VŨ TRỤ QUAN PHẬT GIÁO – Cấu trúc “KHÔNG – THỜI GIAN” và mô tả HỆ THỐNG HÓA CÁC TẦNG TRỜI trong thế giới quan Đạo Phật.
Trong phần này, nội dung chính mình sẽ liệt kê tất cả hệ thống các tầng trời trong Đạo Phật, hay còn gọi là Thiên Giới (phiên âm Hán Việt) hay देवलोक Devaloka (tiếng Sanskrit – còn gọi là tiếng Phạn). Phần này sẽ mang đậm các yếu tố thế giới quan siêu hình – các bạn có thể đọc tham khảo như kiểu văn học thần thoại vậy, mang tính rất “fantasy” khoa học viễn tưởng so với 2 phần đầu.
A/ DẪN NHẬP và CÁC CHIỀU KHÔNG GIAN
Mình xin recap lại một số vấn đề sau:
- Ở 1 không gian 3 chiều (3D), trục x trục y và trục z dài vô tận, chúng ta có vô số thế giới 2D hay còn gọi là mặt phẳng. Ví dụ mặt phẳng chứa góc tọa độ O, chứa trục x và y là 1 mặt phẳng như vậy (z=0). Tương ứng với mỗi giá trị z, chúng ta có 1 mặt phẳng 2D, z có thể là số thập phân, số hữu tỷ, số vô tỷ, số âm, vân vân – vô lượng số – thì ta có vô lượng mặt phẳng song song với mặt phẳng Oxy. Tương tự cứ mỗi giá trị của x, của y, ta cũng có vô lượng mặt phẳng song song với mp Oyz và Oxz. Và trong cùng 1 không gian 3D ấy, chúng ta có vô hạn mặt phẳng xiên nghiên xéo xoay các kiểu, tương ứng với từng giá trị tọa độ.
1 hình cầu 3D, khi đi qua mặt phẳng 2D, giả dụ có 1 người sống trong thế giới 2D ấy, họ sẽ thấy 1 đoạn thẳng! Ủa vì sao, không phải hình tròn ư? Xin thưa, chúng ta trong thế giới 3D sẽ thấy hình chiếu của hình cầu là hình tròn, nhưng người sống trong thế giới 2D đó sẽ thấy từ 1 điểm (khi mặt cầu tiếp xúc với mặt phẳng), điểm đó nở rộng thành đoạn thẳng lớn dần lên đạt độ dài cực đại (khi mặt cầu tuồn qua mặt phẳng được 1 nửa khối cầu), sau đó thu nhỏ lại dần dần thành 1 điểm và biến mất (khi khối cầu 3D đã đi ngang qua khỏi mặt phẳng) – (các bạn có thể tham khảo video minh họa này: http://youtube.com/watch?v=_4ruHJFsb4g để hiểu vì sao người trong thế giới 2D lại thấy chấm hoặc đoạn thẳng mà không phải hình tròn như chúng ta)
- Ở 1 không gian 4 chiều (4D), ta có thêm trục w (lưu ý trục w không phải là trục biểu thị đại lượng thời gian), trục w này không nằm trong không gian của 3 trục xyz mà nằm ngoài không gian này, chúng ta không thể nhìn thấy được trục này trong không gian 3D của chúng ta. Và cứ mỗi giá trị của biến w, ta có được 1 không gian 3D, và cứ thế tương tự các tọa độ khác, ta có vô lượng vô biên không gian 3D ứng với từng giá trị thay đổi tham số tọa độ. Có vô số không gian 3D trong 1 không gian 4D.
Ở bên trong 1 không gian 3D, chúng ta bị giới hạn thấy được khi có vật thể che khuất vật khác, ví dụ như khối lập phương, chúng ta không thể nhìn thấy toàn bộ 6 mặt của khối lập phương cùng 1 lúc, sẽ có những mặt trước mắt ta, và những vật khuất với mắt ta – đó cũng là giới hạn tương tự như vì sao người trong thế giới 2D chỉ thấy hình cầu 3D là 1 đoạn thẳng vậy. Nhưng giả sự có 1 sinh vật là người 4D, khi nhìn vào khối lập phương 3D, họ đủ sức thấy toàn bộ 6 mặt của khối, và cả cái gì được giấu bên trong của khối, và những vật được che khuất phía sau khối, họ thấy hết (video youtube phía trên cũng giải thích rõ vấn đề này)
- Vậy nên Trái Đất của chúng ta, Mặt Trời, các hành tinh… có thể cũng chỉ là 1 hình chiếu của 1 vật thể 4D (chúng ta không thể biết hình dạng thực của vật thể 4D này thế nào) khi vật thể này đừng yên hoặc đang tuôn qua trong thế giới 3D của chúng ta vậy, trở thành Trái Đất với hình dạng này và kích thước đang là như thế này (ở 1 thực tại khác, hoặc 1 không gian 3D khác có thể hiển thị thành một kích thước khác). Rồi vật thể 4D ấy cũng có thể chỉ là hình chiếu thể hiện của một vật thể ở không gian 5D cao cấp hơn, rồi cứ thế tương tự.
Tương tự vậy… chúng ta có 5D, 6D, 7D… cho tới thời điểm hiện tại, theo toán học chứng minh có tới 11D và khoa học cũng ủng hộ giả thuyết này. Trong 1 không gian 5D có vô lượng vô biên không gian 4D, trong 1 không gian 6D có vô lượng vô biên không thể tính đếm không gian 5D,… cứ thế cứ thế.
- Đức Phật trong nhiều văn kinh, kể cả Phật giáo Nam Tông (Phật giáo Nguyên Thủy) lẫn Phật giáo Bắc Tông (Phật giáo Đại Thừa) đều nêu ra có tồn tại các chúng sanh siêu hình như các chúng sanh Chư Thiên (tiếng Phạn: Deva) sống ở các tầng trời, có những sinh vật huyền thoại như Rồng (tiếng Phạn: Naga), Dạ Xoa (Yaksha), A Tu La (Asura), Khẩn Na La (Kinnara), Càn Thát Bà (Gandharva), Ca Lầu La (Garuda – chim Thần Súy Điểu to lớn chuyên ăn thịt rồng, nuốt rồng như cọng mì gói), Ma Hầu La Già (Mahoraga – Đại Mãng Xà Thần, một sinh vật huyền thoại hình rắn khổng lồ) – và những sinh vật này vô hình với mắt phàm nhân, và có thể là sinh vật của các chiều không gian khác, không gian 4D vân vân. Hay sự mô tả thế giới có núi Tu Di (Sumeru) khổng lồ có thể là hình tượng không gian khác mà chúng sanh trong không gian 3D không thể thấy được thực tướng. Đó là lý do, vì sao post này mang đậm chủ đề fantasy thần thoại Phật giáo, mà khoa học đương thời không thể chứng minh lời Phật thuyết.
B/ TỔNG QUAN VỀ THẾ GIỚI, KHÔNG GIAN, THỜI GIAN
Như đã trình bày ở phần 2, 1 “thế giới” trong Phật giáo là cái nói vắn tắt của 1 “đại thiên thế giới” – tương đương với 1 Siêu Thiên Hà (Metagalaxy), các thế giới Ta Bà (Saha), Cực Lạc (Sukhavati), Diệu Hỷ (Abhirati), Tịnh Lưu Ly (Vaiduryanirbhasa)… là những thế giới như vậy.
- Trong siêu thiên hà Ta Bà, hay còn gọi là Siêu Đám Thiên Hà, Siêu Quần Tụ Thiên Hà (Supercluster), có hàng ngàn các quần tụ thiên hà (Galaxy clusters), các dây, các mạng, liên kết với nhau thành một hệ thống với kích thước “Siêu Toa Khổng Lồ” và có hoặc không có liên kết ràng buộc với nhau bằng lực hấp dẫn. Trong mỗi một Quần tụ Thiên Hà ấy, có tới hàng trăm đến hàng ngàn Thiên Hà liên kết với nhau bằng lực hấp dẫn.
Thiên Hà của chúng ta là Ngân Hà (Milky Way) và Thiên Hà hàng xóm gần nhất là Tinh Vân Tiên Nữ (Andromeda). Từ Ngân Hà đến Tiên Nữ mất 2,5 triệu năm ánh sáng. 1 giây ánh sáng đi được 300 000 km, nhân cho đủ số giây của 2,5 triệu năm là ra được khoảng cách. Vậy 1 quần tụ thiên hà là một thực thể lớn đến dường nào, khi gồm hàng trăm đến hàng ngàn các thiên hà bên trong nó.
- Trong mỗi một Thiên Hà ấy, có trung bình 10^6 đến 10^8 ngôi sao hoặc lớn hơn, các ngôi sao đó là các Mặt Trời, các hằng tinh, định tinh và các sao đặc, sao lùn và các tàn dư sao… Trong mỗi hệ Mặt Trời ấy, bao gồm nhiều hành tinh, vệ tinh, có sự sống hoặc không có sự sống.
Thế giới đơn vị – tức 1 Hệ Mặt Trời có hành tinh có sự sống như Trái Đất. 1 thế giới như Ta Bà có hàng nghìn tỷ thế giới đơn vị như vậy, và cấu trúc các tầng trời, sự sống cõi người ở các thế giới này là tương đương nhau – vì mang nghiệp (karma) tương đồng với nhau, nghiệp của cõi Ta Bà.
- Trong 1 thế giới đơn vị, còn gọi là 1 tiểu thế giới, 1 thế giới hệ (लोकधातु lokadhatu hay world-system) tương đương với 1 Hệ Mặt Trời (a Solar system). Thế giới này có đầy đủ cấu trúc hạ tầng đến thượng tầng, có núi Tu Di (tiếng Phạn: मेरु Sumeru) làm trung tâm của một thế giới đơn vị, cao đến 8 vạn 4 ngàn do tuần (84.000 yojana, 1 do tuần ở vào khoảng 12-15 km, phần chìm dưới mặt nước cũng sâu 84.000 do tuần), núi Tu Di có 5 đỉnh, 1 đỉnh trung tâm và 4 đỉnh thấp hơn xung quanh.
1 Thế giới đơn vị được cấu thành từ 3 phần là Dục Giới – thế giới dục vọng, Sắc Giới nằm phía trên Dục Giới, và Vô Sắc Giới ở trên cùng – gọi chung là Tam Giới, tiếng Phạn là Trailokya त्रैलोक्य. Thế giới Ta Bà gồm nhiều thế giới đơn vị, mỗi thế giới đơn vị nào cũng cấu thành từ Tam Giới, cho nên cũng có thể xem thế giới Ta Bà bao gồm Tam Giới, gồm nhiều Dục Giới (tức tập hợp các Thế giới dục vọng ở nhiều Hệ Mặt Trời khác nhau), nhiều Sắc Giới, và nhiều Vô Sắc Giới.
- Tóm lại, 1 Hệ Mặt Trời – Thế giới đơn vị từ trên xuống dưới sẽ là Các tầng trời ở cõi Vô Sắc Giới- các Tầng tời ở cõi Sắc Giới – các tầng trời cõi Dục Giới – núi Tu Di – 4 châu thiên hạ ở dưới chân Tu Di – Mặt Trời – các tinh tú – 7 vòng núi vàng, và 7 vòng biển nước thơm xen kẻ bao quanh núi Tu Di – Một lớp biển mặn bao vòng quanh phía ngoài núi vàng và biển nước thơm. Phía xa viễn phương ngoài cùng là 2 núi Thiết Vi (Núi Sắt) có Thiết Vi nhỏ và Thiết Vi lớn, khoảng u đen tăm tối giữa 2 núi Thiết Vi là lối vào Địa Ngục. Tuy nhiên post này sẽ không đi sâu vào chủ đề Địa Ngục.
Nhắc lại về đại lượng thời gian, 1 “kiếp” [कल्प kalpa] thì mặc định hiểu là đang nói 1 “đại kiếp” [महाकल्प Mahākalpa – 1.343.840.000 năm], 1 đại kiếp gồm 4 trung kiếp, 1 “trung kiếp” [असंख्येयकल्प Asaṃkhyeyakalpa – 335.960.000 năm] gồm 20 tiểu kiếp, 1 “tiểu kiếp” [अन्तरकल्प Antarakalpa – 16.798.000 năm]. Các tầng khác nhau thì tốc độ thời gian trôi khác nhau.
MỘT LA MÃ) DỤC GIỚI – DESIRE REALM – Thế giới Dục vọng bao gồm cõi Người, Địa Ngục và 6 Tầng Trời
Dục giới tiếng Phạn là Kāmadhātu कामधातु, chúng sanh cõi này có thân thể tồn tại theo khái niệm duy vật (cả vật chất và năng lượng thực có tồn tại), tức có thân thực. Dục giới được bao trùm bởi sự có ham muốn về thể xác, giới tính và những ham muốn khác – có ham muốn thì có thân hình nữ giới, tuy hưởng dục lạc khác nhau (ở tầng trên thì sung sướng hơn cõi dưới), nhưng nói chung đều chịu những nỗi khổ như hành khổ (không thoát được luân hồi, đã sinh ra thì phải có lúc chết đi), hoại khổ (thể xác và những dục lạc được hưởng rồi sẽ mất đi chứ không duy trì được mãi), bất tác ý khổ (không đạt được ham muốn nên buồn khổ, cầu mà bất đắc). Những chúng sinh ở 3 đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) thì gần như không có sung sướng mà chỉ có khổ đau (3 đường thiện là Thiên, Nhân và Atula). Post này không tập trung vào các sinh vật chúng sanh huyền thoại, mà chỉ tập trung vào cõi Người và chư Thiên.
- 1 QUY LUẬT CHUNG: từ cõi Người, càng lên cao các tầng trời, thì phước báo nhiều hơn, thọ mạng lâu hơn, hình thể to lớn hơn, dung mạo đẹp hơn, dục vọng giảm thiểu hơn và sự hưởng lạc thù thắng nhiệm mầu hơn, năng lực siêu việt và thần thông biến hóa giải khóa từng mức giới hạn hơn. Chư Thiên tầng cao thấy được Chư Thiên tầng dưới, Chư Thiên tầng dưới không thấy được Chư Thiên tầng trên. Chỉ khi nào chư Thiên tầng trên hiện hình hài và đi chơi ở tầng dưới thì mới thấy được.
0) Cõi Người – NHÂN GIỚI – Manuṣyaloka मनुष्यलोक
Dưới chân núi Tu Di có 4 châu thiên hạ ở bốn phía là thuộc về cõi Người. Nam Thiện Bộ Châu là châu nằm ở phía Nam của Tu Di, còn gọi là cõi Diêm Phù Đề (Jambudvīpa जम्वुद्वीप), hiển thị thành Trái Đất của chúng ta ở trong không gian 3D của chúng ta (nghe hơi ảo vì những thứ này vượt ngoài tầm suy nghĩ và nhận thức của chúng ta). Dân của thế giới Nam Thiện Bộ Châu có tính gan dạ, liều lĩnh, tài trí lanh lợi, cũng sân hận thù dai, nhẫn nhịn chịu đựng, và làm được những điều bức phá phi thường. Dân của Đông Thắng Thần Châu (Pūrvavideha पूर्वविदेह), Tây Ngưu Hóa Châu (Aparagodānīya अपरगोदानीय) và Bắc Cu Lô Châu (Uttarakuru उत्तरकुरु) ôn hòa hơn và hạnh phúc, phước báo hơn và sống thọ hơn.
1) Tầng trời thứ 1 – TỨ THIÊN VƯƠNG THIÊN – tầng của 4 vị vua trời – Cāturmahārājikakāyika चातुर्महाराजिककायिक
Tầng trời này nằm ở lưng chừng núi Tu Di, ở 4 đỉnh xung quanh, 1 ngày ở cõi trời này bằng 50 năm cõi người. Thọ mạng trung bình của họ là 500 năm, bằng 9 triệu năm của cõi người. Thân hình cao lớn nửa dặm. Dân cõi trời này có quan hệ tình dục ân ái với vợ/chồng của mình nhưng không tà dâm (ngoại tình), tâm trí sáng suốt. Thiên nữ cõi này vẫn còn kinh nguyệt và thai nghén.
Đây là cõi trời của 4 vị Thiên Vương hộ vệ thế giới, gọi là Tứ Đại Thiên Vương, thống lĩnh các binh lính, quỷ thần, rồng, dạ xoa, vân vân. Đông có Dhataraṭṭha (Trì Quốc Thiên Vương), Nam có Viruḷhaka (Tăng Trưởng Thiên Vương), Tây có Virūpakkha (Quảng Mục Thiên Vương) và Bắc có Vessuvaṇṇa (Đa Văn Thiên Vương).
2) Tầng trời thứ 2 – ĐAO LỢI THIÊN – tầng trời Ba Mươi Ba – Trāyastriṃśa त्रायस्त्रिंश
Trên đỉnh núi Tu Di rộng 84000 do tuần bằng với chiều cao núi, chính giữa đỉnh núi là kinh thành Amaravati tráng lệ (Thiện Kiến), rộng 10.000 do tuần, bốn phía được bao bọc bởi tường thành, mỗi hướng có 250 cửa thành. Tổng cộng có 1000 cửa thành. 4 phía gồm mỗi phía gồm 8 cung trời, 8 x 4 = 32, thêm Thiện Kiến là cung trời Ba Mươi Ba. Vua của cõi trời này gọi là Đế Thích Thiên Vương शक्र Śakra – tương đương với Ngọc Hoàng Thượng Đế trong thế giới quan Á Đông.
1 ngày cõi trời Đao Lợi bằng 100 năm cõi người, họ sống 1 ngày bằng chúng ta trải qua 1 đời người 100 năm nhân thế. Thọ mạng trung bình của chư Thiên nơi đây là 1000 tuổi, tương đương 36 triệu năm cõi ngwòi. Thân hình cao lớn 1 dặm, ăn uống như loài người nhưng thực phẩm sạch sẽ thanh tịnh hơn rất nhiều. Dân cõi trời này có sự hành dâm như con người nhưng rất ít, chỉ 1 năm ch*ch 1 lần là đã thỏa mãn dục vọng. Lúc mới sinh ra, chư thiên sơ sinh có vóc dáng tròn trịa, bằng đứa bé 6 tuổi ở thế gian, tự có y phục. Cõi trời này có đầy đủ các thứ báu tốt đẹp, đền đài, lầu các, cảnh vật đều thù thắng, trang nghiêm. Thiên nam có ngoại hình 20 tuổi và xuân sắc sống đến hết kiếp, thiên nữ có ngoại hình 16 tuổi và sống đến hết kiếp. Đế Thích là trai đẹp nhất xứ. Những ai tu hành Thập thiện (10 điều Thiện) thì được phước sanh cõi trời này.
- Vì 2 cõi trời này còn dựa vào đất, ở đây là bề mặt núi Tu Di, cho nên gọi là Địa Cư Thiên – cư dân cõi trời cư trú nương vào đất. Họ vẫn còn phụ thuộc ngày đêm, Mặt Trời chiếu sáng. Chúng sanh nơi đây vẫn có đại tiện tiểu tiện như con người vậy, nhưng thanh tịnh hơn. Khi hành sự, mặt đất tự nứt ra và nhận chất thải, sau đó mặt đất tự khép kín lại. Việc sinh sản cũng là thai sanh như cõi người nhưng rất nhẹ nhàng mà không chịu đau đớn.
3) Tầng trời thứ 3 – Dạ Ma Thiên – Yāma याम
Giờ, từ đỉnh của Tu Di, chúng ta bức lên trên 16 vạn do tuần (160.000 yojana) có một cõi như mây, lơ lững giữa hư không, không bám víu vào đâu, do bảy thứ báu (vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cứ, xích châu, mã não) hợp lại mà thành cũng giống như mặt đất, là một thế giới đầy ánh sáng, không phân ngày đêm, không phụ thuộc ánh sáng từ Mặt Trời, người ở trong đó luôn luôn được sự sung sướng không thể nghĩ bàn. Tính ngày bằng cách hoa nở rồi hoa khép lại và hoa nở tiếp là tròn 1 ngày đêm. Kể từ cõi trời này trở lên gọi là Không Cư Thiên – dân trời cư trú trên hư không.
Phiên âm từ tiếng Phạn Yama thì gọi là Dạ Ma Thiên (chứ đừng tự dịch nghĩa Dạ Ma Thiên là tầng trời của Ma Bóng tối nha), dịch nghĩa thì gọi là Thời Phân Thiên (dựa trên sự phân định thời gian bằng cách quan sát chu kỳ khép nở của hoa như đã nói ở trên), vua trời nơi này gọi là Dạ Ma Thiên Vương. 1 ngày cõi trời Dạ Ma bằng 200 năm cõi người. Thọ mạng trung bình của chư Thiên nơi đây là 2000 tuổi. Thân hình cao lớn 2 dặm. Chúng sanh nơi đây không cần ăn uống mà chỉ cần ngửi hương hoa là đã no đủ. Cũng có việc lấy chồng lấy vợ, nhưng vợ chồng chỉ cần ngồi gần nhau và ôm nhau đã là hòa hợp âm dương rồi. Muốn sinh con trai hay con gái thì tùy theo ý muốn của người nữ, con sinh ra được biến hóa sanh ra từ đầu gối.
Từ đây đi lên trên ba mươi hai vạn do tuần (320.000 yojana) ta đến được tầng trời tiếp theo.
4) Tầng trời thứ 4 – Đâu Suất Thiên – Tuṣita तुषित
Đâu Suất Đà là phiên âm từ tiếng Phạn, dịch nghĩa là Hỷ Túc Thiên, chư thiên ở cõi trời này luôn sống trong niềm tươi vui tự túc, vật chất sung mãn, tinh tấn thanh tịnh.
Chư thiên nơi đây thân cao 4 dặm, tuổi thọ trung bình 4.000 tuổi. 1 ngày trên trời bằng 400 năm cõi người. Các vị thiên ở cõi trời này khi khởi dục chỉ cần nắm tay nhau liền được thỏa mãn tình dục. Ăn uống là chỉ cần hít thở khí trời, lắng nghe tiếng nhạc là đã no đủ. Vua trời này là Đâu Suất Thiên Vương.
Cõi trời này có hai viện, Đâu Suất ngoại viện và Đâu Suất nội viện. Ngoại viện là nơi cư trú của chư thiên hưởng thọ nhiều dục lạc, rất ít khi được nghe thuyết pháp. Nội viện là trụ xứ của Bồ tát Di Lặc, còn gọi là Tịnh độ Đâu Suất. Bồ tát Di Lặc hiện đang giáo hóa các Bồ tát ở đây, tương lai sẽ hạ sanh thành Phật mới. Lưu ý, có cả nghìn tỷ cõi trời Đâu Suất trong thế giới Ta Bà thì Phật Di Lặc hóa hiện thân bấy nhiêu, và hạ sanh xuống các Trái Đất như nhau.
5) Tầng trời thứ 5 – Hóa Lạc Thiên – Nirmāṇarati निर्माणरति
Từ Đâu Suất lên 640.000 do tuần ta đến được Hóa Lạc. Chắc các bạn đọc tới đây cũng nhận ra quy luật, chúng sanh cao 8 dặm, 1 ngày bằng 800 năm Nhân giới, thọ mạng 8.000 tuổi, đẹp hơn, phước nhiều hơn, bla bla.
Hóa Lạc có nghĩa là chư Thiên cõi này tự biến hóa ra cho mình, và hưởng thụ những vật phẩm và công trình sáng tạo, biến hoa theo năng lực biến hóa của mình. Thiên nam, thiên nữ trong cõi này, khi nào hnứng tình lên thì tự biến hóa hiện ra tình nhân cho mình luôn, khỏi xài hàng ngoài. Và chỉ cần ngắm nhìn nhau và cười hồi lâu là đã thỏa mãn dục tính chứ không cần động chạm cơ thể gì cả. Vua cõi trời này là Hóa Lạc Thiên Vương.
Và cuối cùng, bức lên 1.280.000 yojana, ta đến được tầng trời cao nhất của thế giới Dục vọng.
6) Tầng trời thứ 6 – Tha Hóa Tự Tại Thiên – Parinirmita-vaśavartin परिनिर्मितवशवर्ती
1 ngày bằng 1.600 năm cõi người, thọ mạng 16.000 năm tức tương đương 9 tỷ 216 triệu năm của cõi người., thân hình cao lớn 16 dặm. Tha Hóa Tự Tại có nghĩa là, tự tại vui sướng dựa trên cái có sẵn của người ta biến hóa ra cho mình xài, xem việc biến hóa của chư Thiên trời Hóa Lạc làm niềm vui – nên mới có cái tên đó. Dục vọng thì chỉ cần liếc nhau ngang qua 1 cái là đã thỏa mãn dục tính ham muốn. Giờ mới tới nội dung chính nè. Dân chúng cõi trời này được gọi là Thiên Ma (ma cõi trời), vua cõi trời này là Tha Hóa Tự Tại Thiên Vương, hiệu là Thiên Ma Vương Ba Tuần.
Lưu ý ma ở đây không phải là ma quỷ. Ma ở đây theo nghĩa Phật giáo, là sự cản trở con đường tu hành thoát luân hồi. Vì dân chúng nơi đây có phước báo lớn nhất, dung mạo đẹp nhất, sự hưởng lạc tuyệt vời nhất, dục vọng cũng là ít nhất, là các bậc ĐẠI THIỆN NHÂN phải tu hành rất thiện mới được sanh làm thiên ma.
Những người tu hành đại thiện to lớn sẽ sanh lên cõi này, ăn chay, thanh tịnh, thiểu dục. NHƯNG, cái mà họ không có là Tâm Bồ Đề – tâm mong cầu giải thoát khỏi luân hồi, vì họ cho rằng, ở cõi Thiên giới cao tột này, hưởng phước quá sướng rồi, có còn gì khổ đâu mà phải tu hành, tu chi cho khổ, cứ hưởng thụ đi, họ thỏa mãn đủ đầy rồi, họ quan niệm vậy là mãn nguyện rồi. Đây chính gọi là Ma – cực kỳ nguy hiểm đối với Phật giáo.
Đức Phật khuyên nên hành Thiện vì hành thiện sanh vào các đường thiện và thuận lợi cho việc tu tập giải thoát, chứ Thiện không phải là mục đích cuối cùng của Phật giáo. Thiện với Ác trong Phật giáo là 2 mặt Nhị nguyên mà thôi. Những người tu thiện, ăn chay, tích đức, cầu mong sung sướng sanh ở các cõi trời, nhưng không có tâm mong cầu giải thoát khỏi Luân Hồi, thì chính là tâm ma – đây chính là điểm mấu chốt mục đích giữa các tôn giáo khác và Đạo Phật. Nhắc lại, Ma ở đây là đối chọi với Phật ở tâm niệm giải thoát, chứ không phải Ma theo nghĩa hiểu thế gian.
Chư Thiên cõi trời này đẹp mỹ miều, nữ đã hấp dẫn, nam còn đê mê hơn. Tuy nhiên, các tranh vẽ minh họa Phật giáo thì thường vẽ miêu tả chúng sanh cõi trời Tha Hóa Tự Tại nhìn xấu xí như ma quỷ nhân thế – là không hề đúng với nghĩa của Thiên Ma trong Phật giáo. Ví dụ trong tranh dụ dỗ thả thính với Phật đang ngồi dưới gốc Bồ đề (chuẩn bị thành Phật), thành Phật làm chi cho phí vậy, sống vậy sướng rồi,… tuy nhiên, Thích Ca đã vượt qua cám dỗ này và trở thành Phật.
Ma có 4 loại, gồm có Ngũ ấm ma (gồm có ngủ uẩn là sắc thọ tưởng hành thức – tạo ra dục lạc và ham muốn, trói buộc), Phiền não ma (những điều đau khổ, phiền muộn, sầu lo), Tử ma (tức là ai rồi cũng phải chết, phải bỏ thân này, gây nên gián đoạn cho việc tu tập, chưa chắc may mắn đã sanh lại làm người, sanh lại rồi chưa chắc đủ nhân duyên để hiểu biết về Phật pháp). 3 loại ma này gọi là Nội ma, ma bên trong của mỗi con người. Thiên Ma gọi là ngoại ma – ma tác động từ bên ngoài, là những người dụ dỗ, ngon ngọt, thích hưởng thụ, tu chi cho khổ.
Thiên Ma Vương Ba Tuần là vị Thiên chủ thống trị cao nhất của toàn bộ Thế giới Dục Vọng, ngài có dung mạo khôi ngô tuấn tú, của bậc đệ nhất soái ca, đẹp không tỳ vết, ít dục vọng ít ham muốn nhất, thọ mạng dài lâu nhất, tâm thiện tốt lành nhất, phước báo khủng nhất Dục Giới – nhưng hoàn toàn không có Bồ Đề Tâm và mong cầu giải thoát.
Nhưng tiếc thay, chàng ấy chưa phải là đại mỹ nhân đẹp nhất của toàn bộ Tam Giới – vì tồn tại 1 nam nhân – còn đẹp hơn cả chàng, chúng ta cùng đi tiếp lên trên đến Sắc Giới. Kết thúc thế giới dục vọng tại đây.
HAI LA MÃ) SẮC GIỚI – FORM REALM – Thế giới của Hình tướng – Rūpadhātu रूपधातु
Từ Tha Hóa Tự Tại, bức lên 5.120.000 do tuần là chúng ta đến được cõi gọi là Sắc Giới, gồm 18 cõi trời. Thế giới này không còn tồn tại kiểu duy vật nữa, không có vật chất – năng lượng, hay ánh sáng theo kiểu vật chất. Mọi thứ hình tướng màu sắc ánh sáng ở nơi đây là duy tâm, do tâm thức tạo nên, chứ không có tồn tại thực theo khái niệm duy vật. Do không còn vật chất, và không còn ham muốn hưởng thụ ăn uống hít thở vật chất nào nữa – nhưng còn sự khoái lạc về tinh thần, toàn bộ chúng sanh cõi Sắc Giới là đồng 1 thân nam giới (nhiều trai dẹp), không có nữ giới.
Những người tái sinh được vào các tầng trời Sắc Giới trở lên, là những người chuyên tu Thiền Định, khi đạt đến cảnh giới nào đó thì sinh vào tương ứng bằng cách hóa sinh. Có 4 cấp Thiền tướng ứng với 4 cấp tầng Trời, là câp Sơ Thiền (cấp sơ đẳng), Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền. Do là kết quả tu tập của Thiền Định, cho nên chúng sanh Sắc Giới chứng được những mức độ thần thông siêu việt hơn và vượt ngoài giới hạn, còn quy luật càng lên cao thì dung mạo càng đẹp thọ mạng càng gì gì đó bla bla bla thì tất nhiên, mình không cần nhắc lại.
1) SƠ THIỀN THIÊN – các tầng trời của mức độ Thiền sơ đẳng – còn gọi là TRỜI PHẠM THIÊN (hoặc PHẠN THIÊN)
Chúng sanh tái sanh cõi trời này giữ được Phạm Hạnh – tức thân không dâm dục, ý nghĩ không tơ tưởng đến tình dục dù chỉ mảy may, hoàn toàn Thiền định thuần tịnh, thì mạng chung được tái sanh lên đây.
- [1] Phạm Chúng Thiên ब्रह्मपारिषद्य Brahmapāriṣadya: cư dân cõi trời này là hạng thường dân, không có quyền hạn gì được biệt, và có nhiệm vụ tùy tùng của dân trời Đại Phạm. Thân hình cao 1/3 do tuần, Thọ mạng 1/2 trung kiếp (1 trung kiếp = 20 tiểu kiếp, 1 tiểu kiếp = 16 triệu 800 ngàn năm)
- [2] Phạm Phụ Thiên ब्रह्मपुरोहित Brahmapurohita: chư Thiên cõi trời là các quan phụ giúp việc của dân trời Đại Phạm. Cao 1/2 do tuần. Thọ 1 trung kiếp.
- [3] Đại Phạm Thiên महाब्रह्मा Mahābrahmā: là cư dân lãnh đạo, thủ lĩnh, thọ 1,5 trung kiếp, cao 1,5 do tuần. Riêng vua của toàn bộ tầng trời Sơ Thiền là Đại Phạm Thiên Vương – thọ 1 kiếp (tức 4 trung kiếp)
Đại Phạm Thiên Vương tương đương với Chúa Trời – Đấng Thần Quyền Sáng Thế Tạo Tác của toàn bộ vũ trụ trong các tôn giáo khác, là vị Đại thiên thần được sinh ra trước hết trong một chu kỳ thế giới (Thành Trụ Hoại Diệt như đã nói ở phần 2), nên tưởng rằng mình là sáng tạo thế giới, là chủ thế giới: “Ta là Phạm thiên, Ðại Phạm thiên, Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Chúa Sáng tạo, Chúa Hóa sanh, Bậc Ðại tôn, Chúa tể mọi định mệnh, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Những loài chúng sanh ấy do chính ta tạo ra“.
Đại Phạm Thiên Vương có được thọ mạng lâu dài hơn, diện mạo xinh đẹp tốt tướng hơn, uy quyền nhiều hơn những chúng sanh Phạm Thiên khác. Rồi những Phạm thiên khác cũng nghĩ rằng chúng ta được tạo ra từ vị Đại Phạm Thiên Vương này bởi vì chúng ta đến sau vị ấy. Chàng thường trổ tài với các tầng trời Dục giới, không có ai sánh kịp, nên bản tính Đại Ngã kiêu hãnh tự cho mình là nhất. Nhưng vì hạn hẹp nên chàng ấy không nhận thức được phía trên mình còn có các tầng trời cao hơn.
Đức Phật khẳng định chỉ ra, thế giới sinh diệt theo luật Nhân Quả, không do đấng nào sáng tạo ra cả, thì chàng Đại Phạm Thiên Vương của chúng ta cũng chỉ là 1 chúng sanh trôi nỗi trong luân hồi mà thôi, do thọ mạng quá lớn phước báo quá dày nên không cảm nhận được sinh tử.
- Và đây chính là tuyệt thế đại mỹ nhân trong làng showbiz Tam Giới, dung mạo trai đẹp toàn mỹ hoàn hảo, thanh khiết sáng lòa, ngài Thiên Ma Ba Tuần anh tuấn của Dục Giới nếu có đọ sắc so với chàng thì không là cái đinh gì cả. Trừ trường hợp, chàng muốn xuống thăm Đế Thích, thì phải hóa hiện thành thân hình “kinh tởm hơn” mới xuống được tầng dưới, tuy nhiên, “kinh tởm” đó vẫn còn dẹp chán, đẹp hơn cả Đế Thích (là Nam vương local) và sẽ luôn là người đẹp nhất của cõi trời mà chàng hiện thân xuống.
Sơ Thiền là cõi trời còn có mức độ phân giai cấp và tổ chức xã hội như có dân có quan và có vương, và chen chân với giới showbiz. Từ tầng Nhị Thiền trở lên, các chúng sanh bình đẳng và an trú tự tại, không còn phân biệt xã hội gì nữa.
2) NHỊ THIỀN THIÊN – các tầng trời của những người chứng được mức độ Thiền thứ hai
- [4] Thiểu Quang Thiên परीत्ताभ Parīttābha: vì trong các cõi trời Nhị Thiền, nơi này ít ánh sáng nhất. Chúng sanh thọ 2 kiếp, cao 2 do tuần
- [5] Vô Lượng Quang Thiên अप्रमाणाभ Apramāṇābha: có nghĩa là cõi đầy ắp, vô cùng ánh sáng. Chúng sanh thọ 4 kiếp, cao 4 do tuần.
- [6] Quang Âm Thiên आभास्वर Ābhāsvara: có nghĩa là cõi của những vị chư Thiên phát quang hay phóng quang rực rỡ từ sắc tâm. Chúng sanh thọ 8 kiếp, cao 8 do tuần.
3) TAM THIỀN THIÊN – tầng trời của những người chứng được mức độ Thiền thứ ba
- [7] Thiểu Tịnh Thiên परीत्तशुभ Parīttaśubha: nơi những vị trời phát hào quang vừa hoặc ít. Chúng sanh thọ 16 kiếp, cao 16 do tuần.
- [8] Vô Lượng Tịnh Thiên अप्रमाणशुभ Apramāṇaśubha: nơi những vị trời phát hào quang đầy khắp, vô lượng. Chúng sanh thọ 32 kiếp, cao 32 do tuần.
- [9] Biến Tịnh Thiên शुभकृत्स्न Śubhakṛtsna: có nghĩa là nơi những vị trời luôn tỏa sáng hào quang liên tục, luôn luôn có hào quang tỏa sáng vững chắc. Chữ Tịnh có nghĩa sự xinh đẹp của hào quang phát ra từ thân của hàng chư Thiên ở cõi Tam Thiền này. Chúng sanh thọ 64 kiếp, cao 64 do tuần.
4A) TỨ THIỀN THIÊN – tầng trời của những người chứng được mức độ Thiền thứ tư
- [10] Vô Vân Thiên अनभ्रक Anabhraka: tâm chư thiên trong cõi này không còn vọng động. Chúng sanh thọ 128 kiếp, cao 128 do tuần.
- [11] Phúc Sinh Thiên पुण्यप्रसव Puṇyaprasava: chư thiên ở tầng trời này đều không còn sự đau khổ, và cũng không còn chấp trước vào dục lạc nữa. Chúng sanh thọ 256 kiếp, cao 256 do tuần.
- [12] Quảng Quả Thiên बृहत्फल Bṛhatphala: nơi của những vị trời được hưởng quả phúc lành to lớn, sống trong niềm an lạc vô cùng vô tận và thần thông của họ cũng diệu dụng vô cùng; Chúng sanh thọ 500 kiếp, cao 500 do tuần.
- [13] Vô Tưởng Thiên असञ्ञसत्त Asaññasatta: nơi của những chúng sinh không có Thức tức vô thức, chỉ còn lại hình hài hình sức, chứ không còn danh ngã. Dù đã đoạn dứt tư tưởng, song đó chưa phải là sự đoạn dứt vĩnh viễn; họ chỉ mới đoạn được tạm thời trong năm trăm kiếp mà thôi. Chúng sanh thọ 500 kiếp, cao 500 do tuần (giống Quảng Quả)
4B) NGŨ TỊNH CƯ THIÊN – tầng trời của những người chứng được mức độ Thiền thứ tư nằm trong nhóm trời cao cấp đặc biệt
Chữ Tịnh ở đây là thanh tịnh trong sạch, khác nghĩa với Tịnh của Nhị Thiền là đẹp đẽ. Đây là nơi có 5 tầng trời thanh tịnh, tiếng Phạn là शुद्धावास Śuddhāvāsa, của những vị chứng đắc được ít nhất là thánh quả Tam quả A-na-hàm (Anāgāmī) trở lên trong Tứ thánh quả, còn gọi là quả vị Bất lai, nghĩa là Không trở lại cõi người nữa, tạm thời thoát khỏi Luân Hồi, họ đã diệt sạch hai được lòng Tham và Sân hận. Khi có Phật thị hiện thì họ sanh xuống cõi người để được Phật giáo hóa. Do vậy mới được gọi là cõi tịnh, cõi an toàn để thiền tu tập.
- [14] Vô Phiền Thiên अवृह Avṛha: được xem là cõi bền vững, các vị Thiên này nào không rời bỏ trú xứ của mình, dù chỉ trong khoảnh khắc, không chết trước khi hết tuổi thọ. Có niềm tin (Tín) mạnh hơn cả. Chúng sanh thọ 1.000 kiếp, cao 1.000 do tuần.
- [15] Vô Nhiệt Thiên अतप Atapa: là cõi tịch tịnh, các vị này thường nhập Thiền, các phiền não là nhân khiến cho sanh nhiệt não ấy, không có cơ hội sanh khởi, nên tâm của nhóm này chỉ có sự an tịnh mát mẽ, không có loại nhiệt khổ não nào cả. Có sự kiên trì, tiến Tấn mạnh hơn cả. Chúng sanh thọ 2.000 kiếp, cao 2.000 do tuần.
- [16] Thiện Kiến Thiên सुदृश Sudṛśa: là cõi đẹp, những chư Thiên nơi đây nhìn thấy sự vật rất rõ ràng, do nhục nhãn (mắt thường) hoặc Thiên nhãn (mắt trời), pháp nhãn (mắt tu hành), tuệ nhãn (mắt trí tuệ) thanh tịnh. Họ cũng có tầm nhìn vô cùng rộng lớn, họ có thể nhìn thấy được rất xa. Có chánh Niệm tỉnh thức hơn cả. Chúng sanh thọ 4.000 kiếp, cao 4.000 do tuần.
- [17] Thiện Hiện Thiên सुदर्शन Sudarśana: là cõi quang đãng, chư Thiên ở cõi này có thân rất xinh đẹp, nên bất luận người được nhìn thấy sẽ phát sanh an lạc. Bởi lẽ ấy, nhóm chúng sanh cõi trời này có tên là Thiện Hiện, cũng như có thể biến hóa hiện ra mọi cảnh giới an lạc. Có sự Định mạnh hơn cả. Chúng sanh thọ 8.000 kiếp, cao 8.000 do tuần.
- [18] Sắc Cứu Cánh Thiên hay còn gọi là Trời Hữu Đỉnh अकनिष्ठ Akaniṣṭha: là cõi trời tối cao và thù thắng nhất của cả 18 tầng trời Sắc Giới. Cái gì mà nhất nhất nhất là đều thuộc về cõi trời này. Là các bậc Thánh của Trí Tuệ thù thắng nhất. Chúng sanh thọ 16.000 kiếp, cao 16.000 do tuần.
Hữu Đỉnh có nghĩa là còn thấy đỉnh, còn có đỉnh, tức ám chỉ đây là nơi cao nhất tột cùng rồi. Bởi vì bức lên 5.580.000.000 yojana trên chúng ta đến được một cách giới khác, thế giới Vô Sắc – là không hình không tướng, chẳng còn thấy gì nữa cả. Do đó, hào quang của Đức Phật chỉ có thể chiếu lên cuối cùng đến được trời Sắc Cứu Cánh, không thể lên được Vô Sắc Giới.
BA LA MÃ) VÔ SẮC GIỚI – FORMLESS REALM – Thế giới mơ mơ màng màng – Vô hình vô tướng – Ārūpyadhātu आरूपधातु
Thế giới này không tồn tại bất cứ hình thái hình sức gì, về thị giác vật chất như Dục Giới hay thị giác tinh thần như Sắc Giới, toàn bộ cõi trời nơi đây là một trạng thái thuần về tâm thức, chỉ là nơi hư không trống rỗng mà thôi (Nơi Hư Vô Lạc Lối )
Các chúng sanh nào tu Thiền mà tu quá trớn, nhập định quá sâu, thì lạc lên cõi này luôn. Đức Phật không thể giáo hóa hay cứu được, chỉ còn chờ họ rớt xuống các tầng trời bên dưới thì họ mới lấy lại được nhận thức để thụ nhận Pháp Phật. Nhưng cực kỳ dài lâu, bởi thọ mạng của những người này cực kỳ khủng khiếp, và chưa kể dòng thời gian giữa Vô Sắc Giới so với các cõi dưới cũng vượt xa. Vô Sắc Giới gồm 4 tầng trời:
1) Không Vô Biên Xứ अाकाशानन्त्यायतन Ākāśānantyāyatana: cõi không gian vô biên vô cùng tận. Chúng sanh thọ 20.000 kiếp, cao…. chư Thiên ở đây không hình không tướng thì lấy đâu mà đo chiều cao của họ.
2) Thức Vô Biên Xứ विज्ञानानन्त्यायतन Vijñānānantyāyatana: cõi ý thức vô biên vô cùng tận. Chúng sanh thọ 40.000 kiếp.
3) Vô Sở Hữu Xứ आकिंचन्यायतना Ākiṃcanyāyatana : cõi hư vô, không còn tồn tại gì cả, dù là thức hay không gian. Chúng sanh thọ 60.000 kiếp.
4) Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ नैवसंज्ञानासंज्ञायतन Naivasaṃjñānāsaṃjñāyatana: cõi xứ sở Không Có Tưởng Cũng Không Không Có Tưởng – bầu không gian không còn cảm nhận nhưng cũng không phải không còn cảm nhận (cái tên xoắn não ha). Không phải cái này, cũng không phải cái kia, một trạng thái tâm thức ngưng đọng, nơi mọi quan sát gần như dừng hẳn. Tâm quan sát vẫn có mặt, nhưng ở một mức độ vi tế đến nỗi ta không tưởng, cũng không không tưởng.
Đây là cõi trời cao nhất của toàn thể Tam Giới. Thọ mạng của những ai trót sanh lên Pi Ti Pê Pê Tê này là 8 vạn 4 ngàn kiếp (84.000 kalpa). 1 kiếp = 4 trung kiếp, 1 trung kiếp thì = 20 tiểu. 1 tiểu kiếp = 16.800.000 năm. 1 ngày trên trời PTPPT bằng bao nhiêu năm dưới trần gian cõi người, không ai tính được, quá khủng khiếp. Cho nên thế giới thành trụ hoại diệt đến biết bao nhiêu lần, các Phật xuất hiện bao nhiêu vị, thì chúng sanh Vô Sắc Giới vẫn trong trạng thái tâm thức không ai động tới được.
C/ MỘT CHÚT TỔNG QUÁT VỀ CHƯ THIÊN (DEVAS)
Chư thiên nói chung vô hình đối với mắt người. Chư Thiên chúng ta tính Dục Giới và Sắc Giới thôi nhé, Vô Sắc Giới coi như họ không tồn tại rồi, khó quá bỏ qua.
Người bình thường, có thức duyên và có được năng lực thiên nhãn thông (divyacakṣus) – một kiểu sức mạnh ngoại cảm mà có thể nhìn thấy chúng sinh từ các không gian khác, thì có thể thấy được các vị chư Thiên ở các tầng trời gần chúng ta nhất. Muốn thấy được Phạm Thiên thì chỉ có thể đợi chàng hóa hiện xuống các tầng trời thấp trong hình thái “kinh tởm” hơn so với thực tướng của chàng.
Tiếng nói dân cõi trời (thiên âm) cũng có thể được nghe bởi những người có thiên nhĩ thông (divyaśrotra).
Hầu hết các chư thiên có khả năng hóa hiện thành các thân để có thể tự biểu lộ với các chúng sinh ở thế giới thấp hơn. Vậy nên, hoàn toàn có khả năng 1 vị thiên dân, ví dụ cõi trời Đao Lợi đi, hiện thân trong hình hài cõi người của nhân thế và sống 100 năm, sau đó quay trở lại Đao Lợi thì họ chỉ mất có 1 ngày. Ví 1 ngày trên Đao Lợi bằng 100 năm dưới trần gian như đã nói ở trên.
Chư thiên không nhất thiết phải ăn thức ăn giống như con người, họ ăn phẩm vật thanh tịnh hơn (như 2 tầng Địa Cư Thiên) hoặc nghỉ cần ngửi hương hoa hít hương gió mây trời là no đủ (như các tầng Không Cư Thiên).
Chư thiên có khả năng di chuyển với khoảng cách lớn một cách nhanh chóng và bay trong không trung, mặc dù các chư thiên ở trời thấp hơn đôi khi thực hiện điều này thông qua các công cụ hỗ trợ ma thuật như một cỗ xe biết bay chẳng hạn, chứ không tự bay được.
CHƯ THIÊN TRONG PHẬT GIÁO KHÁC BIỆT VỚI KHÁI NIỆM CÁC VỊ THẦN (Gods/Goddesses), CHÚA TRỜI (God) VÀ THIÊN THẦN (Angels) TRONG CÁC VĂN HÓA TÔN GIÁO KHÁC NHƯ SAU:
- Chư Thiên không phải là đấng bất tử, các bạn cũng thấy rõ con số thọ mạng ở trên rồi mặc dù lâu thật nhưng hữu hạn, Khi họ qua đời, họ được tái sinh thành một chúng sanh khác, có thể là một chư thiên tầng dưới, có thể là một con người hoặc một cõi nào đó khác. Các đại sư Phật giáo Tây Tạng cho rằng họ thường tái sinh vào cõi đau khổ thấp hơn như Địa Ngục hoặc Ngạ Quỷ vì sự tồn tại dưới tư cách chúng sanh cõi Trời của họ tiêu tốn rất nhiều nghiệp tốt (good karmas), hoặc cũng có thể được tái sinh thành người và động vật. Tuy nhiên đó chỉ là 1 quan điểm.
- Chư Thiên không sáng tạo ra hay định hình thế giới. Họ hóa sinh ra dựa trên nghiệp lực trong quá khứ của mình và cũng chịu sự chi phối của các quy luật nhân quả tự nhiên như bất kỳ thực thể nào khác trong vũ trụ. Họ cũng không có vai trò trong các những sự Hủy Diệt định kỳ của thế giới.
- Các chư Thiên không phải là hóa thân của một hay nhiều Thượng Đế (God/Gods) hay là biểu tượng của chúa trời thần linh. Họ được xem là giống như con người với những cá thể riêng biệt với tính cách khác nhau và con đường riêng trong cuộc sống. Cứ mường tượng dân trời ở nơi văn minh hơn, bản thân dân cõi trời cũng có năng lực phát triển thần thông hơn – còn lại, y hệt như con người (nhất là 2 tầng trời Địa Cư Thiên).
- Họ không phải là đấng toàn tri biết tuốt mọi thứ. Kiến thức của họ kém hơn rất nhiều so với một vị Phật giác ngộ giải thoát hoàn toàn, và họ đặc biệt thiếu nhận thức về chúng sinh trong thế giới cao hơn chính họ. Ví dụ trai đẹp tuyệt thế Đại Phạm Thiên Vương nghĩ rằng chàng là nhất là tối cao, nhưng chàng không hề nhận thức được trên chàng còn có các tầng trời Nhị, Tam và Tứ Thiền (và Vô Sắc Giới).
- Họ không phải là đấng toàn năng. Sức mạnh của họ có xu hướng bị giới hạn trong thế giới của riêng mình, và họ hiếm khi can thiệp vào “business” của con người. Khi chư Thiên thực sự can thiệp, thường là bằng lời khuyên thầm lặng hơn là can thiệp về thể chất, chiến tranh, động tay vung chân.
- Chư Thiên không hoàn hảo về mặt đạo đức. Các vị Thiên trong Sắc Giới không còm đam mê và ham muốn của con người, nhưng một số trong số họ có khả năng thờ ơ, kiêu ngạo và tự hào với bản thân, như Đại Phạm Thiên Vương chẳng hạn. Các vị thiên của các tầng trời thấp hơn trong Dục Giới trải nghiệm cùng một loại đam mê mà con người làm, bao gồm (ở nơi thấp nhất trong những thế giới này), sex ham muốn, ghen tị và sân giận. Do chính sự không hoàn hảo đó nên họ mới được tái sinh trong những thế giới Trời cõi thấp này.
- Chư Thiên không được coi là ngang hàng với những người tu hành tị nạn Phật giáo – tức là các vị Thánh tị nạn trong các cõi trời để an định và tu tập (trong khi cõi người và các cõi trời dưới khá xô bồ). Mặc dù một số cá nhân chư Thiên có thể là những chúng sanh có uy quyền và uy tín đạo đức lớn (như các vị Thiên Vương của mỗi tầng trời) và xứng đáng với sự tôn trọng cao (trong một số trường hợp hiếm, họ cũng có giác ngộ quả Thánh luôn), nhưng chung quy lại không có chư Thiên nào nào có thể được xem là đấng giải thoát khỏi Tam Giới hoặc kiểm soát nắm quyền sinh tử luân hồi của một chúng sanh khác, bản thân họ cũng chỉ là 1 chúng sanh trôi lăn trong luân hồi mà thôi.
Do vậy, thọ mạng quá lâu cũng được xem là một chướng ngại cho đường tu hành giải thoát khi họ khó nếm được mùi vị sanh tử, bản thân họ cũng trường xuân và trẻ không bị già, cộng với sự hưởng thụ sung sướng tự tại, khién cho họ không chịu khổ và không có động lực lớn lao để tu hành. Do đó, Đức Phật dạy rằng cõi người chính là cõi an toàn của chư Thiên, chư Thiên mạng chung đều ao ước sanh về cõi Người. Và phước lớn lắm mới được sanh làm người, và chỉ có ở cõi Người mới có hạnh phúc lẫn khổ đau cùng tận, để loài người có động lực và mục đích lớn mà tu hành, và cũng là lý do Đức Phật hiện thân hạ sanh trong cõi Người chứ không phải ở cõi Thiên.
Loạt bài Vũ trụ quan Phật giáo … to be continued
Nguồn tham khảo:
► PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI KHOA HỌC – Trần Chung Ngọc, PHẬT HỌC CƠ BẢN Tập 4, Nhà xuất bản Tôn giáo
► ĐẠO PHẬT CÓ PHẢI LÀ TÔN GIÁO HAY KHÔNG? Huyền Chân, PHẬT HỌC CƠ BẢN Tập 4, Nhà xuất bản Tôn giáo
► Kinh Avatamsaka Sutra, Hòa thượng Thích Trí Tịnh bản dịch tiếng Việt “Kinh Hoa Nghiêm”, NXB: Phật học Viện Quốc tế, 1983
► PHẬT HỌC PHỔ THÔNG, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Giáo hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh, 1997, tập 9 Vũ Trụ Quan Phật Giáo
———–
Link Phần 1️⃣ ALBERT EINSTEIN và VẬT LÝ LƯỢNG TỬ facebook.com/groups/vietnamquora/permalink/2648256315407488/
Link Phần 2️⃣ VŨ TRỤ LUẬN và KHOA HỌC THIÊN VĂN PHẬT GIÁO facebook.com/groups/vietnamquora/permalink/2655426331357153/
Link Phần 3️⃣ HỆ THỐNG KIẾN TRÚC CÁC TẦNG TRỜI THIÊN GIỚI facebook.com/groups/vietnamquora/permalink/2684596208440165/