Xuất bản không chỉ là sách giấy

“Chúng ta cần phá bỏ định kiến quen thuộc trong xã hội cho rằng xuất bản tức là sách giấy. Việc bám víu vào sách giấy là trở lực khiến cho ngành xuất bản không thể phát triển”, bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân của ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty Sách Omega Việt Nam.

Có hai lí do về lịch sử và công nghệ hiện đại khiến chúng ta buộc phải nhìn nhận lại và từ bỏ định kiến này. Thứ nhất, lịch sử ngành xuất bản cho thấy từ khi chữ viết xuất hiện thì đi kèm với nó là các chất liệu khác nhau được sử dụng để thể hiện và lưu giữ nội dung. Tại Ai Cập cổ đại, giấy cói (papyrus) được sử dụng để viết chữ tượng hình, ví dụ như cuốn sách “Tử thư Ai Cập”. Ở nền văn minh Sumer cổ đại, khi khai quật một thư viện cổ, người ta đã tìm thấy những tấm bảng đất sét trên đó ghi các kí tự hình nêm. Còn ở Trung Quốc cổ đại, từ thời nhà Thương đã xuất hiện văn tự ghi trên giáp cốt, và sau đó văn bản còn thấy trên nhiều chất liệu khác như đá, đồng, tre, lụa cho đến trước khi giấy được phát minh và việc viết trên giấy trở nên phổ biến từ thế kỉ 8. 

Đến giữa thế kỉ 15, với việc Gutenberg phát minh ra công nghệ in chữ rời ở Mainz (Đức), ngành xuất bản thực sự đã tạo ra một bước ngoặt to lớn cho nhân loại: lần đầu tiên trong lịch sử, đại chúng được tiếp cận dễ dàng với sách vở và tri thức vốn trước đây chủ yếu là đặc quyền của giới quí tộc và tăng lữ; khiến cho việc lan truyền, tích lũy và phát triển tri thức trở nên vô cùng nhanh chóng, tạo tiền đề cho cuộc Cách mạng Khoa học vào giữa thế kỉ 16 và hệ quả của nó là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất vào nửa cuối thế kỉ 18. Với tất cả những thành tựu mà phát minh của Gutenberg đã tạo ra hay là hệ quả của nó, tên của ông thậm chí được đặt cho giai đoạn từ giữa thế kỉ 15 cho đến thập niên 1990: kỉ nguyên Gutenberg (Gutenberg Era).

Như vậy, nhìn lại quá khứ chúng ta có thể thấy kể từ thời cổ đại cho đến cuối thế kỉ 20 đã có nhiều chất liệu khác nhau được sử dụng, nhiều cách thức khác nhau để làm ra xuất bản phẩm chứ không chỉ là giấy và sách giấy. Thứ không thay đổi theo thời gian chính là nội dung (content), là tri thức được chứa đựng/thể hiện trên các phương tiện khác nhau.

Thứ hai, về công nghệ hiện đại, từ thập niên 1990, với việc hình thành và phổ biến mạng internet, các nền tảng (platform) vận hành trên nó, sự phát triển của công nghệ số đã tạo ra rất nhiều hình thức truyền tải thông tin mới, khiến cho diện mạo của ngành xuất bản thay đổi: các nhà xuất bản truyền thống thuần túy lùi lại phía sau, nhường chỗ cho những “nhà xuất bản” nội dung lớn nhất trên mạng như Facebook, Amazon, Apple, Google. E-book (sách điện tử), được nhen nhóm từ dự án mang tên Gutenberg vào thập niên 1970 nhằm thiết lập một thư viện điện tử công cộng với 10.000 đầu sách, thì đến cuối thập niên 1990 đã bắt đầu có chỗ đứng của mình trong thị trường xuất bản.

Theo bản khảo sát Ngành xuất bản toàn cầu năm 2016 do Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tiến hành, xuất bản phẩm số chiếm tỉ trọng đáng kể trong nhiều nền xuất bản lớn: Hàn Quốc (80,1%), Brazil (54,6%), Na Uy (29,1%), Trung Quốc (28%), Colombia (24%), Mỹ và Nhật khoảng 18%. Như vậy, một lần nữa, nội dung (content) mới là điều quan trọng chứ không phải hình thức, chất liệu chứa đựng/thể hiện nó. Và ngành xuất bản theo cách hiểu truyền thống dần chuyển sang ngành công nghiệp về nội dung.

CÔNG NGHỆ MỚI VÀ SỰ CHUYỂN MÌNH CỦA NGÀNH XUẤT BẢN 

Gutenberg đã đưa xuất bản phẩm đến với đại chúng, tạo nên tiền đề cho Cách mạng Khoa học và Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất, nhưng ngành xuất bản hiện nay, như một thành phần của nền kinh tế sáng tạo, lại đang chịu tác động và biến chuyển diện mạo do cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ví dụ tại Mỹ, theo Lisa Rabasca Roepe , e-book (electronic book; sách điện tử) được các nhà xuất bản truyền thống giới thiệu vào năm 1999. Hơn 10 năm sau, e-book đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu tới 202,3% trong chưa đầy 1 năm (theo ước tính của Hiệp hội Xuất bản Hoa Kỳ vào năm 2011). Các chuyên gia dự đoán rằng e-book sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành xuất bản.

Thế nhưng thực tế không diễn ra như vậy. E-book đạt được mức độ phổ biến rộng rãi vào thời kì đầu, nhưng các dự đoán hiện nay cho thấy số lượng độc giả đọc e-book dự kiến sụt giảm nhẹ trong các năm tới, từ 91,9 triệu người vào năm 2016 xuống còn 87,8 triệu người vào năm 2022. Theo Jamie Raab, chủ tịch công ty xuất bản Celadon Books, một công ty thành viên của Macmillan, thì e-book không còn là thị trường tăng trưởng nữa mà giờ đây chỉ còn là một thị trường ổn định.

Ngành xuất bản Hoa Kỳ được dự đoán vẫn sẽ tăng trưởng đều đặn – doanh thu toàn ngành từ 27,8 tỉ đô la vào năm 2017 sẽ đạt gần 44 tỉ đô la vào năm 2020. Thế nhưng đóng góp lớn cho sự tăng trưởng không đến từ các ấn phẩm sách giấy truyền thống hoặc từ e-book mà hóa ra lại từ audiobook (sách nói) – hiện nay audiobook có riêng một mục trên danh sách bestseller của tờ New York Times danh tiếng. 

Việc sử dụng điện thoại thông minh ngày càng phổ biến là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng nhiều người nghe audiobook. Xã hội hiện đại đã làm quen và từng ưa chuộng các thiết bị công nghệ khác nhau, từ máy tính xách tay (laptop), máy tính bảng (tablet) – hai loại thiết bị này phù hợp cho việc đọc sách điện tử, và đến nay điện thoại thông minh (smartphone) với màn hình nhỏ không thích hợp với việc đọc e-book nữa mà tiện lợi hơn nhiều cho việc nghe sách nói ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào trong môi trường xã hội đang đòi hỏi con người phải đa nhiệm hơn, cùng lúc thực hiện nhiều việc hơn.

Thêm nữa, chúng ta cũng có xu hướng được nghe kể chuyện thông qua việc nghe audiobook. Theo Lisa Rabasca Roepe, gần 1/5 số người trưởng thành ở Mỹ (18%) nghe audiobook, so với 11% vào năm 2011. Theo Hiệp hội Xuất bản Audio Hoa Kỳ, doanh thu audiobook ước tính đạt 2,1 tỉ đô la vào năm 2016, tăng 18,2% so với năm 2015. Doanh thu 3 quí II, III, IV của năm 2017 đạt 490 triệu đô la. Số lượng audiobook xuất bản tại Mỹ tăng mạnh, từ 4.600 tựa vào năm 2009 lên đến hơn 35.500 tựa vào năm 2015; năm 2017 số tựa audiobook tăng 33,9% so với năm 2016.

Không chỉ hình thức thể hiện nội dung đang trải qua cuộc cách mạng chuyển đổi mà hoạt động phát hành cũng có những biến chuyển lớn. Các nền tảng (platform) vận hành trong môi trường internet như Smashwords và CreateSpace của Amazon cho phép các tác giả và nhà xuất bản sách số tiếp cận trực tiếp với người đọc một cách dễ dàng. Ví dụ trường hợp của Smashwords. Thành lập vào năm 2005 và chính thức ra mắt website vào tháng 5 năm 2008, trong 7 tháng đầu tiên website này xuất bản 140 tựa sách. Các tác giả và nhà xuất bản đẩy bản thảo của họ dưới dạng file điện tử lên nền tảng dịch vụ của Smashwords, tiếp đó Smashwords sẽ chuyển chúng sang các định dạng e-book khác nhau để phù hợp cho việc đọc trên những thiết bị khác nhau. Ngay khi xuất bản, các cuốn sách lập tức được bán online với mức giá do chính tác giả hoặc nhà xuất bản ấn định. Đến năm 2010, Smashwords đã cung cấp sách điện tử cho Apple, Barnes & Noble, Kobo, Sony và cả Amazon. Đến năm 2012, Smashwords đã xuất bản 127.000 tựa sách của 44.000 tác giả.

Thương hiệu của các đơn vị xuất bản không còn đóng vai trò quan trọng hoặc lựa chọn hàng đầu để thu hút các tác giả, đặc biệt là các tác giả mới vì sự kén chọn bản thảo và tác giả là đặc điểm chung của các nhà xuất bản truyền thống vốn phải chịu rủi ro trong việc đầu tư chi phí cho việc tổ chức xuất bản; trong khi đó, những hình thức xuất bản mới, đặc biệt dựa trên nền tảng công nghệ cho phép các tác giả tùy chọn các dịch vụ xuất bản phù hợp, nhất là đánh giá được quá trình xuất bản và thu được tỉ lệ nhuận bút cao hơn so với cách thức thông thường thông qua các nhà xuất bản truyền thống.

Hiện có nhiều hình thức tổ chức xuất bản khác nhau ở Mỹ, gồm các nhà xuất bản truyền thống (tập đoàn hoặc nhà xuất bản nhỏ – tại Mỹ nhà xuất bản có doanh thu dưới 50 triệu đô la/năm được xếp vào loại nhỏ), nhà xuất bản dịch vụ (vanity presses), nhà xuất bản độc lập (indipendent/indie publishers) và cả hình thức tự xuất bản (selp-publishing), phần lớn ngày càng thỏa mãn nhu cầu cá nhân (cho cả tác giả và độc giả) và tương ứng với các xu thế phát triển của công nghệ (như sự chuyển dịch từ tablet sang smartphone) và sự thay đổi thói quen của độc giả.

NHỮNG THÁCH THỨC CỦA NGÀNH XUẤT BẢN VIỆT NAM 

Sự kiện Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, từ cuối năm 2015 tiến hành mở một chuỗi nhà sách truyền thống, điều này không đồng nghĩa với sự quay trở lại vị trí độc tôn của sách giấy cũng như hình thức phát hành thông thường. Có lẽ đó là cách để tập đoàn này tăng tương tác với khách hàng thực tế và thu thập thêm thông tin cho kho dữ liệu lớn của mình. Còn ở Việt Nam hiện nay, theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn ngành xuất bản nộp lưu chiểu 16.004 xuất bản phẩm (tựa) với gần 174,7 triệu bản ấn phẩm. Trong đó, sách giấy chiếm ưu thế hoàn toàn với 15.650 xuất bản phẩm (đầu sách) và hơn 165,2 triệu bản, sách điện tử là 19 xuất bản phẩm với 176.000 bản. Trước bối cảnh ngành xuất bản toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ, thì với kết quả thống kê như trên, liệu xuất bản Việt Nam có đang lỡ chuyến tàu cách mạng công nghiệp 4.0? 

Các thách thức đặt ra: Những người làm công tác biên tập, xuất bản sẽ phải thay đổi lề lối, kĩ năng làm việc ra sao trước những xu hướng mới, ví dụ audiobook, khi mà hệ thống tính toán về tác quyền, cơ cấu chi phí thay đổi, cộng tác viên không còn là người dịch, người viết mà là người đọc văn bản (narrator), các công cụ không còn là máy tính, nhà in mà thay vào đó là phòng thu và hệ thống thu âm…? Nhà xuất bản sẽ phải thay đổi hệ thống phòng ban phát hành của mình như thế nào để tương thích với các hoạt động đưa xuất bản phẩm đến với người đọc dựa trên các nền tảng công nghệ hiện đại như Smashwords hoặc CreateSpace của Amazon?

Vũ Trọng Đại

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *