Hiếm có một xung đột nào dai dẳng mà khiến tất cả các nhà ngoại giao trước đây đều phải chào thua như xung đột giữa Israel và Palestine, rất khó để có thể giải quyết mối quan hệ vốn đã tồn đọng quá nhiều những thù hằn và sự phức tạp từ mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo và chủ quyền.
𝗡𝗴𝘂𝘆𝗲̂𝗻 𝗻𝗵𝗮̂𝗻 𝘀𝗮̂𝘂 𝘅𝗮 𝗰𝘂̉𝗮 𝗰𝘂𝗼̣̂𝗰 𝘅𝘂𝗻𝗴 đ𝗼̣̂𝘁 𝘁𝗵𝗲̂́ 𝗸𝘆̉
Khi người La Mã đặt chân lên vùng đất này sau cuộc viễn chinh vào vương quốc Do Thái hơn 2000 năm trước, họ đã đặt tên cho nó là Palestine và chiếm giữ trong 6 thế kỷ tiếp theo. Trong thời gian này, người Hebrew bắt đầu di cư, phân tán và trôi dạt sang Châu Âu
Sau khi người La Mã bị đánh bại bởi những người Ả Rập. Palestine là một phần của các đế chế Ả Rập suốt từ thế kỷ thứ 7.
Từ năm 1517-1920, Palestine là một phần nhỏ của đế chế Ottoman. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, đến năm 1920 người Anh với tư cách là quốc gia của phe thắng trận trước liên quân Đức-Ottoman, đã được Hội Quốc Liên tuyên bố trở thành nước uỷ trị ở khu vực Trung Đông, trong đó có dãy đất hẹp giáp biển chết và là bờ đông của Địa Trung Hải mang tên Palestine
Trước khi đại chiến kết thúc, một năm trước đó vào năm 1917 ngoại trưởng Anh khi đó là Walter Balfour đã thay mặt chính phủ công khai viết “tuyên bố Balfour” và được xuất bản in trên báo vào ngày 9/11/1917. Với nội dung xác nhận ủng hộ thành lập nhà nước Do Thái ở Palestine, vùng đất được cho là đất tổ của người Do Thái. Điều đó đã kích thích chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (tức Zionism, đòi lập nhà nước Do Thái) phát triển.
Sau khi người Anh nắm quyền uỷ trị Trung Đông, làn sóng di cư về “đất tổ” của người Do Thái trên khắp thế giới được đẩy mạnh. Đến năm 1928, xứ Palestine có tổng cộng 590.000 người Ả Rập và 150.000 người Do Thái sống xen kẽ nhau, lo ngại trước làn sóng di cư đó người Ả Rập tại Palestine đã tấn công người Do Thái và những xung đột bắt đầu từ đây.
Năm 1933 Hitler lên nắm quyền nước Đức, và thi hành chính sách diệt chủng nhắm vào người Do Thái mà đỉnh điểm là sự kiện Holocaust trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ 2, khiến làn sóng di cư ồ ạt của người Do Thái về lại Palestine được đẩy mạnh và đến khi chiến tranh kết thúc thì dân số giữa Do Thái và Ả Rập xấp xỉ ngang nhau. Và xung đột giữa hai sắc tộc càng ngày càng lên cao, mặc cho sự can thiệp của người Anh
Tháng 11-1947, Đại Hội đồng LHQ biểu quyết nhất trí quyết định tách Palestine thành hai nhà nước, một của người Ả Rập (nhà nước Palestine), một của người Do Thái, và lập Liên minh kinh tế hai nước. Thành phố Jerusalem được xác định là khu vực quốc tế, và vẫn có một số khu định cư của người Do Thái nằm trong vùng đất chia cho người Palestine, nghĩa là vẫn sống xen kẽ nhau. Người Do Thái tán thành, song người Ả Rập lại phản đối quyết định trên. Ngày 14-5-1948, thủ tướng David Ben-Gurion tuyên bố thành lập nhà nước Israel. Các nước khối Ả Rập công khai phủ nhận nhà nước Do Thái, và đơn phương đẩy cao trào xung đột lên mức chiến tranh.
Mở đầu cho cuộc chiến dai dẳng giữa Israel và khối Ả Rập nói chung, và phong trào giải phóng của người Palestine nói riêng được diễn ra vào 5/1948.
Khối liên minh Ả Rập do Ai Cập dẫn đầu đã tấn công vào quốc gia Israel non trẻ từ nhiều hướng, trong đó mục tiêu quan trọng là thành phố cổ Jerusalem, và các khu vực lân cận, nhưng kết quả cuối cùng Israel đã bảo vệ được nhà nước Do Thái non trẻ. Cuộc chiến kết thúc bằng các hiệp ước ngừng bắn được ký riêng rẽ vào năm 1949, ước tính có khoảng 20.000 người thiệt mạng, trong đó có cả dân thường. Israel chiếm lấy Tây Jerusalem, bờ Tây thuộc về Jordan, và dải Gaza thuộc về Ai Cập, nhưng không bên nào đảm bảo cho một nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền. Người Palestine bị gạt ra khỏi vũ đài chính trị ở Trung Đông, trở thành những người tha hương cầu thực, sống lưu vong và không có quốc gia chính thức…
𝗖𝗮́𝗰 𝘃𝗮̂́𝗻 đ𝗲̂̀ 𝘁𝗼̂̀𝗻 đ𝗼̣𝗻𝗴 𝘁𝗿𝗼𝗻𝗴 𝗺𝗼̂́𝗶 𝗾𝘂𝗮𝗻 𝗵𝗲̣̂ 𝗜𝘀𝗿𝗮𝗲𝗹-𝗣𝗮𝗹𝗲𝘀𝘁𝗶𝗻𝗲
Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ra đời năm 1964, với mục đích tập hợp các lực lượng, đảng phái người Palestine đấu tranh cho một quốc gia Palestine độc lập. Năm 1988 PLO tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine, và hiện là đại diện hợp pháp của Palestine trên trường quốc tế, được LHQ công nhận là Nhà nước quan sát phi thành viên
Năm 1993, trong Hiệp định Oslo, Israel thừa nhận đoàn đàm phán của Tổ chức Giải phóng Palestine là “đại biểu của nhân dân Palestine”, đổi lại Tổ chức Giải phóng Palestine công nhận quyền tồn tại hoà bình của Israel, chấp thuận các nghị quyết 242 và 338 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và từ bỏ “bạo lực và khủng bố”. Do đó, vào năm 1994 Tổ chức Giải phóng Palestine thành lập Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA hoặc PA), thực thi một số chức năng chính phủ tại một số nơi của Bờ Tây và Dải Gaza.
Tuy đã trải qua vô số biến động, từ các cuộc chiến tranh, bạo lực dai dẳng, cho đến các đàm phán các bên có liên quan song vấn đề thành lập quốc gia Palestine chính thức vẫn chưa thành hiện thực. Vì cả Palestine và Israel đều chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề lãnh thổ, đặc biệt là sự tranh chấp về quyền sở hữu thành phố cổ Jerusalem nơi phát kiến của ba tôn giáo lớn (Hồi -Do Thái-Kito), nơi mà cả Israel lẫn Palestine đều tuyên bố là thủ đô.
Mặc khác việc Israel liên tục mở rộng các khu định cư người Do Thái về phía bờ Đông, nơi Palestine tuyên bố chủ quyền càng làm cho mâu thuẫn, và làn sóng bạo lục liên tục xảy ra làm chậm tiến trình đàm phán hoà bình.
Song song với đó là sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ, phe phái ở Palestine trong vấn đề tư tưởng và phương thức đấu tranh. Khác với Fatah ở bờ Tây tiếp cận và giải quyết vấn đề bằng con đường hoà giải và ôn hoà thì lực lượng Hamas ở Gaza lại chủ trương bạo lực, tấn công vũ trang, ủng hộ phong trào thánh chiến cực đoan nhằm vào Israel, và thậm chí cả những người Palestine theo tư tưởng đối lập.
Tất cả các vấn đề trên trở thành một thách thức đối với nhân dân Palestine trên con đường tiến đến một quốc gia hoà bình, độc lập và có chủ quyền. Và là một thách thức với tất cả những nhà ngoại giao trong việc giải quyết mâu thuẫn ở “vùng đất thánh” Palestine vốn đã tồn đọng quá nhiều mâu thuẫn, từ mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, đến mâu thuẫn vấn đề chủ quyền và cả mâu thuẫn ý thức chính trị…