14 BƯỚC CHUYỂN NHỎ TRONG TƯ DUY SẼ THAY ĐỔI CUỘC SỐNG CỦA BẠN

Phần lớn chúng ta không thể thay đổi thế giới. Chúng ta không thể thay đổi những sự thật cơ bản về sự tồn tại, chẳng hạn như việc chúng ta sẽ chết vào một ngày nào đó. Và tất nhiên, chúng ta cũng chẳng thể thay đổi người khác được.

Liệu điều đó có nghĩa là mọi thứ đều vô vọng và sẽ luôn biến mất khỏi tầm với của bạn?

Không hề. Mặc dù bị hoàn cảnh ngặt nghèo trói buộc, nhưng chúng ta lại có một siêu năng lực đáng kinh ngạc: Chúng ta có thể thay đổi cách mình suy nghĩ về mọi thứ, thay đổi cách chúng ta nhìn nhận chúng và cả cách chúng ta định hướng bản thân theo chúng.

Đó chính là bản chất của chủ nghĩa Khắc kỷ, rằng chúng ta không kiểm soát được những gì xảy ra, nhưng chúng ta kiểm soát được bản thân mình. Khi chúng ta phản ứng với những gì xảy ra, điều mà chúng ta kiểm soát chính là tâm trí và câu chuyện mà chúng ta tự kể với chính mình.

“Những bức thư đạo đức” của Seneca, “Suy tưởng” của Marcus Aurelius và “Những lời giáo huấn” của Epictetus chứa đầy những giai thoại và trích dẫn giúp ta thay đổi góc nhìn về bản thân và cuộc sống này.

Dưới đây là 14 câu trích dẫn mà tôi đã lấy từ những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ trong những năm qua. Những câu trích dẫn này đã thay đổi cuộc sống của tôi, và tôi tin chúng cũng sẽ giúp bạn tìm lại được chính mình.

1. Mọi khó khăn đều có thể là cơ hội. Đoạn văn nổi tiếng của Marcus Aurelius ý chỉ sự cản trở hành động sẽ thúc đẩy hành động, rằng thứ cản đường sẽ trở thành con đường. Nhưng bạn có biết cụ thể ông ấy đang nói về điều gì không? Ông ấy đang nói về những người khó tính! Ông ấy nói rằng những phẩm chất khó tính là cơ hội để rèn luyện sự xuất sắc và đức hạnh, dù đó là sự tha thứ, kiên nhẫn hay vui vẻ. Và điều đó cũng đúng với tất cả những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta trong cuộc sống. Vì vậy, khi tôi thấy mình rơi vào những tình huống lớn hay nhỏ, tích cực hay tiêu cực, tôi cố gắng nhìn nhận từng tình huống như một cơ hội để mình trở thành phiên bản tốt nhất có thể trong khoảnh khắc đó. Bất kể chúng ta là ai, chúng ta ở đâu, chúng ta luôn có thể làm điều này.

2. Epictetus nói rằng mỗi sự kiện đều có hai cách tiếp cận: “Một cách có thể thực hiện được và một cách không thể thực hiện được. Nếu anh trai của bạn làm điều sai trái với bạn, đừng chỉ trích sai lầm của anh ấy, vì đây là cách xử lý không hiệu quả. Thay vào đó, hãy sử dụng cách khác: rằng anh ấy là anh trai của bạn, rằng hai người đã cùng nhau lớn lên, và sau đó bạn sẽ nắm được cách xử lý hiệu quả”. Có nhiều cách để nhìn nhận mọi tình huống, nhiều cách để xác định cách bạn sẽ phản ứng. Một số thì cứng rắn, một số thì tử tế và kiên cường, và cũng có thể là chẳng biết phản ứng ra sao. Vậy bạn sẽ chọn cách xử lý nào?

3. Thế giới được nhuộm màu bởi màu sắc trong suy nghĩ của bạn. Marcus đã nói rằng: “Những điều bạn nghĩ về sẽ quyết định chất lượng tâm trí của bạn. Tâm hồn bạn mang màu sắc những suy nghĩ của bạn”. Ông cũng nói rằng: “Cuộc sống của chúng ta là những gì suy nghĩ của chúng ta tạo nên”. Nếu bạn nhìn thế giới như một nơi tiêu cực, khủng khiếp, thì bạn đúng rồi đấy. Nếu bạn tìm kiếm sự tồi tệ, bạn sẽ thấy sự tồi tệ. Nếu bạn tin rằng mình đã bị lừa, ắt hẳn bạn đã bị lừa. Nhưng nếu bạn tìm kiếm vẻ đẹp trong những điều tầm thường, bạn sẽ thấy nó lấp lánh xa xa. Nếu bạn tìm kiếm câu chuyện về lòng tốt ở mọi người, bạn sẽ tìm thấy nó vô cùng dễ dàng. Nếu bạn quyết định nhìn thấy quyền tự quyết và sức mạnh mà bạn có đối với cuộc sống của mình (mà như chúng ta đã nói chủ yếu nằm ở cách chúng ta suy nghĩ), thì bạn sẽ thấy rằng mình có khá nhiều quyền tự quyết và sức mạnh đó.

4. Có một loại thuế đánh lên mọi thứ. Thuế không chỉ đến từ chính phủ. Seneca viết cho người bạn của mình là Lucilius rằng: “Tất cả những điều gây ra phàn nàn hoặc sợ hãi đều giống như các loại thuế của cuộc sống – những thứ mà, Lucilius thân mến, bạn không bao giờ nên hy vọng được miễn trừ hoặc tìm cách trốn tránh”. Những người khó chịu là một loại thuế khi ở bên ngoài ngôi nhà của bạn. Sự chậm trễ là một loại thuế khi đi du lịch. Tiền cũng bị đánh thuế, và bạn càng thành công, bạn càng phải trả nhiều tiền thuế. Seneca nói rằng ông đã cố gắng trả thuế một cách vui vẻ. Nếu bạn làm được như vậy, điều đó có nghĩa là bạn đã có một năm tài chính tuyệt vời. Điều đó có nghĩa là bạn còn sống và thở. Bạn có thể than vãn về chi phí. Và tiếp tục sống cuộc đời của mình.

5. Nghèo không chỉ là có quá ít. Tất nhiên, không có những thứ bạn cần để tồn tại là không đủ. Nhưng còn những người có rất nhiều thứ… nhưng lại không bao giờ thấy đủ? Những người bị ám ảnh bởi sự đố kỵ và so sánh thì sao? Cả Marcus Aurelius và Seneca đều nói về những người giàu có không hài lòng với những gì họ có và do đó họ lại chính là người “khá nghèo”. Vậy nên, cảm thấy như bạn đã ‘đủ’ chính là sự giàu có bất kể thu nhập của bạn là bao nhiêu.

6. Thời gian sống hay thời gian chết? Điều này không thực sự xuất phát từ những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ, nhưng cũng khá gần gũi với trường phái triết học này. Robert Greene từng nói với tôi rằng có hai loại thời gian trong cuộc sống: Thời gian sống và thời gian chết. Một là khi bạn ngồi loanh quanh, khi bạn chờ đợi mọi thứ xảy ra với mình. Cái kia là khi bạn sử dụng thời gian đó một cách hiệu quả, tích cực. Bạn bị kẹt ở sân bay, bạn không thể kiểm soát điều đó. Bạn quyết định đó là thời gian sống hay thời gian chết (bạn đọc sách, bạn đi bộ, bạn gọi điện cho bà của mình). Trong lúc nghỉ làm, tôi có thể chỉ ngồi chơi không. Thay vào đó, tôi có một khoảng thời gian vô cùng hiệu quả để đọc sách, nghiên cứu và tạo những chiếc hộp đựng danh thiếp giúp tôi viết nên cuốn sách “The Obstacle is the Way” và “Ego is the Enemy”.

7. Lo lắng không phải là thứ có thể trốn tránh. Nó phải được loại bỏ. Đây là một bước đột phá mà tôi đã có trong suốt thời gian xảy ra đại dịch. Đột nhiên, tôi có ít thứ phải lo lắng hơn rất nhiều. Tôi không làm những điều mà trước đây tôi tự nhủ là nguyên nhân gây ra sự lo lắng của mình. Tôi không phải vật lộn với giao thông để đến nơi nào đó đúng giờ. Tôi không phải chuẩn bị cho cuộc nói chuyện này hay cuộc nói chuyện khác. Vì vậy, bạn sẽ nghĩ rằng sự lo lắng của tôi sẽ giảm đi rất nhiều. Nhưng không phải vậy. Điều tôi nhận ra là sự lo lắng không liên quan gì đến bất kỳ điều nào trong số này. Sân bay không phải là nơi đáng trách. Tôi mới là người đáng trách! Marcus Aurelius thực sự có nói về điều này trong “Suy tưởng”. Ông ấy nói: “Hôm nay tôi thoát khỏi sự lo lắng”. “Hay không, tôi đã loại bỏ nó, vì nó nằm trong tôi, trong nhận thức của chính tôi – không phải bên ngoài”. Không phải cha mẹ bạn làm bạn thất vọng. Họ chỉ đang làm những gì họ làm. Bạn là nguồn gốc của sự thất vọng. Điều đó hơi bực bội, nhưng cũng rất thoải mái. Bởi vì điều đó có nghĩa là bạn có thể ngăn chặn nó.

8. Chính sự ngạc nhiên mới giết chết bạn. Mọi thứ sẽ xảy ra, nhưng điều khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn là khi chúng khiến chúng ta mất cảnh giác. Seneca nói rằng đòn bất ngờ sẽ gây tổn thương nặng nề nhất. Đó là lý do tại sao chúng ta nên thực hành nghệ thuật “premeditatio malorum” – về cơ bản là một sự chuẩn bị trước cho những điều có thể xảy ra trong một ngày. Điều này cho phép chúng ta chuẩn bị và ngăn ngừa mọi tình huống có thể xảy ra. Seneca từng chia sẻ điều duy nhất mà một nhà lãnh đạo không được phép nói là: “Ồ, tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra”.

9. Bạn không thể học được những gì bạn nghĩ mình đã biết. Zeno nói rằng: “Sự tự phụ là kẻ thù của sự khôn ngoan và học hỏi”. Đây là thế giới quan thiết yếu của Socrates, anh hùng của những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ. Ông ấy không đi loanh quanh nói với mọi người bất cứ điều gì. Ông ấy đặt câu hỏi. Đó là cách ông ấy học được rất nhiều điều và cuối cùng trở nên thông minh như vậy. Nếu bạn muốn trở nên thông minh hơn, hãy ngừng nghĩ rằng mình thông minh như vậy. Nếu bạn muốn học hỏi, hãy tập trung vào tất cả những điều mà bạn không biết. Sự khiêm tốn, thừa nhận việc mình còn nhiều thiếu sót – đó là điểm khởi đầu. Đây là thái độ giúp bạn tiến xa hơn trong cuộc sống.

10. Danh tiếng sau khi chết có ích gì? Marcus Aurelius biết rằng ông nổi tiếng. Ông biết rằng ông sẽ có một di sản. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này về cơ bản là vô giá trị. Danh tiếng sau khi chết có ích gì, ông tự hỏi trong “Suy tưởng”, khi bạn không còn ở đó để tận hưởng nó? Tôi quan tâm gì đến việc bao nhiêu người đọc sách của tôi sau 100 năm nữa? Điều quan trọng là tôi có đang làm tốt nhất ở thời điểm hiện tại không. Vì vậy, hãy ngừng cố gắng để có được nhiều hơn những gì bạn cần. Hãy thử những điều tốt đẹp mà bạn có thể làm ngay bây giờ. Hãy ngừng theo đuổi thứ gì đó mà bạn sẽ không bao giờ chạm tới. Di sản không dành cho bạn. Bạn sẽ chết. Hãy để nó cho những người khác.

11. Mọi người chỉ đang làm công việc của họ. Tôi không chỉ muốn nói đến công việc. Sau khi trò chuyện với một người bạn đáng thất vọng, Marcus Aurelius tự hỏi mình rằng: “Có một thế giới không có sự vô liêm sỉ không?” Không, ông trả lời. “Phải có những người vô liêm sỉ trên thế giới. Đây là một trong số chúng ta”. Họ đang hoàn thành vai trò của họ mà thôi. Nhìn nhận mọi thứ theo cách này không chỉ giúp tôi không bị bất ngờ mà còn nuôi dưỡng trong tôi sự thông cảm. Và sau đó tôi tự nhắc nhở mình rằng mình may mắn khi công việc của mình là cố gắng trở thành một người tốt.

12. Họ không muốn bạn phải đau khổ. Thật lạ khi những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ lại có tiếng là những người vô cảm khi Seneca đã viết ba bài tiểu luận rất hay về mất mát và đau buồn “Consolations”. Tôi đọc những bài tiểu luận này bất cứ khi nào tôi mất đi người thân hoặc nhớ người mà tôi yêu quý. Dù sao thì, một trong những bài học để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho tôi là khi ông viết cho con gái của một người bạn đã mất. Ông đưa ra một quan điểm tuyệt vời: “Này, bố con rất yêu con. Tất nhiên, ông ấy sẽ rất vui khi con nhớ đến ông ấy, nhưng con có nghĩ rằng ông ấy muốn cái chết của ông ấy khiến con đau khổ không? Ông ấy có muốn chỉ cần nhắc đến tên ông ấy là con sẽ đau đớn không? Không, đó sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất của ông ấy. Ông ấy muốn con được hạnh phúc. Ông ấy muốn con tiếp tục cuộc sống của mình. Ông ấy không muốn ký ức của ông ấy ám ảnh con như một bóng ma – ông ấy muốn khi nghĩ đến ông ấy, con sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc”. Tất nhiên, chúng ta luôn cảm thấy buồn khi mất đi một người nào đó, nhưng sau đó chúng ta có thể tự nhắc nhở mình về điều này và cố gắng mỉm cười.

13. Ý kiến là tùy chọn. “Hãy nhớ rằng, bạn luôn có quyền không có ý kiến”, Marcus nói. Bạn có cần phải có ý kiến về thời tiết hôm nay không – nó có thay đổi bất cứ điều gì không? Bạn có cần phải có ý kiến về cách con bạn để tóc không? “Những điều này không yêu cầu bạn phải phán xét”, Marcus viết. “Hãy để chúng yên”. Đặc biệt là vì những ý kiến này thường khiến chúng ta đau khổ! “Không phải những thứ làm chúng ta buồn, mà là ý kiến của chúng ta về những thứ đó mới khiến ta nghĩ ngợi”. Bạn càng ít đưa ra ý kiến, đặc biệt là về người khác và những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, thì bạn sẽ càng hạnh phúc hơn.

14. Câu cuối cùng là lời chia sẻ mạnh mẽ nhất. Và nó liên quan đến điều mà chúng ta có ít quyền lực và khả năng kiểm soát nhất: Thực tế là tất cả chúng ta đều sẽ chết.

Nhưng những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ muốn chúng ta suy nghĩ về nó theo một cách khác.

Cái chết không nằm trong tương lai. Nó đang xảy ra ngay bây giờ. Thật dễ dàng để nhìn nhận cái chết như một thứ nằm ở tương lai xa. Đó là một sự kiện cố định xảy ra với chúng ta một lần vào lúc kết thúc. Điều này đúng theo nghĩa đen nhưng cũng có thể không đúng. Seneca đã chỉ ra: “Đây là sai lầm lớn của chúng ta khi nghĩ rằng chúng ta mong đợi cái chết. Hầu hết cái chết đã trôi qua. Bất kỳ thời gian nào đã trôi qua đều thuộc về cái chết”.

Sẽ tốt hơn nếu coi cái chết như một quá trình – một thứ luôn xảy ra. Ông ấy cho rằng con người đang chết dần chết mòn mỗi ngày. Ngay cả khi bạn đọc bài viết này, thời gian vẫn trôi và bạn sẽ không bao giờ có lại được. Ông ấy nói rằng thời gian đó thuộc về cái chết. Cái chết không nằm ở phía xa. Nó ở ngay bên chúng ta. Đó là kim giây trên đồng hồ. Đó là mặt trời lặn. Khi mũi tên thời gian chuyển động, cái chết cũng theo sau, chiếm lấy mọi khoảnh khắc đã trôi qua. Chúng ta nên làm gì về điều đó? Câu trả lời là hãy sống. Sống khi bạn còn có thể. Đừng trì hoãn bất cứ điều gì. Không để lại gì dang dở. Và bạn ơi, hãy nắm bắt những điều trong tầm với của mình để không bao giờ phải hối tiếc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *