“2001: A Space Odyssey” cố gắng truyền tải điều gì?

“2001: A Space Odyssey” cố gắng truyền tải điều gì?

“2001: A Space Odyssey” cố gắng truyền tải điều gì?

(N.d: lưu ý, bài dài, các từ khóa quan trọng mình xin giữ nguyên bằng tiếng Anh không dịch)

A: Saaem Raza

2001: A Space Odyssey là một sự châm biếm học thuyết Darwin.

Kiến giải này sẽ chỉ đề cập đến tác phẩm điện ảnh của Stanley Kubrick vì quyển tiểu thuyết không chủ động dành nhiều thời gian để đi sâu phân tích các thắc mắc. Nhiều bí ẩn từ Kubrick đã được Arthur C. Clarke giải đáp trong những quyển sách sau đó của ông nhưng tất cả đều quá đơn giản và hoang đường. Trong phần trả lời này, tôi sẽ cố gắng nêu ra một cách cụ thể nhất tại sao 2001: A Space Odyssey là một sự châm biếm mạnh mẽ học thuyết Darwin.

Học thuyết Darwin tập hợp nhiều giả định về cơ bản cho rằng tất cả các loài đều tiến hóa từ sinh vật thể đơn bào sang sinh vật thể đa bào. Sự phát triển trí tuệ ở muôn loài cũng là một phần của cơ chế tiến hóa hữu cơ này. Theo những người ủng hộ học thuyết Darwin, con người có tổ tiên là loài vượn cổ. Con người chính là thể tiến hóa cao hơn của loài vượn. Học thuyết Darwin giải thích sự tiến hóa về mặt sinh học lẫn trí tuệ của muôn loài hoàn toàn là cơ chế tự nhiên và bác bỏ tất cả các thế lực siêu nhiên hoặc một đấng sáng tạo đã tác động đến quá trình này. Học thuyết Darwin đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau cho sự tiến hóa về mặt sinh học và trí tuệ từ loài vượn sang con người nhưng không có bất kỳ lời giải thích thỏa đáng nào cho thấy điều gì đã tác động đến quá trình tiến hóa đó.

Trong trường đoạn đầu tiên của 2001: A Space Odyssey, có tên là “Buổi bình minh của Nhân Loại” (The Dawn of Man), chúng ta thấy Con Người vất vả sinh tồn trong một môi trường có tính cạnh tranh rất cao. Tổ tiên của loài người yếu đuối, sợ hãi và không có nhiều nhận thức. Con Người sinh sống trên những vùng hoang mạc và đầm lầy. Con Người không có đủ sự hiểu biết để bảo vệ bản thân khỏi những động vật săn mồi hoặc loài khác. Điều duy nhất mà ta thấy tổ tiên có điểm chung với mình là họ sống theo bầy đàn. Những bộ lạc của Con Người đấu tranh với nhau để giành thức ăn và nơi trú ẩn. Họ cũng quan tâm đến các thành viên trong bộ lạc nhưng không hề có khái niệm chăm lo cho gia đình như con người hiện nay. Họ ngủ trong hang hoặc các hốc đá. Vào một buổi sáng, họ khám phá ra một vật thể bí ẩn mà họ chưa bao giờ nhìn thấy trước đây.

Một khối Monolith.

Khối Monolith hình chữ nhật này có chiều cao gấp ba lần Con Người. Con Người sợ hãi khi lần đầu tiên nhìn thấy khối Monolith. Điều này biểu hiện rằng Con Người ngay từ buổi ban sơ đã có sự sợ hãi nhất định với những điều chưa thể nhận biết. Trong khi đang đào bới những mảnh xương từ một con thú đã chết, Mặt Trời chiếu rọi ánh sáng vào khối Monolith và tác động lên Con Người, giúp họ giác ngộ được một điều gì đó hết sức mới mẻ. Con Người nhận ra mảnh xương đó đủ cứng để có thể đập vỡ những mảnh xương khác. Phát hiện đầu tiên đó chính là tiền đề đưa Con Người và thế hệ sau của họ thống trị Trái Đất này.

Vũ khí và công cụ.

Con Người sử dụng mảnh xương đó làm công cụ để săn bắt và làm vũ khí để chống lại những bộ lạc có ý định cạnh tranh khác.

Vậy trọng tâm ở đây là gì? Sự phát triển vượt bậc về trí tuệ của Con Người được tác động bởi một khối Monolith bí ẩn chưa thể giải thích được.

Trong trường đoạn cuối của của 2001: A Space Odyssey, khi Bowman rơi vào một vùng không gian không xác định và đang cận kề cái chết, khối Monolith lại một lần nữa xuất hiện. Rồi sau đó Bowman được biến đổi thành một thực thể gọi là Starchild. Starchild là một bản thể mới của Con Người, một bước tiến hóa vượt khỏi Con Người. Sự biến đổi này cũng được tác động bởi khối Monolith bí ẩn.

Đây là một sự châm biếm mạnh mẽ đến học thuyết Darwin. Khối Monolith là một ẩn dụ được Kurbrick sử dụng, tượng trưng cho sự không thỏa đáng cho các ý tưởng về tiến hóa của chủ nghĩa Darwin. Khối Monolith có thể đại diện cho bất kỳ điều gì – một thế lực Thần Thánh nào đó hoặc là sự can thiệp đến từ các chủng loài ngoài hành tinh (theo như cách Clarke giải thích trong tiểu thuyết). Điều Kurbrick muốn nhấn mạnh đó là, muốn tìm kiếm sự thật và các lời giải, không thể hoàn toàn chỉ dựa vào học thuyết Darwin. Có hàng triệu, hàng triệu bí ẩn trong Vũ Trụ này chưa có lời giải, và đó là chìa khóa cho lời giải về sự tồn tại của Con Người.

Trong một cuộc phỏng vấn, Kubrick đã phát biểu rằng, “Ở một trong các góc nhìn sâu sắc nhất, 2001: A Space Odyssey tượng trưng cho việc tìm kiếm Thiên Chúa, và cuối cùng, đưa ra những lời giải mang ít tính khoa học nhất về Thiên Chúa”. 2001: A Space Odyssey cố gắng lấp đầy những khoảng trống hư vô mà học thuyết Darwin bỏ lại và đưa ra những câu trả lời mang tính suy ngẫm. Kubrick cố gắng xoa dịu nhân loại đang ngày càng chìm trong sự tuyệt vọng tìm kiếm ý nghĩa thực sự của cuộc sống, chúng ta tồn tại là mang một ý nghĩa nhất định nào đó và ý nghĩa đó vẫn đang còn chờ chúng ta khám phá. Và nhân loại không được phép như các học thuyết tiến hóa chấp nhận rằng sự tồn tại của Con Người chỉ là ngẫu nhiên mà thôi.

https://qr.ae/pNsB7H

A: Christopher Reiss

Nhân loại vẫn chưa tiến hóa đạt mức hoàn mỹ.

Con Người, trong hình hài hiện tại, vẫn còn đó sự hoang dã của loài vật và chưa đạt tới tầm mức vĩ đại của Vũ Trụ.

Như ta thấy trong phần đầu của 2001: A Space Odyssey, loài vượn cổ tranh đấu để giành lấy vùng lãnh thổ là một hồ nước – dù hồ nước đó đủ rộng lớn cho chúng và giống loài của mình chia sẻ với nhau. Ở những thế hệ sau, người Mỹ và người Nga cũng giam cầm nhau trong một cuộc Chiến tranh Lạnh… và mang cuộc chiến đó lên tận Mặt Trăng xa xôi. Dù rằng Trái Đất đủ lớn và họ là đồng loại của nhau.

Tiếp theo, ta càng thấy rõ hơn bản chất hoang dã của loài vật ở Con Người: phải ăn để duy trì sự sống.

Cơ chế tiêu hóa cũng được mô tả lại một cách chi tiết. Chúng ta thấy Con Người cần vệ sinh. Bên cạnh đó, Con Người tỏ ra khá tẻ nhạt. Thư giãn cơ thể. Chơi cờ.

Ăn uống, đi lanh quanh, rồi lại chiến đấu. Con Người không khác nhiều so với tổ tiên vượn cổ của mình. Khung hình chuyển đổi từ mảnh xương thú sang một con tàu không gian (mà theo mô tả là “bước tiến trọng nhất trong lịch sử điện ảnh”) cũng cho thấy Con Người dù có phát triển hiện đại đến đâu cũng không có nhiều sự khác biệt. Mà thậm chí còn càng giống với tổ tiên mình hơn.

Lạc lõng giữa không gian. Con Người sử dụng thành thạo các công cụ có trong tay nhưng đã không còn là chính mình. Con Người biết cảnh sử dụng mảnh xương để săn bắt nhưng cũng dùng chính mảnh xương đó để đập đầu đồng loại. Người Mỹ và người Nga luôn chực chờ để cho nổ tung hành tinh này.

Quyển “2010: Odyssey Two” diễn giải chính những lo lắng huyễn hoặc trong Chiến tranh Lạnh là nguồn cơn cho sự suy thoái của siêu máy tính HAL. Sự e sợ đến từ việc người Nga có thể nhận ra sự có mặt của các giống loài ngoài hành tinh và thực hiện các cuộc hành trình đến sao Mộc trước, và để ngăn chặn bất cứ khả năng rò rỉ thông tin nào, HAL được lệnh phải nối dối mục đích thực sự của nhiệm vụ với các thành viên phi hành đoàn. Điều này dẫn đến mâu thuẫn với một mệnh lệnh khác mà HAL được thiết lập ngay từ đầu: hỗ trợ và báo cáo tình hình cho các thành viên phi hành đoàn trong mọi tình huống xảy ra. Sự mâu thuẫn này dẫn đến việc siêu máy tính HAL đã ra tay thủ tiêu các thành viên phi hành đoàn một cách hết sức nhẫn tâm.

Cuộc xung đột của bầy vượn cổ ở hồ nước sẽ không bao giờ dừng lại, nó tạo ra một thế giới có đầy những bí mật, góc khuất và sự nghi ngờ, đẩy mọi thứ đứng trước bờ vực của sự hủy diệt.

Để rồi sau cùng, một lần nữa ta thấy Con Người lại ngồi ăn uống. Con Người làm rơi một li nước và li nước vỡ tan. Con Người vẫn chưa hoàn thiện.

Con Người biến đổi thành một thực thể là Starchild, và không còn bị ràng buộc bởi thân xác – Con Người giờ đây được bao quanh bởi một nguồn năng lượng thuần khiết và không cần phải ăn hay chiến đấu nữa. Trái Đất và nhân loại chìm dần trong bóng tối cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng…

Bởi dạng sống cao siêu hơn thế này mới xứng đáng với sự to lớn và vĩ đại của Vũ Trụ.

Zarathustra đã nói như thế đấy.

https://qr.ae/pNs3B6

A: Matt Burwood / nhà làm phim

Một điều quan trọng cần phải hiểu đó là, 2001: A Space Odyssey không phải để hiểu, mặt khác, tác phẩm này cũng khiến người ta phải suy ngẫm rất nhiều.

Stanley Kubrick đã nói:

“Liệu Mona Lisa có đặc biệt đến thế không nếu Leonardo (Da Vinci) chú thích bên dưới bức họa rằng, nàng Mona Lisa đang mỉm cười vì che giấu một bí mật với người tình; điều đó sẽ kéo mọi thứ trở về với thực tế và đó là điều tôi không muốn xảy đến với 2001: A Space Odyssey”

Đây là chắc chắn là điều khó chấp nhận, cũng không có gì bất thường, người ta hoàn toàn có quyền mong đợi một lời giải đáp hợp lí và thấu cảm được tất cả những thông điệp mà tác phẩm muốn truyền tải. Nhưng những nhà làm phim như Kubrick luôn muốn đặt mọi thứ ở một trạng thái mơ hồ để mỗi người xem không còn lựa chọn nào khác là phải tự đưa ra câu trả lời cho chính mình.

Và vì thế, không có “đúng hay sai” trong 2001: A Space Odyssey, kết luận của bạn, của tôi hay bất kì người nào cũng đều là “đúng”, Kubrick chưa từng xác nhận.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn nghe lời giải từ một người khác thì nó sẽ có ngay đây.

Dù Kubrick chẳng bao giờ trực tiếp tiết lộ bất cứ điều gì, các tác phẩm của ông ấy luôn đề cập đến một vài chủ đề nhất định mà ông ấy từng tuyên bố là mình ủng hộ, hay thậm chí là bác bỏ cả những học thuyết đã tồn tại trước đó:

“2001: A Space Odyssey đưa ra một góc nhìn sâu sắc về thế giới siêu hình học (metaphysical) theo quan điểm của tôi. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu trật tự trong vũ trụ này không được thiếp lập từ một trí tuệ siêu việt mà chúng ta gọi là Chúa. Tôi thấy rất thú vị khi kết hợp một nửa niềm tin và một nửa logic để tìm kiếm câu trả lời về những điều mà chúng ta chưa thể hiểu, và đâu đó bên ngoài Trái Đất đang có một trí thông minh rất cao siêu hiện hữu. Đó là điều mà tôi thực sự để tâm tới rất nhiều. Tôi thích thú với việc có cho mình một hy vọng và tôi thỏa mãn với điều đó”

Kubrick tiếp,

“Toàn bộ ý tưởng về thần thánh nghe có vẻ khá vô lí. Nếu phải định nghĩa, 2001: A Space Odyssey cho thấy Chúa chỉ là một từ để chỉ về thứ mà người ta vì sự hạn hẹp của bản thân mà chưa thể hiểu ra được. Người ta không hiểu biết về điều gì, họ gọi đó là thần, là Chúa”

Chúng ta mãi miết tập trung vào diễn giải “ý nghĩa”, nhưng thay vì tìm kiếm ý nghĩa thông qua nội dung tác phẩm một cách đơn thuần (liệu đây là do người ngoài hành tinh, hay là do Chúa? v.v.. Kubrick cho rằng trả lời được những câu hỏi đó sẽ khiến mọi thứ trở nên tầm thường), sẽ thú vị và hợp lí hơn khi dịch chuyển trọng tâm về những thứ “cơ bản” nhất, như cách tác phẩm ngầm truyền tải, đó là bản chất tự nhiên và những trải nghiệm của con người.

2001: A Space Odyssey cho thấy viễn cảnh mối quan hệ giữa nhân loại chúng ta với sự tối tân của công nghệ.

Xuyên suốt tác phẩm, hầu hết các nhân vật đều dành tầm một nửa thời gian để tương tác với nhau thông qua các thiết bị công nghệ, thay vì tương tác một cách trực tiếp với nhau.

Có một trường đoạn mà ở đó nhân vật đang cố gắng sửa chữa những hỏng hóc trên trạm vũ trụ, anh ta vừa được hỗ trợ vừa bị cản trở bởi chính công nghệ sinh ra để phục vụ cho Con Người.

Nhưng tôi sẽ dừng ý này ở đây, và để bạn có những suy ngẫm cho riêng mình, nhưng tôi chắc chắn 2001: A Space Odyssey muốn nhấn mạnh về mối quan hệ của chúng ta với công nghệ trong tương lai, những ưu và nhược điểm mà công nghệ sẽ mang tới.

Một chủ đề khác cũng rất phổ biến trong các tác phẩm của Kurbrick đó chính là “Con Người luôn có hai mặt”

Nhân loại, liệu đều là tốt đẹp, hay xấu xa, là những kẻ ích kỷ, hay đầy lòng vị tha, tiến bộ hay văn minh? Chúng ta là tất cả những thứ đó.

2001: A Space Odyssey thể hiện chủ đề này tinh tế hơn hầu hết tác phẩm khác của Kubrick. Và ngay từ những giây mở đầu, Kubrick đã mô tả một cách trực diện bản chất hung bạo của Con Người, thứ giúp họ sinh tồn ngay từ buổi sơ khai của nền văn minh, khi Con Người giết nhau bằng những công cụ mà họ tìm ra được (cần phải nói xét về mặt khoa học thì đây là một suy luận mang tính chủ quan, các loài động vật khác cũng có cách đấu tranh sinh tồn không khác loài người)

Hàng triệu năm trôi qua, Con Người vẫn tìm cách tiêu diệt nhau, thậm chí là còn gây xung đột với cả công nghệ mà mình tạo ra.

Dù vậy, bên cạch việc giết nhau bằng một mảnh xương, Con Người cũng học cách chia sẻ cho nhau, giúp nhau trong những hoàn cảnh khó khăn, nhờ sự tương hợp và đồng điệu về mặt cảm xúc.

Có thể những lập luận này chỉ đến từ quan điểm của riêng tôi và không phải chủ kiến từ Kubrick, dù vậy, điều quan trọng nhất vẫn là chúng ta, những người xem, cùng nhau có một suy ngẫm và cùng nhau đi tìm câu trả lời cho riêng mình.

Và thậm chí có thể chúng ta sẽ xảy ra tranh cãi về những quan điểm xung quanh 2001: A Space Odyssey, đó vẫn là điều tốt – một tác phẩm mà nửa thế kỷ đã trôi qua và vẫn khiến người ta phải tranh luận.

Đó chính là điều mà Kubrick mong đợi.

Hay ở chỗ là, sau khi tham khảo qua quan điểm của người khác, và xem lại tác phẩm, liệu chúng ta có đồng ý với họ hay không, hay lại tiếp tục tìm kiếm những quan điểm khác, và lại có cho riêng mình một kết luận.

Đọc về tâm lí học hay triết học cũng đem đến cho chúng ta những góc nhìn tương tự. Và từ đó, có thể nhận ra được những ý tưởng nhất định và các khái niệm mà những tác phẩm của Kubrick, như 2001: A Space Odyssey muốn mang tới.

https://qr.ae/pNsBYq

N.d: ra đời năm 1968, tức là trước cả khi Neil Armstrong lần đầu đặt chân lên Mặt Trăng, tầm vóc và sự vĩ đại của 2001: A Space Odyssey là thứ khó có thể diễn tả được. Từ triết học, thần học, sự to lớn của vũ trụ, các học thuyết ưu sinh, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hư vô, siêu hình,… đều được Stanley Kubrick gói gọn chỉ trong khoảng 2 tiếng. Cá nhân mình rất thích một nhận xét của nhà bình luận Roger Ebert, trích nguyên văn:

“Loài người là một giống loài hiếu kì. Anh ta cảm thấy khó chịu khi trải nghiệm một điều phi thường, và khi anh ta bị ép phải trải qua một thứ gì đó sâu sắc, anh ta bắt đầu rẻ rúng hóa nó, đem nó xuống ngang bằng với cấp độ của anh ta. Do đó khi một con người vĩ đại bị ám sát, những người hèn kém ngay lập tức sản xuất, mua và bán những bức tượng nhựa, những cái ví lưu niệm và đồng xu may mắn in hình con người vĩ đại ấy ở trên đó.

Quá trình ấy diễn ra tương tự với 2001: A Space Odyssey. Trong ba người xem qua thì sẽ có hai người quả quyết với bạn rằng phim quá dài, quá khó hiểu, hoặc (tệ nhất là) chỉ đơn thuần là khoa học viễn tưởng. Thực tế thì, 2001: A Space Odyssey là một dụ ngôn đẹp đẽ về bản chất của con người. Và có lẽ rằng, bản chất con người cũng là không muốn biết thêm một điều gì về bản chất của chính họ”

(Artwork của họa sĩ Arik Roper)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *