Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định rằng ở Việt Nam, trẻ em luôn được quý trọng và chăm sóc chu đáo. “Hầu hết nhà văn chúng tôi đều viết cho các em. Có người chỉ viết cho chính con mình mà thành nhà văn nhà thơ xuất sắc, như nhà văn Duy Khán với tác phẩm Tuổi thơ im lặng, nhà thơ Xuân Quỳnh với tác phẩm Bầu trời trong quả trứng”.
Bà Nguyễn Thụy Anh cho rằng các tác giả viết văn học thiếu nhi Việt Nam có thể học hỏi và phá cách hơn, tưởng tượng nhiều hơn, để có nhiều nhân vật thú vị và đáng nhớ như trong văn học nước ngoài.
Trần Đăng Khoa cho biết Hội Nhà văn Việt Nam ủng hộ và mong muốn dòng văn học thiếu nhi phát triển mạnh hơn. Những hoạt động giúp thúc đẩy văn học thiếu nhi Việt Nam là giải thưởng Văn học Dế Mèn, kế hoạch thành lập Quỹ Văn học Thiếu Nhi, vận động sáng tác trẻ và sáng tác cho thiếu nhi, thực hiện phát tặng sách miễn phí cho trẻ em vùng sâu vùng xa…
Theo bà Trần Lê Thùy Linh, Trưởng phòng Thiếu nhi, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, sách thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn là sách dịch từ nước ngoài. Bà nhận thấy các nhân vật thiếu nhi nước ngoài thường có cá tính độc đáo, không theo hình mẫu con ngoan trò giỏi và có chủ đề câu chuyện sinh động, đa dạng. Đối với các sáng tác của Việt Nam, bà Trần Lê Thùy Linh cho rằng số lượng tác phẩm đặc sắc còn hạn chế, và thường chỉ là một câu chuyện hồi ức của người lớn chứ không phải là sáng tác hướng đến trẻ em.
Bà cho biết các tác phẩm phiêu lưu giả tưởng mặc dù thành công ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam lại chưa được đón nhận nhiều. Hiện tại, xu hướng thịnh hành nhất là làm mới các nội dung cũ, sáng tạo thêm các hình thức đẹp, bắt mắt như sách tranh 3D, sách chiếu bóng… Hấp dẫn các em đọc sách bằng mẫu mã, hình thức đẹp, lạ.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ, chia sẻ 4 xu hướng lớn ông quan sát được ở Việt Nam hiện nay.
Xu hướng đầu tiên là các sáng tác cho thiếu nhi thành công thường là của các tác giả có tên tuổi như Nguyễn Nhật Ánh.
Thứ hai là xu hướng làm mới tác phẩm cũ có giá trị, tác phẩm bán chạy, trong đó có cả làm mới, kể lại truyện cổ tích.
Văn học kỳ ảo là một trận địa khá trống trong nước. Tác phẩm thành công hiếm hoi là Chuyện xứ Lang Biang của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. “Chúng tôi không biết phải đầu tư thế nào cho đúng, nhưng nhận thấy đây vẫn là một xu hướng, một nhu cầu thật sự, bởi vì văn kỳ ảo của nước ngoài vẫn đứng được trên thị trường: chúng tôi vẫn bán tốt những bộ như Harry Potter, Charlie Bone… Tuy nhiên trong nước lại thiếu đi những tác phẩm đứng cạnh được với văn học nước ngoài như vậy”, ông Nam phát biểu.
Xu hướng thứ tư, theo ông Nguyễn Thành Nam, là thơ đồng dao, ca dao có minh họa đẹp, tạo điều kiện cho trẻ em tiếp cận với ngôn ngữ và văn hóa Việt. Ông lấy ví dụ 4 tập thơ thiếu nhi của nhà thơ Thụy Anh được độc giả đón nhận khá nhiệt tình.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, cho biết thêm lứa tác giả sáng tác văn học thiếu nhi sung sức nhất vẫn là 7X-9X, lứa tác giả trẻ mặc dù có nhiều ý tưởng phá cách nhưng phong cách sáng tác lại chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi phương Tây nên độ tiếp cận với công chúng Việt Nam chưa cao.
“Sách văn học thiếu nhi trong nước hiện nay gặp nhiều khó khăn”, bà chia sẻ. Dù đã có những giải thưởng chuyên môn động viên tác giả và nhà xuất bản nhưng sách thiếu nhi Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh cao từ sách dịch nước ngoài và các loại hình giải trí khác nên doanh thu chưa được cao.
Bà nhận xét văn học thiếu nhi Việt Nam thời gian gần đây có phần thưa thớt hơn so với giai đoạn trước. Các chủ đề thời sự như LGBT, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường cũng dần xuất hiện, nhưng chỉ ở dạng sách tranh, sách kiến thức chứ chưa xuất hiện trong văn học.
Theo một khảo sát do Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện trong hội sách thiếu nhi, trẻ em ngày nay không thích những tác phẩm mang tính giáo điều, muốn đọc văn học trinh thám, phiêu lưu, giả tưởng. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Quỳnh Liên cho rằng các tác giả vẫn chưa mạnh dạn dấn thân vào các đề tài này.
Lắng nghe tiếng nói của trẻ, các đơn vị đã và đang tìm cách khuyến khích các cây viết trẻ dấn thân, khai thác các đề tài mới hơn, phù hợp thị hiếu. Con đường phát triển văn học thiếu nhi còn nhiều chông gai, nhưng các nhà xuất bản vẫn sẽ kiên trì vì đây là một mảng sách quan trọng với thị trường và với nền văn hóa.
Nguồn: Zingnews
