YÊU CẦU CHIA PHẦN CỦA Ý TẠI TRUNG HOA BỊ CỰ TUYỆT

Trong những năm cuối thế kỷ 19, tham vọng mở rộng lãnh thổ của Ý bị dính hai cú tát đau điếng. Một là chiến bại tại Adwa trước Ethiopia ngày 1/3/1896. Thất bại tại Phi Châu khiến thủ tướng Francesco Crispi từ chức và tân thủ tướng Giovanni Giolitti bắt đầu nhìn sang phương Đông, với mục tiêu là Trung Quốc, nơi đang bị các nước Anh, Pháp, Nga, Nhật, Đức xâu xé thành nhiều vùng ảnh hưởng.

Tháng 3 năm 1899, Ý đòi được thuê vịnh Tam Môn (三門灣-Sanmen) ở tỉnh Chiết Giang (浙江-Zhejiang) bờ biển phía đông Trung Hoa làm căn cứ hải quân, ngoài ra Ý còn đòi ba hòn đảo gần vịnh, quyền khai thác mỏ, làm đường sắt và có một khu vực riêng cho Ý tại Chiết Giang. Tuy nhiên Nhà Thanh cự tuyệt yêu sách này của Ý. Trong tấu thỉnh gửi đến Hoàng đế Quang Tự, Tuần phủ Chiết Giang Lưu Thụ Đường viết năm lý do cần cự tuyệt Ý mà không sợ chiến tranh. Một Ý là nước nhỏ và nghèo, khó gom nhặt chiến phí. Thứ hai, dân Ý sẽ không chịu chiến tranh. Thứ ba, từ Napoli đến Trung Quốc hơn 20.000 hải lý mà Ý thì không có đủ than đá và trạm tiếp liệu. Thứ tư, Ý không có quân sẵn ở Châu Á như Anh hay Pháp mà phải đưa quân từ tận nước Ý xa xôi sang. Và sau cùng, Ý có lấy được đất ở Trung Quốc đi nữa cũng không đủ lực đồn trú và cũng chả có lợi lộc gì cho đáng để ăn thua với Thanh đình. Tuy nhiên nhà Thanh cũng chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột với Ý.

Yêu sách của Ý cũng không được nước lớn nào ủng hộ, thậm chí còn bị Nhật ngầm chống đối vì đụng đến vùng ảnh hưởng Phúc Kiến của Nhật. Ý dự tính cho hai tuần dương hạm Elba và Marco Polo tấn công vịnh Tam Môn nhưng sau cùng cũng phải bỏ kế hoạch khi Anh tỏ ý định không ủng hộ Ý dùng vũ lực với Trung Quốc.

Việc cự tuyết Ý đòi chiếm vịnh Tam Môn cũng cho thấy thái độ ngày càng cứng rắn của nhà Thanh với các cường quốc, và không lâu sau đó đã dẫn đến phong trào Nghĩa Hòa Đoàn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *