Từ giây phút có mặt trên thế gian, đến thời khắc lìa xa nhân thế, dường như số mệnh đã sắp đặt cho người phụ nữ ấy hai sứ mệnh cao cả. Đó là yêu thương người khác và làm thơ.
Cách đây 30 năm, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh và người bạn đời – bạn thơ Lưu Quang Vũ đã bắt đầu một cuộc hành trình mới. Đó là chuyến đi của vô ưu, lánh xa nhân thế lắm muộn phiền.
Thế nhưng, những thi phẩm đầy tình cảm và giàu nữ tính của Xuân Quỳnh vẫn sống mãi trong lòng bạn đọc. Với người yêu thơ, hình bóng của tác giả Thơ tình cuối mùa thu vẫn còn vương vấn mãi.
Cứ đến ngày mất của Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ cùng con trai, những kỉ niệm đẹp về người phụ nữ tài hoa ấy lại được mọi người hàn huyên và tưởng nhớ. Ai cũng tiếc thương cho “đóa quỳnh của làng văn”.
Nhưng người nhớ nhung, day dứt về nữ sĩ nhiều nhất, chắc chắn không ai khác ngoài nhà giáo Đông Mai, chị gái của Xuân Quỳnh. Những kỉ niệm không thể nào quên về cô em gái được bà ghi chép lại một cách đầy tình cảm trong cuốn sách Xuân Quỳnh một nửa cuộc đời tôi.
Câu chuyện có thật về cô bé Lọ Lem
Đọc những trang viết của nhà giáo Đông Mai về tuổi thơ của bà và cô em gái Xuân Quỳnh mà ta ngỡ như đang đọc lại câu chuyện cổ tích về cô Tấm, hay nàng Lọ Lem tội nghiệp. Sớm đã phải gánh chịu những thiệt thòi, cô bé ấy lớn lên với một trái tim nhạy cảm và luôn khát khao yêu thương.
Sau khi sinh cô con gái thứ hai được một một thời gian ngắn, bà Nguyễn Thị Trích, mẹ của nữ thi sĩ, phát hiện mình bị mắt bệnh lao. Không muốn con thơ bị lây bệnh hiểm nghèo, bà đành cách ly với hai con.
Xuân Quỳnh khi ấy còn ẵm ngửa đã phải rời bầu sữa mẹ. Cô bé tội nghiệp được giao cho người cụ trẻ trong họ nuôi dưỡng. Người mẹ cầm cự thêm được một thời gian ngắn rồi qua đời.
Ngày mẹ mất, trời mưa như trút nước, Xuân Quỳnh còn bé quá chẳng thể đeo nổi khăn tang. Đông Mai cầm gậy lủng lẳng được họ hàng bế trên tay. Mưa to quá, hai chị em được bế ra đến ngõ lại phải trở ngược vào trong.
Người vợ đầu mất được nửa năm thì cụ Nguyễn Quang Thường – bố của hai chị em Xuân Quỳnh, Đông Mai – tục huyền. Tuy thương vợ, nhưng ông cũng thương mẹ già còn canh cánh cho con và mong tìm được người phụ nữ tần tảo giúp ông chăm lo cho hai cô con gái mồ côi.
Nhưng cuộc hôn nhân sau này của ông không thuận lợi. Chưa hết mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu lại đến những xung đột giữa mẹ ghẻ, con chồng. Tuổi thơ của Xuân Quỳnh và chị gái trở nên u ám hơn.
Do hoàn cảnh ngày một túng thiếu, gia đình lại đông con, cụ Nguyễn Quang Thường quyết định dẫn người vợ sau cùng 4 con và bà vào Nam làm ăn. Xuân Quỳnh và Đông Mai ở lại quê với bà nội. Đã mất mẹ từ khi ẵm ngửa, cô bé Xuân Quỳnh nay lại phải xa cha, bên cạnh chỉ còn bà nội đã già và người chị gái.
Từ khi còn nhỏ, Xuân Quỳnh đã là một cô bé sống rất tình cảm. Chỉ cần chị gái thích cái gì là nhường cho chị. Bố để hai chị em lại sống cùng bà nội nhưng Xuân Quỳnh không bao giờ giận bố.
Lần nào bố về thăm cô bé cũng khóc. Xuân Quỳnh thường thủ thỉ với chị gái rằng cô bé mơ thấy mợ (mẹ) hay mơ thấy bố. Hễ cứ nhắc tới mẹ là Xuân Quỳnh tủi thân đến rơi nước mắt.
Sau này khi chị gái Đông Mai lên Hà Nội học trường Trưng Vương, ngôi nhà nhỏ ở làng La Khê còn mỗi Xuân Quỳnh và bà nội. Cô gái bé nhỏ rất quấn quýt với bà.
Khi trúng tuyển diễn viên múa, Xuân Quỳnh vì thương bà nên cứ chần chừ mãi, đợi bà gật đầu đồng ý mới ra đi. Trước khi đi cô cháu gái còn hứa sẽ kiếm tiền gửi về cho bà.
Cuộc hôn nhân không nhận được sự ủng hộ của chị gái
Thời trẻ, Xuân Quỳnh nổi tiếng là một cô diễn viên múa duyên dáng, có tài, được nhiều chàng trai si mê. Cô chị Đông Mai vì thế cũng được “thơm lây”.
Nhiều người bạn học của Đông Mai đã ra sức lấy lòng cô chị để dễ dàng lọt vào “mắt xanh” của cô em. Là người sống trọng tình cảm nên Xuân Quỳnh cũng rất kín đáo và thận trọng trong tình yêu.
Sau nhiều đắn đo, cuối cùng Xuân Quỳnh cũng đã tìm được bến đỗ bên nghệ sĩ violon Lưu Tuấn. Tình yêu với Tuấn đã giúp Quỳnh có thêm nhiều xúc cảm đẹp để làm thơ. Bài thơ tình nổi tiếng Thuyền và biển được Xuân Quỳnh sáng tác trong những năm tháng ngập tràn tình yêu.
Trước khi kết hôn, Xuân Quỳnh đã tâm sự rất nhiều với chị gái về nghệ sĩ violon Lưu Tuấn. Nữ thi sĩ cảm thấy giữa họ dường như vẫn có một khoảng cách nào đó.
Xuân Quỳnh bộc bạch cùng chị: “Anh ấy là những động tác cơ bản đẹp chứ chưa thành điệu múa, là một bát phở ngon không có gia vị, chỉ là một cốt truyện hay chưa viết thành văn…”.
Xuân Quỳnh tin tình yêu của mình có thể xóa mờ những ranh giới ấy. Nhưng sống trên đời đâu phải việc gì cũng có thể như ý. Những khác biệt trong tâm hồn kéo Xuân Quỳnh và Lưu Tuấn về những khoảng trời riêng. Quyết định li hôn đến như một điều tất yếu dù trước đó, chị gái Đông Mai đã khuyên can Xuân Quỳnh rất nhiều.
Khi Xuân Quỳnh đến với Lưu Quang Vũ, chị gái của bà một mực phản đối. Nhưng người em gái quyết đi theo “tiếng gọi của con tim” bởi họ sinh ra là để dành cho nhau. Họ cảm nhận được sự đồng điệu trong tâm hồn đối phương. Cuộc sống thiếu vắng người kia chắc chắn sẽ trở thành khiếm khuyết.
Mười lăm năm tình nghĩa vợ chồng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ cũng là khoảng thời gian tâm hồn nghệ thuật của họ thăng hoa đến đỉnh cao. Nhiều vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ được viết trong thời gian này. Sự thành công của ông có đóng góp không nhỏ của Xuân Quỳnh, người bạn thơ, người bạn đời tần tảo.
Tình yêu đã giúp Xuân Quỳnh vượt qua mọi trở ngại. Một mái nhà có cả “con anh”, “con tôi”, “con chúng ta” nhưng lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Xuân Quỳnh lớn lên thiếu hơi ấm của mẹ, nên được làm mẹ với nữ thi sĩ là một hạnh phúc thiêng liêng.
Sống trong cảnh thiếu thốn của thời bao cấp, Xuân Quỳnh đã phải chắt chiu rất nhiều để đàn con được đủ đầy. Với tư cách một người phụ nữ, nhà giáo Đông Mai thêm cảm phục em gái vì điều này.
Xuân Quỳnh một nửa cuộc đời tôi không chỉ là tình cảm của người chị dành cho cô em gái bạc mệnh. Trong từng trang sách, người đọc sẽ thấy ánh lên sự thấu hiểu của những người bạn tri kỉ.
Tác phẩm giống như “chiếc chìa khóa” để người yêu thơ Xuân Quỳnh tiến thêm một bước nhằm hiểu rõ hơn tâm hồn của người nữ sĩ tài hoa ấy.
Theo Zing News
Thụy Oanh