Trên mạng từng có một thời gian lan truyền một câu nói: “Em đẹp em có quyền.” Dường như cái đẹp trong thời đại phát triển mạnh của truyền thông đại chúng đã trở thành một loại tài năng và quyền lực, giúp chính người đó thu hút sự chú ý từ đám đông, dễ dàng có được thành công về tiền bạc trong xã hội, chẳng hạn như trở thành ngôi sao, diễn viên, người mẫu, thần tượng âm nhạc… Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là biến sự “bình thường” trở nên “tầm thường”. Ai cũng muốn mình đẹp hơn nữa, đạt đến tiêu chuẩn và trào lưu, nếu không thì sợ rằng sẽ chẳng được ai để mắt tới, từ đó sinh ra cái gọi là “Rối loạn mặc cảm ngoại hình”.
Rối loạn mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder) là một dạng rối loạn tâm thần hoang tưởng khiến người bệnh cho rằng ngoại hình của mình có khiếm khuyết nghiêm trọng mặc dù thực tế chẳng có khiếm khuyết cụ thể nào cả. Bệnh nhân mắc chứng bệnh này luôn cho rằng các chấm đen trên mặt mình quá to, hoặc mũi mình bị vẹo, trong khi người khác không hề nhận ra những đặc điểm này. Họ ngại ra khỏi nhà và tránh tiếp xúc với mọi người. Khi những vấn đề này gây cản trở việc duy trì cuộc sống học tập làm việc, một số người thậm chí đã quyết định tự sát.
Một nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Leuven, Bỉ đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về sức khỏe tâm thần trên 266 bệnh nhân đến bệnh viện để nâng mũi. Kết quả là có khoảng 33% đối tượng mắc các triệu chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình. Mở rộng phạm vi hơn một chút thì có khoảng 10% người đi phẫu thuật thẩm mỹ, tức là 1% dân số thế giới mắc chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình.
Rất nhiều bệnh nhân mắc chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình tìm đến bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ hoặc khoa da liễu để tìm cách cải thiện dáng vẻ bề ngoài, nhưng họ không bao giờ cảm thấy hài lòng ngay cả sau khi đã chỉnh sửa. Thực chất họ không có vấn đề gì với ngoại hình của mình cả. Họ cố chỉnh sửa những bộ phận vốn dĩ hoàn toàn bình thường. Cho nên sau khi phẫu thuật, họ còn cảm thấy khó chịu hơn, và từ đó dẫn đến việc phẫu thuật đi phẫu thuật lại nhiều lần.
Nếu bạn có ý định liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ, chẳng hạn như soi gương quá nhiều, hoặc thường xuyên vào trang web của các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ để tìm kiếm thông tin, thì đó là lúc bạn nên nghi ngờ mình đang mắc chứng rối loạn mặc cảm hình thể.
**(Theo cuốn sách Không ai có thể làm bạn tổn thương trừ khi bạn cho phép) **