#30P_review
CON NGỰA MÃN CHÂU – NGUYỄN QUANG THÂN
Với nhiều người, “cách mạng” nghe qua hẳn là một cái gì đó to lớn lắm, vĩ đại lắm. Nhưng sau khi đọc xong tiểu thuyết Con ngựa Mãn Châu, ta mới thấy à hóa ra cách mạng chỉ đơn giản là đổi đời.
Tác phẩm mở đầu bằng nạn đói Ất Dậu 1945. Trong cảnh thê lương ấy, hai con người ở hai thế giới khác nhau đã không hẹn mà gặp: sĩ quan Nhật Suragana và chàng thanh niên Quang. Bỏ qua mọi thù hằn, mọi lằn ranh thân phận, Suragana cùng Quang đều bỏ lên chiến khu theo Việt Minh.
Cuộc tao ngộ giữa chủ nhân con ngựa Mãn Châu với cậu ấm xứ Nghệ chỉ là cái cớ để tác giả đi sâu hơn vào tấn bi kịch của từng nhân vật trong buổi đổi đời. Trước bao ngã rẽ của thời cuộc, mỗi người phải tự đi tìm câu trả lời cho lẽ sinh tồn của mình, phải tự lựa chọn quyết định. Từ anh lính Nhật Suragana bại trận đi theo Việt Minh và tìm được quê hương mới của mình bên người vợ hiền đến cậu bé Quang tinh nghịch, hiếu động, ưa mạo hiểm đã dấn thân vào cuộc cách mạng một cách hồn nhiên. Rồi đến Dư An và bác sĩ Can với tình yêu vượt qua thời gian, thấm đẫm màu sắc tôn giáo cuối cùng đã vĩnh viễn ở lại trên đồi cao lộng gió…
Lịch sử hiện hữu trong mỗi con người và số phận cá nhân. Cuộc đời của mỗi nhân vật lịch sử cũng như các biến cố sự kiện dù có thật hay không cũng là điều đã qua như “cái chớp mắt của ngàn năm” nhưng thành công của nhà văn là đã lưu giữ những khoảnh khắc đó để sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật giàu sức sống.
Tác giả không chỉ dừng lại ở việc tái hiện những mảnh đời, số phận mà ông còn đi sâu vào tâm hồn họ để lắng nghe những âm vang lịch sử vọng ra từ chính suy tư của mỗi nhân vật.