Sau bài đăng trước về ý nghĩa tên gọi 1 số địa danh Việt Nam, mình nhận được sự chia sẻ rộng rãi của mọi người và đề nghị bổ sung thêm. Vì sẵn có trong máy nên lần này mình ghi hết luôn để cả nhà cùng nghiên cứu, thảo luận nhé. Tên các địa danh sẽ theo thứ tự A – Z.
1. Bắc Kạn: Ra đời vào năm 1900 khi thực dân Pháp cho tách một phần đất Thái Nguyên. Bắc Kạn theo tấm bia tại hòn Bà Góa, hồ Ba Bể khắc từ thời vua Khải Định thì nguyên gốc là Bắc Cản. Bắc (北) là phía Bắc, Cản (扞) là bảo vệ. Bắc Kạn là “Vùng đất phòng vệ phía Bắc”. Tuy nhiên không hiểu sao mà chữ Cản lại bị đọc thành Cạn và bây giờ là Kạn???
2. Cẩm Phả (Quảng Ninh): Ra đời cách đây gần 500 năm dưới thời nhà Mạc. Khi quan quân triều đình chạy loạn đến đây, thấy mảnh đất vừa có núi có biển nên gọi là Cẩm Phổ. Cẩm (锦) là tươi đẹp, lộng lẫy; Phổ (普) là rộng khắp. Sau này bị đọc chệch thành Cẩm Phả. Cẩm Phả là “Vùng đất rộng lớn tươi đẹp như gấm vóc”.
3. Chương Mỹ (Hà Tây): Được thành lập vào năm 1888 dưới thời vua Đồng Khánh. Chương (彰) là rực rỡ, rõ rệt; Mỹ (美) là vẻ đẹp. Chương Mỹ là “Vùng đất đẹp rạng ngời”. Từ “Chương” này cũng được áp dụng với địa danh Thanh Chương (Nghệ An).
4. Diên Khánh (Khánh Hòa): Ra đời vào năm 1742 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Diên (延) là kéo dài, Khánh (庆) là niềm vui. Diên Khánh là “Mảnh đất vui vẻ mãi mãi”. Chữ “Diên” này cũng áp dụng cho cụm từ “Diên Hi” trong phim Diên Hi Công Lược. Diên Hi là “Phúc lành mãi mãi”.
5. Đan Phượng (Hà Tây): Ra đời vào năm 1246 thế kỷ XIII dưới thời vua Trần Thái Tông. Đan (丹) là màu đỏ cung đình; Phượng (凤) là chim phượng. Đan Phượng là “Chim phượng hoàng đỏ” ngụ ý vùng đất tốt, địa linh nhân kiệt.
6. Đồng Hới (Quảng Bình): Ban đầu tên gọi mảnh đất này là Động Hải (洞海) tức “Vùng biển sâu”. Khi người Pháp đến xâm lược họ không đọc được trọn vẹn 2 chữ mà ghi thành “Đong goi”, dần dần chuyển thành tên Đồng Hới như ngày nay.
7. Gia Viễn (Ninh Bình): Tên gọi do vua Lê Thái Tông đặt vào năm những năm 1433 – 1442 sau khi đổi từ Uy Viễn. Gia (嘉) là Điềm lành, điều tốt; Viễn (远) là lâu dài. Gia Viễn nghĩa là “Nơi những điều tốt lành kéo dài mãi mãi”. Danh xưng Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, Tràng An, Trường Yên cũng mang ý này.
8. Hạ Lang (Cao Bằng): Ban đầu thuộc châu Tư Lang thời nhà Lý. Sau này chia thành hai vùng đất lấy tên là Thượng Tư Lang và Hạ Tư Lang. Sang thời Lê Thánh Tông, nhà vua rút gọn Hạ Tư Lang là Hạ Lang. Hạ (下) là phía dưới, Lang (琅) là trắng, sạch. Hạ Lang là “Vùng đất thuần khiết phía dưới”. Còn vùng đất phía Thượng Tư Lang ngày nay là Trùng Khánh (Hạnh phúc lâu dài).
9. Hàm Yên (Tuyên Quang): Đời Lê sơ gọi là Sùng Yên, sau đổi là Phúc Yên. Đến nhà Nguyễn năm 1822, vua Minh Mạng kị húy chữ Phúc đã cho đổi là Hàm Yên. Hàm (咸) là đều, hết thảy; Yên (安) là yên bình. Hàm Yên là “Khắp nơi đều yên ổn, thái bình”.
10. Hậu Lộc (Thanh Hóa): Thành lập năm 1821 dưới thời vua Minh Mạng. Hậu (厚)là dày, nhiều; Lộc (祿)là phúc lành, tốt đẹp. Hậu Lộc là “Vùng đất nhiều bổng lộc”. Chữ Hậu ở đây khác nghĩa với chữ “Hậu” trong Hậu Giang (后江) – Sông ở phía sau.
11. Hoàng Su Phì (Hà Giang): Được thành lập vào năm 1908, danh xưng này gắn với truyền thuyết của người La Chí. Theo các già làng, trong trận Đại hồng thủy xưa kia, tất cả cây cối đều bị nhấn chìm trong nước lũ, chỉ có một cây cổ thụ lớn có màu vàng sống sót. Con người đã tìm đến gốc cây này để trú ẩn. Sau khi thiên tai qua đi, một số người đã chặt cây để dựng nhà. Thân và lá cây rơi xuống nơi này rồi hóa thành những dãy núi, ngọn đồi tráng lệ, vàng óng. Kể từ đó, mảnh đất đó được gọi là Hoàng Su Phì nghĩa là “Miền đất vỏ cây vàng”. Tên Hán cổ là 黄树皮 – Hoàng Thụ Bì.
12. Hồng Bàng (Hải Phòng): Quận được thành lập vào năm 1961 theo tên gọi một giai đoạn lịch sử thuộc thời đại thượng cổ của lịch sử Việt Nam. Hồng (鸿) là một giống chim hồng sống ven nước, lưng và cổ màu tro, cánh đen bụng trắng, mỏ dẹp, chân ngắn, khi bay sắp thành hàng; Bàng (庞) là to lớn (như trong từ đại bàng). Hồng Bàng là “Con chim lớn”.
13. Hồng Ngự (Đồng Tháp): Là tên gọi của 1 đội binh Hùng Ngự dưới thời vua Gia Long có nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới Tây Nam. Sau này trong quá trình giao tiếp, Hùng Ngự bị nói trại đi thành Hồng Ngự. Hùng (雄) là mạnh mẽ, oai phong; Ngự (禦) là phòng ngự, bảo vệ. Hồng Ngự là “Nơi phòng vệ biên giới oai hùng”.
14. Hương Khê (Hà Tĩnh): Tên gọi do vua Tự Đức đặt vào năm 1868. Hương (香) là thơm, Khê (溪) là dòng suối trong núi. Hương Khê là “Dòng suối thơm”. Chữ Khê này cũng áp dụng với tên các địa danh Cẩm Khê, Thanh Khê, An Khê.
15. Kiến Thụy (Hải Phòng): Thành lập năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng, Kiến (建) là kiến thiết, gây dựng; Thụy (瑞) là điềm lành, vui vẻ. Kiến Thụy nghĩa là “Nơi xây đắp những điều tốt đẹp”. Chữ “Thụy” này có ý nghĩa tương tự trong Vĩnh Thụy, Ngọc Thụy, Gia Thụy, Thái Thụy…
16. Liên Chiểu (Đà Nẵng): Xưa là tên một làng thuộc tổng Thái Hòa, năm 1997 được chuyển thành quận. Liên (莲) là hoa sen, Chiểu (沼) là ao, đầm. Liên Chiểu là “Ao sen”.
17. Mù Cang Chải (Yên Bái): Được thành lập năm 1955 thuộc Khu tự trị Thái – Mèo. Theo tiếng dân tộc H’Mông, “Mù” là đọc lệch đi của “Mồ” nghĩa là “gỗ”, “Cang” là đọc lệch của “Căng” nghĩa là “khô” và “Chải” là “đất”. Mù Cang Chải là “Vùng đất nhiều gỗ khô”.
18. Phú Vang (TT. Huế): Khởi nguồn từ tên gọi Phú Vinh đầu thời Nguyễn. Sau này do đọc lệch bị chuyển thành Phú Vang và dùng tới tận ngày nay. Phú (富) là giàu có, Vang – Vinh (荣) là sung túc. Phú Vang là “Vùng đất giàu sang, vinh hoa phú quý”.
19. Phù Cừ (Hưng Yên): Lần đầu xuất hiện với tên gọi là Phù Dung vào năm 1252 thời tiền Lê. Khi nhà Mạc lên ngôi, vì kiêng tên húy của Mạc Thái Tổ (tức Mạc Đăng Dung) nên đổi tên thành Phù Hoa. Đến năm vua Thiệu Trị (1842) Phù Hoa lại đổi tên thành Phù Cừ do kiêng tên húy Thái hậu Hồ Thị Hoa. Tuy nhiên, dù có đổi từ Phù Dung sang Phù Hoa hay Phù Cừ thì nghĩa của vùng đất này vẫn là “Bông hoa sen đẹp” (芙蕖).
20. Quảng Xương (Thanh Hóa): Thành lập vào thời nhà Lê, Quảng (广)là rộng lớn, Xương (昌) là sáng sủa, tốt đẹp. Quảng Xương nghĩa là “Vùng đất rộng lớn giàu đẹp”. Chữ “Xương” này cũng áp dụng với tên huyện Kiến Xương (Thái Bình).
21. Quy Nhơn (Bình Định): Được thành lập dưới thời vua Thành Thái vào năm 1898, Quy (归) là quy tụ, tập hợp; Nhơn – Nhân (仁) là người tài giỏi, đức hạnh. Quy Nhơn là “Vùng đất quy tụ anh tài”, chứ không phải là “Người rùa” như nhiều người vẫn nghĩ.
22. Quỳnh Nhai (Sơn La): Xuất hiện vào thời Lý – Trần trực thuộc đạo Đà Giang. Quỳnh (琼) là viên ngọc đẹp, Nhai (崖) là sườn núi. Quỳnh Nhai nghĩa là “Cảnh sắc ven sườn núi đẹp tươi như ngọc”.
23. Si Ma Cai (Lào Cai): Tên gốc của địa danh này là Sin Ma Cai trong tiếng Mông mà âm Hán Việt là “Tân Mã Nhai” 新马街, nghĩa là “Phố Ngựa Mới” do ngày xưa đồng bào dân tộc H’Mông thường mang ngựa ra khu đất này để buôn bán, trao đổi với nhau mỗi dịp chợ phiên cuối tuần. Sau này người Pháp lên đây ghi lại thành “Si Ma Cai” và dùng đến tận ngày nay.
24. Tiên Lãng (Hải Phòng): Xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX vào triều Nguyễn. Tiên (先) là đầu tiên; Lãng (郎) là sáng, rực rỡ. Tiên Lãng là “Nơi đầu tiên trên đất Việt đón ánh sáng rực rỡ”.
25. Thanh Trì (Hà Nội): Vùng đất này có tên cổ là Long Đàm (Đầm Rồng). Đến thời Minh đô hộ, vì không muốn dân chúng nhớ lại tên Thăng Long, chính quyền phương Bắc đã đổi tên Long Đàm thành Thanh Đàm. Sang thời vua Lê Thế Tông (1573 – 1591), để kiêng húy tên Lê Duy Đàm, vùng đất này được đổi tên lần nữa từ Thanh Đàm thành Thanh Trì. Thanh (清) là trong xanh; Trì (池) là ao, đầm. Thanh Trì nghĩa là “Đầm nước trong sạch”.
26. Thường Xuân (Thanh Hóa): Năm 1837 vua Minh Mạng đặt tên cho vùng đất này là Thường Châu, sau này đổi thành Thường Xuân. Thường (常) là lâu dài, không thay đổi; Xuân (春) là Mùa xuân. Thường Xuân nghĩa là “Mùa xuân vững bền”. Tên huyện Thọ Xuân, Nghi Xuân cũng có ý nghĩa tương tự.
27. Triệu Phong (Quảng Trị): Tên gọi ra đời vào năm 1469 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Triệu (肇) là khởi nguồn, bắt đầu; Phong (丰) là phong phú. Triệu Phong là “Nơi gây dựng cuộc sống phồn thịnh, giàu có”.
28. Tuy Hòa (Phú Yên): Bắt đầu danh xưng vào thời chúa Nguyễn và chính thức sử dụng rộng rãi vào năm 1899. Tuy (绥) là yên ổn, Hòa (和) là hòa bình. Tuy Hòa là “Mảnh đất yên ổn, an lành”. Chữ “Tuy” này cũng áp dụng trong các tên huyện Tuy An, Tuy Phước, Tuy Phong, Tuy Đức.
29. Vân Canh (Bình Định): Nếu chữ “Vân” trong Vân Đồn nghĩa là “mây” thì Vân Canh lại khác. Được thành lập vào năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng, ban đầu người Chăm gọi nơi này là “Đất cày” do chủ yếu sinh sống và làm nông dọc 2 bên bờ sông Hà Thanh. Triều đình nghe được nên ghi trong sách dư địa chí là Vân Canh. Vân (耘) là dọn vườn; Canh (耕) là làm ruộng. Vân Canh là “Nơi canh tác, làm ruộng”.
30. Yên Bái: Chính thức xuất hiện trên bản đồ hành chính với tư cách là tỉnh vào năm 1900, Yên (安) là yên ổn, an lành; Bái (沛) là sung túc. Yên Bái là “Vùng đất yên lành, trù phú”.