Xin gửi đến mọi người phần 01 bài review về tác phẩm “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”.
Chuyên mục: Review tếu táo các tác phẩm kinh điển Việt Nam
Review tác phẩm: “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” – Ngô Gia Văn Phái, dịch giả: Ngô Tất Tố.
Phần 01: Nguyễn Hữu Chỉnh, chuyên gia start-up thời Lê mạt.
(Lưu ý: Tất cả nội dung dưới đây là ý kiến chủ quan cá nhân của tác giả, với những kiến thức và hiểu biết có phần hạn chế. Nếu có gì sai sót, mong bạn đọc lượng thứ. Bài review có spoil nhẹ nội dung).
Loạt bài review về các tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam, sẽ được bắt đầu với “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”.
Tại sao tôi lại bắt đầu bằng tác phẩm này? nếu nói một cách văn vở và nghiêm chỉnh, thì đây là tác phẩm quan trọng và tuyệt vời vào loại bậc nhất trong thể loại văn học lịch sử Việt Nam. Thậm chí tác phẩm này còn là dạng “chí”, tức là thể loại truyện chuyên chép lại sự thật, có thể dùng để tham khảo cho cả chính sử. Còn nếu nói một cách thành thực, thì tôi vừa mới nảy ra ý tưởng làm một trang page review các tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam theo lối viết tếu táo, vui nhộn. Và đây là quyển sách đầu tiên tôi vớ được trong tầm tay, vì thế cần làm luôn cho nóng.
Nói vậy thôi, chứ thực sự “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” là một tác phẩm tuyệt vời, lại được dịch bởi một nhà văn, nhà báo tuyệt vời không kém là idol của tôi, cụ Ngô Tất Tố. Mặc dù cụ Tố chắc không được nhiều bạn trẻ Việt Nam yêu mến cho lắm, do một tác phẩm khác rất nổi tiếng của cụ, tiểu thuyết “Tắt Đèn” đã từng làm khổ sở nhiều thế hệ học sinh qua các kỳ thi tốt nghiệp hoặc đại học, biến tiền đồ của các bạn ấy, thành y hệt tiền đồ của chị Dậu khi vừa chạy ra khỏi cửa nhà quan. Nhưng Ngô Tất Tố vẫn luôn và mãi luôn là một nhà văn, nhà báo, dịch giả hàng đầu với những đóng góp vô cùng to lớn cho nền văn học nước nhà. Và bản dịch “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” của cụ tuy không quá sát với nguyên tác, mà dịch theo kiểu thoát ý, lại làm tăng thêm rất nhiều chất văn học cho tác phẩm, làm cho câu chữ, lời văn của “Hoàng Lê…” trở nên mượt mà, gần gũi và cuốn hút vô cùng.
Thôi không nói lan man nữa mà chuyển qua review cụ thể hơn, trước hết là về nội dung của “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”. Đây là một trong những tiểu thuyết chương hồi hiếm hoi của Việt Nam kể về giai đoạn đầy biến động của nước nhà trong khoảng hơn 30 năm, từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa (1767) đến lúc Nguyễn Ánh trở thành vua (1802). Trong thời kỳ này, vua Lê sau hơn hai trăm năm đóng những vai trò hết sức quan trọng như “bù nhìn” hay “bình vôi” trong nền chính trị nước nhà, đã mất uy tín rất nhiều, và đi dần tới những bước cuối cùng trong con đường lịch sử. Còn về phần ngôi chúa Trịnh cũng sa sút thảm hại, do thiếu tài năng kế thừa vị trí đứng đầu. Những điều đó đã khiến cho tình hình xứ Bắc Hà, nơi các thế lực luôn gằm ghè chỉ chực cắn trộm lẫn nhau, trở nên bát nháo và lộn xộn. Dẫn đến việc bất kỳ một tay ngổ ngáo nào, nếu có thể to họng kêu gọi dân theo, đều trở thành một lực lượng đáng gờm tác động được lên việc triều chính. Những thanh niên đa cấp bây giờ mà về thời đấy, chắc hẳn không thiếu đất dụng võ.
Câu chuyện bắt đầu khi Trịnh Sâm quá tin yêu Tuyên phi Đặng Thị Huệ (lý do muôn thưở: “chết vì gái”), để xảy ra cảnh trong nhà đấu đá, dẫn đến nạn kiêu binh, khiến cho nhà chúa suy sụp hẳn. Nhân cơ hội đó, các “thanh niên” nổi lên khắp bốn phương, tiếng là “phù Lê”, hoặc “phù chúa” nhưng thực ra muốn chớp cơ hội thăng tiến và vơ vét. Cũng có một số thanh niên đen đủi như Nguyễn Hữu Chỉnh, bị dồn vào cảnh không khởi binh không được. Chúa thì suy yếu còn vua thì vốn bù nhìn sẵn, nên khi Nguyễn Huệ theo kế của Nguyễn Hữu Chỉnh, chỉ thuận đường “đi lạc” một chút mà dễ dàng chiếm được cả Bắc Hà, lấy thêm người vợ đẹp, đường hoàng làm con rể vua Lê Hiển Tông. Rồi các việc như chúa Tây Sơn đích thân ra Bắc gọi em về, Hữu Chỉnh chuyên quyền, đấu đá cùng các phe phái, Văn Nhậm vâng lời Nguyễn Huệ ra trị tội rồi cũng bắt chước Chỉnh tác oai, khiến cho Nguyễn Huệ phải đích thân động binh. Huệ ra ra vào vào vùng cương thổ phía Bắc, nơi vỗ ngực tự xưng là chốn lắm kẻ sĩ, nhiều người tài như đi họp chợ, khiến cho vua Lê Chiêu Thống và đám sĩ phu phải khiếp đảm, sợ còn hơn sợ vợ… à nhầm sợ cọp, dẫn đến việc “cõng rắn cắn gà nhà” của vị vua cuối cùng triều Lê. Cho đến khi quân Thanh đại bại dưới tay Quang Trung, và Quang Toản tiếp nối triều Tây Sơn đánh nhau với Nguyễn Ánh. Rồi Gia Long thống nhất toàn bộ đất nước thì mới là lúc hết truyện. Tuy dài dòng như vậy, nhưng truyện chủ yếu tới phần Quang Trung đại phá quân Thanh là gần như kết, các đoạn còn lại chỉ ghi vào cho đủ sự kiện.
Điều tôi tâm đắc nhất với “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”, không phải là phần nội dung trung thực và sát sử (thứ thực sự ấn tượng), mà lại chính là các nhân vật trong tác phẩm. Nhờ có “Hoàng Lê…” những con người vốn chỉ là các cái tên, những năm sinh, năm mất và đôi ba dòng đen trắng trên trang giấy, đã hiện lên vô cùng sinh động và “rất đời”. Qua “Hoàng Lê…” tôi cũng nhận ra, là nhiều khi những nhân vật và số phận có thật trong lịch sử, còn thú vị và hay ho hơn trên phim ảnh và các tác phẩm văn học nhiều. Sau khi gấp cuốn sách dài hơn 500 trang lại và suy ngẫm, thì ba nhân vật nổi bật và khiến tôi tâm đắc hơn cả là Quận Bằng Nguyễn Hữu Chỉnh, nhà vua Lê Chiếu Thống, và tất nhiên rồi, superman của Tây Sơn, captain Việt Nam: Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ.
Tuy nhiên nhân vật ấn tượng nhất và tôi muốn nói đến đầu tiên, lại là Quận Bằng Nguyễn Hữu Chỉnh, một tay Tào Tháo phương Nam nửa mùa. Kể ra cũng không nửa mùa lắm, vì Chỉnh khá giỏi, không những có đầu óc thực tế, mà lại quyết đoán và lạnh lùng. Nếu Chỉnh đầu thai vào thời bây giờ, thiết tưởng có thể lập nên một start-up thành công vang dội. Vì Chỉnh vốn thuộc dạng “con nhà người ta”, từ bé đã nổi tiếng thần đồng, lên chín tuổi đã biết làm bài thơ “Vịnh cái pháo” (tuổi nhỏ mà đã đi “vịnh pháo”, chứng tỏ cũng máu chiến lắm). Khi lớn lên, Chỉnh rất nhanh chóng chứng tỏ được tài năng của mình. Ngay từ những ngày đi làm đầu tiên, thanh niên Chỉnh đã lọt được vào mắt quận Việp, “boss khủng” đang thống lĩnh tập đoàn quân hùng mạnh nhất Bắc Hà thời bấy giờ. Rồi sau khi quận Việp nghỉ hưu, CEO tiếp theo là quận Huy cũng rất tin dùng Chỉnh. Chỉ cho tới khi quận Huy ngu trung quá mức, và cũng quá chủ quan đến nỗi phải bỏ mạng trong tay kiêu binh, còn Trịnh Tông trong cuộc tranh đoạt quyền làm chúa lùng giết hết các bè đảng chống đối, thì Chỉnh mới bắt buộc phải bỏ Bắc Hà mà về với Tây Sơn.
Khi về Tây Sơn “company”, mặc dù Chỉnh ra sức giúp tập đoàn gia đình này mở mang bờ cõi, triệt hạ các đối thủ cạnh tranh như Chiêm Thành, Bồn Man, thì vẫn không được tin dùng. Tới tận cả khi Chỉnh hiến kế cho Nguyễn Huệ lấy trọn Bắc Hà, cưới được công chúa Ngọc Hân xinh đẹp, anh em nhà “chủ tịch” vẫn lặng lẽ bỏ Chỉnh lại phương Bắc một mình, khiến Chỉnh phải lật đật lên thuyền chạy theo vì sợ bị người trong nước “nấu cao” do mình đã trót dẫn quân Tây Sơn vào “cướp” nước cũ. Rồi Bắc Hà không dung, Tây Sơn thì ruồng bỏ, mình Chỉnh lập nên “start-up” mới, tự đi mộ lính tại vùng Thanh Nghệ. Đây chính là vùng đất quê hương ông, nhưng cũng là nơi dân chúng rất ghét ông vì mang tiếng xấu phản bội đất nước. Tình hình mộ quân của Chỉnh cũng éo le, khi đó bên ông chỉ có lèo tèo vài người thân tín. Nhưng Chỉnh với “ác danh” vang dội sẵn có, đã làm những việc rất liều lĩnh, như tìm tới ngôi làng nơi có hai tên lính “cứng cựa” chủ chòm, tìm bọn chúng giết đi, rồi bắt dân làng phải theo mình. Dân thì chả biết chi mô, thằng nào đầu gấu hơn thì đành chịu vâng lời thằng đó. Thế là bằng cách này, Chỉnh mộ được cả một đạo quân. Và đạo quân mới toanh đó, đã ngay lập tức có “số má”, đánh bay nhiều đội quân đông đảo của đám sĩ phu “chém gió” Bắc Hà, giúp cho Chiêu Thống tạm có được một triều đình tương đối ổn định. Nhà sáng lập start-up non trẻ: Nguyễn Hữu Chỉnh, từ hai bàn tay trắng, đã nhanh chóng lấy được thị trường Bắc Hà rộng lớn trong một thời gian ngắn. Quả là tài năng xuất chúng.
Tuy nhiên cái đen của Chỉnh, là những người được ông hết lòng phò tá, đều mang dạ oán ông và không bao giờ tin tưởng. Từ Chúa Tây Sơn (cả anh lẫn em) cho tới vua Lê Chiêu Thống. Tai tiếng của Chỉnh còn bị bơm vá lớn tới mức, người trong cả nước lúc nào cũng ghét ông. Nhưng xét cho cùng, những hành động của Chỉnh đều vì đại cục, và ông cũng đã tha cho khá nhiều kẻ chống đối. Thậm chí ông còn đối xử với vua Lê phải phép hơn cả chúa Trịnh khi xưa. Nhưng trong thời loạn thế, khi mà “dìm hàng” đối phương cũng có nghĩa là tăng sức mạnh cho bản thân mình. Thì cách hành sự quả quyết của Chỉnh đã mang lại điều tiếng, khiến cho tên tuổi ông bị hoen ố tới cả đời sau.
Rồi số Chỉnh tận theo cách cũng rất khổ. Vốn khi vào với quân Nam, để cho Tây Sơn tin tưởng, Chỉnh đã để vợ và gia đình ở lại làm con tin. Vì thế có lẽ Chỉnh chưa bao giờ muốn phản lại Tây Sơn. Cho tới khi Vũ Văn Nhậm đem quân ra Bắc trị tội, Chỉnh rất lấy làm bất ngờ và phòng bị có phần sơ sài. Chính điều đó đã khiến Chỉnh trả giá. Lúc bị bắt, Chỉnh vẫn không nghĩ quân Tây Sơn giết mình nên bảo lính không được đâm giáo mà áp giải về kinh sư. Ai ngờ Nhậm thấy Chỉnh được Nguyễn Huệ tin dùng từ xưa, nên có ý thù ghét, nay có cớ liền “thịt” luôn, thậm chí moi cả bụng ra cho chó ăn. Ôi, người anh hùng không gặp thời, chết cũng không được toàn thây.
Nguyễn Hữu Chỉnh có những câu nói rất hay, lột tả được tính cách của ông như khi ông nói với Nguyễn Huệ để thuyết phục “vua em” ra Bắc: “Nhân tài Bắc Hà có một mình tôi mà thôi. Nay tôi đi rồi, ấy là cái nước trống không, xin đừng nghi ngờ”. Câu nói đó tuy có phần kiêu ngạo, nhưng rồi chính Chỉnh bằng thực lực của mình đã chứng minh là đúng. Nhân tài Bắc Hà thời đó, duy chỉ có mình Chỉnh là đủ khả năng xoay vần với thời cục.
Về sau này, nhiều người có chuyên môn và tư duy sử học đúng đắn, đã nhận xét lại về vị trí, vai trò cũng như con người của Chỉnh. Có ý kiến cho rằng, các lựa chọn của Chỉnh trong thời cuộc ấy không hề sai lầm, chỉ có điều tầm cỡ tài năng thì chưa đủ cho lựa chọn đó mà thôi. Theo tôi thì cũng chưa đúng lắm, vì thực ra Chỉnh có đủ tài năng, chỉ có điều đen quá là đen. Trong “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”, có lẽ Chỉnh là nhân vật thú vị nhất, nhưng số phận cũng… nhọ hệt như đít nồi vậy. Cuộc đời của Nguyễn Hữu Chỉnh, thật là tư liệu tuyệt vời cho bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào, dù dưới vai nhân vật chính hay là kẻ phản diện. Ấy vậy mà một kiếp phong ba như thế, hình như lại chưa từng được khai thác cặn kẽ. Có lẽ, tôi sẽ thực sự nghiêm túc suy nghĩ về vấn đề này.
(Tạm thời kết thúc phần 01 ở đây, phần 02 sẽ nói tiếp về CEO của tiệm cháo lòng gia truyền hoàng tộc: Lê Chiêu Thống và superman Tây Sơn: Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ)
Tác giả: Vũ Phiên.
Lưu tại page: “Review tếu táo về những tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam”.