Salih Mahdi Ammash.