Ý nghĩa thực sự của giáo dục: Học để khai phóng bản thân

Trích dẫn chương 3, cuốn sách “Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống”

Nhiều người nghĩ rằng nhờ việc dạy mọi người biết đọc biết viết, chúng ta sẽ giải quyết được nhiều vấn nạn của nhân loại; nhưng đây là một tư tưởng sai lầm. Những người tạm gọi là có giáo dục không hẳn là những người yêu hòa bình, sống toàn diện; họ cũng phải chịu trách nhiệm cho tình trạng nhiễu nhương và khốn khổ của thế giới.

Giáo dục đúng đắn có nghĩa là làm thức tỉnh trí tuệ, nuôi dưỡng một đời sống toàn diện, và chỉ có loại hình giáo dục ấy mới có thể dựng xây một nền văn hóa mới, một thế giới hòa bình; nhưng để xây dựng nền giáo dục mới này, chúng ta cần phải tái thiết từ đầu trên một nền móng hoàn toàn khác với nền móng hiện tồn.

Với thế giới quanh ta đang ngày một tàn tạ, chúng ta không ngừng bàn luận về các lý thuyết, về các vấn đề chính trị vô bổ, và đùa giỡn với những cải cách giả tạm. Chẳng lẽ điều này không cho thấy sự thiếu chín chắn trong suy nghĩ của chúng ta hay sao? Một số người có thể đồng ý với điều này, nhưng họ vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chính xác những gì họ từng làm – và đấy là điều đáng buồn của cuộc sống. Khi chúng ta nghe một sự thật và không hành động theo sự thật ấy, nó trở thành thuốc độc trong chính chúng ta, và thuốc độc ấy lan ra, gây xáo trộn về tâm lý, mất cân bằng và bệnh tật thể chất. Chỉ khi nào trí tuệ sáng tạo được đánh thức trong cá nhân thì cuộc sống hòa bình và hạnh phúc mới có thể tồn tại.

Chúng ta không thể trở nên có trí tuệ chỉ bằng cách thay chính quyền này bằng một chính quyền khác, đảng phái hay giai cấp này bằng một đảng phái hay giai cấp khác, kẻ bóc lột này bằng kẻ bóc lột khác. Cuộc cách mạng đẫm máu chẳng thể nào giải quyết rốt ráo các vấn đề của chúng ta. Chỉ có cuộc cách mạng nội tâm sâu sắc làm thay đổi mọi giá trị của chúng ta mới có thể tạo ra một môi trường khác, một cấu trúc xã hội có trí tuệ; cuộc cách mạng ấy chỉ có thể được tạo nên bởi bạn và tôi. Sẽ không có một trật tự mới nào nếu cá nhân chúng ta không phá vỡ những rào cản tâm lý của mình và trở thành người tự do.

Chúng ta có thể vẽ ra trên giấy những bản thiết kế chi tiết cho xã hội Không tưởng tươi sáng, một thế giới mới tráng lệ; nhưng việc hy sinh các thế hệ hiện tại cho một tương lai chưa biết rõ sẽ không bao giờ giải quyết được bất cứ vấn đề nào của chúng ta. Có quá nhiều yếu tố đan xen giữa hiện tại và tương lai đến mức không ai có thể biết cái tương lai ấy sẽ là thứ tương lai nào. Việc chúng ta có thể làm và phải làm, nếu chúng ta có thái độ nghiêm túc, là giải quyết các vấn đề ngay bây giờ chứ không trì hoãn chúng cho ngày mai. Sự vĩnh hằng không nằm ở tương lai; sự vĩnh hằng nằm ở ngay khoảnh khắc này. Các vấn đề của chúng ta nằm ở hiện tại và chỉ trong hiện tại chúng mới có thể được giải quyết.

Những ai có thái độ nghiêm túc đối với chuyện này phải ra sức tái tạo chính mình; nhưng việc tự tái tạo chỉ có thể xảy ra khi chúng ta đoạn tuyệt với những giá trị mà chúng ta đã tạo ra bằng những ham muốn tự phòng vệ và gây hấn trước đây. Nhận biết chính mình là khởi đầu của tự do, và chỉ khi nào chúng ta biết chính mình thì chúng ta mới có thể tạo dựng được sự trật tự và nền hòa bình.

Một số người có thể hỏi: “Chỉ một cá thể thì có thể làm gì để tác động đến diễn trình của lịch sử? Anh ta có thể làm được điều gì qua cách sống của mình?”. Chắc chắn anh ta có thể. Bạn và tôi rõ ràng là sẽ không ngăn chặn được những cuộc chiến tranh trực tiếp, hay tạo ra được sự thông hiểu tức thời giữa các quốc gia; nhưng ít ra chúng ta có thể tạo ra, trong thế giới các mối tương quan hàng ngày, sự thay đổi cơ bản, và sự thay đổi này sẽ có lối tác động riêng của nó.

Một người được khai minh có thể tác động đến nhiều nhóm người, nhưng chỉ khi nào anh ta không háo hức trông chờ kết quả. Nếu anh ta nghĩ đến lợi ích hay tác động thì anh ta không thể đạt đến sự chuyển hóa thực sự.

Các vấn đề của nhân loại không đơn giản, chúng rất phức tạp. Muốn hiểu được chúng đòi hỏi phải có sự nhẫn nại và thấu triệt; điều quan trọng nhất đó là chúng ta phải hiểu chúng và giải quyết chúng cho chính mình. Chúng không thể được hiểu bằng các công thức hay các khẩu hiệu, và cũng không thể được giải quyết bởi những nhà chuyên môn đang hoạt động trong lĩnh vực của họ, điều đó chỉ càng gia tăng thêm sự hỗn loạn và khốn cùng mà thôi. Nhiều vấn đề chỉ có thể được hiểu và được giải quyết khi ta ý thức về chính mình, nghĩa là khi ta hiểu toàn bộ cấu trúc tâm lý của mình; và không một nhà lãnh đạo tôn giáo hay chính trị nào có thể mang lại chìa khóa cho sự thông hiểu ấy.

Để hiểu chính mình, ta phải ý thức về mối tương quan giữa ta, không chỉ với người khác, mà còn với của cải, với những tư tưởng và với thế giới tự nhiên. Nếu ta muốn tạo nên cuộc cách mạng thực sự trong các mối tương quan của con người, cái vốn là nền tảng của mọi xã hội, cần phải có sự thay đổi căn cơ trong các giá trị và tầm nhìn của chính ta; nhưng ta lại lẩn tránh đối mặt với sự chuyển hóa thiết yếu và căn cơ trong chính ta, và cố gắng tạo ra những cuộc cách mạng chính trị trên thế giới, những thứ luôn dẫn tới cảnh tang thương, máu chảy đầu rơi.

Các mối tương quan dựa trên cảm xúc không bao giờ là phương tiện để giải thoát khỏi cái tôi; thế nhưng phần lớn các mối tương quan của chúng ta lại dựa trên cảm xúc, chúng là kết quả của ham muốn vị lợi, sự an nhàn, cảm giác an toàn tâm lý. Mặc dù có những lúc chúng có thể giúp ta tạm thời thoát khỏi cái tôi, nhưng mối tương quan như thế chỉ củng cố cho cái tôi thêm vững mạnh, và làm cho ta càng thêm khép kín. Mối quan hệ là một tấm gương soi, trong đó cái tôi và toàn bộ các hoạt động của nó có thể được nhìn thấy; và chỉ khi nào các phương cách tồn tại của cái tôi được hiểu trong những phản ứng của mối tương quan thì sự giải phóng mình một cách sáng tạo khỏi cái tôi mới có thể xảy ra.

Để thay đổi thế giới, trước hết chúng ta phải tái tạo lại bản thân. Không thứ gì có thể đạt được bằng bạo lực, bằng việc triệt hạ lẫn nhau. Có thể chúng ta tìm được sự giải thoát tạm thời bằng cách gia nhập vào những nhóm người nào đó, bằng cách nghiên cứu các biện pháp cải cách kinh tế – xã hội, bằng cách ban hành pháp chế, hay cầu nguyện; nhưng dù chúng ta có làm bất cứ điều gì chăng nữa, nếu thiếu sự nhận biết chính mình và tình yêu thương thì các vấn đề của chúng ta sẽ không ngừng mở rộng và gia tăng. Trong khi đó, nếu chúng ta đưa trí óc và con tim vào công việc hiểu biết chính mình, chúng ta chắc chắn sẽ giải quyết được nhiều xung đột và đau khổ.

Nền giáo dục hiện đại đang biến chúng ta thành các thực thể không có khả năng suy nghĩ; nó chẳng giúp ta phát hiện ra thiên hướng cá nhân của mình. Chúng ta phải vượt qua hàng tá kỳ thi và sau đó, với chút may mắn, chúng ta có được công ăn việc làm – kéo dài nó suốt phần đời còn lại. Có thể chúng ta không thích việc làm của mình, nhưng chúng ta buộc phải tiếp tục vì đâu còn phương tiện nào khác cho cuộc mưu sinh. Có thể chúng ta ấp ủ làm một việc gì đó hoàn toàn khác, nhưng sự cam kết và trách nhiệm níu giữ chúng ta lại, và chúng ta bị vây bủa trong nỗi lo âu và sợ hãi của chính mình. Bị vỡ mộng, chúng ta tìm cách trốn tránh qua tình dục, nhậu nhẹt, chính trị hay tôn giáo hão huyền.

Khi các tham vọng bị ngăn trở, chúng ta quan trọng hóa mọi chuyện và ngày càng lộ rõ sự méo mó về tâm lý. Nếu chúng ta không thông hiểu một cách toàn diện về cuộc sống và tình yêu, về những ham muốn chính trị, tôn giáo và xã hội, cùng với những đòi hỏi và cản trở từ chúng, chúng ta sẽ ngày càng gặp nhiều vấn đề hơn trong các mối quan hệ của mình, và các vấn đề này sẽ dẫn chúng ta tới chỗ khốn cùng và hoại diệt.

Ngu dốt là tình trạng thiếu hiểu biết về các phương cách tồn tại của cái tôi, và sự ngu dốt này không thể được xóa bỏ bằng các hoạt động và cải cách giả tạm bề ngoài; nó chỉ có thể được xóa bỏ bằng việc con người ta thường xuyên ý thức về những chuyển động và phản ứng của cái tôi trong tất cả các mối tương quan của nó.

Điều mà chúng ta phải nhận ra là chúng ta không bị quy định bởi môi trường, mà chúng ta chính là môi trường – chúng ta không phải là cái gì đó tách rời khỏi môi trường. Các tư tưởng và phản ứng của chúng ta bị quy định bởi các giá trị mà xã hội đã áp đặt lên chúng ta.

Chúng ta không nhận thấy rằng chúng ta chính là môi trường, bởi lẽ trong mỗi người tồn tại nhiều khía cạnh khác nhau, tất cả chúng đang phát triển xoay quanh cái “tôi”, hay bản ngã. Cái tôi được tạo thành từ nhiều khía cạnh, và các khía cạnh này chỉ là sự phóng chiếu của những ham muốn dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ tập hợp hỗn tạp các ham muốn ấy xuất hiện nhân vật trung tâm, người suy tưởng, ý chí của cái “tôi” và “của tôi”; và sự phân chia theo đó được xác lập giữa cái tôi và cái không-tôi, giữa cái “tôi” và môi trường hay xã hội. Sự phân chia này là khởi đầu của xung đột, cả bên trong lẫn bên ngoài.

Nhận thức về toàn bộ quá trình này, cả tầng ý thấu triệt biết được lẫn tầng ý thức ẩn tàng, chính là thiền định; qua thiền định, cái tôi, cùng với những ham muốn và xung đột của nó, được chuyển hóa. Nhận thức về bản thân là điều kiện thiết yếu nếu ta muốn thoát khỏi những ảnh hưởng và giá trị đã làm nơi trú ngụ cho cái tôi; và trạng thái tự do này sẽ làm hiển lộ sự sáng tạo, chân lý, Thượng đế hay bất cứ những gì bạn muốn.

Dư luận và truyền thống đúc khuôn các tư tưởng và tình cảm của chúng ta từ lúc ta mới lọt lòng. Những ảnh hưởng và ấn tượng tức khắc gây ra tác động mạnh mẽ và lâu dài, định hình toàn bộ diễn trình đời sống ý thức và vô thức của chúng ta. Sự tuân phục bắt đầu từ thời thơ ấu qua cách thức giáo dục và tác động của xã hội.

Ham muốn bắt chước là một nhân tố rất mạnh mẽ trong cuộc sống của chúng ta, không chỉ ở những cấp độ bề mặt mà còn ở những cấp độ bề sâu. Chúng ta khó lòng có được những tư tưởng và cảm nhận độc lập. Khi xảy ra, chúng chỉ là những phản ứng, và do đó không thoát ra khỏi khuôn mẫu đã được xác lập; vì trong hành vi phản ứng, không có bất cứ sự tự do nào.

Triết học và tôn giáo đề ra những phương pháp nhất định, nhờ đó người ta có thể đi đến chỗ nhận thức chân lý hay Thượng đế; thế nhưng chỉ tuân theo một phương pháp nhất định vẫn là chưa thấu triệt và không toàn diện, dù phương pháp ấy có lợi như thế nào trong đời sống xã hội hằng ngày của chúng ta. Động cơ thúc đẩy sự tuân phục đó là sự mong cầu an toàn, nó gây ra nỗi sợ hãi và làm cho các uy quyền chính trị và tôn giáo trở nên tối thượng, mang lại sự uy nghiêm cho những người cổ xúy tinh thần tuân phục và thống trị chúng ta một cách tinh vi hay thô thiển; nhưng không chịu tuân phục chỉ là một phản ứng chống lại uy quyền, chứ đấy chưa phải là cách giúp ta trở trành con người toàn diện. Phản ứng là chuỗi hành vi vô cùng tận, nó chỉ dẫn đến những phản ứng khác mà thôi.

Sự tuân phục, cùng những luồng chảy sợ hãi ngấm ngầm của nó, là một trở ngại; nhưng chỉ mỗi sự thừa nhận của trí tuệ về sự kiện này sẽ không giải quyết được trở ngại. Chỉ khi nào chúng ta ý thức về những trở ngại này thì chúng ta mới thoát khỏi chúng mà không tạo ra những trở ngại mới sâu kín hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *