{ PHẦN 2 } của Loạt bài về THIÊN VĂN VŨ TRỤ QUAN PHẬT GIÁO

{ PHẦN 2 } của Loạt bài về THIÊN VĂN VŨ TRỤ QUAN PHẬT GIÁO – Phật giáo & Thế giới Lượng tử – Tân vật lý & Vũ trụ luận – THUYẾT BIG BANG – Hệ thống hóa cấu trúc của vũ trụ theo quan điểm của Đạo Phật và “THẾ GIỚI TA BÀ” LÀ GÌ?

I) LỜI DẪN

Trong suốt hàng thiên niên kỷ, người ta nói về câu chuyện “Bánh Chưng, Bánh Giày” để tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa là “Trời thì tròn, Đất thì vuông”, cũng như trong quan điểm của Nho Giáo, ghi chép của Kinh Dịch, cũng cho rằng “Thiên viên, Địa phương” (Trời tròn, Đất vuông) của các nước lân bang đồng văn, hoặc những nền văn minh các cũng có những câu chuyện thần thoại, huyền sử cho riêng mình.
Ở phía bên kia của thế giới, cũng nổ ra sự mâu thuẫn tranh cãi kịch liệt liên quan đến “Trái Đất phẳng”, “Trái Đất hình vuông”, “Trái Đất trung tâm của Vũ trụ, Mặt Trời quay quanh Trái Đất”, vân vân, và bất cứ ai dám đưa ra những khám phá mới chống lại những tư tưởng quan niệm không thể chối cãi trên, sẽ bị xem là báng bổ và khó thoát khỏi việc bị hành hình, hỏa thiêu cho đến chết…
Và cũng suốt hơn 2500 năm lịch sử đó, khi chưa có các lý thuyết về định luật hấp dẫn của Newton, chưa có thuyết tương đối của Einstein, chưa có kính không gian thiên văn Hubble, cũng như chưa hề tồn tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ NASA, … thì Phật giáo đã không dùng bất kỳ một công cụ, cũng không dựa trên bất cứ một phương tiện nào lại có được mô tả về Vũ Trụ chính xác đến như vậy, Vũ Trụ mà không chỉ gói gọn trong Hệ Mặt Trời, các Hành Tinh, mà ở một mức độ vĩ mô bao quát vượt ngoài cả Thiên Hà… Hoặc về cấp độ vi mô, Đức Phật “phán” một cách chuẩn xác 1 giọt nước trong vắt là “cả 1 thế giới trong đó” chứa rất nhiều những sinh vật nhỏ bé, mà thế giới mãi cho đến năm 1673, cách Đức Phật 23 thế kỷ, nhà khoa học Antonie Van Leeuwenhoek – cha đẻ của ngành Vi sinh (Microbiology) mới khám phá, quan sát và mô tả ra những sinh vật như thế, như sinh vật đơn bào (Protozoans), vi trùng (microbes), vi khuản (bacteria), vi thực vật, vi tảo (microalgae, microphytes), vi nấm (algae, fungus)… bằng kính hiển vi một tròng do ông tự thiết kế.
Hàng trăm nghìn nhà khoa học hàng đầu thế giới đã tiêu tốn bao nhiêu công sức nghiên cứu trong lĩnh vật Vật Lý Lượng Tử – Thiên Văn Học Hiện Đại để tạo ra hàng trăm nghìn công trình khoa học, cùng với sự đầu tư hàng trăm tỷ đô la cho lĩnh vực này mới khám phá ra được chụp được những kết quả gần đây… thì hơn 25 thế kỷ trước đó, lời của Đức Phật được ghi chép lại văn bản tiếng Phạn viết trên lá bối có kiểm chứng khảo cổ học (cũng như đồng vị phóng xạ carbon – chu kỳ bán rã) đã đề cập kết luận chính xác về vũ trụ một cách rất đáng kinh ngạc. Chắc mức độ khó tin có thể làm cho nhiều bạn phản bác và cho rằng không thể nào, chắc do ngẫu nhiên thôi, nói bừa nói đại ngẫu nhiên trúng ấy mà, chứ làm gì mà ghê đến thế, nếu bạn tin vào định kiến như vậy thì đó là quyền của bạn… nhưng sự khó tin này dẫn đến Hiện tượng vô cùng thú vị kiểu “Phenomenal” khi Phật giáo và Phương Tây hiện đại tiếp xúc giao thoa nhau, và các nhà khoa học cũng khá kinh ngạc, bất ngờ kèm lẫn tò mò khi tiếp xúc với 1 tôn giáo vô cùng đặc biệt khác xa với những gì họ hình dung về tôn giáo (như cũng đã dẫn ở Phần 1).

