1 số định kiến sai lầm của người Việt khi đọc sử tuyên truyền của Trung Quốc

1 số định kiến sai lầm của người Việt khi đọc sử tuyên truyền của Trung Quốc

1, Trung Quốc là nước phát hiện ra thép đầu tiên và vũ khí sắt thép của họ là nhất thế giới? Châu Âu đến tận thế kỷ 19 mới sản xuất được thép?

Mình chẳng biết cái myth “TQ rèn ra thép đầu tiên, thời Đường bọn Tây phải sang học mót lại công thức” xuất hiện bao giờ, nhưng chắc chắn phải có 1 nguồn phổ thông nào đó được lặp đi lặp lại cho đến khi ai cũng nghĩ rằng nó là điều hiển nhiên. Cá biệt, có người còn bảo “Thép chỉ xuất hiện vào thời Cách Mạng Công Nghiệp” (?). Trước có tranh luận với 1 tay Thạc Sĩ Lịch Sử du học TQ quả quyết vậy. Bảo đưa nguồn thì hắn không đưa. Sau đưa cho mấy trang sách của mình thì hắn lủi mất. Nhưng có thật là thông tin này TQ đưa ra để mị dân của họ? Thậm chí là dối trá trong các công trình nghiên cứu lịch sử, khảo cổ không? Rất mong các bạn nào tìm hiểu lịch sử TQ lâu năm dẫn nguồn, mình thì bó tay rồi vì gg toàn ra kết quả ngược lại.
Sự thực thì dân tộc đầu tiên phát hiện ra thép và ứng dụng sản xuất hàng loạt là người Celtic ở Châu Âu. Tiếp theo là người Ấn Độ. Người TQ cũng tình cờ rèn ra 1 vài thanh thép thời Chiến Quốc nhưng công nghệ lạc hậu không cho phép họ sản xuất hàng loạt. Phải đến thời Đông Hán, họ mới có thể sản xuất đao thép số lượng lớn nhờ kỹ thuật rèn Ấn Độ truyền sang. Mặc dù vậy phần đông binh sĩ vẫn dùng chủ yếu là sắt rèn, thậm chí kiếm đồng đến cả thời Tam Quốc vẫn còn dùng được, chứng tỏ nó không quá nổi trội so với các vũ khí thô sơ trước đó. Mọi thứ chỉ thay đổi mạnh vào thời Nam-Bắc Triều.

2, Thép Damascus tốt nhất thế giới trung cổ?

Thép damascus không thần thánh như nhiều người tưởng. 4 học giả Hồi Giáo lừng danh al-Biruni, Al-Kindi, Ibn-Miskawaiah, Nasir ad Din ad-Tusi đều nói về sự vượt trội của Frankish Steel trước các thanh Damascus đến từ phương Đông. Cả độ cứng, độ bền uốn, độ bền mỏi lẫn khả năng chịu va đập, chịu lạnh, thép Frankish của Châu Âu đều vượt trội hơn. (có điều kiện mình sẽ viết 1 bài dài về vấn đề này)

3, Quân Đội thời Đường là đội quân mạnh nhất lịch sử TQ cũng như thế giới?

Việc độc giả phổ thông cho rằng “nhà Đường mạnh nhất lịch sử TQ, quân đội nhà Đường hùng mạnh nhất trên thế giới” là một định kiến hơn là một kết luận lý tính. Mặc dù ở một số thời kỳ, nhà Đường có những ưu thế vượt trội nhất định so với 1 số triều đại khác về mặt quân sự, về mặt kinh tế nhưng dùng đó để đưa vào kết luận là quá dễ dãi:
Sự thực thì …Đường vẫn có 1 số đối thủ khó nhằn từ lúc thịnh cho đến lúc mạt:

Khiết Đan

Người Khiết Đan là 1 dân tộc cổ xưa thuộc nhóm dân Đông Hồ sống du mục ở vùng Nội Mông Trung Quốc tại lưu vực sông Liêu Hà (Xira Moren).
Tới thời Tam Quốc thì 1 trong 2 nhóm tàn dư Đông Hồ xưa là tộc Ô Hoàn phát triển hùng mạnh ở Liêu Tây.
Theo một số nguồn thì thiền vu Đạp Đốn có công gom các bộ tộc, thị tộc Ô Hoàn lẻ tẻ tại Liêu Tây về dưới 1 ngọn cờ. Tuy nhiên sau khi Đạp Đốn bị quân Tào chém chết tại trận núi Bạch Lang năm 210 thì người Ô Hoàn tan rã và bị nhóm tàn dư thứ 2 của Đông Hồ là người Tiên Ty hấp thụ và trở thành các bộ lạc Hề (Khố Mặc Hề).
Trong khối liên minh các bộ tộc Hề thì có nhóm bộ tộc của người Khiết Đan, vốn được chia làm 8 thị tộc.
Khi người Hề còn mạnh thì người Khiết Đan quy phục người Hề song sau khi họ bị quân đội Bắc Ngụy của người Tiên Ty đánh bại. Người Khiết Đan nhân cơ hội này tách ra khỏi cái bóng của người Hề và tự phát triển độc lập.
Cho tới thời Đường thì người Khiết Đan phát triển càng lúc càng mạnh, nhanh chóng trở thành bộ tộc hùng mạnh trên thảo nguyên và thậm chí đã không ngừng cùng các tộc Đột Quyết, Hề, Đồng La đột kích, cướp bóc đất Đường.
Đường triều và sau đó là đế quốc Vũ Chu để đối phó đã không ngừng phái binh phản kích song thất bại thảm hại tới 2 lần. Danh tướng Vương Hiếu Kiệt bị giết tại trận.
May mắn cho quân Đường, Khả hãn Đột Quyết lúc này là Qapaghan đã đồng ý hủy liên minh, đem quân giúp Đường đàn áp nên mặt trận phía Đông tạm yên. Tuy nhiên hậu quả hết sức nghiêm trọng, vùng Hà Bắc bị tàn phá rất nặng nề.

Đột Quyết

1 trong những kẻ mặc định bị coi là bại quân dưới tay Đường
Người Đột Quyết vốn là sắc dân du mục khởi phát từ dãy Altai (một dãy núi ở trung tâm mảng lục địa Á-Âu, trải dài từ sa mạc Gôbi đến vùng biên giới Nga và Kazakhstan). Do nổi tiếng với kỹ nghệ rèn sắt, đúc vũ khí (học từ người Ấn Độ, Ba Tư) nên họ được giao nhiệm vụ phụ trách rèn và cung cấp binh khí, áo giáp cho Hãn Quốc Nhu Nhiên.
1 lần, thủ lĩnh người Đột Quyết ra trận lập đại công nên đã xin đại Hãn Nhu Nhiên cho được cưới công chúa, song vị khả hãn ngạo mạn đã khinh miệt thủ lĩnh Đột Quyết chỉ là “thợ rèn thấp hèn” nên người Đột Quyết liền liên minh với Bắc Tề, Bắc Chu tạo phản, tiêu diệt Đế Quốc Nhu Nhiên.
Chỉ 50 năm sau, Đột Quyết đã phát triển thành 1 đại đế quốc lãnh thổ rộng lớn trải dài từ thảo nguyên Mãn Châu tới tận sông Volga và biển Caspi.
Tuy nhiên, do chính sách cai trị anh chết em lên nên tới đời thứ 4 thì bắt đầu phát sinh xung đột nội bộ do việc Khả hãn đời 4 nhớ ơn anh trai truyền hãn vị nên quyết định “ nhượng tôn bất nhượng tử – truyền cháu không truyền con” dẫn đến anh em, bà con bắt đầu quay ra cắn xé nhau. Đế quốc Đột Quyết cũng chính thức phân liệt làm Đông – Tây từ lúc đó.
Khi Đột Quyết còn thống nhất thì các triều đình Trung nguyên từ Bắc Chu, Bắc Tề cho đến nhà Tùy đều phải uốn éo mềm mỏng cống nạp hòa thân song khi bị phân liệt thì lại đua nhau đè đầu, lợi dụng cơ hội chia rẽ, khơi sâu nội chiến trong lòng Đế Chế Đột Quyết.
Theo như sử sách thì đợt lạnh của kỷ băng hà đã giết chết gần 80% số gia súc thảo nguyên, các bộ lạc bị Khả Hãn ức hiếp liên tục phản kháng, nội bộ đã tan nát vì nội chiến, nay còn đánh giết lẫn nhau để giành quyền sống còn. Lý Thế Dân thừa cơ cử Lý Tĩnh đánh dẹp nên lần lượt diệt cả 2 nửa Đông Tây, khuất phục được thảo nguyên.
Tuy nhiên, chỉ vài chục năm sau khi vùng thảo nguyên ổn định trở lại, Tonyuquq và Qutlugh, hai vị thủ lĩnh du mục chính thức tái thiết lập đế chế Đột Quyết. Họ đánh trả lại quân Đường lên bờ xuống ruộng, nhanh chóng tái chiếm tất cả đất đai từng thuộc về họ và thâu tóm các dân tộc du mục xung quanh làm chư hầu.
Năm 681, Qapaghan trở thành Khả Hãn của Hãn Quốc Đột Quyết, dưới thời ông, 1 liên minh các dân tộc du mục chống Đường đã được thành lập, và trở thành 1 thế lực hùng mạnh ở phương Bắc, nhiều lần đánh bại quân đồn trú nhà Đường và tiến vào cướp bóc, giết hại cư dân các tỉnh biên giới rồi rút về.
Võ Tắc Thiên thấy khó chống được nên sai sứ cầu hòa, hứa với Khả Hãn sẽ gả công chúa cho ông và ban thưởng nhiều lụa và vàng bạc, châu báu. Tuy nhiên, Qapaghan ko đồng ý nên đã dẫn một đạo quân 400,000 kị binh tấn công nhà Đường.
Đại quân Đường nhanh chóng thảm bại dưới vó ngựa Đột Quyết. Tình thế Trung Hoa đứng trước ngàn cân treo sợi tóc.
Võ Tắc Thiên buộc phải huy động toàn bộ dân chúng, lệnh cho các địa phương phải tuyển thêm 1 lực lượng dân quân đến 450,000 để chống trả. Quá trình bắt lính hết sức khó khăn do dân chúng chán ghét Võ hậu, ban đầu chỉ có được 1000 quân dân tham gia. Sau, Võ Hoàng phải tước bỏ ngôi vị thái tử của nhà họ Võ để phong cho Lý Hiển làm thái tử, trả lại giang sơn cho nhà Đường, nên dân chúng hưởng ứng và 150,000 quân được chiêu mộ!
May sao, Khả Hãn Đột Quyết lúc này đang có chiến tranh với 2 tộc du mục là On Oq và Kirghiz, trong khi dã tâm của họ chỉ là giành lại các lãnh thổ cũ của Đông Đột Quyết mà nhà Đường từng chiếm nên đã cho người chủ động nghị hòa, Võ Hoàng buộc phải đồng ý nộp cống phẩm hàng năm cùng những điều khoản thương mại bất bình đẳng.
Trung Nguyên thoát được 1 kiếp nạn!
Tuy nhiên chiến sự vẫn còn dài chứ chưa phải hết.
Ước tính có đến hơn 40 cuộc xung đột quân sự lớn nhỏ từ thời Võ Tắc Thiên đến Đường Minh Hoàng, trong đó phần đông quân Đường bị đại bại dưới vó ngựa Đột Quyết.
Chỉ đến khi Hãn Quốc Đột Quyết lại 1 lần nữa chia rẽ, nội chiến, anh em chém giết lẫn nhau để giành ngôi Khả Hãn. Đế Chế Đột Quyết sụp đổ và dần dần thay thế bằng 1 thằng anh em cây khế với nhà Đường là Hồi Cốt, thì mới có khoảng trống quyền lực để Đường đem quân tiến vào Trung Á, và rồi chúng ta có trận Talas (750) như mọi người đã biết!
Đến đây nhiều bạn sẽ nghĩ rằng thời Võ Chu thua kém thời Trinh Quán đúng không?
Điều này là không đúng. Đường thời Trinh Quán quốc lực chắc chắn không mạnh như thời Võ Thị cầm quyền và sau đó là Đường Minh Hoàng. Một quốc gia tiến hành chiến tranh liên tục như vậy không thể thoát được những khó khăn ban đầu như: Nhân khẩu thưa thớt, đất bỏ hoang khắp nơi. Kinh tế kiệt quệ. Rồi đánh nhau xong còn phải chia tài nguyên vật lực để quản lí những vùng đất xa xôi. Sưu cao thuế nặng. Lý Thế Dân về sau liên tục yêu cầu xem và sửa quốc sử nên khả năng rất lớn ông ta đã che giấu những điểm bất lợi này với hậu thế.
Thời Võ Hoàng thì khác, đã trải qua 2 đời vua ổn định và phát triển. Bà ta còn thực hiện các đường lối sáng suốt như Cắt giảm tư tưởng Hán tộc thống trị, giảm nhẹ gánh nặng cho nhân dân, tập trung phát triển kinh tế.
Có thời gian khoan thai sức dân, dân chúng giàu có, sung túc. Cá nhân mình ủng hộ các sách lược trị quốc của Võ Hoàng thay vì tên lật sử “Lý Thế Dân”.

Các đối thủ khác của nhà Đường:

Cao Câu Ly là 1 quốc gia cổ đại bán du mục hùng mạnh ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, do Đông Minh Thánh Vương Chu Mông lập ra. Tuy nhiên đến thời Đường thì đã suy yếu vì nội chiến, thiên tai, dịch bệnh liên miên và 4 lần xâm lược của Đế Quốc Tùy. Ấy vậy mà khi quân Đường đánh sang. Uyên Cái Tô Văn vẫn 3 lần hủy diệt quân xâm lược.
Về sau khi Uyên Cái Tô Văn mất, đám nghịch tử nội chiến giành ngai vàng, người con trai cả dâng 1 loạt thành trì thuộc tuyến phòng thủ Liêu Đông cho Đường vào đánh anh em bách tính mình nên Đường mới diệt được quốc gia này.
Thổ Phồn (tiền thân của Tây Tạng), từ thế kỷ 7 đã trở thành 1 quốc gia thống nhất, hùng mạnh, nhiều lần đánh bại quân Đường. Chắc ai cũng biết danh tướng Tiết Nhân Quý, phò từ Lý Thế Dân đến Cao Tông đánh bại Cao Câu Ly. Cũng chỉ vì bại trận trước quân Thổ Phồn mà bị cách chức làm thường dân. Năm 763, sau khi chiếm được 1 vùng rộng lớn ở Tây Bắc Trung Quốc, Thổ Phồn đem 20 vạn quân tiến sang phía Đông cướp phá Trường An 15 ngày rồi rút lui.
Nam Chiếu là 1 quốc gia của tộc Bạch ở Vân Nam thành lập vào thế kỷ 8. Lúc đầu Nam Chiếu thần phục nhà Đường, nhưng sự tàn ác của quan lại Trung Quốc đã đẩy họ sang thần phục Thổ Phồn. Do vậy, Đường đã 2 lần đem quân xâm lược nhưng toàn quân bị tiêu diệt. Năm 829, Nam Chiếu phản công, tấn công vào đất Thục đến tận Thành Đô, cướp bóc trong 10 ngày và bắt đem đi hàng vạn thợ thủ công Trung Quốc. Mối đe dọa của Nam Chiếu kéo dài mãi cho đến khi nhà Đường diệt vong.
Đó là còn chưa kể rất nhiều thế lực lớn như A Rập, Hồi Hột, Bột Hải,… đánh bại quân Đường cả lúc thịnh trị lẫn lúc mạt nữa.
Quân Đường về sau thua bọn rợ nhiều là do huấn luyện, trang bị tụt hậu so với thời Đường của Lý Thế Dân?
==> Không đúng, thậm chí càng về sau càng có nhiều cái ngon hơn thời Đường Sơ.
Điển hình như Chế Độ Quân Sự Phủ Binh dưới thời Trinh Quán.
Phủ binh chế trên thực tế là sự kết hợp giữa binh sĩ và nông dân, giám bớt gánh nặng cho quốc gia, nhờ họ tự làm ăn mà nhà nước đỡ tốn chi phí nuôi và cấp lương, gần giống ngụ binh ư nông. Lúc thường đa số quân đội là nông dân, có chiến thì đi lính. Binh Lính tự túc về trang bị, vũ khí. Về hình thức thì đây cũng chỉ như 1 dạng lính bán chuyên chứ không phải chuyên nghiệp. Theo Dragon Armory, quân bán chuyên chiếm đến 60 vạn tổng quân số nhà Đường.
Đến thời Đường Minh Hoàng, Chế độ Phủ Binh bị bãi bỏ, thay vào đó là Trưng Binh Chế và Mộ Binh Chế. Đường mới có được những đội quân chuyên nghiệp, đông đảo phục vụ lâu dài tại biên giới.
Thể chế Đô Hộ Phủ: ngoài số quân tinh nhuệ toàn thời gian mà triều đình cấp, các Tiết Độ Sứ được tự do mộ lính trong lãnh địa, thuê lính đánh thuê từ các dân tộc du mục thiện chiến, khả năng ứng phó nhanh trên chiến trường cũng cao hơn do các Tiết Độ Sứ được toàn quyền quyết định chứ không cần xin phép Trung Ương rồi mới được hành động.
Đầu thời Đường chỉ có giáp đen, nhưng về sau xuất hiện Minh Quang Giáp, Sơn Giáp, độ hiệu quả, cơ động thì ăn đứt giáp đen cũ dưới thời Trinh Quán. Giáp sĩ cũng được trang bị đông đảo hơn chứ không còn kỵ binh mặc giáp sắt, bộ binh phân nửa mặc giáp da nữa. Binh sĩ không phải lo vừa kiếm ăn, vừa đánh trận nữa mà chỉ có ham muốn giết giặc. Kỷ luật thắt chặt, tinh thần lên cao do họ biết tiền lương được trả, áo giáp, binh khí được cấp, người nhà được miễn thuế lao dịch.
Nhờ có những cải cách quân sự đúng đắn, Đường mới đánh ngang cơ được Bạt Duệ Cố, Hề, Đồng La, Khiết Đan,… có thắng có thua chứ không còn nhai hành đầy mồm như trước.
Nền Thịnh Trị thời Khai Nguyên (Đường Minh Hoàng) là thời kỳ cả kinh tế lẫn chính trị, quân sự phát triển toàn diện chứ không còn nửa mùa như Võ Chu hay Trinh Quán. Sau này Đường bị nạn Tiết Độ Sứ chia cắt thì cũng như con dao 2 lưỡi thôi.

4, Bảo thuyền (Treasure Ship) của Trịnh Hòa dài 134m, gấp 3 lần Tàu thám hiểm Châu Âu đương thời? Vượt Thái Bình Dương đến Châu Mỹ trước Columbus?

Sự thực là: Cho đến ngày nay người ta vẫn không thể đóng được con tàu gỗ nào dài 440 feet (~134m) rồi cho nó thật sự dong buồm ra khơi cả. Một con “tàu gỗ” với kích cỡ như thế sẽ bị sóng lớn đánh vỡ làm đôi nếu đi vào vùng biển động.
Giải thích: Nếu như đóng 1 cái thuyền gỗ dài 134m, bạn sẽ chẳng thể kiếm được những cái ván gỗ nào dài cả trăm mét. Vì vậy bạn phải cần rất nhiều những tấm ván gỗ, xà ngang gắn chặt bằng đường nối với nhau liên kết theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang. Vì vậy, khi đi qua vùng biển động, không cần sóng bão gì nhiều, chắc chắn phần thân tàu sẽ trải nghiệm áp lực ưỡn và võng (hogging and sagging) giữa các con sóng. Các dầm gỗ sẽ uốn cong, và các đường nối sẽ mở ra cho nước vào và chìm thuyền. Thuyền càng dài thì bị ảnh hưởng bởi áp lực này càng lớn. Ai học hàng hải, sức bền vật liệu chắc chắn sẽ biết đến điều này.
Đầu thế kỷ 20, Người Mỹ cũng chơi bời đúc 1 con thuyền chở hàng bằng gỗ tên Wyoming 140m nhưng chỉ dám cho đi lại giữa các cảng nội địa. Mặc dù vậy, nó vẫn bị chìm bất chấp mọi nỗ lực của các kỹ sư đương thời
Đối với thuyền gỗ chiều dài tối đa của nó giới hạn nên là 40-50m. Còn thuyền đúc bằng thép có thể lên đến hàng trăm. Vì vậy thời hiện đại người ta mới đóng thuyền vượt đại dương bằng thép.
Chưa kể đến hàng loạt thiết kế sai lầm, phản khoa học: đáy Bảo Thuyền không có hình chữ V để rẽ sóng khi di chuyển nên phải chịu sức cản rất lớn của nước, sức chèo của hàng trăm thủy thủ trở nên lãng phí. Đáy bằng phẳng nên khi vượt biển, sóng đánh cũng sẽ rất dễ lật.
Việc nó vượt qua được Thái Bình Dương bao la với hàng ngàn cơn bão, áp thấp, xoáy nước,… mỗi năm là điều không thể.
Tuy vậy, người TQ hầu như chẳng bao giờ chấp nhận sự thật này. Mình từng thấy 1 anh kỹ sư hàng hải vào phân tích sự vô dụng của Bảo Thuyền trên Quora và kết quả bị họ huy động người vào report cho bay cả comment lẫn nick )

Vậy ý mình muốn nói đến ở đây là gì? Là đến cả truyền thông chính thống lẫn cả du học sinh của VN sang Trung Quốc học đến thạc sĩ rồi mà vẫn bị nó dắt mũi như lừa rồi về đầu độc lại đồng bào thì nói gì đến các bạn mới bắt đầu tìm hiểu? Nếu như bạn đọc sử TQ thì cũng nên nghiên cứu kỹ nhiều nguồn sách Tiếng Anh cùng cổ sử khác nhau để tránh ngộ độc thông tin và có những định kiến sai lầm mà phe cuồng Tàu cố tình nhồi nhét vào đầu các bạn.

Nguồn: History of Central Asia, Cambridge History of China, The Sword in Anglo-Saxon England: Its Archaeology and Literature, Baidu, wiki,…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *