1. Trả lời thay con
Nhiều cha mẹ có thói quen trả lời thay con trong mọi tình huống. Họ lo ngại trẻ nhỏ không biết ứng xử nên chọn cách trả lời thay để tránh gặp rắc rối. Tuy nhiên, hành động này ảnh hưởng xấu đến sự tự tin, lòng tự trọng của trẻ.
Cha mẹ thông minh không bao giờ đỡ lời cho con. Thay vào đó, họ khuyến khích trẻ nói ra suy nghĩ, ý kiến của mình. Việc này giúp các em hình thành thói quen tư duy, nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử.
2. Nhúng tay vào mọi chuyện của con
Một nghiên cứu do giáo sư Jelena Obradović tại Đại học Stanford (Mỹ) công bố vào năm 2021 nêu rằng việc cha mẹ nhúng tay quá nhiều vào các hoạt động của con sẽ khiến đứa trẻ nản lòng hoặc mất tập trung khi làm việc đó.
Ngoài ra, đứa trẻ cũng có nguy cơ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc khi lớn lên do từ bé, các em đã mất đi cơ hội để kiểm soát sự tập trung, hành vi và xảm xúc của bản thân.
Do đó, cha mẹ nên để con làm người “dẫn đầu” trong những hoạt động phù hợp với lứa tuổi. Khi đó, các em có thể được rèn kỹ năng tự điều chỉnh và hình thành tính độc lập.
3. Không phàn nàn về khó khăn
Người lớn ai cũng có nhiều căng thẳng trong cuộc sống, không thể tránh khỏi có lúc cáu kỉnh hay buồn bã. Tuy nhiên, nếu thường phàn nàn trước mặt con cái về công việc không thành công, sự bất mãn cuộc sống… họ vô tình gieo vào đầu con những áp lực cuộc sống sớm.
Cha mẹ hay phàn nàn sẽ tự làm bản thân mệt mỏi. Chưa kể, buồn bực trước mặt con sẽ khiến trẻ không được vui, không khí gia đình vì thế mà ảm đạm.
Cha mẹ thích phàn nàn, con cái cũng học cách kêu ca một cách vô nguyên tắc. Tính phàn nàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, khiến trẻ cảm thấy dễ bất mãn nếu có việc gì đó không như ý muốn, cũng như không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Thật khó có được hạnh phúc trong một cuộc sống hay than phiền, ngay cả khi bạn đã có một cuộc sống tốt đẹp. Những cha mẹ hiểu chuyện sẽ không để gia đình hạnh phúc mà họ đã dày công vun vén lại thất bại trước những lời phàn nàn vô ích và nhàm chán của họ.
4. Chỉ trích trẻ nơi công cộng
Nhiều bố mẹ cho rằng la mắng con trước mặt người khác cũng là một hình thức giáo dục con. Điều đó sẽ giúp con nhận ra khuyết điểm và từ đó có ý chí mạnh mẽ để phấn đấu trở nên tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, việc phê bình con trước mặt mọi người lại mang tác dụng ngược. Không chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, mà còn khiến trẻ trở nên ương bướng, khó chỉ bảo. Nhiều đứa trẻ cho biết điều mà chúng sợ nhất, hình phạt nặng nề nhất với chúng chính là bị mất mặt.
Không trách mắng con nơi công cộng không có nghĩa là dung túng, đồng lõa cho sự sai trái. Nếu là sai như vô cớ đánh bạn, mất bình tĩnh, ăn vạ thì cha mẹ nên ngăn chặn ngay, nghiêm khắc nói rằng hành vi như vậy là không thể chấp nhận được. Ngay lập tức đưa trẻ đến một nơi yên tĩnh và giúp trẻ phân biệt đúng sai kịp thời.
Hãy sửa chữa những lỗi lầm nhưng không đến mức hạ thấp nhân cách của trẻ. Ví dụ, nếu trẻ xả rác ở nơi công cộng, bạn chỉ cần giáo dục trẻ tầm quan trọng của việc vệ sinh và tác hại của việc vệ sinh kém, đừng nói những câu như “Con không biết suy nghĩ à?”. Điều đó sẽ làm tổn thương nhân cách và lòng tự trọng của con. Chọn cách ứng xử khi giận dữ cũng sẽ bộc lộ đầy đủ trí tuệ cảm xúc của cha mẹ.
5. So sánh
Cha mẹ có thói quen so sánh con với đứa trẻ khác và cho rằng nó tạo động lực để con cố gắng hơn. Thực tế, cách làm này phản tác dụng.
Theo Today’s Parent, các nhà nghiên cứu tại Mỹ từng chỉ ra điểm số, thành tích của trẻ bị ảnh hưởng khá nhiều bởi niềm tin từ cha mẹ. Những đứa trẻ ít bị so sánh có xu hướng tự tin, học tập tốt hơn.
Cha mẹ thông minh nên học cách chấp nhận ưu, nhược điểm của con. Nếu trẻ còn thiếu sót, phụ huynh nên đóng đóng vai trò dẫn dắt, giúp con tìm giải pháp để cải thiện bản thân.
6. “Giành” việc nhà với con
Trong sự kiện TED Talks, bà Julie Lythcott-Haims, tác giả cuốn How to Raise an Adult, nhấn mạnh rằng “nếu trẻ không rửa bát, điều đó có nghĩa là người khác đang làm thay chúng”.
Bà Lythcott-Haims tin rằng những đứa trẻ biết làm việc nhà khi lớn lên sẽ trở thành người có thể phối hợp tốt với đồng nghiệp, biết đồng cảm và đặc biệt là có thể làm việc độc lập mà không bị lệ thuộc vào người khác.
7. Không cãi nhau trước mặt con
Cha mẹ cãi nhau trước mặt con cái sẽ khiến trẻ bất an, lo sợ, buồn bã. Trẻ con không hiểu tại sao những người thân thiết lại dùng ngôn ngữ khó nghe để làm tổn thương nhau. Việc cha mẹ bất hòa, căng thẳng, thậm chí cãi nhau, đánh nhau sẽ để lại cho trẻ những sang chấn tâm lý tiêu cực.
Một nghiên cứu cho thấy, đứa trẻ 6 tháng tuổi có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tranh cãi gay gắt của cha mẹ. Trẻ từ 1 đến 19 tuổi có thể nhạy cảm với những xung đột trong hôn nhân của cha mẹ.
Khi chứng kiến bố mẹ chúng cãi nhau công khai, em bé dù mới 6 tháng tuổi đã có phản ứng cảm xúc mạnh ví dụ như nhịp tim tăng cao hơn so với lúc chứng kiến cảnh mâu thuẫn của những người lạ. Còn trẻ ở lứa tuổi lớn có thể bị ảnh hưởng lớn hơn, đặc biệt thường có biểu hiện bên ngoài như hung hăng, thù địch và bạo lực hơn, còn bên trong thì lo lắng, buồn phiền và thậm chí có ý nghĩ tự tử.
Cha mẹ vô tâm luôn thích làm tổn thương con cái bằng những cảm xúc tồi tệ, trong khi cha mẹ hiểu chuyện sẽ dẫn dắt con cái bằng những cảm xúc tích cực và lạc quan.
8. Áp đặt sở thích cho trẻ
Nhiều cha mẹ coi việc xây dựng sở thích tốt từ sớm là nền tảng để con theo đuổi nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên, xây dựng sở thích hoàn toàn khác với áp đặt, ép buộc – điều mà nhiều người đang làm với con cái.
Việc ép con phải theo đuổi sở thích, nghề nghiệp không muốn sẽ gây ra nhiều vấn đề như trẻ phản kháng, ghét bỏ lĩnh vực đó, thậm chí chán nản, không còn hứng thú với việc học tập. Với trường hợp này, cha mẹ nên cho con cơ hội tự quyết định sở thích và theo đuổi lĩnh vực mong muốn.
9. Đặt kỳ vọng quá cao
Khi sử dụng dữ liệu khảo sát với 6.600 trẻ em sinh năm 2001, giáo sư Neal Halfon của Đại học California (Mỹ) và đồng nghiệp phát hiện rằng kỳ vọng mà cha mẹ đặt ra cho con ảnh hưởng rất lớn đến thành tích học tập của chúng.
Cụ thể, khoảng 57% đứa trẻ được cha mẹ mong đợi vào đại học lại có thành tích học khá kém. Các giáo sư nêu rằng cha mẹ mong con vào đại học dường như sẽ hướng con đi theo mục tiêu đó, bất kể thu nhập bất ổn hay sức học của con không đủ tốt.
10. Nói dối trước mặt con
Thế giới bên ngoài rất phức tạp nhưng đừng vì thế mà dạy con nói dối hay phải tiếp xúc với những lời nói dối khi còn nhỏ. Cha mẹ nên dạy con nói dối là một tính xấu và người không trung thực sẽ không được ai tin tưởng, yêu quý.
Trẻ không quan tâm mục đích nói dối là tốt hay xấu, chúng chỉ hiểu, nếu những người lớn thường dạy chúng về đạo đức mà có thể nói dối, thì chúng cũng có thể. Bên cạnh đó, bố mẹ sẽ đánh mất lòng tin nơi con cái.
Dù với bất kỳ lý do gì cũng không nên nói dối trước mặt con cái. Cha mẹ cần tạo cho con mình một đức tính trung thực và đáng tin cậy ngay từ đầu.