Chúng tôi đến thăm gia định chị Y Khót nằm trên con đường nhỏ dẫn vào thôn Kà Bầy, xã Sa Bình (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Mái ấm vỏn vẹn chừng 20m2, được chia đôi bởi tấm rèm mỏng, nửa làm tạp hóa nhỏ mưu sinh, nửa còn lại đủ để kê chiếc giường cho 2 vợ chồng và người con nhỏ ngả lưng. Cuộc sống tuy khó khăn, nhưng trong ngôi nhà nhỏ ấy luôn tràn ngập tình yêu, rộn ràng tiếng cười.
Từ đồng cảm đến tình yêu
Từ lúc sinh ra chị Y Khót đã kém may mắn hơn nhiều người khi mắc hội chứng lùn bẩm sinh. Biết con mình “khác người”, ba mẹ chị Y Khót nén lại nỗi buồn, dùng tình yêu để bù đắp nuôi con.
Lên 5 tuổi, chị Y Khót bé như “cái kẹo”, nhưng so với lũ bạn trong làng chị lại là đứa nhanh nhẹn nhất. Với dáng người nhỏ nhắn, chị Y Khót cả ngày nô đùa cùng đám bạn, theo ba mẹ lên rẫy hái măng, bắt cá.
Vợ chồng chị Y Khót sống hạnh phúc cùng tạp hóa nhỏ mưu sinh.
Đến tuổi đi học, Y Khót tự tin đến trường cùng đám bạn. Nhiều lần bị bạn chọc ghẹo nhưng cô không bao giờ buồn hay để bụng mà luôn nỗ lực học tập. Chỉ đến sau này, khi trở thành thiếu nữ, Y Khót bắt đầu thấy mặc cảm về bản thân.
Nhìn những bạn nữ trong lớp xinh đẹp mặc những chiếc váy, chiếc quần thời trang, Y Khót chỉ biết ước mình có thể cao hơn để mặc được. Rồi những đứa bạn cũng lần lượt lấy chồng, lộng lẫy trong chiếc váy cưới, Y Khót thêm phần chạnh lòng. Mặc cảm về bản thân, suốt ngày Y Khót chỉ biết gắn bó với rẫy vườn, không dám nghĩ đến chuyện yêu đương.
“Ngoài bị lùn, tôi hoàn toàn bình thường. Tôi cũng có cảm xúc, khao khát có được một tình yêu, cùng xây dựng một gia đình hạnh phúc. Nhưng điều đó thật khó, tôi không biết mọi người nghĩ gì về tôi, nhưng cứ nhìn bản thân mình tôi lại mặc cảm, lại lơ đi chuyện yêu đương và chỉ ước rằng sau này sẽ có ai đó sẽ đồng cảm, cùng nhau gắn bó”, chị Y Khót trải lòng.
Cũng bị mặc cảm về bản thân vì bị khuyết tật, anh Hoàng Đức Linh (tỉnh Hà Giang) luôn mơ về mái ấm rộn ràng tiếng trẻ con. Từ khi sinh ra, anh Linh đã thua thiệt hơn nhiều người, khi đôi chân của anh bị liệt, gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại.
Học hết lớp 10, gia đình không đủ điều kiện nên anh đành ở nhà phụ giúp bố mẹ. Dừng việc học, anh Linh khao khát tìm được một công việc phù hợp để lo cho tương lai sau này. Từng trải qua nhiều công việc như thợ may, đánh giày… nhưng cuộc sống vẫn luôn bấp bênh.
Đôi chân liệt, gia đình khó khăn, giấc mơ về mái ấm nhỏ càng xa vời. Ngồi trên chiếc xe lăn dưới mái hiên lụp xụp, anh Linh nhìn những gia đình nhỏ đèo nhau trên chiếc xe máy mà thèm cảm giác làm cha, làm trụ cột gia đình.
Và rồi chính cái mong muốn có mái ấm nhỏ đã thôi thúc anh Linh mạnh dạn tìm bạn đời thông qua mạng xã hội Facebook. Để thuận tiện, anh Linh đã vào nhóm “Tìm một nửa còn lại dành cho người khuyết tật”. Tại đây, anh Linh tình cờ gặp chị Y Khót, cả hai cùng tìm hiểu, dần đồng cảm và quyết định hẹn họ với nhau.
Chuyện tình nghìn cây số
Từ khi mới nói chuyện với nhau, chị Y Khót và anh Đức Linh đã gần gũi, thiện cảm như những người quen biết lâu năm. Giữa họ có chung nỗi mặc cảm khiếm khuyết của cơ thể, nhưng nỗi mặc cảm ấy đã được xóa tan bởi sự cảm thông, thấu hiểu.
Chị Y Khót – người phụ nữ mà trước giờ chỉ biết vục mặt với ruộng, rẫy, chưa từng thử qua lớp phấn son bỗng thấy yêu đời, yêu bản thân đến lạ thường khi nói chuyện với anh Đức Linh. Với anh Linh, Y Khót như nàng công chúa lùn, có những vẻ đẹp riêng mà chỉ anh cảm nhận được.
Anh Linh thổ lộ thật lòng: “Khi nghe Y Khót nói về bản thân, kể về hoàn cảnh gia đình, tôi thấy cô ấy rất thật lòng, khao khát muốn có một mái ấm nhỏ giống tôi. Y Khót tự ti về ngoại hình, nhưng tôi không bao giờ chê bai mà luôn động viên cô ấy, và chỉ có cô ấy mới phù hợp với tôi”.
Còn chị Y Khót, khi nói về anh Linh, chị cười hiền: “Anh ấy thật thà lắm, tôi thương anh Linh vì đôi chân không thể đi lại được. Tội động viên anh, đôi chân tôi tuy ngắn, nhưng có thể đi lại và làm việc bình thường. Nên về sống với nhau, những phần việc cần đi lại, tôi sẽ cố gắng thay thế anh”.
Hai tâm hồn đồng điệu từ hai con người thèm khát hạnh phúc cùng hòa quyện vào nhau, tình yêu nảy nở giữa hai vùng miền cách nhau hàng nghìn cây số. Nghe theo tiếng gọi con tim, chị Y Khót đã không ngần ngại lặn lội đường xa để được tận mắt gặp người bạn đời của mình.
Ánh mắt trao nhau, 2 trái tim rung động. Họ trải qua những cảm giác mà lần đầu tiên cảm nhận được. Họ ngại ngùng, họ bồi hồi nhẹ nhàng ân cần hỏi thăm nhau. Được gia đình 2 bên đồng ý, 2 người đã đến với nhau, cùng nhau xây dựng tổ ấm vào năm 2020.
Nhà anh Đức Linh nghèo, gia đình đông con, muốn tìm một công việc mưu sinh lâu dài thật khó. Chị Y Khót thỏ thẻ bàn với chồng mình, cùng nhau về làng Kà Bầy quê chị, sửa sang lại căn nhà mà bố mẹ bỏ hoang bấy lâu vừa để ở, vừa bán quán tạp hóa nhỏ mưu sinh.
Thương vợ, anh Linh xin bố mẹ vào Kon Tum sinh sống. Gom góp hết tiền bạc trong nhà, vay mượn thêm người thân được 3 triệu đồng, bố mẹ anh Linh cho hai vợ chồng tiền làm quà cưới. Tuy không nhiều, nhưng với vợ chồng anh đó là số tiền lớn, là hy vọng kiếm kế sinh nhai sau này.
Căn nhà nhỏ rộng chừng 20m2, vợ chồng anh Linh lấy tấm rèm mỏng ngăn đôi, nửa để sinh hoạt, nửa để mở tiệm tạp hóa. Vài chục gói mì, hơn chục chai nước ngọt, xà phòng, dầu ăn, mắm muối… mỗi thứ một ít được bày bán ngay ngắn trên chiếc kệ gỗ nhỏ tự đóng.
Quán tạp hóa nhỏ được hoàn thiện trong niềm vui của gia đình, được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con. Anh Linh khó khăn trong việc đi lại nên túc trực trông coi tạp hóa. Còn chị Y Khót sẽ phụ làm việc làm vườn, nuôi thêm gà, trồng thêm luống rau để cải thiện bữa ăn, tăng thêm thu nhập.
Và rồi, quả ngọt của tình yêu đã tới. Khi năm 2022, vợ chồng chị chào đón đứa con đầu lòng. Bé gái kháu khỉnh, hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh khiến gia đình và bà con trong làng vô cùng mừng rỡ. Ngày qua ngày, vợ chồng chị Y Khót chăm sóc đứa bé bằng tất cả tình yêu, cố gắng nuôi dạy để đứa bé nên người.
Chị Y Khót bộc bạch: “Vợ chồng tôi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất nhiều của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể. Hội LHPN huyện Sa Thầy đã hỗ trợ tôi một chiếc máy nước mía, cùng một ít bàn ghế để có chỗ cho khách ngồi. Trung bình một tháng hai vợ chồng thu nhập hơn 3 triệu đồng, tằn tiện chi tiêu, vẫn có dư ít để phòng ngừa lúc ốm đau.
Chị Phan Thị Mỹ Lan – Chủ tịch Hội LHPN huyện Sa Thầy, cho biết chị Y Khót là một hội viên năng nổ, chịu khó. Dù bản thân có khiếm khuyết, nhưng Y Khót luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Về phía Hội, chúng tôi luôn quan tâm, tạo điều kiện, kết nối các mạnh thường quân, các cấp, các ngành để có những phần quà nhỏ hỗ trợ chị Y Khót, từ đó giúp gia đình chị ngày càng vươn lên trong cuộc sống.