7 DANH VỊ CỦA LÝ CHIÊU HOÀNG

Cái tên Lý Chiêu Hoàng – Nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến vốn không còn xa lạ với người dân Việt. Điều để lại dấu ấn và đặc sắc nhất ở bà chính là những biến cố kể từ khi sinh ra cho đến khi từ biệt cõi đời. Chính những gian truân, trắc trở hay chông chênh trong vận mệnh Nữ hoàng của mình đã khiến bà trở thành một nhân vật có số phận đặc biệt nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Với 7 lần ở những danh vị khác nhau đem theo một câu chuyện riêng của cuộc đời bà, một mốc dấu ấn đặc biệt tương xứng với mỗi một danh vị riêng biệt.

1. Công chúa triều Lý

Lý Phật Kim chào đời vào tháng 9 năm Mậu Dần (1218) là con của Hoàng đế Lý Huệ Tông và Hoàng hậu Trần Thị Dung. Sau đó không lâu, bà được sắc phong làm Chiêu Thánh công chúa. Đó là danh vị đầu tiên trong cuộc đời của người con gái quý tộc này.

2. Hoàng Thái nữ nhà Lý

Khi vua cha Lý Huệ Tông bệnh tình càng nặng, nhằm những mục đích khác nhau, Trần Thủ Độ đã gây sức ép buộc vua phải xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng Thái nữ cũng là chức danh mà theo truyền thống của nhà nước phong kiến sẽ là nối ngôi thiên tử. 

3. Nữ hoàng nhà Lý

Lý Huệ Tông nhường ngôi cho bà. Lên ngôi ở tuổi còn rất nhỏ nhưng lịch sử cũng đã ghi nhận Lý Chiêu Hoàng – vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ở ngôi vua, bà lấy niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo (nghĩa là Đạo Trời sáng tỏ).

4. Hoàng hậu nhà Trần

Dưới sức ép của họ Trần, bà lại xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Cặp “vợ chồng” này hơn kém nhau một tuổi và nên vợ nên chồng là do thời thế, họ chỉ mới 7 – 8 tuổi đầu. Chồng làm vua, bà trở thành Chiêu Thánh Hoàng hậu.

5. Công chúa nhà Trần

Chiêu Thánh Hoàng hậu bị phế vào tháng Giêng năm Đinh Dậu (1237), Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: Lập công chúa Thuận Thiên họ Lý, là vợ của Hoài Vương Liễu, anh vua, làm Hoàng hậu Thuận Thiên. Giáng Chiêu Thánh làm công chúa.

Bấy giờ Chiêu Thánh không có con mà Thuận Thiên đã có mang Quốc Khang 3 tháng. Trần Thủ Độ và Công chúa Thiên Cực bàn kín với vua là nên mạo nhận lấy để làm chỗ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy.

6. Ni cô (thời Trần)

Hoàng Thái tử Trần Trịnh (con của Chiêu Thánh và Trần Thái Tông) vừa sinh đã mất. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: Hoàng thái tử sinh, tất phải chép rõ ngày, tháng, năm sinh; khi mất cũng thế. Đây chỉ chép khi mất, có lẽ là vừa mới sinh đã chết ngay, nên không chép ngày tháng sinh. Bao biến động xảy ra, Công chúa Chiêu Thánh buồn cho số phận nên đã nương nhờ nơi cửa Phật.

7. Phu nhân tướng quân (Bảo Văn hầu phu nhân)

Sau khi đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, Trần Thái Tông định công ban thưởng cho quần thần, nghĩ đến công lớn của Lê Tần, vua không chỉ phong tước mà còn gả vợ cũ của mình cho ông.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: Mậu Ngọ, năm thứ 8 (1258). Tháng giêng, mùa xuân. Đem Hoàng hậu cũ là Lý thị gả cho Ngự sử Đại phu Lê Phụ Trần… Nhà vua bảo Lê Phụ Trần rằng: Nếu trẫm không có nhà ngươi giúp sức, thì làm gì được có ngày nay, nhà ngươi nên cố gắng để cùng làm tròn sự nghiệp sau này.

Nguồn: RedsVN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *