QUI TẮC CAI TRỊ CHO NGƯỜI CAI TRỊ (phần 1)
Bạn là người dân của một quốc gia? Bạn nhìn thấy cách các nhà lãnh đạo cai trị đất nước bạn, và bạn cảm thấy thật sự rằng họ cai trị không được tốt? Họ quá tệ trong việc đảm bảo quyền lợi của người dân, dù họ đứng trên đầu của cả triệu người trong khi bạn vẫn còn bị người yêu la vì seen tin nhắn không rep ? Trong phút chốc, bạn tưởng tượng rằng mình sẽ trở thành một nhà lãnh đạo, người cai trị quốc gia của bạn, bạn sẽ đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người dân, đưa đất nước sánh vai với cường quốc năm châu, dân tộc đi đầu toàn thế giới, và bạn cảm thấy giới cầm quyền là một lũ ất ơ khi không có được góc nhìn như bạn ?
Nhưng mà bạn ơi, đời đâu có đơn giản thế đâu bạn ơi. Quyền lực là thứ trông có vẻ toàn năng nếu bạn nhìn từ ngoài vào, một chiếc ngai vàng bất khả xâm phạm. Nhưng khi bạn sử dụng quyền lực, quyền lực cũng sẽ sử dụng bạn. Hãy chấp nhận điều đó để xác định từ bỏ hoặc tuân theo các QUI TẮC CAI TRỊ, bởi cho dù bạn có là một nhà cai trị dân chủ hay độc tài, xấu xa hay lương thiện, thì sẽ luôn có một sự thật: BẠN KHÔNG CAI TRỊ MỘT MÌNH.
Vậy thì, nếu bạn đã sẵn sàng, chúng ta sẽ tới với các qui tắc cai trị cho người cai trị.
- Qui tắc thứ nhất: Lôi kéo những người có ảnh hưởng quyền lực về phía bạn.
Như đã nói ở trên, dù bạn là lãnh đạo của cả một đất nước, hãy nhớ rằng, bạn không thể tự mình làm tất cả. Bạn không thể tự mình xây dựng, buôn bán, sản xuất, tự bảo vệ đất nước… Nói cách khác, quyền lực của bạn không xuất phát từ chính bạn, mà là từ việc để những người khác làm việc thay bạn, và bạn trả công cho họ từ chính ngân khố của mình. Bạn cần một vị tướng giúp bạn duy trì quân đội, cần người để quản lí ngân khố, cần người để đảm bảo duy trì trật tự và trị an tại đất nước bạn. Đó là những kẻ cần thiết để đảm bảo vận hành bộ máy quyền lực của bạn, những chiếc “chìa khóa” quan trọng để vận hành bộ máy cũng như giúp bạn cai trị đất nước. Và dù bạn có một bộ máy độc tài hay dân chủ, thì những chiếc “chìa khóa” cơ bản không thay đổi. Và nếu bạn muốn đề xuất để giúp đất nước đi lên, đảm bảo quyền lợi cho người dân của bạn, thì hãy nhớ, nếu như bạn không đảm bảo được quyền lợi cho những chiếc “chìa khóa’ quyền lực này, bạn sẽ chẳng thay đổi được gì, vì họ sẽ không tuân lệnh bạn, hoặc đơn giản là thay thế bạn bằng 1001 lí do như “Tự đập đầu vào ngai vàng mất” hoặc ” Bị cảm cúm mất mạng khi đang ở sa mạc”… Tóm lại, việc lôi kéo những người có ảnh hưởng về phía bạn, là qui tắc đầu tiên phải có nếu bạn muốn ngồi vững trên “Ngai vàng” của mình. Và để làm được điều này, bạn phải tuân thủ nguyên tắc thứ hai cho người cai trị.
2. Qui tắc thứ hai: Luôn kiểm soát ngân khố quốc gia.
Đương nhiên, sẽ có một sự thật là những “chìa khóa” quyền lực của bạn không đưa bạn lên làm lãnh đạo vì họ có tình cảm với bạn. Ngoại trừ đám ngu ngốc và những kẻ thực sự trung thành, thì phần lớn những kẻ dưới bạn theo bạn chỉ đơn giản vì những quyền lợi và của cải mà bạn chia cho họ sau khi họ giúp bạn kiểm soát đất nước của mình. Và đương nhiên, nếu bạn vẫn muốn chi tiền để đảm bảo quyền lợi cho người dân, hãy nhớ rằng ngân khố chỉ có hạn, và bạn phải lưu ý về quyền lợi của những “chìa khóa” giúp bạn duy trì quyền lực. Bởi nếu không cân bằng được giữa việc đảm bảo quyền lợi phát triển đất nước với các chi phí để mua sự trung thành từ các “chìa khóa” giúp bạn duy trì quyền lực, những kẻ này sẽ lại tìm cách đá bạn đi và thay thế bằng một người khác đảm bảo được quyền lợi cho họ. Bởi đơn giản những chiếc “chìa khóa” này cũng giống như bạn, chỉ là ở vị trí thấp hơn thôi. Họ cũng cần có quyền lợi và của cải, để ổn định cho những người dưới họ, những chiếc “chìa khóa” giúp họ giữ vị trí hiện tại và duy trì quyền lực cho bạn.
Chính vì thế hãy nhớ sử dụng chính xác ngân khố của bạn, dù bạn là một nhà độc tài hay nhà dân chủ. Vì hãy nhớ, một lãnh đạo thiên thần vẫn sẽ bị một tên ác quỷ nào đó lật đổ, bởi hắn biết đảm bảo cho những kẻ giúp hắn duy trì quyền cai trị, còn bạn thì không. Vậy nên, hãy sử dụng ngân khố thật thông minh. Và để làm điều đó, bạn sẽ cần một nguyên tắc thứ ba dành cho người cai trị
3. Qui tắc thứ ba: Hạn chế số lượng người có ảnh hưởng quyền lực.
Nếu một “chìa khóa” không có sự cần thiết nữa, bạn phải loại họ ra ngay. Nếu bạn giữ quá nhiều người có ảnh hưởng quyền lực, sẽ xảy ra một điều là bạn không thể đảm bảo chia sẻ quyền lợi và của cải cho tất cả họ một cách thỏa đáng và vừa lòng tất cả. Và điều đấy sẽ khiến việc cầm quyền của bạn nhanh chóng chết yểu. Ngân khố quốc gia chỉ có vậy, và nếu có nhiều hơn đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải giảm quyền lợi của những người khác đi. Chính vì thế, một kẻ cai trị lôi kéo được những “chìa khóa” quan trọng, cũng như loại bỏ đi các chìa khóa không cần thiết, sẽ có được sự nghiệp thành công và bền vững hơn. Kể cả khi bạn là một nhà dân chủ, bạn vẫn sẽ phải lọc ra một nhóm những “chìa khóa” quyền lực của bạn, sẽ bầu cho bạn, hoặc ít ra, thì cũng chấp nhận bạn hơn là ứng cử viên khác. Với kiểu cai trị dân chủ, có thể bạn không cần phải sử dụng của cải để chia sẻ với các “chìa khóa” của mình, nhưng bạn hoàn toàn có thể hứa hẹn với họ về sự điều chỉnh luật pháp có lợi cho họ, giúp họ một số hợp đồng, hoặc cho họ một vé ra tù từ những hành động vi phạm của họ. Bằng cách đó, bạn vẫn có được sự ủng hộ từ những chiếc “chìa khóa” của mình.
Vậy nên nếu như bạn cảm thấy bất mãn vì sự lãnh đạo hoặc cai trị nào đó, và bạn muốn có một sự thay đổi, thì bạn nên thử lưu ý về Nguyên tắc số không này:
“KHÔNG CÓ QUYỀN LỰC, BẠN SẼ KHÔNG CÓ GÌ CẢ”
Vài lời từ người viết
Mình viết bài này dựa trên video “The Rules for Rulers” của CGP Grey. https://www.youtube.com/watch?v=rStL7niR7gs&t=199s.
Người làm clip cũng nói rõ rằng các qui tắc trên còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ chiến tranh đến đến những yếu tố xã hội, những vẫn đề quốc tề và các vấn đề chính trị gia đình, chứ không phải chỉ đơn thuần với ba qui tắc đó để có thể đảm bảo cai trị hoặc lãnh đạo một đất nước. Tuy nhiên, các qui tắc trên không chỉ xuất hiện ở việc cai trị một đất nước, mà thậm chí ở cả các kiểu lãnh đạo khác nhau, dù là một công ty, hay một làng xã, tỉnh thành.
Người làm clip cũng nói rõ rằng các qui tắc trên còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ chiến tranh đến đến những yếu tố xã hội, những vẫn đề quốc tề và các vấn đề chính trị gia đình, chứ không phải chỉ đơn thuần với ba qui tắc đó để có thể đảm bảo cai trị hoặc lãnh đạo một đất nước. Tuy nhiên, các qui tắc trên không chỉ xuất hiện ở việc cai trị một đất nước, mà thậm chí ở cả các kiểu lãnh đạo khác nhau, dù là một công ty, hay một làng xã, tỉnh thành.
Nếu may mắn không bị deadline dí, thì mình sẽ viết phần hai vào tuần sau, về sự giống và khác nhau giữa cách sử dụng qui tắc cai trị này với sự độc tài và dân chủ. Hoặc đơn giản hơn là các bạn có thể ngồi xem clip để đỡ mất thời gian ngồi đọc text. Nếu mình không nhầm thì có Vietsub rồi nữa.