A: Chier HuNgày nay chúng ta hay phiền lòng bởi vấn đề này.
Chúng ta than rằng có quá nhiều thứ phải làm và dường như không bao giờ hết việc.
“Không có thời gian” đã trở thành câu cửa miệng, đôi khi là cái cớ, đôi khi lại là sự thật.
Nhà sử học Parkinson đã đưa ra định luật Parkinson đầu tiên như thế này: Công việc sẽ tự động mở rộng ra cho tới khi chúng chiếm hết thời gian có sẵn.
Xã hội hiện đại giống như một cỗ máy tốc độ cao mà mọi người đều đóng 1 vai trò vận hành nào đó. Khi cỗ máy chạy càng nhanh thì con người càng bị buộc phải chạy về phía trước cho tới kiệt sức. Đồng thời nhu cầu tiêu dùng được thúc đẩy bởi quảng cáo tràn lan và kỹ thuật tiếp thị đa dạng, người ta không hài lòng với những gì đã có mà không ngừng muốn nhiều hơn.
Cứ đẩy và bị đẩy như vậy, người ta sẽ rơi vào vũng lầy của dục vọng, hết lần này tới lần khác.
Sau một thời gian dài bạn mới nhìn lại và nhận ra: cuộc đời mình đã trôi qua tự khi nào.
—————
Quản lý thời gian khiến chúng ta ngày một nhanh hơn.
Thời gian như là một tập hợp các quy tắc nghiêm ngặt chi phối công việc và cuộc sống của chúng ta: ta đi ngủ lúc nào không phải do trạng thái buồn ngủ mà là đồng hồ báo đến “giờ ngủ”; ta ăn lúc nào không chỉ do đói bụng hay không mà còn phụ thuộc vào “giờ ăn” đã đến. Những điều này không có tại sơ khai nền văn minh nhân loại.
Theo cuốn Technics and Civilization (tạm dịch: Kỹ thuật và Nền văn minh) của nhà triết học xã hội người Mỹ Lewis Mumford, việc sử dụng đồng hồ cơ bắt đầu sớm nhất ở các tu viện Châu Âu vào thế kỷ 13, để giúp thực hiện các buổi cầu nguyện đúng giờ. Mãi cho đến khoảng năm 1345 Sau Công nguyên thì việc chia 1 giờ thành 60 phút, 1 phút thành 60 giây mới được chấp nhận rộng rãi ở Châu Âu. Cũng chính từ đó mà thời gian đã trở thành một hệ quy chiếu cho các hoạt động xã hội, tách biệt đời sống con người khỏi tự nhiên. Trong nhiều thế kỷ sau, đồng hồ bước ra khỏi tôn giáo và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế của con người. Mumford thậm chí tin rằng cỗ máy mang tính chất quyết định cuộc cách mạng công nghiệp không phải động cơ hơi nước mà chính là đồng hồ.
Trong xã hội hiện đại, thời gian được đẩy lên bàn thờ. “Quản lý thời gian” ra đời và trở thành chủ đề nổi bật ngày nay. Nó dạy ta cách đặt ra mục tiêu, chia nhỏ mục tiêu; cách phân biệt giữa quan trọng và khẩn cấp; tạo ra thời gian biểu phù hợp và kiểm soát hiệu quả công việc.
Không nghi ngờ gì các phương pháp này có vai trò nhất định, nhưng chúng chỉ là giải pháp kỹ thuật. Cái gọi là giải pháp kỹ thuật nghĩa là chỉ chạm tới bề nổi mà bỏ qua gốc rễ của vấn đề. Kết quả vấn đề sẽ quay trở lại, thậm chí còn nghiêm trọng hơn sau một thời gian ngắn biến mất.
Nhiều phương pháp quản lý thời gian không giúp người ta thoát khỏi cái lồng của cuộc sống hiện đại mà củng cố kỹ năng và dạy ta chia nhỏ thời gian sống của mình một cách hợp lý hơn và cũng khắc nghiệt hơn. Chúng ta khổ sở vì nhanh hơn, nhưng quản lý thời gian lại dạy ta cách để nhanh hơn nữa.
Nhìn qua có vẻ hợp lý đấy khi làm cho bản thân nhanh hơn để bắt kịp môi trường xung quanh. Nhưng, đó là ảo tưởng khó thành hiện thực, bởi vì độ phức tạp của việc hoàn thành một việc thường vượt qua những gì ta tưởng tượng.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi nhà khoa học máy tính Douglas Hofstadter đưa ra định luật Hofstadter nổi tiếng trong tác phẩm lớn “Gödel, Escher, Bach: an Eternal Golden Braid” của ông: luôn mất nhiều thời gian làm việc hơn dự kiến, kể cả khi luật Hofstadter được tính đến.
Mặt khác không thể dự đoán trước được những rủi ro, tai nạn tương lai và nó luôn xảy ra thường xuyên, phá vỡ kế hoạch ban đầu.
Nhà xã hội học Bowman tin rằng: xã hội mà chúng ta đang sống có tính “lỏng”, tính “di động”, trong xã hội này không có gì là bất biến. Như vậy có thể thấy rằng các phương pháp lập kế hoạch thời gian không đáng tin cậy. Kế hoạch mà ta đưa ra có xu hướng rút ngắn thời gian hoàn thành, điều này buộc ta phải gia tăng nỗ lực để xong cho đúng hạn và nếu thất bại, ta sẽ đổ lỗi cho bản thân.
Vì thế, mặc dù quản lý thời gian đôi khi giúp ta cải thiện hiệu quả và hiệu suất công việc nhưng cảm giác chủ quan của con người lại không “thấy” được điều đó, họ vẫn cảm thấy không đủ thời gian, không thể hoàn thành việc gì, thậm chí là kiệt sức vì nó.
Link QR: https://qr.ae/pNAd5T