Tạo trắc nghiệm khách quan trong đánh giá giáo dục: Một công việc vui vẻ !
MỞ ĐẦU
Kể từ khi hình thức thi tự luận trong một số môn thi tuyển sinh Quốc gia được chuyển đổi sang trắc nghiệm khách quan, đã dấy lên hàng nghìn lời bàn tán mỗi tháng 7, với nhiều quan điểm trái chiều. Sự hiệu quả của hình thức thi này, mức độ phân hoá trình độ học sinh, khả năng đánh giá đúng chính xác năng lực cá nhân… là những chủ đề thường xuyên được nhắc tới trên mạng xã hội cũng như báo chí.
Sự nghi ngờ trước tính hiệu quả của hình thức thi đồng thời việc mỗi năm Bộ Giáo dục đổi mới khiến trắc nghiệm khách quan nhận được nhiều chỉ trích về việc kém hiệu quả trong phân hoá năng lực, là nguyên nhân của việc học vẹt và học mẹo giải bài tập, dẫn đến giảm sự tư duy và sáng tạo của học sinh.
Bài viết này nhằm mang đến cái nhìn rõ hơn về cách mà một bài thi trắc nghiệm khách quan được làm nên, cũng như hiểu rõ những ưu điểm và nhược điểm trong hình thức đánh giá này.
TẠI SAO GỌI LÀ “KHÁCH QUAN”?
Trắc nghiệm khách quan là hình thức thi cử không quá mới mẻ trên thế giới, đặc biệt đối với nền giáo dục Hoa Kì nơi diễn ra kì thi SAT từ năm 1926.
Gọi trắc nghiệm khách quan (Objective test) là có tính quy ước bởi vì hệ thống cho điểm có tính khách quan hơn bài kiểm tra dạng tự luận (Essay test). Tuy nhiên, nội dung của bài trắc nghiệm khách quan cũng phần nào có tính chủ quan, nếu nó đại diện cho sự phán xét của ai đó về bài trắc nghiệm – Trần Thị Tuyết Oanh.
Hình thức thi này được gọi là khách quan bởi cách cho điểm: đúng hoặc sai. Sẽ không có gần đúng hay gần sai, và kết quả bài thi ít bị ảnh hưởng bởi cá nhân người chấm bài. Ngoài ra, nó cũng có những ưu điểm khác như:
– Đo được các mức độ nhận thức (lưu ý chữ nhận thức).
– Đề thi đo được kiến thức bao quát và rộng, phù hợp cho đánh giá kiến thức phổ thông.
– Chấm bài nhanh và chính xác, chi phí thấp nếu có máy chấm.
– Hiệu quả trên những kì thi lớn, cấp Quốc gia.
Ngoài ra, nó cũng có những nhược điểm:
– Không đo đạc khả năng sáng tạo, sắp xếp, diễn đạt, trình bày và đưa ra ý tưởng. (nhược điểm này là do bản chất của hình thức trắc nghiệm khách quan)
– Chuẩn bị câu hỏi trắc nghiệm (nếu theo đúng quy chuẩn) mất RẤT NHIỀU THỜI GIAN, cực và mệt hơn nhiều so với tự luận hay các hình thức khác.
TẠO RA MỘT DÀN BÀI TRẮC NGHIỆM
Để tạo ra bài trắc nghiệm, các dễ nhất là lật sách giáo khoa, lấy một đoạn chữ, xoá đi một chữ cái rồi vẽ ra 4 đáp án (trong đó có 1 đáp án đúng), cứ thế cho đến khi đủ số câu bạn cần. Nhanh và tiện lợi.
Để soạn ra một trắc nghiệm khách quan, bạn cần sử dụng kĩ năng phân tích nội dung, thang nhận thức 6 bậc của Bloom, kiểm tra trên học sinh, sử dụng thống kê phân tích độ khó, độ phân cách; và sau tất cả, nếu may mắn, bạn sẽ có những câu hỏi tốt, hoặc bạn sẽ vật vã tìm cách sửa chữa, hoặc khó quá thì vứt nó đi luôn. Như quan điểm một người thầy của tôi trong ngành giáo dục đã nói, nếu soạn ra được 3000 câu, thì sẽ có 300 câu là xài được.
Đây là một tóm tắt ngắn gọn về sự khác biệt giữa soạn một bài thi “có hình thức trắc nghiệm” với soạn một bài thi “trắc nghiệm khách quan”. Tôi sẽ diễn giải cho bạn một chút.
Đầu tiên, hãy mường tượng bạn cần soạn 50 câu hỏi cho một môn học (hay một chương). Lúc này, bạn sẽ cần nghĩ xem mình cần đo đạc kiến thức gì, và bạn cần đo tới mức độ nào (điều này gọi là “phân tích nội dung”). Lúc này, bạn cần phân tích nó thành các đơn vị kiến thức nhỏ nhất, lựa chọn kiến thức nào bạn cần đo lường và kiến thức nào thì không.
Sau khi có một nắm các kiến thức bạn cần đo đạc, công việc tiếp theo là xác định mức độ nhận thức trên thang bậc 6 của Bloom (Biết, Hiểu, Vận dụng, Phân tích, Tổng hợp, Đánh giá); thực ra bài trắc nghiệm chủ yếu tập trung ở 3 mức độ đầu là chính, nên bạn không cần phải lo lắng quá. Tất nhiên bạn sẽ cần một tờ giấy, hoặc máy vi tính, ghi hết tất tần tật những gì mà bạn muốn đo đạc ra. Ví dụ: Nhận biết đâu là hiện tượng đa bội thể, Biết cách tính tích phân từng phần … Lúc này, não bạn sẽ xoay vòng. Bạn không thể để 10 mục liên tiếp mà bạn dự kiến sẽ hỏi học sinh: Định nghĩa A là gì, B là gì, C là gì… (vì như thế là khuyến khích học sinh học thuộc lòng); tại sao mục này nên để mức Biết, mục kia nên để Vận dụng; mục này có nên hỏi không nhỉ, mục này có nên so sánh với mục kia không, hay ta nên gộp 2 cái này, 3 cái kia, 4 cái nọ về cùng một mục nhờ… Làm như vậy đến hết chương (hoặc môn học).
Sau khi viết hết ra (mà trong thực tế là bạn sẽ vẽ một sơ đồ hoặc bảng, gọi là “Bảng mô tả nội dung”), nếu mọi thứ ổn thoả, bạn cần xác định số câu hỏi cho mỗi mục. Nếu không may số mục kiến thức không khớp với số câu hỏi dự tính: 49 so với 50, ồ thì thêm mục nào đó 1 câu hỏi thôi. Nếu không may quá lố, 69 so với dự tính là 50, bạn cần quay lại chỉnh sửa nội dung (cắt xén, gộp nhóm, biến tấu tuỳ thích). Nếu bạn may mắn có được sự trùng hợp (50 mục kiến thức với 50 câu) với xác suất xảy ra tương tự như khả năng trúng xổ số kiến thiết, bạn sẽ cần thống kê số lượng câu hỏi của bạn xem trong tổng số đó, bao nhiêu % mức độ nhận thức trong dàn bài, và bao nhiêu % mỗi mục. Sự hoàn hảo là khi các chủ đề lớn kiến thức được phân bổ đều số câu trắc nghiệm tương ứng với khối lượng kiến thức (giả sử bạn có 4 chủ đề lớn có khối lượng như nhau tên A, B, C, D, bạn sẽ mong muốn số câu hỏi được phân bố đều 25% mỗi chủ đề, tương tự, nếu có ba chủ đề A, B, C mà trong đó chủ đề B lớn gấp 2 lần so với mỗi chủ đề còn lại thì tỉ lệ là 25 – 50 – 25 %, và tương tự với những tỉ lệ khác, có thể có chút sai số trong thực tế). Nếu chẳng may bạn có 4 chủ đề có khối lượng bằng nhau mà có tỉ lệ tương ứng 35 – 20 – 5 – 40 % thì bạn biết phải làm gì rồi đấy.
Sau khi so sánh ổn thoả khối lượng kiến thức, bạn sẽ xem mức độ nhận thức trong tổng số các câu hỏi. Giả sử bạn mong muốn sử dụng 3 mức độ Biết – Hiểu – Vận dụng thì tỉ lệ tầm 30 – 50 – 20 % đối với một bài kiểm tra đối với học sinh bình thường hay 30 – 30 – 40 % đối với học sinh giỏi có vẻ là đủ đẹp rồi đấy. Èo, vẫn như trên, nếu bạn chẳng may lạc vào mấy tỉ lệ như 15 – 10 – 75 % hay 80 – 5 – 15 %, ờ thì, bạn biết phải làm gì rồi đấy !
Sau khi làm tất cả công việc nêu trên và mọi thứ đều được sắp xếp hoàn hảo, bạn đã hoàn thành Bước đầu tiên: “QUY HOẠCH BÀI TRẮC NGHIỆM”, một trong bốn bước để làm xong một đề thi trắc nghiệm hoàn chỉnh rồi đấy. Phần tiếp theo, chúng ta sẽ đến với soạn câu hỏi trắc nghiệm và tạo đề thi.
(còn tiếp)
P/S: Nếu ai có thắc mắc sao tui không viết tiếp series Tâm lý học xã hội nữa thì là vì tui có ý tưởng rồi, cơ mà lười, với lại bài đầu có vẻ ít người quan tâm nên tui sẽ delay khi nào co hứng thì viết.
Còn bài này do bữa trước trên FB hiện lên bài viết về kì thi tuyển sinh sắp tới mà đối tượng nhắc tới là mấy bé 2K3 nên tui sẵn mới thi xong môn học về cái này nên viết luôn cho khỏi quên. Mong là tui sẽ không drop cái này luôn.