Thực ra bài này được có 9 câu thui à
Chào các bạn, mình là Hà- 1 bác sĩ chuyên khoa Mắt và hiện có 1 cửa hàng kính mắt. Mình nói thế để khẳng định ngay từ đầu rằng mình có tìm hiểu- học tập và thực hành về khúc xạ ở các bệnh nhân của mình để viết ra những thông tin này. Khúc xạ là 1 lĩnh vực rộng lớn mà để nói cho các bạn hiểu tường tận thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Vì thế, mình sẽ viết những chủ để dưới dạng giải thích 1 số câu hỏi mà BN-khách hay hỏi mình. Nếu thấy bổ ích hoặc chưa vừa ý với các thông tin hay khó hiểu quá thì các bác góp ý nhé. Nếu có bài viết sau thì mình sẽ rút kinh nghiệm. Hihi
?1. Em cứ đang nhìn mờ, tí tự dưng lại nhìn rõ. Thế có cần đeo kính không ạ?
A: Khi bạn không nhìn rõ 1 vật, mắt sẽ xảy ra hiện tượng điều tiết. Cơ thể mi (hiểu nôm na là 1 cơ trong mắt) sẽ co thắt để thay đổi khúc xạ của mắt, làm cho bạn nhìn rõ trở lại. Hoạt động điều tiết này diễn ra nhanh và tự động đến mức bạn không thể điều khiển được. Và hoạt động này chỉ có thể bù đắp được 1 lượng khúc xạ nhất định mà thôi.
→ Bạn sẽ thấy hiện tượng mắt đang mờ, chỉ cần chớp mắt hoặc nhìn kĩ vào vật đó, tự nhiên lại thấy nét căng như Sony. Hãy cảm ơn cơ thể mi đang làm việc chăm chỉ nhé.
→ Bạn thấy đau, mỏi mắt khi nhìn liên tục hay cố nhìn vật gì. Là do cơ thể mi phải hoạt động nhiều → gây đau. Cũng như bạn tập tạ nặng thì thấy đau cơ vậy.
Vì thế, muốn biết có phải đeo kính hay không dựa trên hiện tượng này thì mình không khẳng định được.
?2. Điều gì xảy ra khi bạn liên tục nhìn không rõ?
A: Các nghiên cứu trên động vật cho thấy, mắt có khả năng chủ động “bù nét” khi mắt nhìn không rõ bằng cách điều chỉnh độ dài trục nhãn cầu. Mắt điều tiết chỉ được trong 1 khoảng diop nhất định, khi vượt quá biên độ này, dù mắt có điều tiết bạn vẫn nhìn không rõ. Vậy mình hiểu rằng, khi mắt bạn nhìn không rõ → hiện tượng điều tiết diễn ra để “bù nét” nhất thời → 1 thời gian dài sau, mắt sẽ tự điều chỉnh cho trục nhãn cầu dần dài ra tương ứng
→ Nếu cận mà không đeo kính hoặc đeo kính không thường xuyên hoặc đeo kính được giảm số không cần thiết thì mắt bạn vẫn tăng độ cận như thường. Vì trong các trường hợp trên, mắt bạn nhìn vẫn không rõ, điều tiết mắt vẫn phải xảy ra thường xuyên, thì quá trình dài ra của trục nhãn cầu vẫn tiếp diễn → độ cận vẫn tăng
?3. Có thông tin là chỉ nên đeo kính thường xuyên khi cận lớn hơn 1 độ. Sao bạn nói ngược lại?
A: Như đã nói ở trên, khi mắt bạn điều tiết thì có thể bù trừ 1 khoảng nhất định . Vậy các bạn cận dưới khoảng 1 diop có thể không đeo kính thường xuyên. Có thể chỉ dùng khi nhìn xa, đọc sách báo lâu,… NHƯNG bạn đâu thể chắc chắn được rằng bạn sẽ chỉ nhìn gần thôi chứ không ngẩng lên và cố nhìn xa khi có tiếng động. Hay em chỉ đọc sách ít thôi chứ không lâu đâu nên không cần dùng kính. Đeo kính thường xuyên chính là cách để các bạn phòng ngừa cho mắt khỏi phải điều tiết trong những trường hợp thế này
?4. Tại sao em kiểm soát cận thị tốt, em nhìn rõ rồi mà độ cận vẫn tăng?
A: 1 trong những nguyên nhân của cận thị là :mắt chiều trước-sau dài hơn bình thường (cận thị do trục).
Vậy khi nào trục nhãn cầu thôi dài ra thì sẽ kiểm soát được tăng độ cận ở nguyên nhân do trục. Con người thì phải lớn, mắt cũng vậy. Khi bạn kết thúc “quá trình lớn” (16-18t), mắt sẽ dừng phát triển kích thước sinh lý → độ cận sẽ tăng chậm hoặc thậm chí không tăng. Vậy nên, nếu bạn ở trong độ tuổi dưới 18t, bạn tăng độ dù dùng đủ các biện pháp, sinh hoạt điều độ thôi rôi thì là bạn đang lớn nhé.
?5. Vậy cận thị có tự giảm không?
A: Đáng tiếc câu trả lời là KHÔNG. Cận thị do 2 nguyên nhân
– Mắt chiều trước-sau dài hơn bình thường (cận thị do trục)
– Giác mạc và/hoặc thể thuỷ tinh cong nhiều quá (cận thị do tật khúc xạ)
Mắt đã dài thì không thể ngắn lại. Giác mạc/thể thủy tinh quá cong cũng không thể tự nhiên trở lại như cũ. Vì thế nên, khi đã cận thì không thể tự giảm độ, chỉ có thể giữ cho hạn chế tăng độ mà thôi
?6. Tại sao khi em đi đo thì độ cận mới của em lại giảm hơn so với lần trước?
A:Hiện nay, để rút ngắn thời gian khám khúc xạ, đa phần các cơ sở đo kính đều dùng máy đo khúc xạ tự động (máy có quả khinh khí cầu hay ngôi nhà huyền thoại ấy ạ) để cho ra số độ tương đối trước. Tuy nhiên, máy này sẽ có sai số khi mắt đang điều tiết hay do chất lượng máy (có máy đo lệch cả độ so với độ chuẩn). Cũng như khi thử kính, nếu không kiểm soát được quá trình điều tiết, thì đo ra số kính quá độ là điều dễ dàng xảy ra. Vậy nên, nếu độ cận của bạn giảm ở lần đo sau thì đừng vội mừng. Có thể là lần đo trước của bạn đã sai!
?7. Em thấy có quảng cáo thuốc làm giảm độ cận thị mà?
A: Có 2 thứ đừng nên tin trên đời này: đó là đàn ông và quảng cáo
. Đùa thôi. Theo 2 nguyên nhân trên thì bạn cũng hiểu là KHÔNG CÓ THUỐC ĐIỀU TRỊ CẬN THỊ. Hiện nay chỉ có 1 loại thuốc duy nhất được ứng dụng để KIỂM SOÁT CẬN THỊ là Atropin. Tuy nhiên, phương pháp này phải được thực hiện và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa mắt, vì các tác dụng phụ của nó. Và cũng dùng chủ yếu trên các đối tượng nhỏ tuổi. Nên các bác đừng tốn tiền tin vào lời quảng cáo của mấy nhãn hàng rồi mua thuốc dùng lung tung. Tốt đâu chưa thấy chỉ thấy nghèo đã ==
?8. Vậy mấy bài tập mắt có làm giảm độ cận không?
A: Đã bảo là khum có cách làm giảm độ cận rồi mà. Giúp hạn chế tăng độ thì đúng nha.
?9. Thế kiểm soát cận thị bằng cách nào?
A: Bài này không đủ để nói rồi. Hẹn lần sau. Hihi
Kinh nghiệm cá nhân: Mình đã tư vấn cho rất nhiều bạn tầm 18-25t về việc đeo kính liên tục (chỉ bỏ ra lúc tắm và ngủ). Trước đó độ cận lúc tăng nhiều lúc tăng ít nhưng tóm lại là có tăng. Sau khi đeo kính thường xuyên- đúng độ khúc xạ, và sinh hoạt điều độ các bạn ấy không tăng độ nào luôn (mình vẫn hẹn BN-khách qua mình kiểm tra khúc xạ 6 tháng-1 năm/lần nên mới đưa ra được kết quả này. Chứ không phải nói suông cho tăng độ tin tưởng về thông tin đâu ạ). Bản thân mình cũng là đứa 6 năm không tăng độ cận rồi. Nên chúc các bạn may mắn. Ahihi