14 ĐIỀU NÊN LÀM SAU KHI BỊ CHO THÔI VIỆC

Mất việc là điều không ai mong muốn, nhưng trong một số hoàn cảnh bất khả kháng như dịch bệnh hiện nay thì bạn phải học cách chấp nhận. Thông thường, chúng ta không để ý đến những dấu hiệu báo trước tình huống này hoặc nghĩ “Nó sẽ không xảy ra với mình đâu”.

“Việc bị sa thải là một cú sốc lớn đối với lòng tự trọng của bất kỳ ai”, Lynn Taylor, chuyên gia về việc làm và tác giả cuốn sách “Tame Your Terrible Office Tyrant: How to Manage Childish Boss Behavior and Thrive in Your Job”, nói với Business Insider. Sau khi cú sốc ban đầu qua đi, việc một loạt cảm xúc như hoảng sợ, trầm cảm hoặc tức giận xuất hiện là điều tự nhiên.

Tyler Parris, tác giả của cuốn “Chief Of Staff: The Strategic Partner Who Will Revolutionize” cho rằng: “Sau khi thất nghiệp, bạn cần vực lại tinh thần và thấu hiểu vị trí hiện tại. Khi đó, bạn có thể quay trở lại và làm những gì mình giỏi nhất”.

Dưới đây là một số điều bạn nên làm để vượt qua cú sốc và chuẩn bị tinh thần quay lại thị trường việc làm.

1. Hít thở sâu

Taylor nói: “Bạn dễ dàng rơi vào trạng thái hoảng sợ sau những tin tức như thế này. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, hãy tránh việc đưa ra những phản ứng tự phát có thể khiến bạn hối hận”. Bạn nên tìm một không gian yên tĩnh, riêng tư để suy nghĩ và giải tỏa tâm lý. Bạn có thể xoa dịu cảm xúc bằng các bài tập như hít thở sâu, thiền hoặc đi bộ ngắn.

2. Đừng xem đây như là sự công kích cá nhân

Hãy nhớ rằng, việc bị sa thải không phản ánh đúng năng lực của bạn. Ví dụ, nếu công ty bắt buộc phải cắt giảm vì khó khăn tài chính và bạn là người mới, điều đó không có nghĩa bạn thiếu trình độ.

Taylor nói: “Sẽ rất hữu ích khi nhớ rằng việc sa thải hàng loạt không nhắm mục tiêu cụ thể đến bạn. Luôn có những lý do nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Cách bạn xử lý một vấn đề vào thời điểm này sẽ quan trọng hơn chính vấn đề đó”.

3. Đừng vội vàng ký bất cứ thứ gì 

Nếu bộ phận nhân sự yêu cầu bạn ký vào đơn chấm dứt hợp đồng lao động, hãy mang nó về nhà và xem kỹ trước khi ký. Chữ ký có thể đơn giản là lời xác nhận đã nhận được thông báo hoặc thỏa thuận rằng bạn sẽ không kiện hay tranh chấp với công ty trong một khoảng thời gian nhất định.

4. Trao đổi chi tiết với bộ phận nhân sự

Shane Davis, chuyên viên tuyển dụng của công ty tư vấn Vaco Memphis, gợi ý một số câu nên hỏi như: Tôi có được nhận bồi thường mất việc không, công ty có trợ giúp tìm việc không, điều gì sẽ xảy ra với các quyền lợi của tôi?

5. Gỡ những thông tin quan trọng khỏi máy tính

Hãy dành vài phút để thu thập thông tin quan trọng như các liên hệ, tệp tin cá nhân, báo cáo hiệu suất hoặc bất kỳ thứ gì có thể giúp ích cho quá trình tìm kiếm việc làm.

6. Yêu cầu giới thiệu

Nếu có mối quan hệ tốt với sếp hoặc đồng nghiệp nào, bạn có thể nhờ họ làm người tham khảo cho các đơn xin việc trong tương lai. Nếu bạn chưa có thông tin liên hệ của họ thì hãy hỏi ngay bây giờ.

7. Gọi cho gia đình hoặc bạn thân

Taylor nói: “Bạn không cần phải chịu đựng trong im lặng. Vào những lúc như thế này, việc gọi cho một người thân, bạn bè sẽ giúp bạn bớt buồn bã trước tin xấu”. Ngoài việc động viên, họ còn có thể đưa ra những góc nhìn tích cực hơn.

Chuyên gia nhân sự Laura MacLeod gợi ý bạn nên chọn lọc người mà mình nói chuyện. “Chỉ nên hướng tới những người sẽ đồng cảm và an ủi bạn. Đây chưa phải thời điểm thích hợp để lắng nghe những lời khuyên hay đề xuất công việc mới”.

8. Đừng đóng vai nạn nhân

Mặc dù mất việc là một sự kiện đáng buồn nhưng việc duy trì tâm lý nạn nhân sẽ không chỉ khiến người khác chán nản mà còn ngăn bạn tiến về phía trước. Nếu cứ liên tục kêu ca rằng mình không xứng để bị sa thải hoặc chỉ ra đồng nghiệp A, B phải rời đi thì mọi người xung quanh sẽ nghĩ bạn là người độc hại và phiền phức. Thay vào đó, hãy học cách chấp nhận và bước tiếp.

9. Đừng đưa ra bất kỳ quyết định bộc phát nào

Bạn không nên đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào trong thời điểm nóng giận này. Đừng hủy bỏ chuyến du lịch gia đình mà bạn đã mất rất lâu mới sắp xếp được. Đừng ra tiệm đổi ngay kiểu tóc mới nếu không muốn tâm trạng tồi tệ hơn vì nó chẳng hợp với bạn.

10. Chuẩn bị sẵn câu trả lời khi bạn không muốn nói về nó

Sẽ luôn có người hỏi thăm bạn về tình hình tìm kiếm việc làm. Để đối phó với những câu hỏi khó chịu này (dù có thể đối phương thật sự quan tâm), bạn nên chuẩn bị sẵn đáp án nếu không muốn nói về nó.

Bạn có thể thử những câu như: “Công ty của tôi đã đóng cửa văn phòng. Tôi đang tích cực tìm kiếm việc mới. Tôi chưa sẵn sàng nói về nó nhưng sẽ cập nhật cho bạn, cảm ơn vì đã quan tâm”.

11. Đừng báo cho cả thế giới ngay lập tức

Cảm giác không an toàn và cấp bách có thể khiến bạn chỉ muốn chia sẻ ngay câu chuyện của mình với mọi người, thường là thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Điều đó thật sự không giúp ích vì chẳng phải ai cũng có thời gian hay quan tâm bạn thật lòng. Ngoài ra, bạn cũng sẽ không cho mình thời gian để suy nghĩ về bước đi tiếp theo.

Tốt hơn hết là đợi cho tâm trạng lắng xuống, bình tâm suy nghĩ và cân nhắc xem có nên chia sẻ nó hay không. Ví dụ, sau khoảng 1 tháng, khi cảm xúc đã nguôi ngoai, bạn có thể chia sẻ về cách mình vượt qua chuyện thất nghiệp. Nó có thể giúp ích và truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Ở thời điểm này, nếu thật sự muốn nói ra, hãy chọn chế độ riêng tư hoặc chỉ chia sẻ với vài người thật sự thân thiết.

12. Ghi lại những thành tựu bạn đã đạt được

Bạn có thể mất tự tin sau khi bị cho thôi việc và cảm thấy như sự thất bại này sẽ để lại hậu quả lâu dài. Nhưng hãy nhớ rằng khi được tuyển dụng, bạn đã đóng góp cho công ty rất nhiều. Thay vì u sầu, bạn nên lập một danh sách nhanh những thành tích đã đạt được, các kinh nghiệm và kỹ năng để làm đẹp cho CV. Chắc chắn khoảng thời gian cống hiến đã mang đến cho bạn nhiều kinh nghiệm quý giá và cần thiết trong tương lai.

13. Điều chỉnh cảm xúc 

Hãy bình tĩnh phân tích những cảm xúc trong bạn lúc này và tìm hiểu xem nên làm gì với chúng. Nếu không kiểm soát tốt thì chúng sẽ tích tụ và bộc phát theo cách không phù hợp.

Ví dụ, nếu thấy thất vọng, hãy nhìn lại khoảng thời gian vừa qua và những thứ bạn đã học được. Bạn có thể đi du lịch ngắn ngày để giải tỏa tâm lý và vực dậy tinh thần. Đừng giữ chúng trong lòng mà không chia sẻ với ai.

14. Nhìn vào bức tranh lớn hơn

Taylor nói: “Thay đổi công việc chắc chắn là một trải nghiệm khó khăn. Nhưng nó có thể là bước ngoặt giúp bạn chạm đến cơ hội lớn hơn hoặc là thời điểm để kiểm tra lại các ưu tiên, đam mê và mục tiêu dài hạn”. Hãy tin rằng trải nghiệm này là sự thay đổi mà bạn cần để đưa sự nghiệp của mình lên một tầm cao mới.

Nguồn tham khảo: businessinsider

Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *