Nguồn gốc của Ngoại Tộc

Xứ Huê Kỳ những ngày gần đây bị bủa vây bởi những cuộc bạo động, loot đồ diễn ra khắp nơi. Người ta biểu tình vì George Floyd, một người da đen bị một cảnh sát da trắng chẹn họng đến chết bằng đầu gối. Khẩu hiệu Black Live Matter vang lên đòi hỏi quyền lợi cho những người da đen nói riêng và da màu nói chung. Toni Morrison đã từng đề cập đến vấn đề phân biệt chủng tộc trong cuốn Nguồn gốc của ngoại tộc, về sự lãng mạn hóa chế độ nô lệ trong Túp lều bác Tom và những vấn đề nhức nhối trong xã hội Hoa Kì thế kỉ trước.

Hoa Kì trong thế kỉ 20 vẫn chưa dịch thoát khỏi địa hạt ưu sinh học, và những cuộc hành quyết vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm đáng kể. Ảnh chụp lại những tử thi da đen, vây quanh là những kẻ da trắng bàng quan mặt tươi roi rói xuất hiện trên sách báo, trong khi bưu thiếp in những cảnh hành quyết là một món hàng phổ biến thời đó.

Nỗi khiếp sợ mà những người da đen đã trải qua không phải là huyễn tưởng, cũng không phải là một tình trạng bệnh lí.

Vào năm 1946, Isaac Woodard, một cựu chiến binh da đen vẫn còn mang quân phục, bước xuống chiếc xe đò tuyến Greyhound trong tiểu bang Nam Carolina. Ông đang trên đường về Bắc Carolina đoàn tụ với gia đình. Ông đã sống bốn năm trong lục quân – ở chiến trường Thái Bình Dương (nơi ông được thăng cấp lên trung sĩ) và tại chiến trường châu Á – Thái Bình Dương (nơi ông được một huân chương Chiến dịch, một Huân chương Chiến thắng trong Thế chiến Thứ hai, và Huân chương Hạnh kiểm tốt). Khi xe đò tới trạm nghỉ, ông hỏi người lái xe xem có đủ thời gian cho ông dùng nhà vệ sinh hay không. Họ cãi nhau, nhưng ông vẫn được sử dụng nhà vệ sinh. Về sau, khi xe đò ngừng ở Batesburg, trong địa phận tiểu bang Nam Carolina, người lái xe gọi cảnh sát đến giải Trung sĩ Woodard đi (hẳn là về việc đi vào nhà vệ sinh công cộng). Cảnh sát trưởng Linwood Shull đưa Woodard tới một con hẻm gần đó và y cùng một số cảnh sát đánh ông Woodard bằng dùi cui. Rồi họ đưa ông tới nhà giam và bắt giữ ông ta vì có hành vi phá rối. Suốt trong đêm ở nhà giam, tay Cảnh sát trưởng đánh Woodard bằng dùi cui và móc hai mắt ông ra. Sáng hôm sau Woodard được gửi đến quan tòa địa phương, người này tuyên ông phạm tội và xử phạt vạ năm mươi đô la Mĩ. Woodard xin được săn sóc y tế và phải chờ đến hai ngày sau. Trong thời gian đó, không biết mình đang ở đâu và còn mắc phải chứng mất trí nhớ nhẹ, ông được đưa đến một bệnh viện ở Aiken, thuộc bang Nam Carolina. Ba tuần sau khi gia đình ông báo cáo là ông bị mất tích, ông mới được định vị và được hộc tốc đưa đến một bệnh viện của lục quân ở Spartanburg. Cặp mắt ông đã bị tổn thương đến mức không thể chữa lành được. Ông vẫn sống, dù mù lòa, cho đến khi qua đời năm 1992 ở tuổi bảy mươi ba. Còn cảnh sát trưởng Shull, sau ba mươi phút nghị án, được tha bổng khỏi mọi cáo buộc, trong sự hoan hô nồng nhiệt của một bồi thẩm đoàn gồm mười hai người toàn là da trắng.

Dẫn chứng như thế để người ta thấy chủ đề “ngoại tộc hoá” được Toni Morrison khai thác vô cùng thú vị trong cuốn sách – một tập diễn từ vô cùng ấn tượng, và đối tượng chính là nô lệ người da màu và văn hoá người da màu. Trong đó Toni Morrison nói: “Sự thiết yếu của việc làm cho kẻ nô lệ thành ra một ngoại tộc xa lạ có vẻ là một toan tính vô vọng, hòng xác nhận bản thân mình mới là chuẩn mực.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *