Cùng với sự tăng lên của tuổi tác, cơ thể xuất hiện tình trạng lão hóa, não bộ cũng theo đó mà dần suy giảm chức năng, dẫn đến chứng hay quên ở người cao tuổi.
1. Nguyên nhân và triệu chứng hay quên ở người cao tuổi
Trí nhớ bao gồm việc ghi nhận, lưu trữ cho đến tìm kiếm và truy xuất thông tin. Sự suy giảm trí nhớ có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào và bất cứ đối tượng nào nhưng thường gặp nhất là ở người già.
Nguyên nhân là bởi sau tuổi 25, mỗi ngày sẽ có khoảng 3000 tế bào thần kinh bị phá hủy không thể phục hồi. Đến tuổi 60 trở đi, quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn, do đó số người già mắc chứng suy giảm trí nhớ có thể lên tới 50% ở độ tuổi 85.
BSNT. Hương Trà – Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, suy giảm trí nhớ hay còn gọi là chứng hay quên, đãng trí ở người già thường diễn biến trong âm thầm và tiến triển theo thời gian. Ban đầu bệnh ở mức độ nhẹ chỉ là sự mơ hồ về sự kiện: Quên đồ đạc, quên tên mọi người, quên thời gian hay lịch làm việc… Người bệnh gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày như sử dụng tiền, phương tiện giao thông, điện thoại; dần dần mất kỹ năng mua sắm, khó thực hiện theo hướng dẫn hay tìm đường…
Về sau khi bệnh nặng hơn, người bệnh có thể gặp một số tình trạng như: Khó biểu đạt, khó tìm ngôn ngữ diễn đạt; nói lắp, nhắc lại những chuyện đã qua một cách không có trình tự; hay đi lang thang, lạc đường, quên các công việc thường ngày; gặp khó khăn trong việc phối hợp các động tác để xử lý tình huống… Thậm chí, người mắc chứng hay quên còn có nguy cơ gặp phải các vấn đề như thay đổi trí nhớ, hành vi và tính cách.
Theo Y học hiện đại, có nhiều nguyên nhân gây ra chứng hay quên ở người già như:
Do tác động của các bệnh lý khác như Alzheimer, động kinh, đột quỵ, teo não, thoái hóa chất trắng… Do tổn thương ở não những bệnh viêm não, viêm màng não, u não, nhiễm trùng não hay có các cục máu đông trong não. Do các vấn đề tinh thần: Trầm cảm, căng thẳng thần kinh, Do thiếu hụt lượng oxy lên não, hoặc nhiễm độc khí CO trong thời gian dài. Sử dụng nhiều các chất kích kích như rượu, bia, thuốc lá, ma túy…
Theo Y học cổ truyền, chứng hay quên ở người già gọi là kiện vong. Cơ chế bệnh sinh chủ yếu do tâm tỳ suy nhược, thận tinh hư yếu gây nên. Để chữa chứng hay quên, Đông y có nhiều biện pháp như dùng thuốc, xoa bóp, châm cứu, tập luyện khí công dưỡng sinh… trong đó có sử dụng các loại trà.
2. Các loại trà giúp cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi
Theo BSNT. Hương Trà một số loại trà dưới đây có thể giúp cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi như sau:
2.1. Trà hạt sen giúp cải thiện trí nhớ
Hạt sen hay còn gọi là liên nhục, là vị thuốc đông y, vị ngọt chát, tính bình, quy vào kinh thận, tỳ, tâm. Hạt sen có công dụng ích tỳ vị, dưỡng tâm khí, ích trí lực. Do đó, sử dụng hạt sen để điều trị các bệnh lý suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, cơ thể yếu, mất ngủ, ăn kém, tâm phiền và chứng ăn uống không tiêu. Ngoài ra, hạt sen còn được dùng để bồi bổ sức khỏe cho người cao tuổi, phụ nữ sau sinh và người bị bệnh nặng lâu ngày.
Cách dùng: Sử dụng trà hạt sen bằng cách đập vụn hạt sen, hãm với nước sôi uống. Có thể cho thêm vài quả đại táo hoặc một chút đường phèn.
Kiêng kỵ: Hạt sen tính bình, không độc, nhưng người bị đầy bụng, không tiêu, táo bón nên hạn chế dùng.
2.2. Trà linh chi
Linh chi là loại nấm quý, có vị đắng, tính hàn, quy kinh tâm, phế, can, thận. Nấm linh chi có công dụng dưỡng tâm an thần, ích khí bổ huyết, kiện não ích trí, cải thiện trí nhớ.
Các thầy thuốc tại một số bệnh viện của Trung Quốc đã đi đến kết luận rằng, nấm linh chi có tác dụng trên một số bệnh như đau thắt cơ tim, bệnh ở mạch vành của tim, huyết áp không ổn định (khi thấp khi cao), viêm phế quản, hen, thấp khớp, viêm gan mạn, bệnh phụ nữ vào thời kỳ mãn kinh, bệnh đường tiêu hóa, giúp đầu óc minh mẫn và cải thiện trí nhớ…
Cách dùng: Mỗi ngày dùng 5g, sắc uống thay trà.
Kiêng kỵ: Người huyết áp thấp nên hạn chế dùng linh chi.
2.3. Trà hà thủ ô
Theo y học cổ truyền, hà thủ ô có vị đắng, chát, tính ấm, quy vào hai kinh: Can, thận. Hà thủ ô được coi là dược liệu quý có tác dụng bổ khí huyết, đen tóc, chữa thận hư thận yếu, cải thiện trí nhớ, mất ngủ, sốt rét, giảm mỡ máu, bệnh dạ dày…
Cách dùng: Dùng dưới dạng trà phiến hoặc trà bột hà thủ ô, mỗi ngày dùng 15 – 20g.
Kiêng kỵ: Kiêng sử dụng các loại gia vị có tính nóng như tỏi, hành, gừng, ớt, hạt tiêu…
2.4. Trà nhân sâm
Theo sách Bản kinh, nhân sâm có tác dụng “bổ ngũ tạng, an tinh thần, định hồn phách, chỉ kinh quí, trừ tà khí, minh mục, khai tâm ích trí”. Nhân sâm là dược liệu quý giúp đại bổ nguyên khí, định tâm ích trí và rất có lợi cho việc nâng cao năng lực hoạt động của não bộ. Sử dụng nhân sâm có thể giúp bạn tập trung cải thiện trí nhớ và tâm trạng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học “Những chất thay thế và bổ sung” cho biết chức năng thùy não trước của bệnh nhân mắc bệnh Alzeimer được nghiên cứu đã cải thiện đáng kể sau 12 tuần sử dụng nhân sâm.
Cách dùng: Dùng dưới dạng trà tan hoặc trà phiến, mỗi ngày 3 – 5g.
Kiêng kỵ: Một số trường hợp không nên dùng nhân sâm để tránh nguy hiểm như: Người rối loạn tiêu hóa, người bệnh tăng huyết áp, người hay bị nôn, trào ngược dạ dày thực quản, phụ nữ trước sinh…
3. Các biện pháp khác giúp cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi
Theo BSNT Hương Trà người cao tuổi cũng có thể cải thiện trí nhớ bằng các biện pháp sau:
– Thường xuyên tập thể dục và vận động: Điều này giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng cường oxy đi khắp các bộ phận của cơ thể.
– Bổ sung các chất dinh dưỡng từ thực phẩm: Người cao tuổi bị suy giảm trí nhớ nên có chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh, đảm bảo đủ vitamin và khoảng chất (đặc biệt là vitamin B12 giúp bảo vệ tế bào thần kinh và đảm bảo não bộ hoạt động khỏe mạnh). Cụ thể, nên ăn nhiều ray xanh và hoa quả, hạn chế ăn quá nhiều thịt đỏ.
– Tránh xa các chất kích thích: Hạn chế rượu bia, thuốc lá và các chất có cồn không chỉ tốt cho trí não mà còn giúp phòng tránh nhiều căn bệnh khác của tuổi già.
– Chơi các trò chơi tư duy: Học chơi nhạc cụ, học một ngôn ngữ mới, chơi giải câu đố, xếp hình… để luyện tập trí não thường xuyên, ngăn ngừa sự lão hóa thần kinh.
– Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, tránh xa căng thẳng: Tình trạng căng thẳng có thể khiến người cao tuổi kém tập trung hơn, từ đó dễ rơi vào tình trạng hay quên. Do đó, nên duy trì cho mình tinh thần thoải mái, lạc quan và yêu đời.
– Xoa bóp: Các bài tập xoa bóp đơn giản được thực hiện thường xuyên cũng có thể giúp đả thông kinh mạch, cải thiện tuần hoàn máu, giúp máu lưu thông lên não tốt hơn.
Chứng hay quên (suy giảm trí nhớ) là một phần bình thường của quá trình lão hóa. Tuy nhiên, đó cũng có thể là sự khởi đầu của bệnh Alzheimer hoặc một chứng sa sút trí tuệ khác. Do đó, khi thấy có biểu hiện của chứng hay quên, người bệnh nên đi khám để được xác định nguyên nhân gây bệnh, mức độ bệnh, để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.