XA NGOÀI KIA NƠI LOÀI TÔM HÁT

Tác giả: Delia Owens. Dịch giả: Trương Hoàng Uyên Phương

Thể loại: Tiểu thuyết về thiên nhiên, XH, có chút trinh thám

Mức độ ưa thích: 9/10

.

.

“Có hai đứa trẻ

Nhìn nhau yêu thương

Chúng lớn lên cùng

Chia từng tâm sự

Như chim liền cánh

Như lá liền cành

Một đứa ra đi

Còn lại đứa trẻ

Hoang Dã, đâu rồi”.

(Thơ của Amanda Hamilton)

Sài Gòn, ngày 18 tháng 1 năm 2021

Chào anh,

Dạo này nơi anh sống có còn lạnh nhiều không? Dù trời lạnh hay nóng thì anh vẫn nhớ uống đủ nước nhé. Em vừa đọc xong cuốn “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát”, thấy khá hay nên viết thư này để chia sẻ cảm nghĩ về quyển sách màu cam đó với anh. Em cho rằng câu chuyện này không thuộc thể loại mà anh thích đọc, nên anh chỉ cần đọc em à không đọc thư này thôi chứ không cần đọc sách đâu.

Bối cảnh câu chuyện là từ thập niên 60 của thế kỷ 20, tại vùng đầm phá dọc bờ biển Bắc Carolina, vào thời kỳ mà những con người muốn lánh đời có thể tự chọn chỗ dung thân cho mình ở chốn đồng lầy nơi không nhiều người muốn đến. Trong cái lán xập xệ, cô bé Kya sống cùng người mẹ xinh đẹp tài giỏi, người cha nát rượu và các anh chị em. Năm Kya 6 tuổi, mẹ cô mang đôi giày da cá sấu đẹp nhất, xách chiếc valy màu xanh lam bỏ nhà đi và không bao giờ quay lại. Các anh chị em của Kya cũng lần lượt bỏ nhà đi vì không sống nổi với người cha chè chén cộc cằn ở nơi bao la trời biển này. Năm Kya 9 tuổi, cha cô cũng thản nhiên bỏ rơi đứa con gái nhỏ giữa thiên nhiên hoang dã, để nó tự sinh tự diệt. Lẽ ra Kya phải được dân địa phương mở rộng vòng tay che chở, nhưng không, bọn trẻ ở trường cười cợt bắt nạt cô, người lớn coi cô như sinh vật lạ không nên đến gần và đặt biệt danh cho Kya là “Cô gái Đồng lầy”. Với sự thông minh tuyệt vời trời ban, sự khéo léo di truyền từ mẹ, tình yêu thiên nhiên say đắm và được thiên nhiên đáp trả, cô bé Kya nhỏ xíu đã tự mình sinh tồn bằng những cách mà ngay cả người lớn cũng khó lòng thực hiện nổi. Cô được dạy chữ bởi Tate Walker, được giúp đỡ bởi vợ chồng chủ tiệm tạp hóa Jumpin’, được đất – nước – gió – lửa – không khí và muôn loài quây quần chăm sóc. Đáng buồn thay, đến tuổi cập kê, khi Tate xa cô để đi học ĐH, Kya đã vì bản năng thôi thúc mà dính líu vào chuyện tình cảm không đi đến đâu với Chase Andrews – gã trai nổi bật nhất vùng. Chuyện sẽ chẳng có gì nghiêm trọng nếu Chase không tử vong do ngã từ tháp canh phòng xuống, và chứng cứ tìm được dẫn thẳng đến Kya.

Như anh đã biết (hay là anh chưa biết?), em thường không đọc sách của NXB Trẻ, nhưng khi mua cuốn “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” dùm Mẹ, em bị thu hút bởi tựa sách và đọc thử. Sau khoảng 1/3 cuốn, em dần chán vì nhịp truyện có vẻ chậm và định bỏ dở, nhưng vì ngay đầu truyện đã có người tử vong vì (hình như) bị sát hại, nên em muốn ráng đọc đến khi biết hung thủ là ai, động cơ giết người là gì. Sau 1/2 cuốn thì truyện trở nên hấp dẫn hơn chút, và càng lúc mạch truyện càng cao trào, khiến em không thể ngưng đọc giữa chừng được nữa. Câu chuyện khiến em nhớ đến bộ phim “Cô gái đại dương” mà em xem lúc nhỏ, với nội dung về một thiếu nữ đã tự sống, tự trưởng thành giữa thiên nhiên hoang dã. “Tôm hát” là câu chuyện vừa giống vừa khác với “Cô gái đại dương”, với một kết cuộc khiến lòng em rất đỗi xúc động. Với một vụ án mạng diễn ra ngay đầu truyện, chất trinh thám tuy không nhiều nhưng xuyên suốt cả quyển sách, và em đặc biệt thích cảnh xét xử ở tòa. Vị luật sư trong “tôm hát” khiến em liên tưởng đến nhân vật Daniel O’Leary trong loạt truyện của tác giả Robert Dugoni.

Nhìn từ góc độ lạc quan, tuy bị người nhà bỏ rơi từ lúc còn rất nhỏ và phải tự trưởng thành giữa nơi đồng lầy trời gặp biển mênh mông, còn vướng vào vòng lao lý, nhưng phải công nhận cô gái Kya là một tạo vật may mắn, được Tâm Linh Vũ Trụ phù hộ, được định sẵn sẽ sống dựa vào thiên nhiên và được thiên nhiên dành cho tình yêu to tát như mẹ đối với con. Em không quá ngưỡng mộ sự mạnh mẽ của Kya, thậm chí còn bực bội khi cô ấy ngu ngốc rơi vào lưới tình với một gã không ra gì, nhưng em thừa nhận mình thích thú với những tài năng di truyền / thiên bẩm của Cô gái Đồng lầy. Em sẽ không nói rõ ở đây để anh không bị mất yếu tố bất ngờ thú vị khi đọc (nếu anh có đọc), nhưng quả thật Kya là một nghệ sĩ tài năng từ trong xương máu. Em mong mình cũng có chút được như vậy.

Thiên nhiên kỳ diệu được miêu tả trong truyện bằng những ngôn từ kỳ diệu, khiến em cứ đọc khoảng mười mấy trang thì phải dừng lại để viết xuống những câu chữ vô cùng đẹp đẽ. Ngay phần mở đầu, tác giả đã níu chặt tay người đọc bởi những dòng văn mênh mang, lấp lánh sáng rỡ như sau:

“Đồng lầy là một không gian tràn ánh sáng, nơi cỏ vươn lên trong nước, và nước trôi vào trong bầu trời. Dòng chảy chầm chậm quanh co, mang theo quả cầu mặt trời ra đến biển, và lũ chim chân dài lêu nghêu cất mình vụt lên với sự uyển chuyển không ai ngờ đến – thân hình chúng dường như không được tạo ra để bay lượn – trên nền âm thanh cả ngàn con ngỗng tuyết kêu ran”.

Khi đọc những cảnh Kya cùng chiếc thuyền nhỏ rẽ khóm lau sậy để đến bãi bùn bắt vẹm, hoặc cảnh dây không khí tóc tiên xanh mướt (tên một loài cây) rũ xuống mái tôn rỉ sét đỏ ngầu… em tự hỏi nếu được cùng anh có những trải nghiệm giữa thiên nhiên ấy, nhìn ngắm những cảnh vật ấy thì không biết tâm trạng em sẽ ra sao. Nếu được cùng anh để lại hai hàng dấu chân trên bờ biển lặng sóng, hoặc say sưa ngắm nghía chiếc lông vũ mềm mại của loài bồ câu rơi trên gốc cổ thụ, không biết nụ cười của em sẽ trông như thế nào.

Khoảng chục chương đầu truyện, khi biết bối cảnh là một thị trấn nhỏ ven biển nơi người da màu còn bị kỳ thị chủng tộc, phụ nữ không được bước vào quán ăn (nơi được mặc định chỉ dành cho đàn ông)… thì em có chút ngần ngại không biết cuốn này có diễn tiến theo những cách khiến em đau lòng tức giận hay không. May thay, như để không phụ lòng em đã chịu khó đọc, cuốn sách tuy vẫn có những đoạn miêu tả chân thực về sự thờ ơ, vô tâm, dối trá, tàn nhẫn của con người nhưng vẫn không đâm dao hay xát muối vào lòng độc giả nhạy cảm như em. Thỉnh thoảng, xen giữa những đoạn văn đẹp như thơ là các khổ thơ của nhà thơ Amanda Hamilton, như những nốt nhạc réo rắt vút cao giữa bản sonata vốn đã rất say lòng. Đọc xong quyển sách mang màu của loài tôm hát, em nhìn lại bìa trước và hoàn toàn đồng ý với dòng bình luận chính xác của tạp chí The New York Times: “Đẹp đẽ và đau đớn… Quyển sách xoay quanh một vụ án mạng bí ẩn, sự trưởng thành, và lời tụng ca thiên nhiên”.

“Khi đẩy thuyền ra khơi, cô biết rằng sẽ chẳng bao giờ có ai thấy lại bãi cạn này lần nữa. Những yếu tố của tự nhiên đã tạo ra một nụ cười thoáng qua bằng cát, một nụ cười luôn dịch chuyển, xếp chênh chếch gọn gàng. Con sóng tiếp theo, dòng chảy tiếp theo sẽ thiết kế nên một bãi cạn khác, và một bãi cạn khác nữa, nhưng chẳng bao giờ là bãi cạn này. Không phải cái đã đón lấy cô. Cái đã dạy cô đôi điều chưa biết”.

Tuy thoáng nghĩ nếu quyển “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” có bìa màu xanh ngọc bích thì sẽ rất đẹp, nhưng em hài lòng với tông màu tôm hợp với tựa truyện. Vốn là độc giả khó tính, hay bắt bẻ, soi lỗi phần dịch thuật + biên tập nhưng với cuốn này em không có điểm nào để chê. Em đoán dịch giả là người miền Nam hoặc cố ý dịch theo lối nói chuyện của miền Nam, những từ ngữ như “má”, “té”, “dọt”… khiến em bật cười và thấy rất quen thuộc. Những bài thơ được dịch thật sự xuất sắc, em cho rằng rất khó để dịch thơ từ tiếng Anh sang tiếng Việt mà vẫn giữ được vần điệu và tính bay bổng của chúng. Nhắc lại lần nữa, em nghĩ cuốn này không thuộc thể loại anh thích đọc, nhưng vì anh yêu động vật nên em hy vọng rằng anh cũng yêu thiên nhiên (thiên nhiên đương nhiên là bao gồm em trong đó). Em nhớ anh từng nói muốn có một ngôi nhà nhỏ ở ngoại thành, ngày trồng rau nuôi cá, đêm chong đèn viết văn. Nếu giấc mơ đó đã thực hiện được thì báo em biết nhé, em sẽ đi làm thuê mua mảnh đất bên cạnh để làm hàng xóm của anh. Một ngày hơi lạnh và nhiều nắng, em sẽ cầm quyển “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” sang đưa anh mượn, rồi cùng anh nấu món tôm rang dừa, được không anh?

Chân thành và hoang dại,

Biển

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *