1. Không nhấn chìm bản thân trong những suy nghĩ tiêu cực
Khi chúng ta trò chuyện cùng người khác, có ba khái niệm lớn cần ghi nhớ: điều mà bạn định cho người khác thấy, điều mà thực tế bạn cho người khác thấy và điều mà bạn hy vọng có thể cho người khác thấy. Nếu lúc nào cũng chỉ nghĩ về những điểm chưa hoàn thiện của mình, bạn sẽ dễ rơi vào vòng tuần hoàn tiêu cực. Tương tự, khi rời khỏi một bữa tiệc, một cuộc họp hay một buổi gặp mặt xã giao nào đó, chúng ta cũng không nên nghĩ mãi về những việc mà lẽ ra ta đã có thể làm tốt hơn. Bạn cần dừng ngay suy nghĩ “Tại sao mình lại nói ra những lời đó?”, “Tại sao mình lại làm như vậy?”…
Nếu chỉ chú trọng vào những điểm không tốt, bạn sẽ càng cảm thấy mình luôn nói sai trong các cuộc gặp gỡ xã giao, hơn nữa, lối suy nghĩ này cũng sẽ thường xuyên thể hiện ra bên ngoài. Bạn cần hiểu rằng chẳng ai chưa từng nói sai bao giờ. Bởi thế, ngay từ lúc này, hãy phớt lờ những suy nghĩ tiêu cực ấy.
2. Nhận thức rõ thực tế
Hãy hiểu rằng dù bạn có thấy sợ hãi và nhút nhát cũng chẳng có vấn đề gì. Bộ não của chúng ta chẳng qua chỉ phản ứng khác đi khi đối mặt với các kích thích mới mẻ, khiến bạn trở nên cẩn thận quá mức mà thôi. Một khi đã hiểu điều này, bạn sẽ dễ dàng lý giải được mình đang gặp phải vấn đề gì, đồng thời có tâm thế thoải mái hơn khi đối mặt với những chuyện ngoài dự liệu có thể xảy đến trong tương lai.
Bạn không cần phải lo lắng và xấu hổ, hãy phớt lờ nhịp đập dồn dập của trái tim trong lồng ngực, phớt lờ đôi bàn tay đang ướt đẫm mồ hôi và nói với chính mình rằng đây chỉ là phản ứng của các tế bào và hóa chất trong cơ thể trước nỗi sợ không thực. Hãy xoa dịu bản thân và đối mặt với nó bằng lý trí.
3. Ngừng lại một chút để suy nghĩ
Dù ở nơi đông người cũng không cần sợ hãi. Khi có ai đó tiến đến hỏi bạn, bạn nên suy nghĩ một lúc, sau đó đưa ra câu trả lời phù hợp.
Những người cảm thấy lo lắng và sợ hãi trước đám đông thường đưa ra câu trả lời ngay sau khi được hỏi. Họ cho rằng khi đối phương đặt câu hỏi xong, mình nhất định phải lập tức trả lời. Thực ra chẳng ai bắt họ làm vậy cả.
Nếu bạn dành chút thời gian suy nghĩ trước khi trả lời, câu trả lời của bạn sẽ có chiều sâu, bạn cũng có thể truyền đạt suy nghĩ thật sự của mình rõ ràng hơn.
Hãy học cách ngừng lại một lúc rồi mới trả lời, suy nghĩ về câu hỏi mình nhận được, hạn chế ậm ờ, cách này sẽ khiến những khả năng của bạn dễ dàng bộc lộ hơn.
4. Chú ý ngôn ngữ cơ thể của mình
Tình trạng sinh lý của một người thường có khả năng quyết định tâm lý của người đó. Điều bạn cần làm là không để bản thân nhút nhát và ngại ngùng, không rụt rè và lo sợ, không tự che lấp ánh sáng của chính mình.
Hãy ngẩng cao đầu và thả lỏng. Một khi làm được như vậy, lòng tự tin trong bạn sẽ dâng cao, mọi người xung quanh cũng được truyền cảm hứng từ ngôn ngữ cơ thể của bạn. Nếu bạn luôn ở trong tư thế khúm núm cúi đầu, người khác sẽ nhìn nhận bạn là một người thiếu tự tin, đồng thời cho rằng bạn thật nhát gan và kém cỏi.
Hãy khiến bản thân trông tràn đầy tự tin như một vị lãnh đạo thực thụ. Nếu phải đứng thuyết giảng giữa đám đông, bạn cần thực hiện nhiều động tác tay phóng khoáng. Khi đã có ngôn ngữ cơ thể của một nhà lãnh đạo, mọi người cũng sẽ cho rằng bạn có năng lực dẫn dắt người khác. Nếu muốn thay đổi bản thân, hãy thử thực hiện theo cách này, mọi người sẽ tin vào hình tượng mà bạn thể hiện cho họ thấy!