Làm thế nào để biến khoảnh khắc này trở thành bước ngoặt cho một thay đổi có thật?

Làm thế nào để biến khoảnh khắc này trở thành bước ngoặt cho một thay đổi có thật?

Chuyên mục: Equality | Jun 1, 2020 | 4 min read | 144K Claps
Tác giả: Barack Obama
Ảnh: Xena Goldman
———————————–
Khi hàng triệu người trên mọi miền của đất nước này lao xuống đường và lên tiếng trước cái chết của George Floyd cùng thực trạng bất bình đẳng, nhiều người đã đặt ra câu hỏi, rằng chúng ta nên làm gì để duy trì bước đà tiến tới một thay đổi có thật.
Rốt cuộc thì, sẽ có một thế hệ những nhà hoạt động chính trị mới mang sứ mệnh định hình chiến lược phù hợp nhất với thời đại. Nhưng tôi tin rằng chúng ta nên ghi nhớ một số bài học cơ bản rút ra từ những nỗ lực trong quá khứ.
Thứ nhất, làn sóng phản đối trên khắp đất nước đã phản ánh cảm giác vỡ mộng có thật và chính đáng đối với một thất bại kéo dài nhiều thập kỉ trong việc cải cách nghiệp vụ cho đội ngũ cảnh sát và mở rộng hệ thống tư pháp tại Hợp chúng quốc Hoa Kì. Phần lớn những người tham gia vào cơn sóng này đã và đang là những cá nhân chuộng hòa bình, can đảm, có trách nhiệm và truyền nhiều cảm hứng. Họ đáng được tôn trọng và ủng hộ, chứ không phải lên án và kết tội — cảnh sát tại các thành phố như Camden và Flint rất đáng tuyên dương vì đã hiểu được điều này.
Mặt khác, một số ít người đã vin vào bạo lực dưới nhiều hình thức khác nhau, bất kể do sự tức giận chính đáng hay chỉ là chủ nghĩa cơ hội, do đó đẩy những người vô tội vào cảnh nguy hiểm, đồng thời phá hủy các khu vực vốn đã thiếu thốn về dịch vụ và vốn đầu tư, hơn nữa làm giảm uy tín của các lí tưởng cao đẹp hơn. Ngày hôm nay, tôi thấy một người phụ nữ da đen lớn tuổi trả lời phỏng vấn trong nước mắt, bởi cửa hàng tạp hóa duy nhất của khu phố nơi bà sống đã bị nghiền cho ra bã. Lịch sử là một người thầy, và nó cho ta biết rằng cửa hàng đó có thể sẽ phải mất rất nhiều năm để khôi phục trạng thái như trước. Vì vậy, đừng bao giờ bào chữa cho bạo lực, hay hợp lí nó, hoặc tham gia vào nó. Nếu chúng ta mong muốn hệ thống tư pháp hình sự nói chung và xã hội Mỹ nói riêng vận hành theo một quy tắc đạo đức mạnh mẽ hơn, thì chúng ta phải tự mình mô hình hóa quy tắc ấy.
Thứ hai, tôi đã nghe được một số ý kiến cho rằng sự tái diễn vấn đề phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta đã chứng tỏ rằng chỉ có phản kháng và hành động trực tiếp mới có thể mang lại các thay đổi, còn bỏ phiếu và bầu cử chính trị là phí thời giờ. Tôi không thể đồng ý với quan điểm này. Mục đích của phản kháng là nâng cao nhận thức cộng đồng, làm nổi bật sự bất công và đẩy các thế lực rơi vào tình thế bất lợi; trên thực tế, trong suốt lịch sử Hoa Kì, chỉ có các cuộc biểu tình và bất tuân dân sự mới khiến hệ thống chính trị chú ý tới các cộng đồng chịu thiệt thòi. Nhưng đến cuối cùng, nguyện vọng phải được chuyển thành luật minh bạch và thực tiễn thể chế — và trong một nền dân chủ, điều đó chỉ xảy ra khi chúng ta bầu cử để chọn ra các quan chức chính phủ đáp ứng được các yêu cầu của chúng ta.
Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu cấp độ nào trong hệ thống chính phủ có ảnh hưởng lớn nhất lên hệ thống tư pháp hình sự và nghiệp vụ thực tiễn của cảnh sát. Khi nghĩ về chính trị, rất nhiều người chỉ tập trung vào tổng thống và chính quyền liên bang. Và vâng, chúng ta nên đấu tranh để đảm bảo mình có một tổng thống, một Quốc hội, một Bộ Tư pháp Hoa Kì và một tòa án liên bang thật sự nhận ra tác động ăn mòn của nạn phân biệt và muốn giải quyết nó. Nhưng các quan chức có nhiều ảnh hưởng nhất đối với hệ thống tư pháp và nghiệp vụ thực tiễn của cảnh sát lại làm việc ở cấp tiểu bang và địa phương.
Thị trưởng và chính quyền các hạt là người trực tiếp bổ nhiệm các cảnh sát trưởng và tiến hành các cuộc đàm phán, thương lượng với các nghiệp đoàn cảnh sát. Công tố viên của các quận và bang sẽ quyết định có điều tra hay không và đưa ra phán quyết cuối cùng xác định trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của cảnh sát. Đó đều là các vị trí nằm trong danh mục bầu cử. Ở một số nơi, vị trí thuộc ban ngành phụ trách việc giám sát hành vi của cảnh sát cũng có được thông qua bầu cử. Không may thay, tỉ lệ cử tri đi bầu cử tại các cuộc đua cấp địa phương này lại thấp một cách đáng thương, đặc biệt trong giới trẻ — những người không nhận thức được các tác động trực tiếp của các cơ quan này lên công bằng xã hội, chưa kể đến sự thật rằng việc được mất một ghế được quyết định chỉ bởi vài nghìn, thậm chí là vài trăm phiếu bầu.
Vậy kết luận ở đây là: nếu chúng ta muốn tạo ra những thay đổi có thật, chúng ta không thể chỉ chọn phản kháng hoặc chỉ hoạt động chính trị. Chúng ta phải làm cả hai. Chúng ta phải huy động để nâng cao nhận thức, chúng ta phải bỏ phiếu để đảm bảo mình đã bầu cử cho những ứng viên sẽ hành động để cải cách.
Cuối cùng, đòi hỏi của chúng ta đối với công lý hình sự và cải cách cảnh sát càng cụ thể, các quan chức chính phủ càng khó thất hứa khi bầu cử kết thúc. Nội dung của chương trình cải cách tại các cộng đồng khác nhau sẽ khác nhau. Một thành phố lớn cần chương trình cải cách này, nhưng một cộng đồng nông thôn lại cần chương trình khác. Một số cơ quan đòi cải cách toàn diện, số khác lại tiến hành những cải thiện nhỏ. Mỗi cơ quan thi hành luật pháp nên có các chính sách minh bạch, bao gồm một bộ phận tách biệt có chức năng điều tra các hành vi được cho là sai trái. Việc điều chỉnh cải cách của mỗi địa phương nên có sự tham gia của các nhà hoạt động xã hội và các tổ chức để tiến hành nghiên cứu và giáo dục cho công dân thuộc cộng đồng được về chiến lược hiệu quả nhất.
Dựa trên Lực lượng đặc nhiệm về Chính sách thế kỉ 21 mà tôi triệu tập khi còn ở Nhà Trắng, Hội nghị Lãnh đạo về Dân quyền và Nhân quyền đã phát triển một báo cáo và công cụ. Và nếu bạn quan tâm đến việc tạo ra các hành động cụ thể, chúng tôi cũng tạo ra một trang web chuyên dụng thuộc Quỹ Obama nhằm tập hợp và dẫn dắt bạn tới các nguồn lực và tổ chức có nhiều năm đấu tranh ở cấp độ địa phương và quốc gia.
Tôi nhận thấy những tháng vừa qua thật khó chịu và chán nản — khi nỗi sợ, nỗi buồn, tính không chắc chắn và sự cam go trong việc đối mặt với đại dịch lại được kết hợp với lời nhắc bi thương rằng định kiến và bất bình đẳng vẫn định hình rất nhiều đến cuộc sống của người Mĩ. Nhưng tính tích cực tăng cao của người trẻ thuộc mọi chủng tộc và địa vị trong những tuần gần đây đã thắp cho tôi một tia hi vọng. Nếu như chúng ta có thể hướng cơn tức giận chính đáng này thành hành động hòa bình, bền vững và có hiệu quả, thì khoảnh khắc này sẽ trở thành một bước ngoặt trong cuộc hành trình dài của đất nước để hướng tới lí tưởng cao nhất của chúng ta.
Hãy bắt tay vào làm ngay thôi.
———————————
How to Make this Moment the Turning Point for Real Change by @BarackObama https://link.medium.com/kSWNYb8SX6

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *