Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và những ngày đầu lập quốc
Tổng quan
Khi tìm hiểu về giai đoạn đầu sau khi lập quốc của nhiều quốc gia trong lịch sử, mình nhận ra một điểm chung thú vị là các chính phủ non trẻ đều phải đối đầu với các lực lượng địa phương, quân phiệt và đối lập. Thường sẽ có 3 trường hợp xảy ra:
1. Các lực lượng chống đối chuyển sang ủng hộ chính phủ mới và sát nhập vào thành một Chính phủ liên hiệp nhiều thành phần. Cái này hiếm khi xảy ra
2. Các lực lượng chống đối bị lực lượng chính phủ dùng vũ lực để xóa bỏ hoặc ép quy phục. Cái này thường xảy ra nhất
3. Các lực lượng chống đối, dựa vào sự hỗ trợ của dân chúng trong vùng họ cai quản hoặc giúp đỡ từ nước ngoài, tiến hành đấu tranh bạo lực dẫn tới nội chiến kéo dài hoặc chính phú mới sụp đổ. Cái này cũng thường xảy ra
Gian nan ngày đầu lập quốc
Bây giờ hãy nói về Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những ngày đầu lập quốc. Sau Cách Mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh) tại Hà Nội. Đây chính là nền cộng hòa đầu tiên của Việt Nam.
Các khó khăn như thiếu hụt ngân khố, nạn đói, mù chữ, sự can thiệp của Trung Hoa Dân quốc và Pháp v.v… đã được nói nhiều rồi nên mình sẽ không bàn ở đây. Mà sẽ chú trọng vào vấn đề xử lý các lực lượng chống đối trong nước. Có thể chia thành 3 nhóm chính là: đảng phái đối lập, quân phiệt địa phương và tổ chức tôn giáo ly khai.
Ở miền bắc có:
- Mặt trận Quốc dân Đảng (1945-1946), chủ trương ủng hộ Trung Hoa Dân quốc, gồm:
o Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc)
o Đại Việt Quốc dân Đảng (Đại Việt)
o Đại Việt Dân chính Đảng
- Đại Việt Duy tân Cách mệnh Đảng (1943-1946), chủ trương ủng hộ Trung Hoa Dân quốc
Ở miền trung có Đại Việt Phục hưng Hội (1942-1945), chủ trương ủng hộ Cường Để và Đế quốc Nhật Bản.
Ở miền nam có:
- Mặt trận Quốc gia Liên hiệp (1946-1947), lúc đầu chống Pháp cùng Việt Minh nhưng về sau theo ủng hộ Pháp, ở đây nói về giai đoạn sau khi theo Pháp, gồm:
o Hòa Hảo
o Cao Đài
o Nhóm Bình Xuyên thân Pháp
- Nhóm Trotskyist (1932-1945), chống cả Pháp và Việt Minh
Ngoài ra ở khắp nước thì có:
- Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp (1946-1947), chủ trương ủng hộ Bảo Đại và Pháp, gồm:
o Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội (Việt Cách)
o Việt Nam Dân chúng Liên đoàn
o Việt Nam Quốc gia Thanh niên Đoàn
o Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng (Dân Xã)
o Liên đoàn Công giáo Việt Nam
- Việt Nam Quốc gia Liên hiệp (1947-1948), chủ trương ủng hộ Nguyễn Văn Xuân và Pháp, gồm các nhóm bảo hoàng lẻ tẻ
Bên phía VNDCCH có Mặt trận Việt Minh đóng vai trò nòng cốt. Năm 1946 mở rộng ra thành Hội Liên hiệp Quốc dân (Liên Việt) để đoàn kết mọi tầng lớp yêu nước không phân biệt đảng phái hoặc tôn giáo; và chống lại sự chia rẽ của Pháp. Việt Minh và Liên Việt bao gồm:
- Đảng Lao động Việt Nam (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam)
- Đảng Dân chủ Việt Nam
- Đảng Xã hội Việt Nam
- Thanh niên Tiền phong
- Đoàn Thanh niên Cứu quốc (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam)
- Tổng đoàn Thanh niên (nay là Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam)
- Việt Nam Vệ quốc Đoàn (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam)
- Hội Phật giáo Cứu quốc
- Hội Cao Đài Cứu quốc
- Hội Công giáo Cứu quốc (nay là Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam)
- Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)
- Các tổ chức chống Pháp ở Lào và Campuchia như Lào Issara (sau là Pathet Lào) và Khmer Issarak (sau là Mặt trận Issarak Thống nhất)
- Các binh sĩ Pháp và Nhật đào ngũ
Giải pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Mặt trận Việt Minh tổ chức mạnh nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong khi đó ở Nam Bộ thì sức ảnh hưởng ít hơn vì xung đột với nhiều lực lượng đối lập.
Trong giai đoạn đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thiện chí mời các nhóm như Việt Quốc, Việt Cách, Hòa Hảo, Cao Đài, Liên đoàn Công giáo v.v… tham gia chính phủ và quốc hội. Tuy vậy sự đoàn kết này khá lỏng lẻo và chỉ trong thời gian ngắn các nhóm này tuyên bố ly khai khỏi và tiến hành đấu tranh vũ trang chống Việt Minh. Ngay sau đó Pháp đã tranh thủ hỗ trợ các nhóm này để hy vọng khôi phục quyền cai trị của họ ở Đông Dương.
Nhận thấy mối nguy hiểm của tình trạng chia rẽ và cát cứ giữa các nhóm chống đối ở miền bắc, cuối tháng 6/1946 Công an Xung phong (nay là Công an Nhân dân Việt Nam) được lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc bấy giờ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, điều tra và theo dõi Việt Quốc và Việt Cách. Đêm ngày 12/7/1946 Sở Công an Bắc Bộ bất ngờ tấn công và bắt giữ các thành viên Việt Quốc và Việt Cách tại phố Ôn Như Hầu. Nhiều thông tin cho thấy Việt Quốc và Việt Cách đã bắt công, thủ tiêu các thành viên Việt Minh, cũng như chuẩn bị rải truyền đơn và sử dụng vũ khí chống lại VNDCCH. Sự kiện Phố Ôn Như Hầu đặt dấu chấm hết cho thế lực của Mặt trận Quốc dân Đảng tại miền bắc. Về sau các thành viên Quốc dân Đảng bỏ chạy vào nam theo Bảo Đại và Pháp. Ngoài ra Đại Việt Duy Tân cũng bị tiêu diệt hoàn toàn trong trận đánh tại Hòa Bình năm 1946.
Ở miền trung, các thành viên chủ chốt của Đại Việt Phụ hưng Hội như Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh bị tiêu diệt; còn Ngô Đình Diệm thì bị bắt, về sau được thả. Lý do vì sao lại thả Ngô Đình Diệm lúc đó vẫn không rõ ràng. Nếu Việt Minh cứng rắn hơn thì đã bớt đi một đối thủ nguy hiểm – người mà về sau lập ra Việt Nam Cộng hòa ở miền nam.
Tình hình miền nam thì phức tạp hơn hẳn vì bị chia rẽ trầm trọng. Khi Nam Bộ Kháng Chiến bùng nổ ngày 13/9/1945, nhiều tổ chức hưởng ứng Việt Minh chống liên quân Anh-Pháp tái chiếm miền nam. Tuy vậy Pháp tiến hành mua chuộc lôi kéo nhiều nhóm chống lại Việt Minh như Hòa Hảo, Cao Đài và Bình Xuyên. Một bộ phận các lực lượng kể trên vẫn cương quyết theo Việt Minh và được sát nhập vào Vệ Quốc Đoàn. Riêng các nhóm Troyskyist thì bị đánh sập hoàn toàn. Với sự lôi kéo mạnh mẽ từ Pháp, Việt Minh đã không thể thống nhất các lực lượng ở miền nam. Về sau các nhóm kể trên trở thành “kiêu binh” dưới thời Ngô Đình Diệm. Bất kể việc Pháp đã sớm bình định được miền nam nhưng Việt Minh vẫn kiểm soát được nhiều khu vực nông thôn và chiến khu cho đến khi chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Điều này cho thấy Việt Minh vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nông dân và người lao động tại Nam Bộ.
Tổng kết
Trong lịch sử Việt Nam hiếm có triều đại hoặc chế độ nào được thành lập trong hòa bình. Đối đầu vũ trang gần như là tất yếu. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Minh đã may mắn khi có những lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Ngọc Thạch v.v… Trong khi đó các tổ chức chống đối thiếu hụt một nhà lãnh đạo đúng nghĩa, không có hệ thống tổ chức chặt chẽ, và thiếu tinh thần chiến đấu nên dễ dàng trở cờ.
VNDCCH đã thống nhất thành công các lực lượng yêu nước ở miền bắc và miền trung (trường hợp 2), nhưng họ không đủ khả năng để làm điều đó ở miền nam vì khoảng cách địa lý và việc tái xâm lược quá sớm của Pháp (trường hợp 3) dẫn tới xung đột kéo dài tới tận sau khi VNCH được thành lập.
Trong giai đoạn chiến tranh, điều quan trọng nhất là bỏ qua lợi ích của cái riêng để cùng đấu tranh vì mục tiêu chung. Tiếc rằng một số tổ chức không vượt qua được những lời hứa ngon ngọt từ Nhật, Pháp và sau này là Mỹ mà có những quyết định sai lầm. Sự đoàn kết là tối quan trọng để đánh bại lực lượng mạnh và hiện đại hơn mình.
Sau này chính bản thân Ngô Đình Diệm cũng nếm trái đắng của nạn kiêu binh và quân phiệt sau khi người Mỹ dựng lên chế độ Việt Nam Cộng hòa.