Thứ sáu, ngày 16/05/2025 11:00 GMT+7
Cô gái 9X “biến mất” một năm để sống điều mà hàng triệu người mơ nhưng không ai đủ can đảm làm
Kiều Anh Thứ sáu, ngày 16/05/2025 11:00 GMT+7
Không một thông báo, không lịch trình rõ ràng, chị Phạm Minh Hằng (sinh năm 1995, Hà Nội) quyết định rời thủ đô 365 ngày, đi tìm lại chính mình giữa những vùng đất lạ và những khoảng lặng rất sâu.
Cuộc tháo chạy ngoạn mục khỏi nhịp sống đô thị, với niềm tin và trực giác “sống còn” khi đi một mình

Không có tiếng còi xe, không ngồi gõ máy tính trong quán cà phê quen hàng giờ đồng hồ, chỉ còn tiếng gió thổi qua khe đèo, mùi muối biển bám vào tóc và ánh mắt lấp lánh. Đó là thay đổi của chị Phạm Minh Hằng (30 tuổi) khi đã rời Hà Nội vào một buổi sáng rất bình thường: không ồn ào, không hô hào tạm biệt. Nhưng từ hôm đó, cuộc đời chị bước sang một nhịp sống hoàn toàn khác: tự do, du mục và đầy thức tỉnh.
Trước đây, chị Hằng từng có công việc ổn định tại Hà Nội, từng sống giữa những mối quan hệ thân thuộc. Nhưng để có một năm rong ruổi theo cách của riêng mình, chị chọn rời khỏi vùng an toàn: từ bỏ công việc 3 năm, từ biệt những vòng lặp êm ả và dấn thân vào một hành trình không hứa hẹn.
Chị Hằng bắt đầu xuyên Việt từ ngày 10/5/2024, rong ruổi xuyên Việt 365 ngày. Một năm được chia thành năm chặng, như năm chương đời tách biệt: Từ Hà Nội xuôi về Bình Thuận theo cung đường biển dài dằng dặc, cô gái 9X sống trọn mùa hè đầy nắng và muối mặn ở Vĩnh Hy – nơi mỗi sáng tỉnh dậy có tiếng sóng chạm ngay cửa lán.
4 tháng sau, chị tìm đến Măng Đen – vùng đất lạnh đầy gió ở Tây Nguyên, nơi mùa đông giam giữ nỗi cô đơn nhưng cũng mở ra không gian tuyệt đối cho tĩnh lặng. Kết thúc 4 tháng tại Măng Đen, cô gái sinh năm 1995 lại chạy dọc tuyến Trường Sơn vào thời điểm những cung đường phủ sương sớm và nắng chiều như tranh vẽ; cuối cùng, chị kết lại hành trình “du mục” bằng những tháng lang thang du xuân khắp Đông – Tây Bắc, nơi hoa mận rơi trắng và những nụ cười miền núi đủ sưởi ấm cả mùa đầu năm.

Chia sẻ với Dân Việt về hành trình của mình, chị Phạm Minh Hằng cho biết: “Tôi đi xe máy một mình từ Hà Nội hướng về phương Nam. Chạy qua những cung đường ven biển, những con đèo dài hun hút, những cánh rừng rậm rạp, những dòng suối len lỏi giữa núi đồi. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản: Đi thôi, để thỏa giấc mơ xuyên Việt bằng xe máy đã ấp ủ từ lâu. Ban đầu, tôi chỉ định đi rồi quay về, gửi xe ra Hà Nội, tiếp tục nhịp sống cũ. Nhưng giữa đường, một câu hỏi cứ văng vẳng trong đầu: “Tại sao không thử sống khác đi một lần?”
Và thế là tôi chuyển hướng: trở thành một kẻ du mục. Đi đến đâu, sống đến đó. Kiếm sống bằng chính kỹ năng và đam mê. Gắn bó với những vùng đất mà trước kia tôi nghĩ sẽ chỉ lướt qua.”
Không ồn ào, vội vã hay xô bồ như những chuyến du lịch kiểu “check-in cho kịp”, cô gái sinh năm 1995 đến từ Hà Nội chọn một hành trình khác: sống chậm, đi sâu và cảm nhận thế giới qua từng vòng bánh xe máy.
“Với tôi, xe máy là phương tiện giúp cảm nhận rõ và sâu nhất mỗi nơi mình đến. Cái “rõ và sâu” ở đây không chỉ là chuyện tiện đường hay linh hoạt. Mà là cái cách tôi cảm nhận được sự thay đổi của nắng, của gió, của khí hậu giữa từng vùng miền. Ví dụ như vào mùa hè, các tỉnh miền Trung bước vào mùa biển đẹp nhưng đồng nghĩa với việc thời tiết rất nắng nóng. Tôi đã trực tiếp đi xe máy qua các tỉnh đó, nên có thể cảm nhận ánh nắng, ngọn gió của mỗi nơi lại có sự khác biệt, có nơi nắng nóng oi hơn, có nơi nắng to nhưng vì nhiều gió hơn nên lại rất mát.

Ngoài ra, vì bản chất tôi là dân đi “bụi” và dân chụp ảnh, nên rất thích rẽ ngang dọc vào các lối nhỏ, ngóc ngách để tìm góc lạ. Mỗi khúc cua bất ngờ, mỗi con hẻm ít người qua lại đều có thể dẫn đến một khung hình đẹp, nhưng quan trọng hơn là tôi đến gần hơn với đời sống bản địa. Rất nhiều lần, khi rẽ vào một lối nhỏ chẳng ai biết, tôi lại gặp được người dân địa phương. Họ nhiệt tình, mộc mạc và không ngại mở lòng. Những câu chuyện bên bếp lửa, những bữa cơm giản dị giữa bản làng xa xôi, chính là chất liệu sống giúp tôi nuôi dưỡng tâm hồn và tình yêu nhiếp ảnh”, cô gái 9X bộc bạch.
Một năm rong ruổi từ Hà Nội đến cực Nam Tổ quốc rồi ngược về Tây Bắc, chị Phạm Minh Hằng chưa từng trang bị cho mình vũ khí gì ngoài niềm tin vào bản thân và trực giác “sống còn” khi đi một mình. Không phải liều lĩnh, mà là một lối tư duy đơn giản đến thuần khiết: việc chưa xảy ra, không cần mang nó lên vai.
Và cũng chính nhờ tâm thế đó, chị đi suốt hành trình dài mà không gồng, không sợ. Có lần xe hỏng giữa cung đường vắng, tưởng như không một bóng người, vậy mà một người lạ từ đâu xuất hiện đúng lúc, giúp chị đưa xe xuống quốc lộ. Một lần khác, chiếc xe “rủ hỏng” đúng khoảnh khắc chị gặp một người bạn mới cũng đang trên hành trình xuyên Việt.
Chị cho biết: “Để bảo vệ bản thân, tôi gần như không bao giờ đi vào buổi tối muộn. Trừ khi thật sự lỡ đường, còn lại bao giờ tôi cũng cố gắng về đến homestay trước khi trời sập tối. Điều kỳ diệu là trong suốt hành trình tưởng như dễ gặp hiểm nguy ấy, tôi gần như không gặp người xấu. Những người từng chạm mặt: từ bà cụ bán nước bên đường, chú xe ôm nhiệt tình chỉ đường đến những người xa lạ giúp đỡ khi xe hỏng, đều là mảnh ghép nhân hậu trong một bức tranh du mục rộng lớn mà đầy ắp ấm áp.”
Cô gái 9X tin rằng, nếu giữ được tinh thần tích cực, không hoảng loạn, thì những điều tốt đẹp sẽ tìm đến. Sự giản đơn trong suy nghĩ lại hóa thành giáp trụ vững chãi nhất cho một phụ nữ độc hành trên hành trình xuyên Việt 365 ngày qua rừng núi, biển cả, những con đèo hun hút và thị trấn xa lạ.
Từng muốn xoá đi những vết sẹo trên cơ thể, giờ đây cô gái 9X lại xem đó là “huy chương” của cuộc đời

Chặng đầu tiên từ Hà Nội dọc theo cung đường ven biển đến tận Bình Thuận, trong tâm trí chị Phạm Minh Hằng vẫn chỉ là một chuyến đi dài ngày – một chuyến phượt “rồi sẽ về”. Cô gái 9X lên đường với tâm thế của người tạm rời thành phố.
“Tôi luôn chọn phương án chi tiêu tối ưu nhất – ở dorm, hoặc xin ngủ nhà dân: vừa tiết kiệm, vừa hiểu thêm về cuộc sống của người địa phương. Nhưng đến những chặng sau: Vĩnh Hy, Măng Đen, Tây Bắc, mọi thứ đã khác. Không còn là một người “đi chơi”, tôi trở thành người sống cùng hành trình. Tôi bắt đầu kiếm sống bằng chính năng lực và sở thích của mình, như một người du mục thời hiện đại: ở đâu có việc, có nơi ở, tôi đều dừng chân.”
Tại Vĩnh Hy, sau khoảng một tháng rưỡi, chị Hằng chủ động lên các nhóm tìm khách để dẫn tour trải nghiệm – công việc mà chị không ngờ lại hợp với mình đến vậy. Vừa có khả năng kết nối, vừa có lợi thế về nhiếp ảnh, cô gái 9X nhanh chóng tìm được chỗ đứng. Những nơi như Vĩnh Hy hay Măng Đen mang vẻ đẹp hoang sơ, đầy nắng gió, rất cần những người chụp ảnh tốt để lưu giữ khoảnh khắc cho du khách. Ngoài dẫn tour, chị Hằng còn có thêm thu nhập từ chụp hình. Để xoay xở với cuộc sống giữa thiên nhiên, chị sẵn sàng làm ở homestay, phụ việc ở khu camping – đổi lại chỗ ở miễn phí và một ít chi phí sinh hoạt.
Vĩnh Hy không ồn ào như một điểm du lịch biển, mà là một làng chài nhỏ, lọt thỏm giữa núi rừng. Chỗ chị Hằng ở là vùng đất của người Raglai: vắng lặng, xanh thẳm, hiền lành.
“Mọi người ở trong làng dễ thương lắm, tôi vẫn nhớ cô hàng xóm tốt bụng hay bó củi hoặc sang tưới cây, nhóm lửa giúp. Đi qua cầu gãy, ngay phía đầu đường có bà bán bánh mì chả cá, bánh canh, bún thịt nướng siêu ngon. Ở Ninh Thuận hay có cây mủ trôm, vị ngọt thanh mát, cực hợp giải nhiệt mùa hè, pha cùng cam hoặc chanh rất thơm. Lần nào tôi qua gọi cốc mủ trôm, bà cũng dặn: “Vắt vào thêm cho nhỏ này quả cam nữa!”, chị Hằng vui vẻ nhớ lại.

Từ nơi chị Phạm Minh Hằng ở, bên phải là dòng suối thác róc rách chảy không ngừng, như một bản nhạc tự nhiên ru ngủ ngày đêm. Những ngày mưa lớn, ngày hôm sau thác đổ ầm ầm, tạo nên cảnh tượng hùng vĩ và sống động mà chị luôn trân quý. Xa xa, trên mặt biển rộng lớn, nổi bật mỏm cá heo – biểu tượng nổi tiếng của vịnh Vĩnh Hy, như lời mời gọi dịu dàng với bất cứ ai yêu thiên nhiên.
Ban đầu, chị chỉ dự định ở lại đây 5 ngày, thế nhưng 5 ngày kéo dài thành 7, rồi 15 ngày, và rồi nhiều hơn nữa. Đặc biệt, anh chủ nơi chị ở đã ngỏ lời: “Ở lại đây làm việc với anh đi, anh đang cần người mà chưa kiếm được ai”. Và thế là cuộc sống du mục của chị bắt đầu.
Đó là một cuộc sống từng hiện diện trong giấc mơ: nơi có rừng cây xanh mát, suối thác trong trẻo và biển cả bao la ôm trọn lấy tâm hồn. Những âm thanh tự nhiên, tiếng thác chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo quanh vườn, trở thành bản hòa ca dịu dàng đưa chị vào giấc ngủ sâu, mỗi sáng thức dậy là một sự khởi đầu tràn đầy sinh lực.
Chị thường xách thảm yoga lên tầng thượng hoặc lái xe ra biển, đón những tia nắng ấm áp đầu ngày. Tuy nhiên, cuộc sống ở đây không chỉ đơn thuần là những khoảnh khắc “chill chill” như trong mơ, mà còn rất thực tế. Mỗi ngày, chị vẫn có những công việc cần hoàn thành, vẫn phải lo toan trang trải cuộc sống và đối mặt với những vấn đề chưa thể giải quyết.

May mắn là cuộc sống gần biển, gần suối, nên mỗi khi gặp chuyện căng thẳng, cô gái 9X chỉ cần nhảy ùm xuống biển, bơi vài vòng trong làn nước mát lạnh. Những dòng nước ấy như cuốn trôi mọi áp lực, giúp chị tìm lại sự bình yên giữa thiên nhiên bao la.
Mùa biển đã khép lại, thời tiết chuyển sang mưa gió thất thường, cộng thêm việc mùa du lịch cũng đã qua, chị Hằng buộc phải rời đi, bước tiếp hành trình của mình. Trước khi rời đi, chị đã quay trở lại Nha Trang để tiếp tục hành trình tới Phú Yên, cùng những người bạn thân thiết tham gia chuyến trekking Mũi Đôi – nơi được xem là điểm đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam.
Cô gái Hà Nội rời vùng biển nắng gió để đi qua Pleiku, Kon Tum, rồi đến Măng Đen – một vùng đất còn rất nguyên sơ và yên bình. Măng Đen đến với chị như một duyên lành, đây cũng là lần đầu tiên chị Hằng được trải nghiệm sâu sắc Tây Nguyên, trong bối cảnh đang tìm kiếm một công việc mới và một nơi để di chuyển trong mùa đông.

Trước khi đến, chị Hằng từng nghe nhiều nhận xét rằng Măng Đen là “Đà Lạt thứ hai” hay “Đà Lạt của mười năm trước”, đồng thời nơi đây cũng được cho là khá buồn tẻ, không có nhiều điều để khám phá. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế đã cho chị một góc nhìn hoàn toàn khác. Đà Lạt và Măng Đen là hai vùng đất riêng biệt, mỗi nơi mang một sắc thái riêng về không khí, con người và cảnh vật. Măng Đen mang đến cảm giác bình dị, hoang sơ và sâu lắng, rất đặc trưng và không thể nhầm lẫn với bất kỳ nơi nào khác.
Điều duy nhất khiến cô gái 9X đôi chút khó thích nghi là thời tiết, bởi chị đến đúng vào mùa gió Tây Nguyên, khi nhiều đêm có thể nghe rõ tiếng gió rít rợn người trong rừng. Tuy vậy, nhịp sống chậm rãi của Măng Đen lại khiến chị Hằng nhanh chóng hòa nhập. Người ta còn đùa rằng: “Ở đây đến con ruồi bay còn chậm, huống chi là con người.”

Chia sẻ với Dân Việt về khoảng thời gian sống tại Măng Đen, cô gái sinh năm 1995 cho hay: “Trong những ngày gió lạnh ở Măng Đen, cũng vẫn như tinh thần khi còn ở Vĩnh Hy, tôi chọn cách tận hưởng những gì đang có ở hiện tại mặc dù thời tiết có hơi bất ổn. Tôi nấu ăn, đọc sách dưới tán thông, trong phòng khách có đầy nắng rọi vào. Măng Đen có một quán cafe nhỏ mà tôi rất yêu. Hoặc đôi khi, tôi cũng không cần làm gì cả, chỉ đơn giản là thơ thẩn ngồi nhìn trời nhìn đất, nghe thông reo tí tách thôi. Hôm nào trời lạnh hay mưa quá thì tôi… trùm chăn đi ngủ.
Nếu mùa hè có bộ môn đi bơi để hoạt động thể chất, thì đông đến, tôi lại trở về với chạy bộ. Chạy bộ ở Măng Đen thì đúng đỉnh luôn, những con đường chính ở đây rất đẹp. Ở Hà Nội tôi hay đi chạy ở công viên Thống Nhất, nhưng cảm giác chạy ở Măng Đen là một sự hoàn toàn khác biệt, ở đây vẫn còn đến 80% diện tích là rừng nguyên sinh. Cái cảm giác đó, chỉ có tôi và thiên nhiên đang vụt chạy cùng nhau.”
Sau những ngày Tết sum vầy, chị Phạm Minh Hằng lại tiếp tục hành trình. Dự định ban đầu chỉ là ghé Mộc Châu vài ngày, nhưng cuối cùng chị ở lại nửa tháng. Có lẽ vì mùa hoa mận năm ấy đẹp rực rỡ đến lạ, được xem là mùa nở rộ nhất trong suốt 10 năm qua. Những con đường trắng xóa hoa, những bản làng dịu dàng trong sương sớm… tất cả như một bức tranh thơ mộng mà người ta chỉ bắt gặp một lần hiếm hoi trong đời.
Thế rồi chuyến trở lại Đông – Tây Bắc càng trở nên đáng nhớ hơn, khi lần đầu tiên chị được tận mắt chứng kiến biển mây bồng bềnh nơi Hà Giang. Trước khung cảnh ấy, cô gái 9X gần như lặng người, chỉ đứng đó cảm nhận sự bao la, trầm mặc và kỳ diệu của đất trời.
Giữa những tấm hình rực rỡ, những story rót tràn ánh nắng, gió biển và mây trời, không phải ai cũng nhìn thấy được phía sau của tự do là những đánh đổi rất thật. “Mọi người xem hình rồi bảo tôi sướng, đúng là sướng thật, nhưng cũng không ai có được tất cả. Tôi đã đánh đổi nhiều lắm, sự tự do cũng luôn đi kèm với sự cô đơn. Nhưng sau cùng, tôi thấy bản thân cười nhiều hơn, dễ bắt chuyện hơn và sẵn sàng ở lại lâu hơn nếu nơi đó mang đến cho mình điều gì mới”, chị Hằng bộc bạch.

Những vết sẹo trên cơ thể – di chứng từ ngày băng rừng lội suối, trèo đèo lội đá, giờ đây không còn khiến chị muốn xóa bỏ. Ngược lại, đó là dấu mốc, là minh chứng cho lòng can đảm và hành trình trưởng thành. Nhìn lại sau 365 ngày qua, cô gái 9X thấy tự hào về một chuyến đi xuyên Việt 365 ngày, không chỉ dẫn đến những vùng đất mới, mà còn đánh thức một nội lực mạnh mẽ chưa từng biết trong chị.
Sau một năm dịch chuyển, khám phá và chiêm nghiệm, cô gái sinh năm 1995 chưa vội quay trở lại với nhịp sống ổn định thường thấy. Những trải nghiệm gom nhặt được từ hành trình vừa qua đang dần hình thành nên các dự án cá nhân mà chị ấp ủ. Dẫu chưa vẽ xong con đường phía trước, nhưng chị Phạm Minh Hằng tin mình đang đi đúng hướng, bằng tất cả sự chủ động và thành tâm.