8 dấu hiệu giúp tôi theo dõi sự tiến bộ của bản thân

(KÈM THEO 1 CÁI TÔI KHÔNG DÙNG)

Nhiếp ảnh, như bao bộ môn nghệ thuật khác, là một vấn đề chủ quan. Tuy nhiên, một trong số những câu hỏi tôi thường nhận được từ những người mới vào nghề là “làm sao để biết mình đã giỏi hơn?” Mặc dù khái niệm “giỏi hơn” là tùy thuộc cách hiểu mỗi người, ai cũng đều mong mình sẽ tiến bộ, và bước tiến ấy có nhiều cách để xác định. Tuy không hoàn hảo nhưng danh sách sau đây liệt kê những cách tôi theo dõi sự tiến triển của mình qua các năm với tư cách một nhiếp ảnh gia. Lưu ý rằng bạn sẽ không tìm thấy mục “Có thêm nhiều người theo dõi trên mạng xã hội” mà tôi sẽ giải thích sau. Cho nên nếu bạn muốn nghe một ông già than oán thời cuộc thì hãy tua đến đoạn cuối.

  1. Bạn sẽ thấy những khuyết điểm trong tác phẩm của mình: như người ta thường nói, “nếu bạn không phải là nhà phê bình khắt khe nhất, thì sẽ là kẻ thù lớn nhất của chính mình.” Khi mới chập chững vào môn nhiếp ảnh, sẽ rất khó để ta phán xét ảnh chụp của mình, bởi lẽ khi ấy ta không có một cột mốc để so sánh. Một cách tốt để tiến bộ khi mới nhập môn chính là xin ý kiến từ nhiều người khác nhau, và áp dụng những lời góp ý đó cho lần chụp kế tiếp. Song le, sẽ tới một lúc bạn có thể tự nhìn thấy điểm dở trong các bức ảnh mình chụp mà không cần ai chỉ bảo. Một khi bạn bắt đầu hiểu được những gì ổn và những gì không ổn, chứng tỏ bạn đang tiến bộ. Tất nhiên cái chuyện ổn hay không ổn cũng tùy lúc, nhưng tự biết nhận xét tác phẩm của mình là một biểu hiện khách quan của sự chín chắn.
  2. Ảnh bạn chụp ngày càng đẹp hơn: chúng ta đều đã từng trải qua khoảnh khắc tự đắc rằng “đây là tấm hình đẹp nhất mình chụp được.” Cảm giác lúc ấy rất sung sướng. Và tôi không đếm xuể mình đã trải qua bao nhiêu lần như vậy. Tôi nhớ cái lúc tôi chụp ngọn Phú Sỹ lần đầu tiên vào năm 2017. Tôi đã rất phấn khích tới nỗi hất văng máy ảnh cùng tripod xuống hồ. Dẫu vậy, một lúc nào đó, “tấm hình đẹp nhất” của bạn dần trở nên bình thường, thậm chí là xấu. Khi tôi nhìn lại tấm hình ấy, nhớ cái cách mà tôi hãnh diện đặt nó làm cover trên Facebook và đi khoe khắp trong nhà ngoài phố, tôi ớn muốn nổi hết da gà. Đó là một dấu hiệu ta đang đi lên. Bức ảnh ngày đó, mặc dù không phải là tệ nhất trần ai, cũng đã nằm dưới tiêu chuẩn của tôi hiện tại. Tôi thậm chí không đăng nó lên Instagram, chứ đừng nói là lên portfolio. Nói cho chí tình, vào năm 2017, đó là tác phẩm mang cho tôi niềm kiêu hãnh. Nhưng bạn chớ nên phiền lòng khi thấy mình bắt đầu bớt thương yêu những tấm hình cũ. Việc đó chỉ cho thấy bạn đang ngày càng nâng cao trình độ của bản thân. Nên thay vì ôm sầu muộn, hãy bung xả năng lượng đó cho những tác phẩm khiến bạn tự hào một lần nữa.
  3. Bạn bắt đầu cần những chiếc máy tốt hơn: tôi sắp sửa nói về một đề tài gây nhiều tranh cãi. Thành ra, hãy pha một tách trà hoa cúc (trừ phi bạn dị ứng), ôm một chú mèo nhồi bông (trừ phi bạn dị ứng), hoặc cuộn mình trong chiếc mền ấm áp (trừ phi bạn… dị ứng?) và hít một hơi thật là sâu để lấy bình tĩnh. Câu nói “thiết bị không quan trọng” là một thành ngữ cường điệu hóa. Để tôi giải thích. Ý tôi không phải là bạn không thể chụp ảnh đẹp nếu không có máy này hay lens nọ, mà sẽ đến lúc chiếc máy bạn có trong tay giới hạn những gì bạn CÓ THỂ làm được. Ví dụ, mấy năm gần đây tôi bắt đầu chụp nhiều ảnh panorama. Chiếc D850 khiến cho việc ấy rất thuận tiện vì nó có sẵn chức năng cân bằng kỹ thuật số (digital level). Giờ giả sử tôi dùng một bộ cân bằng gắn ngoài cho chiếc D5500 thì sao? Hoàn toàn khả thi, và tôi đã thử, nhưng nó không đủ thoải mái. Đối với tôi, đây giống như khác biệt giữa đồng hồ số và đồng hồ kim. Tôi đọc được cả hai, nhưng với đồng hồ kim thì tôi phải tập trung nhìn lâu hơn mới biết chính xác thời gian. Trong bộ môn ảnh panorama, độ chính xác là thứ quyết định ranh giới giữa một bức ảnh tuyệt đẹp và một cơ hội vụt mất. Khi bạn đạt đến một chừng mực mà ở đó, thiết bị bạn sở hữu ngăn trở bạn làm điều bạn muốn, ở tầm vực bạn mong đợi, bạn biết rằng mình nên xem xét nâng cấp hoặc bổ sung thiết bị (trong khả năng cho phép). Đây cũng là lời đáp cho câu hỏi “khi nào thì tôi nên nâng cấp.”
  4. Bạn chọn lựa cảnh chụp kỹ càng hơn: cho dù là máy ảnh của mình hay đi mượn, thì cái lần đầu tiên cầm máy lên, bạn (hoặc ít nhất là tôi) sẽ tự động có khuynh hướng bạ đâu chụp đó. Hồi năm 2008, tôi đã mua cho mình chiếc máy point-and-shoot đầu đời. Tôi nhớ khi đó tôi đã xếp hàng mấy tiếng đồng hồ, xong rồi trở về nhà và chụp tất cả mọi thứ trong tầm mắt. Có thể nói trong vòng một tháng đầu tiên sở hữu chiếc máy ảnh, tôi đã chụp nhiều ảnh hơn cả một năm vừa qua. Cố nhiên điều này giúp bạn mau làm quen với chiếc máy, học được cách sắp xếp ánh sáng và bố cục này kia. Nhưng rồi bạn sẽ dần dần chụp ít lại. Bạn bắt đầu đánh giá được cái gì đáng chụp và cái gì không, trước cả khi lấy máy ra. Đây có thể là một góc nhìn chủ quan (cảnh quan tẻ nhạt đối với người này lại là tuyệt tác giật giải đối với người khác), nhưng nó chứng minh rằng cặp mắt nhiếp ảnh của bạn đã tỏ tường hơn, bạn dần hiểu được những vị trí và chủ thể như thế nào là phù hợp cho một bức ảnh đẹp. Tôi không nói bạn đừng thử nghiệm những cái mới, mà là bạn sẽ đạt một bước tiến rất lớn khi bạn biết mình có thể làm gì với quan cảnh trước mặt, hình dung được bức ảnh sẽ ra làm sao trước cả khi bấm máy.
  5. Bạn tự tin về bản năng của mình: lần đầu tiên cầm máy mới, bạn có thể sẽ choáng ngợp, dù cho bạn là một nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm đi chăng nữa. Tuy nhiên, nếu bạn mới chân ướt chân ráo vào nghề, bạn không chỉ phải tìm hiểu công dụng của từng nút bấm trên máy, mà còn phải biết dùng lúc nào và dùng ra làm sao. Tôi thường thấy những người mới chơi hỏi những câu như chụp cảnh đó thì tiêu cự bao nhiêu, bố cục thế nào, khẩu độ số mấy, và tôi chẳng nói chính xác được. Lúc mà tôi dùng dằng mãi cũng chịu nghiên cứu về ba thông số phơi sáng {exposure triangle: khẩu/tốc/ISO}, tôi thường chụp một cảnh với nhiều thiết lập hoặc bố cục khác nhau, hy vọng một trong số đó sẽ thành công. Tuy thế, sẽ đến thời điểm bạn không còn lo nghĩ thái quá và bạn đi theo trực giác của mình. Hành động đó không phải lúc nào cũng hiệu nghiệm, nhưng trải qua thời gian, việc lựa chọn những tiêu cự, những bố cục, những thông số tốt nhất sẽ trở thành một bản năng. Dạo gần đây tôi hiếm khi mang theo hơn một chiếc lens. Sau khi lên mạng nghiên cứu địa điểm chụp, tôi có thừa sự tự tin để chọn ra ống kiếng phù hợp nhất cho bộ ảnh tôi sắp chụp ở đó. Trực giác của bạn không chỉ dừng lại ở đó mà dần dà nó còn có ích cho những lúc bạn làm hậu kỳ.
  6. Bạn trở nên khó tính hơn khi chọn những bức hình nên giữ lại: cái thủa ban đầu mới biết chụp, tuyệt nhiên không một thước phim nào bị vụt bỏ dưới sàn trong phòng tráng rọi. Không cần biết là hình rung tay, hình mất nét, hình cháy sáng, hay hình xấu xí chán ngắt, tôi quăng hết lên trên mạng để mà xúc phạm võng mạc mọi người. Có điều, dần về sau, mọi thứ đã thay đổi. Hình được chép vô máy tính bắt đầu vơi bớt đi, hình được làm hậu kỳ càng ít, và hình đăng lên mạng lại ít hơn nữa. Tất thảy chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác chép hình lên máy xong thấy có nhiều tấm rất đáng thất vọng. Mặc dù không lấy làm vui vẻ gì, nhưng đây là một điều tốt. Nó liên quan tới mục số 1, nghĩa là bạn đã có con mắt tinh tế hơn và biết nhận xét khách quan những gì mình chụp, biết bức ảnh nào đáng chỉnh sửa, bức nào thậm chí không đáng lưu lại. Bạn không cần phải xóa ngay những tấm hình không ưng ý, mà điểm cần để tâm là khả năng phân định đâu là những tấm hình đáng bỏ thì giờ ra chăm chút sẽ giúp bạn quản lý thời gian hữu hiệu hơn.
  7. Sự công nhận trở nên bớt quan trọng: khi mới tập tành chụp choẹt, không gì vui hơn là có người ngợi khen mình. Nếu lỡ không ai like hay comment, chắc tôi buồn thúi ruột. Nếu không phải đang refresh mục thông báo để kiểm tra lượt like mới thì tôi cũng đang vừa cuộn màn hình vừa tỵ nạnh những tay máy “dỏm hơn tôi” nhưng lại có nhiều người theo dõi hơn. Tuy nhiên, năm tháng trôi đi, tôi bớt tiêu tốn thời gian quan tâm những lượt tương tác và bớt so sánh mình với bàn dân thiên hạ. Có những dạo tôi trải qua ba, bốn ngày không màng tới mạng xã hội. Nói vậy không có nghĩa là bạn nên khi dể sự tương tác, nhưng ở một chừng mực nào đó, phẩm chất tấm ảnh không còn tương quan với số điểm ảo mà internet đem lại cho nó. Ngày nay, giá trị bức ảnh đến từ việc chính tôi yêu thích nó cỡ nào, hoặc kỷ niệm tôi trải qua để chụp được nó. Có vài tấm được người ta chú ý nhiều hơn, vài tấm bán đắt hơn, vài tấm được bè bạn quốc tế công nhận. Nhưng không điều gì khiến tôi thay đổi cảm tưởng của riêng mình. Có nhiều tấm tôi cực kỳ ưng ý trong hai năm qua, dẫu không nhiều tương tác, không bán chạy, không ai đề cập tới. Nhưng chúng là những tác phẩm làm cho tôi hài lòng, được tôi treo lên tường mà ngắm, và đó mới là điều quan trọng. Khi ngọn gió đổi thay này thổi đến bạn, bạn sẽ chụp nhiều hơn những bức ảnh cho niềm yêu thích của chính mình, và bớt đi sự ham muốn được tương tác trên mạng. Điều ấy dẫn tới tính cá nhân độc đáo cho công trình của bạn.
  8. Bạn bớt tự ái: phải công nhận là mục này cũng phần nào giống mục số 7, nhưng chủ yếu nhắm vào cách bạn tiếp nhận những nhận xét tiêu cực. Lúc tôi hơi cứng tay nghề một chút, tôi thấy chất ảnh mình chụp cũng đã ra gì và này nọ. Tôi hãnh diện tột bực, không ngại ngần chia sẻ ra bên ngoài. Tôi làm chủ khẩu/tốc/ISO, tôi nắm bắt kỹ năng bố cục, còn cảm quan ánh sáng thì bội phần tinh tế. Chỉ có đúng một vấn đề. Đó là tôi đã quen nhận lời khen từ chúng bạn, chẳng hề mảy may dự trù cho thực tế nghiệt ngã mình sắp đối diện. Những tấm ảnh thường thường bậc trung của tôi lại được ca ngợi, chẳng hề ngạc nhiên khi điều đó khiến cho tôi thật là mong manh dễ rách còn hơn miếng giấy nhà cầu đem tách làm hai. Thật là thảm hại khi phải thừa nhận nhưng có một vài comment từng làm cho tôi nóng máu nguyên đêm không ngủ được. Đó là một giai đoạn tăm tối trong sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi, bởi lẽ tôi đơn thuần mặc kệ những người đồng nghiệp, cho rằng họ không thấy được tài nghệ của mình, thay vì cố gắng để làm tốt hơn như vậy. Khi ta nghĩ về môn nhiếp ảnh, ta thường nghĩ về thời giờ bỏ ra cho việc dùng máy và việc hậu kỳ, việc rèn luyện kỹ thuật. Song le, học cách đón nhận phản biện giúp cho chúng ta trưởng thành hơn, không chỉ với tư cách người chụp ảnh, mà còn ở cương vị một con người. Khỏi phải nói là từ lúc lãnh hội điều đó, giấc ngủ của tôi đã ngon êm hơn trước rất nhiều.

Hình hài của quá trình tiến bộ có thể khác biệt giữa người này với người kia, nhưng trên đây là những đặc điểm tôi theo dõi cho bản thân mình, dẫu không hoàn toàn là một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Và như tôi đã đề cập, “có thêm nhiều lượt follow trên mạng” không nằm trong số đó bởi một vài nguyên nhân như sau. Đầu tiên là tôi không có quá nhiều lượt theo dõi để có thể khẳng định liên kết giữa nó với sự tiến triển của mình. Thứ nhì, với tất cả sự tôn trọng dành cho giọng nói trong đầu Kevin Costner, việc này phức tạp hơn câu “Nếu anh xây dựng, ông ta sẽ đến.” (1) Việc có được một lượt theo dõi có mối liên quan với thời gian tiêu tốn để cố gắng đạt được nó. Trong năm đầu xài Instagram, tôi thu thập được nhiều follower hơn cả 3 năm về sau gộp lại. Điều đó không có nghĩa là tác phẩm của tôi đột nhiên tệ đi (ít nhất theo như tôi thấy). Chỉ là vì tôi đã không còn bỏ ra hàng giờ đồng hồ mỗi ngày trong nỗ lực tìm kiếm sự chú ý. Thật lòng thì bản chất hướng nội khiến tôi không giỏi cái khoản mạng xã hội cho lắm. Tôi có lẽ chỉ viết 15 cái bình luận trên Instagram trong 3 năm qua. Hiện nay sau mỗi lần đăng hình, tôi lướt trang home chừng 45 giây xong rồi tắt app và quên luôn 3-4 ngày. Ảnh đẹp không phải là không mang lại lượt theo dõi cho bạn. Nhưng chỉ riêng một tấm ảnh đẹp thì không đủ để có một lượng follower đáng kể. Tôi nói điều này với nhận thức rằng ai đó sẽ tìm đến trang Instagram của tôi, nhìn số follower tôi có, rồi tặc lưỡi bảo là “cha này thì biết cái gì, còn chưa tới (X) follower nữa là.” Và như vậy thì họ đã bỏ qua lập luận tôi đang trình bày. Lượt theo dõi từng có can hệ tới giá trị nhiếp ảnh của tôi, nhưng nay không còn nữa. Sự tuột dốc lượt follow, tôi sẽ chỉ xem như do mình quan tâm không đủ và không có kỹ năng quảng bá bản thân. Tôi biết sẽ có nhiều người bất đồng ý kiến. Song tôi nghĩ thông điệp quan trọng gửi tới những bạn mới nhập môn chính là số follower của bạn không nhất thiết phản ánh phẩm chất tác phẩm bạn làm nên.

Nếu các bạn biết những đặc điểm nào khác thể hiện sự phát triển trong bộ môn, xin hãy cứ nêu ra trong phần bình luận.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *