Về tên tuổi của Yết Kiêu, sử sách không ghi chép quá nhiều về ông, nhưng xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp cầm binh của ông vẫn có rất nhiều những câu chuyện đầy màu sắc huyền bí được nhân dân truyền lại qua bao thế hệ, cho thấy được sự ngưỡng mộ và kính trọng về khả năng bơi lội được ví “nhập thuỷ như phúc bình địa hỹ” của ông.
- Nhặt được báu vật của “Trâu thần”:
Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế quê tại làng Hạ Bì, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Từ nhỏ đã sớm mất cha đã khiến cuộc sống của ông vô cùng khó khăn, phải tự kiếm sống từ nhỏ. Cuộc sống bần hàn của một gia đình ngư dân nghèo khó và sớm mồ côi cha đã khiến Phạm Hữu Thế rất vất vả, phải chài lưới, cào hến giúp mẹ kiếm ăn ngay từ nhỏ. Cuộc sống trên sông nước đã khiến ông bơi lội rất giỏi. Tương truyền rằng vào 1 buổi sáng sớm như mọi ngày, chàng trai Phạm Hữu Thế khi ấy mới 15 tuổi ra sông gánh nước như mọi ngày nhưng hôm ấy sương trắng mù mịt nổi khắp mặt sông, Phạm Hữu Thế thấy hai con trâu trắng húc nhau liền dùng đòn ống đánh đuổi, can ngăn. Hai con trâu rẽ nước rồi biến mất. Lúc gánh nước, vô tình đòn gánh của ông chạm mặt nước thi nước rẽ làm đôi. Ông liền kinh ngạc nhìn lại đòn gánh của mình thì thấy có 2 cọng lông trắng còn dính ở đầu đòn ống tỏ ra hào quang, biết là báu vật của trâu thần sợ sẽ bị đòi lại, ông liền nuốt luôn vào bụng từ đó mà khả năng bơi lội của ông càng trở nên phi thường và xuất chúng, theo như người dân nơi ông sinh sống, ông có thể đi bộ dưới nước hoặc lặn 7 ngày 7 đêm, dẫu biết đó chỉ là lời đồn thổi trong dân gian nhưng cũng cho thấy sự khâm phục và kính trọng của người dân dành cho ông - Con đường trở thành tài tướng của Hưng Đạo Vương:
Năm 1258, nước Đại Việt bị giặc Mông Cổ phía Bắc lăm le xâm lược, nghe tiếng loa truyền tìm người ra giúp nước, Phạm Hữu Thế quyết định lên đường tòng quân. Ông được tuyển vào thủy quân của nhà Trần. Cũng trong năm ấy, triều đình mở nhiều hội thi để chọn người tài, trong đó đấu vật được xem là cuộc thi quan trọng nhất để chọn người tài theo cạnh Trần Hưng Đạo. Tương truyền trong cuộc thi đấu vật năm ấy, có 1 người tên là Đô Châu là gia nhân đấu vật giỏi nhất của Trần Ích Tắc, ai tham gia đấu vật với Đô Châu thì đều mất mạng. Thấy thế, Yết Kiêu liền xông vào ứng đấu. Thay vì quật ngã Đô Châu, ông nhấc bổng hắn lên, sau đó làm cho hắn ngã ngửa bụng lên trời. Sau khi thắng, Yết Kiêu tha chết cho Đô Châu. Cảm phục tấm lòng của Yết Kiêu, Đô Châu qùy lại đội ơn và nhận thua “tâm phục, khẩu phục”. Sau cuộc đấu vật đó, ông được Trần Hưng Đạo mời làm gia nô và trở thành danh tướng thủy quân kiệt xuất thời nhà Trần. Tên Yết Kiêu cũng do Trần Hưng Đạo đặt cho ông ngụ ý tả ông là như một loài cá kình ngư rất lớn ở biển lúc bấy giờ. Nhiệm vụ của Yết Kiêu là tìm cách đục thuyền của giặc trong đêm. Khi màn đêm buông xuống, Yết Kiêu tìm cách vượt qua hàng lính bảo vệ thuyền giặc rồi nhẹ nhàng đục thuyền giặc. Mỗi thuyền phải đục khoảng trên 20 lỗ, đục được lỗ nào lại phải dùng giẻ đã cuộn tròn và buộc dây đút lút lại. Những cuộn giẻ ấy đều được buộc lại với nhau bằng một sợi dây. Một đêm, Yết Kiêu đục được khoảng 30 thuyền giặc. Đến gần sáng khi đã đục đủ số thuyền đã định, Yết Kiêu liền kéo dây khiến những nút giẻ trôi ra khỏi thuyền, khiến hàng chục thuyền giặc bị đắm. Hoàn thành nhiệm vụ, ông lại nhẹ nhàng bơi về địa điểm an toàn.
Lúc đầu bọn chúng không hiểu lí do vì sao tàu chìm, về sau khi biết nguyên nhân do có người đục thuyền, bọn chúng tìm cách giăng lưới để bắt Yết Kiêu. Khi bị bắt, trói trên thuyền, tướng giặc tra hỏi: “Nước Nam có bao nhiêu người tài như ngươi”. Ông liền trả lời:”rất nhiều, hiện bọn họ đang nấp dưới thuyền, ông chỉ là người kém nhất nên mới sa vào tay chúng, nếu các ông thả tôi ra, tôi sẽ dẫn các ông đến chỗ bọn họ, tha hồ cho các ông bắt”. Quân giặc nghe vậy liền cho người mang thuyền nhỏ đưa ông ra khơi theo chỉ dẫn, trong lúc bọn chúng lơ là, ông nhảy xuống biển và lặn về tới doanh trại của Trần Hưng Đạo, tiếp tục chiến đấu cùng quân dân Đại Việt - Li kì những lần chiến đấu với thủy quái và mưu trí thoát khỏi vòng vây của giặc được ghi lại trong lịch sử:
Năm 1285, giặc Mông Cổ chính thức đổ bộ sang xâm lược nước ta. Nhà Trần dùng kế sách sơ tán bỏ nhà không để đánh lừa giặc. Trong kế hoạch đó, Yết Kiêu được Trần Hưng Đạo cử đi bảo vệ hai vua Trần cùng đoàn thuyền rồng hoàng tộc, sơ tán về Nam Định bằng đường sông. Trên đường đi gặp gió to, sóng lớn nước sông chảy xiết làm đoàn thuyền rồng bị chao đảo như muốn chìm xuống lòng sông. Để tìm hiểu nguyên nhân, Yết Kiêu liền lặn xuống đáy sông. Sau khi biết do con Giảo Long quậy phá, ông liền tâu vua xin được giết Giảo Long trừ hại cho dân. Giết xong Giảo Long, ông xách đầu nó lên tâu vua, từ đó ông giữ làm trọng thần trong triều.
Đến tháng 12/1285, quân Nguyên lại tiến đánh Đại Việt lần thứ 2. Yết Kiêu được giao nhiệm vụ cản thuyền giặc để bảo toàn cho vua rút quân. Trong lúc nguy khốn quân giặc đông gấp bội, tự nhiên có một con cá rất lớn lao tới. Yết Kiêu đã nhảy lên lưng cá và biến mất vào lòng sông sâu. Giúp thuyển rồng rút lui an toàn
Giai thoại của Yết Kiêu còn ghi chép một chuyện như sau, để cản đường cho Trần Hưng Đạo lui binh, Yết Kiêu ở lại hi sinh thân mình và không may bị quân giặc vây bắt và trói ở cột buồm, đêm đến khi nghe tiếng chim hạc kêu trên trời ông liền thưa rất cung kính, có thể hiểu theo kiểu hiện đại là:”Dạ, có em đây.” Tướng giặc là Phạm Nhan thấy vậy ngạc nhiên hỏi:”Tiếng hạc kêu sao mày thưa?”. Yết Kiêu đáp:”anh tao đang đi tìm tao đó”, Phạm Nhan nói tiếp:”mày gọi anh mày xuống đây, tao thưởng”. Yết Kiêu trả lời:”Bọn mày cởi trói cho tao, làm cơm rượu ngon, tao mời anh tao xuống”. Phạm Nhan tưởng rằng sẽ bắt thêm được một tướng giỏi nước Nam liền cho người cởi trói, lợi dụng đêm tối, Yết Kiêu ôm lấy Phạm Nhan rồi nhảy xuống nước biến mất, Phạm Nhan bị bắt giải về cho Trần Hưng Đạo xét xử, Yết Kiêu lập công lớn với Triều Đình - Tấm lòng chung thủy với người con gái tên Vân và lời từ chối nàng công chúa:
Nổi tiếng khắp thiên hạ, thế nhưng ông chỉ yêu một người phụ nữ duy nhất tên là Vân. Tương truyền cô Vân là con của lão lái đò bến Bạch Đằng (Quảng Ninh), ít ai biết ông lái đò ấy chính là một tướng giỏi ở ẩn và là người có tấm bản đồ dẫn đến nơi có sắt để mọi người lấy để bịt đầu nhọn cắm sông Bạch Đằng trong trận chiến chống quân Nguyên Mông. Sau khi giặc xâm lấn đất nước, vị tướng ở ẩn ấy quay trở lại phò trợ Yết Kiêu đánh giặc. Trong thời gian ấy, Yết Kiêu có dịp gặp gỡ người con gái tài sắc vẹn toàn tên Vân. Hai người đều cảm mến nhau nhưng chưa kịp nói thành lời. Nàng Vân là người không tiếc tính mạng của mình, lao ra đỡ mũi tên cho Yết Kiêu trong một trận đánh, để rồi chết trên tay Yết Kiêu. Khi nàng Vân “ra đi”, trái tim của Yết Kiêu cũng “đi theo” nàng. Thế nên, đến cuối cuộc đời mình, Yết Kiêu không lấy bất kỳ ai làm vợ và từ chối làm chồng của 3 nàng công chúa:
Lần thứ 1: Tương truyền rằng khi Yết Kiêu hộ giá hoàng tộc nhà Trần về Nam Định, khi trực tiếp chứng kiến cảnh ông lặn xuống sông giết chết Giảo Long rồi mang đầu về cho nhà vua xem, công chúa An Tư và quận chúa Đinh Lan cùng cảm mến ông. Quận chúa Đinh Lan liền tâu với triều đình xin được lấy Yết Kiêu làm chồng, thế nhưng Yết Kiêu một mực từ chối. Ông từ chối việc thay tên, đổi họ (thời Trần quy định cùng họ mới được lấy nhau để tránh mất ngôi báu vào tay ngoại tộc) để lấy quận chúa khiến nàng vô cùng tức giận hạ lệnh chém đầu ông.
Lần thứ 2: Khác với quận chúa Đinh Lan, công chúa An Tư chỉ dám thầm thương trộm nhớ Yết Kiêu. Nàng yêu Yết Kiêu, thế nhưng tình yêu ấy chỉ dám để ở trong lòng bởi nàng luôn đặt đất nước lên hàng đầu. Nàng cam tâm làm vật cống nạp sang nước Miên để đem tin tức về cho đất nước. Trước khi sang, nàng yêu cầu Trần Hưng Đạo cho gặp Yết Kiêu. Sau khi gặp xong, An Tư yêu cầu Trần Hưng Đạo cho Yết Kiêu làm cầu nối đem những tin tức nàng thu thập được về nước. Nàng giao cho Yết Kiêu bông lan đá và coi nó là vật đính ước giữa hai người. Sau nhiều lần đem tin tức từ trại giặc về nước, do sơ hở, Yết Kiêu bị giặc bắt được. Khi bắt được Yết Kiêu, chúng đem ông đến cho công chúa An Tư nhận diện. Đến nơi, công chúa An Tư nói: “Ta quyền cao chức trọng, làm sao biết đến hạng tiểu tốt. Nếu đúng là Yết Kiêu, môi trường sống là dưới nước”. Nghe nàng nói đến đây, Yết Kiêu vùng dậy nhảy xuống sông thoát.
Lần thứ 3: Sau khi đánh thắng giặc Nguyên, Yết Kiêu được cử đi sứ. Sang đó, thấy dáng vẻ tuấn tú của ông cũng như nghe được những tài năng xuất chúng của Yết Kiêu, con gái vua Nguyên khi ấy là công chúa Ngọc Hoa đã đem lòng thương nhớ, say ông như điếu đổ. Vua Nguyên thấy vậy thì có ý định ép gả công chúa Ngọc Hoa cho ông. Ông không muốn lấy nhưng không thể từ chối thẳng thừng, Yết Kiêu mới xin phép vua Nguyên để trở về nước xin phép vua Trần. Nghe hợp tình, vua Nguyên cho ông về nước. Công chúa Nguyên triều đợi mãi không thấy Yết Kiêu sang thì xin vua cha cho sang đất Đại Việt để làm lễ thành hôn với Yết Kiêu. Biết tin này, vua quan nhà Trần muốn ngăn cản cuộc hôn nhân, đã báo tin Yết Kiêu qua đời khi công chúa Nguyên triều mới đi đến vùng biển Quảng Đông giáp biên giới Đại Việt. Hay tin ông chết, công chúa Ngọc Hoa liền lập đền thờ cúng ông trong 7 ngày. Khi cúng, nàng nói: “Trên đời không nên chàng và thiếp, thiếp xin nguyện xuống để gần chàng mãi mãi”, sau đó, nàng gieo mình xuống sông. Thấy nàng gieo mình tự vẫn, 9 nàng hầu cùng hai bá quan theo hầu cũng gieo mình xuống sông theo nàng. Những vần thơ được lưu truyền đến ngày nay, tương truyền được công chúa nhà Nguyên ngâm ngợi và thêu vào khăn áo gửi theo đoàn sứ bộ Đại Việt:
Lên lầu dạ thấy bồi hồi
Trăng soi bóng nước, nước trời hòa nhau
Cùng ta thưởng nguyệt đêm nao
Bây giờ đã ở phương nào, người ơi
Yết Kiêu yêu nàng Vân, thế nhưng ngày nay, trong đền thờ Yết Kiêu chỉ có công chúa Ngọc Hoa được thờ cùng Yết Kiêu cùng những linh vật khác. Theo lý giải của nhiều người, việc công chúa Ngọc Hoa được thờ tự chính là thể hiện mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước. Bức tượng gỗ hiện nay của công chúa Ngọc Hoa tương truyền được đẽo từ khúc gỗ nổi lên nơi Ngọc Hoa trẫm mình chết.
Hồ Hải xông pha tỏ ý mình
Không nề lặn lội cứu sinh linh
Đáy nước khoan thuyền bắt Bá Linh
Cướp vía Thoát Hoan khi đắc báo
Giáp oai Hưng Đạo lúc hành binh
Một mai phá giặc thành công lớn
Rạng vẻ trời Nam một tướng tinh”.
Lịch sử nước Việt nói chung và nhà Trần nói riêng là một bức tranh đầy đủ màu sắc để hậu nhân ngàn đời sau học hỏi, nhà Trần tồn vong được hay không cũng chính là nhờ những bậc tài tướng như Yết Kiêu đã góp phần không nhỏ cho những cuộc chiến bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm. Bài viết được tiếp cận dưới cái nhìn của những nhà sử gia, những câu đối đáp được dịch nghĩa tương đối hiện đại giúp các bạn có cái nhìn dễ hiểu nhất về những bậc kỳ tài trong lịch sử nước Việt. Cùng nhau tìm hiểu lịch sử để có cái nhìn nhiều chiều nhất để không đi vào vết xe đổ của tiền nhân chứ đừng tìm hiểu lịch sử để bôi bác hay phê phán tiền nhân, đó là 1 phần của lịch sử và chúng ta là hậu thế, chúng ta hãy học cách chấp nhận thay vì việc mang căm tức trong người.
Nguồn:
Đại Việt sử ký toàn thư
Việt Nam Sử lược
Danh tướng Việt Nam qua các triều đại