Nếu như ở Congo, thực dân Bỉ có ”thuế cao su” khét tiếng, thì ở Siberia, đế quốc Nga cũng có một loại thuế hiện vật đặc biệt như thế. Nó được gọi là ”yasak”, và do thường được trả bằng lông thú, nó cũng được gọi là ”thuế lông thú”. Do bài viết này tham khảo từ các nguồn từ điển, nên sẽ trình bày dưới hình thức các thuật ngữ.
-”Yasak” (Ясак) trong lịch sử Nga là một từ bắt nguồn từ ngôn ngữ Đột Quyết/Mông Cổ, có ý nghĩa gần đúng như ”cống nạp”. Thuật ngữ này lần đầu xuất hiện phổ biến vào nửa sau thế kỷ 16, khi cuộc chinh phục Siberia bắt đầu. Theo đó, người dân các dân tộc bản địa Siberia hàng năm phải nộp một lượng sản vật (ở đây chủ yếu là lông thú như chồn, cáo, sóc,..) cho nước Nga. Có những dân tộc hải đảo xa xôi như ở Sakhalin, Alaska, Aleut,… cũng phải nộp yasak dưới hình thức da và lông của hải ly, rái cá, hải cẩu,… Cũng có khi việc này được thực hiện bằng cách trao đổi lông thú lấy các sản phẩm của người Nga như ngọc hay tiền. Nhưng phần lớn các cuộc trao đổi này rất bất bình đẳng, dẫn đến nhiều cuộc nổi dậy chống lại việc nộp yasak của các dân tộc thiểu số.
Mục đích của việc thu Yasak được nhận định là để tối ưu hóa lợi nhuận từ các thuộc địa của Đế quốc Nga. Thay vì buộc các dân tộc bản địa ở Siberia nộp thuế bằng tiền hay lương thực như nông nô Nga (mà nhiều dân tộc còn chưa biết tới tiền), thì lông thú được cho là một mặt hàng giá trị hơn rất nhiều. Bởi lông thú ở Siberia rất quan trọng trong công nghiệp may mặc và thời trang, thậm chí tới thời Xô Viết vẫn đem lại cho Liên Bang trăm triệu USD mỗi năm. Do đó, Đế quốc Nga đã bắt các dân tộc Siberia phải cống nạp lông thú thay vì tiền.
-Người dân bản địa phải nộp Yasak được lên danh sách khá cụ thể. Họ được gọi là ”Ясачные люди” (người nộp Yasak), định kỳ được thống kê dân số. Ban đầu, người nộp Yasak trong đế quốc Nga quy định là người các dân tộc bản địa từ 18 đến 50 tuổi (sau tăng lên 60 tuổi). Điều này có nghĩa là tuyệt đại đa số người dân các dân tộc Siberia đều trở thành người có nghĩa vụ nộp lông thú cho nước Nga. Và mặc dù năm 1822, nước Nga đã giải phóng họ bằng việc hủy bỏ thuế yasak và coi các dân tộc bản địa có tư cách như nông dân Nga, thì một số dân tộc du mục như Yakut, Chukchi. Tungus,… vẫn phải nộp yasak cho đến năm 1917.
-Cách để ràng buộc người nộp Yasak là thông qua ”Шерть” (tạm dịch là ”lời thề”). Lợi dụng đức tin về lời thề trong tín ngưỡng Shaman giáo của các dân tộc thiểu số, có những tay môi giới trung gian gọi là ”Шертованием” – đứng ra giàn xếp (thực chất là ép buộc) các thỏa thuận giữa chính quyền Nga và các dân tộc bản địa. Trong trường hợp nếu người nộp yasak không thể hoàn thành khoản thuế của mình, họ có thể bị bắt giam làm con tin – gọi là ”Аманат”.
-Một khu vực sống có nhiều dân tộc bản địa, hay nói cách khác là có nhiều đối tượng phải nộp yasak, sẽ được chính quyền Nga quy hoạch thành một đơn vị hành chính gọi là ”Ясачная волость” (Volost của Yasak). Volost đơn giản chỉ là một đơn vị hành chính ở Nga thời đó, nhỏ hơn cấp huyện (nghe bảo thế).
-Nơi để tập trung yasak của người bản địa tới nộp, cũng là nơi để giam giữ những người không nộp hoặc chống đối, gọi là ”Острог” (Ostrog – kiểu pháo đài gỗ+nhà tù). Người dân bản địa thường phải mang lông thú tới đây để nộp cho lính Nga. Điều quan trọng ở chỗ, nhiều thành phố ở Nga sau này hình thành chính từ những nhà tù kiểu này, như Omsk, Tomsk, Ulan-Ude, Yakutsk,… Nhưng đôi khi, nó cũng trở thành mục tiêu tấn công của các dân tộc thiểu số trong những lần họ nổi dậy chống lại việc nộp Yasak.
-Vào năm 1727, trước việc có quá nhiều sự phản đối và nổi dậy chống lại thuế yasak, chính quyền Nga đã thay đổi cho phép người nộp yasak bằng tiền. Điều này dù giúp cho các dân tộc bản địa dễ thở hơn khi có thể dùng tiền nộp thay thế cho lông thú, nhưng vẫn là quá nặng nề với nhiều dân tộc kém phát triển. Yasak vẫn là gánh nặng đè lên đầu người dân bản địa.
-Đến năm 1822, dân số các dân tộc bản địa Siberia đã suy giảm khá nhiều. Lối sống của họ cũng phải thay đổi do sự có mặt của người Nga. Điều này làm số lông thú thu được ngày càng ít khiến chính quyền Nga quyết định bãi bỏ loại thuế này đối với các dân tộc đã định cư. Chỉ còn những dân tộc được cho là ”du mục” như Yakut, Chukchi, Tungus,… là phải nộp Yasak. Đến khi cách mạng năm 1917 lật đổ Nga Sa Hoàng, các chính quyền mới ở Nga đã đồng loạt bãi bỏ hoàn toàn ”thuế lông thú”, chính thức giải phóng các dân tộc bản địa Siberia khỏi thứ thuế này.
Ảnh bên dưới: người dân bản địa Siberia nộp lông thú cho lính Nga bên ngoài một Ostrog( phần dịch chữ trong ảnh ở phần bình luận)