II) VÍ DỤ MỘT SỐ ĐOẠN KINH VĂN KÈM MÔ TẢ HÌNH HỌC – HÌNH ẢNH và NGUỒN của NASA

“Trong thế giới hải đó có thế giới vi trần số thế giới chủng. Mỗi thế giới chủng có thế giới vi trần số thế giới.” (trích “Avatamsaka Sutra”, Hòa thượng Thích Trí Tịnh bản dịch tiếng Việt “Kinh Hoa Nghiêm”, Quyển 8 (quyển cuối), Phẩm 39 Nhập Pháp Giới, NXB: Phật học Viện Quốc tế, 1983)
Nếu dùng ngôn ngữ hiện đại mà mô tả thì câu trên có nghĩa là: Trong siêu thiên hà (biển thế giới) có hàng tỷ tỷ thiên hà (thế giới chủng). Mỗi thiên hà có hàng tỷ tỷ ngôi sao (thế giới). Cũng từ đoạn kinh này có thể thấy rằng theo quan điểm của Phật giáo thì Mặt Trời của chúng ta cũng không phải là trung tâm của Vũ Trụ. Cũng theo đoạn kinh trên cho thấy số lượng các thiên hà, ngôi sao… là không thể đếm được. Trong kinh Saddharma Pundarika Sutra (Kinh Pháp Hoa) cũng đề cập đến có rất nhiều thế giới ví dụ và giới hạn vô cùng tận của vũ trụ:
“Ví như có năm trăm nghìn muôn ức na do tha a tăng kỳ cõi tam thiên đại thiên thế giới, giả sử có người nghiền làm vi trần qua phương đông*, cách năm trăm nghìn muôn ức na do tha a tăng kỳ cõi nước, bèn rơi một bụi trần, đi qua phía đông như thế cho đến hết vi trần đó.” (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, Quyển 5 Phẩm 16 Như Lai Thọ Lượng, NXB: Phật học Viện Quốc tế, 1988)
Dịch nghĩa theo ngôn ngữ hiện đại là, ví như có 500 x 10^3 x 10^4 x 10^8 x 10^28 x 10^140 các siêu thiên hà, đem nghiền toàn bộ hết thành hạt vi trần, tức hạt mà không thể phân chia nhỏ hơn nữa, đi về phía đông của Vũ trụ. Cứ vượt qua được mỗi 500 x 10^3 x 10^4 x 10^8 x 10^28 x 10^140 siêu thiên hà, thì thả 1 hạt vi trần đó xuống, cứ như thế thả mãi cho hết số hạt vi trần trên, thì số lượng vẫn vô tận không thể tính đếm được (số liệu, thuật ngữ sẽ được giải thích rõ hơn ở Mục IV bên dưới)
  • “vi trần” theo một số kinh văn đã trình bày là lấy một hạt cát sông Hằng – con sông linh thiêng nhất Ấn Độ – chia nhỏ như toàn bộ số cát sông Hằng hiện có (Hằng Hà sa số = số cát Sông Hằng), và lấy số cát đã được chia lại chia nhỏ như toàn bộ số cát sông Hằng lần hai, cứ thế tiếp tục mãi cho đến khi không thể phân chia được nữa thì gọi là “vi trần”
Kết quả quan sát gần đây từ kính thiên văn Hubble gần đây của Cơ quan Hàng không và không gian NASA (trong các bức ảnh cũng có kèm theo nguồn và ngày chụp)
Điều đáng chú ý là hình dạng các thực thể vũ trụ cũng được kinh điển Phật giáo mô tả phù hợp với kết quả quan sát của thiên văn học hiện đại.
Lúc đó Bồ Tát Samantabhadra (Phổ Hiền Bồ Tát) lại bảo đại chúng rằng: “Này Chư Phật tử! Các thế giới chủng có nhiều hình tướng sai khác, hoặc tròn, hoặc vuông, hoặc chẳng phải tròn vuông, hoặc hình như nước xoáy, hoặc hình như núi, hoặc hình như cây, hình như bông, hoặc hình như cung điện, như hình chúng sinh, như hình Phật, có thế giới vi trần số hình sai khác như vậy.” (kinh Avatamsaka, đã dẫn)
Có thế giới thì hình cây
(12) https://www.nasa.gov/sites/default/files/pia17555.jpg
Những bức ảnh chụp như trên thành thành quả kế thừa tích lũy kiến thức khoa học suốt hơn nghìn năm và những đột phá mới của khoa học trong thế kỷ 20 và 21 và tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của mới cho ra được các kết quả quan sát trên, thì chỉ cần trích một vài ví dụ nhỏ trong các văn bản kinh Phật cũng đủ để miêu tả toàn bộ chúng một cách chính xác và phù hợp đến như vậy mà không cần phải suy diễn văn bản kinh theo nghĩa chuyển nghĩa bóng.

III) THUYẾT BIG BANG và SỰ HÌNH THÀNH THẾ GIỚI NHẬN THỨC và TRI KIẾN

  • (Lưu ý nội dung mục này mình đắn đo edit và xóa đi xóa lại, lượt bỏ rất nhiều, do vậy có thể bị lủng củng và đứt quãng, mong mọi người chỉ đọc tham khảo hoặc có thể bỏ qua phần này luôn cũng được, bởi mục IV bên dưới mới là nội dung chính của post này)
Mục này dùng để tham khảo, nêu ra một vài văn kinh có sự tương đồng với thuyết Big Bang và các học thuyết về sự hình thành sự sống theo thuyết tiến hóa.
Thuyết Big Bang hiện được các nhà chuyên môn thừa nhận như một sự kiện khoa học đáng tin cậy để giải thích về sự hình thành của vũ trụ. Theo lý thuyết này, có thể hình dung nôm na thế giới ban sơ chỉ là một “điểm” đặc biệt có khối lượng vật chất cực lớn bị nén ép mà thành.
Khi nhân duyên hội đủ, dị điểm (singularity) ấy bùng vỡ như một quả bom bi, phóng thích hàng tỉ tỉ khối vật chất khắp bốn phương trời; và từ đấy hình thành nên vũ trụ với các hành tinh. Cũng theo các nhà khoa học, trong cái dị điểm đặc biệt ấy không có thời gian, không gian; và tất nhiên cũng chẳng có con người. Bởi lẽ lúc ấy trái đất, mặt trăng, mặt trời và các chòm sao cũng chưa xuất hiện. Tất cả chỉ toàn một màu đen, đen đến độ không thể nhìn thấy bằng mắt thịt, có thể hình dung đơn giản cái nôi ban sơ của vũ trụ chỉ là một “thế giới toàn nước đen sẫm” thâm u mịt mù, “nồi súp vũ trụ” đặc quánh hơn nước đến bốn tỉ lần.
Trong kinh “Khởi Thế Nhân Bổn”, bài kinh giải thích về sự hình thành thế giới và con người, Đức Phật đã mô tả cụ thể:
“11. Này Vàsettha, lúc bấy giờ, vạn vật trở thành một thế giới toàn nước đen sẫm, một màu đen khiến mắt phải mù. Mặt trăng, mặt trời không hiện ra; sao và chòm sao không hiện ra; không có ngày đêm; không có tháng và nửa tháng; không có năm và thời tiết; không có đàn bà, đàn ông. Các loài hữu tình chỉ được xem là loài hữu tình mà thôi.
Này Vàsettha, đối với các loài hữu tình ấy, sau một thời gian rất lâu, vị đất tan ra trong nước. Như bọt nổi lên trên mặt cháo sữa nóng đang nguội dần, cũng vậy đất hiện ra. Ðất này có màu sắc, có hương và có vị. Màu sắc của đất giống như đề hồ hay thuần túy như tô, vị của đất như mật ong thuần tịnh” (Kinh số 27, Trường Bộ Kinh tập 2)
Vào cái thuở tối tăm mù mịt ấy, con người chưa có, thú vật chưa có, thậm chí ngay cả những sinh vật đơn bào tối sơ cũng chưa có, thì “các loài hữu tình chỉ được xem là loài hữu tình mà thôi”. Trong tiến trình đó, trái đất cũng là một trong muôn vàn hành tinh nóng bỏng được nguội dần với lớp vỏ bề mặt bên ngoài “như bọt nổi lên trên mặt cháo sữa nóng đang nguội dần, cũng vậy đất hiện ra”. Vì sao lại nói “đất có hương và có vị”, đã thế “vị của đất như mật ong thuần tịnh”? Theo thuyết tiến hóa, các chúng sinh trong thời tối cổ xưa mới chỉ là các sinh vật đơn bào, đa bào, nhuyễn thể, giáp xác, những sự sống đầu tiên được hình thành trong nước, một bể đại dương khồng lồ, và đất tan ra trong nước giải thích sự thủy phân, sự phân ly các chất muối khoáng, dinh dưỡng mà hấp thụ. Một số sinh vật đã tiến hóa vượt trội, từ trong cái thế giới “khiến mắt phải mù” chúng đã có thêm những “cửa sổ tâm hồn” để chiêm ngưỡng được cả “màu sắc của đất”, cho dù mới chỉ thấy đất ở cấp độ đơn giản “giống như đề hồ hay thuần túy như tô”.
“12. Này Vàsettha, có loài hữu tình, có tính tham, nói: “Kìa xem, vật này là gì vậy?”, lấy ngón tay nếm vị của đất. Khi lấy ngón tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân và tham ái khởi lên. Này Vàsettha, các loài hữu tình khác, theo gương hữu tình kia, lấy ngón tay nếm vị của đất. Khi lấy ngón tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân và tham ái khởi lên. Rồi các hữu tình kia bắt đầu thưởng thức vị của đất, bằng cách bẻ từng cục đất với bàn tay nhỏ của họ, thời ánh sáng của họ biến mất. Khi ánh sáng của họ biến mất, mặt trăng mặt trời hiện ra. Khi mặt trăng, mặt trời hiện ra, thì sao và chòm sao hiện ra. Khi sao và chòm sao hiện ra, ngày và đêm hiện ra, khi ngày và đêm hiện ra, thì nửa tháng và tháng hiện ra. Khi nửa tháng và tháng hiện ra, thời tiết và năm hiện ra. Như vậy, này Vàsettha, thế giới này bắt đầu thành trở lại.”
“Ánh sáng của chúng biến mất” có thể liên tưởng đến các loài sinh vật tự phát sáng dưới lòng biển sâu tăm tối, và cũng theo cổ sinh vật học, tổ tiên của những loài này cũng đã từng phải ăn đất, đã phải “bẻ từng cục đất với bàn tay nhỏ của họ” y như những con dã tràng xe cát biển đông.
Cũng theo quy luật tiến hoá (hay diệt chủng vì tham ái?), các loài cổ sinh vật phải thay nhau biến mất, nhường chỗ cho các sinh vật cao cấp hơn, thích nghi với môi trường tốt hơn, và sau cùng là con người có mặt. Chỉ khi con người có tư duy và có ngôn ngữ xuất hiện, lúc ấy những khái niệm “mặt trăng, mặt trời” mới hiện ra, “sao và chòm sao” mới hiện ra; “ngày và đêm”, “nửa tháng và tháng”, “thời tiết và năm” mới theo nhau lần lượt ra đời. Nếu đọc đến đoạn “thế giới này bắt đầu thành trở lại” có thể giật mình nảy sinh câu hỏi: không lẽ thế giới này trước đó đã bị hoại diệt để rồi giờ đây nó tái sinh trở lại? Nếu điều này là thực, vậy trước khi xảy ra Big Bang của thế giới hiện tại, hẳn đã có một Big Bang đời “cha”, thậm chí một Big Bang đời “ông”? Nhưng dẫu sao trong cái nôi “nước đen sẫm” ấy không có thời gian và không gian, vì thế cũng không có chuyện trước hay sau, sinh hay diệt, và Đức Phật đã nói rõ “đối với các loài hữu tình ấy, sau một thời gian rất lâu, vị đất tan ra trong nước”; điều này có nghĩa là “thời gian” và “không gian” chỉ đối với các loài hữu tình chúng ta mà thôi.
“- Này Bhaggava, Ta biết về khởi nguyên thế giới, Ta còn biết hơn thế nữa. Và khi Ta biết như vậy, Ta không có chấp trước. Vì không có chấp trước, Ta tự thân thấu hiểu được sự an tịnh ấy; chính nhờ chứng ngộ sự an tịnh này mà Như Lai không rơi vào lầm lỗi.”
“Vô thỉ, này các Tỳ-kheo, là sự luân hồi này. Ðiểm bắt đầu không thể nêu rõ đối với chúng sinh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc. Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo, là vừa đủ để các ông nhàm chán, là vừa đủ để các ông từ bỏ, là vừa đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành”
Chính vì điểm bắt đầu không thể nêu rõ khi còn bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, vì vậy muốn biết “khởi nguyên của bắt đầu” như thế nào, tốt hơn hết là hãy phá vỡ vô minh trước, thoát khỏi khát ái trước, nhằm thoát khỏi khổ đau trong sinh tử trước; thay vì cứ đi tranh luận chuyện vũ trụ này có hay không có trước và sau, sinh và diệt để rồi rơi vào chấp trước, lỗi lầm. Nhưng ngay cho dù có nhà khoa học nào đó chứng minh được rằng, trong dòng vô thỉ luân hồi ấy vũ trụ hiện nay có trước có sau, có sinh có diệt chăng nữa, thì vòng sinh tử luân hồi vẫn không chấm dứt chừng nào họ vẫn còn tạo nghiệp. Ý thức được điều này, mọi người hãy nỗ lực làm lành lánh ác, tạo lập công đức để tiến tu thoát vòng khổ lụy ngay trong kiếp sống này. Vũ trụ này đến một lúc nào đó cũng phải già cỗi, các hành tinh sẽ không còn đi lại nhanh nhẹn như trước, lúc ấy những “lỗ đen” (black holes) tham lam hơn, nuốt các hành tinh khác nhiều hơn để chúng trở thành lớn hơn theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Để rồi đến lượt chính các con “cá lớn” lại nuốt nhau khiến cho thế giới này phải co rút lại, và sau hết con cá lớn cuối cùng biến thành một lỗ đen siêu hạng với “một màu đen khiến mắt phải mù”. Và rồi khi nhân duyên hội đủ, cõi tối đen ấy lại bùng vỡ như một trái bóng nước bị nén mạnh. Cứ thế vũ trụ này dù có kỳ diệu đến đâu chăng nữa cũng không thoát khỏi được quy luật muôn đời của các tiến trình sinh – trụ – hoại – diệt. Hiểu rằng vũ trụ và cả bản thân mỗi người đều vô thường.

IV) MÔ TẢ HỆ THỐNG và CẤU TRÚC VŨ TRỤ theo thế giới quan Phật giáo

Chúng ta ít hoặc nhiều đã từng nghe đề cập đến khái niệm “Ta Bà thế giới”, “chúng ta đang sống trong thế giới Ta Bà”, vậy “Thế giới Ta Bà” rốt cuộc là gì?
Trước hết, đơn vị cơ bản nhất là Tiểu Thế Giới: 1 thế giới hệ (लोकधातु lokadhatu hay world-system) tức Hệ Mặt Trời (a Solar system) và nhiều hành tinh (kèm tiểu hành tinh, vệ tinh, vân vân) quay xung quanh, các hành tinh này có sự sống hoặc không có sự sống (có thể bao gồm 1 hay nhiều Trái Đất khác nhau chẳng hạn).
Cấp độ gấp tiếp theo là Tiểu Thiên Thế Giới (चूळनिकालोकधातु Cūḷanikā lokadhātu), lưu ý chữ “thiên” ở đây không nhất thiết là con số 1,000 cụ thể mà là một con số mang ước lệ tượng trưng, ý chỉ rất nhiều rất lớn, tức Thiên Hà (Galaxy), thực tế cũng chứng minh mỗi Thiên Hà trung bình 10^6 đến 10^8 ngôi sao hoặc lớn hơn, các ngôi sao đó là các Mặt Trời, các hằng tinh, định tinh và các sao đặc, sao lùn và các tàn dư sao…
Lại gấp một lần nữa một lượng khổng lồ thiên số các Tiểu Thiên Thế Giới để hợp thành 1 Trung Thiên Thế Giới (द्विसहस्सीमज्झिमिकालोकधातु Dvisahassī-majjhimikā-lokadhātu – Nhị Thiên Trung Thiên Thế Giới), tương đương với Quần Tụ Thiên Hà (Galaxy Cluster) hoặc Nhóm Thiên Hà (Galaxy Group) là tập hợp gồm hàng trăm đến hàng ngàn Thiên Hà liên kết với nhau bằng lực hấp dẫn.
Thiên Hà của chúng ta là Ngân Hà (Milky Way) và Thiên Hà hàng xóm gần nhất là Tinh Vân Tiên Nữ (Andromeda). Từ Ngân Hà đến Tiên Nữ mất 2,5 triệu năm ánh sáng. 1 giây ánh sáng đi được 300 000 km, nhân cho đủ số giây của 2,5 triệu năm là ra được khoảng cách. Vậy 1 quần tụ thiên hà là một thực thể lớn đến dường nào, khi gồm hàng trăm đến hàng ngàn các thiên hà bên trong nó.
Một lần nữa và cuối cùng, tập hợp hệ số rất lớn các Trung Thiên Thế Giới lại với nhau, ta được 1 Đại Thiên Thế Giới (त्रिसहस्रमहासहस्रलोकधातु Tri-sahasra-mahā-sahasra-lokadhātu – Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới), tương đương với 1 Siêu Thiên Hà (Metagalaxy) hay còn gọi là Siêu Đám Thiên Hà, Siêu Quần Tụ Thiên Hà (Supercluster) – tập hợp các quần tụ thiên hà, các dây, các mạng, liên kết với nhau thành một hệ thống với kích thước “Siêu Toa Khổng Lồ” và có hoặc không có liên kết ràng buộc với nhau bằng lực hấp dẫn.
Và theo ngôn ngữ trong các kinh điển Phật giáo với khái niệm “general” nhất khi nói về “thế giới” (hoặc còn gọi là “quốc độ”, “cõi nước”), chính là “Đại Thiên Thế Giới” (Mahā-sahasra-lokadhātu) tức thực thể Siêu Thiên Hà, cũng tương tự như khi nói về đại lượng thời gian, 1 “kiếp” [कल्प kalpa] thì mặc định hiểu là đang nói 1 “đại kiếp” [महाकल्प Mahākalpa – 1.343.840.000 năm], chứ không phải là 1 “trung kiếp” [असंख्येयकल्प Asaṃkhyeyakalpa – 335.960.000 năm] hay 1 “tiểu kiếp” [अन्तरकल्प Antarakalpa – 16.798.000 năm]
Vậy nên, “Thế giới Ta Bà” (सहालोकधातु Sahā-lokadhātu) của Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamunī), “Thế giới Cực Lạc” (सुखावती Sukhāvatī) của Phật A Di Đà (Amitābhaḥ), “Thế giới Tịnh Lưu Ly” (वैडूर्यनिर्भास Vaiḍūryanirbhāsa) của Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai (Bhaiṣajya-guru-vaiḍūrya-prabhā-rāja), “Thế giới Diệu Hỷ” (अभिरति Abhirati) của Phật A Súc (Akṣobhya)… vân vân và vân vân được đề cập trong các văn kinh, chính là những Siêu Thiên Hà khủng bố đến như vậy.
Vũ trụ có vô lượng vô biên thế giới không thể tính đếm, thì Siêu Thiên Hà Ta Bà cũng chỉ là 1 phân tử H2O nằm giữa muôn trùng đại hải vô tận các thế giới xung quanh mà thôi. Qua đó bạn có thể thấy, vũ trụ trong thế giới quan của Phật giáo nó cực đại vĩ mô toàn quát đến chừng nào, vượt ngoài đẳng cấp của trình độ khoa học hiện tại, chứ không đơn giản là Trời – Đất, Thiên Đường Địa Ngục, Nhật Tâm Địa Tâm, … như các truyền thuyết, chuyện kể huyền huyễn, thần thoại thêu dệt sáng tạo của các tôn giáo khác cũng như các nền văn minh khác trên thế giới.
Trong Kinh Amitayurdhyana Sutra (Kinh Vô Lượng Thọ), Đức Phật Thích Ca nói rằng, “Từ đây hướng về phương Tây** cách 10 muôn ức (muôn = 10^4, ức = 10^8) thế giới chư Phật, có 1 thế giới tên là Cực Lạc, giáo chủ cõi này là Phật Di Đà, thành Phật đến nay hiện đã 10 kiếp“. Tức từ thế giới Saha, muốn đến Sukhavati, phải vượt qua 10 x 10^4 x 10^8 = 10^13 Siêu Thiên Hà thì mới đến nơi – đây quả thực là 1 khoảng cách Siêu Không Gian – Siêu Thời Gian, chỉ có thể vượt qua bằng Tâm Thức chứ không bao giờ có thể bằng Cơ Học Vật Lý hay Ánh Sáng.
  • *, ** Lưu ý: các phương Đông, Tây là các phương xét trên hệ quy chiếu chuẩn của vũ trụ theo Phật giáo, gồm 10 phương (8 hướng Đông Tây Nam Bắc ĐB ĐN TN TB và 2 phương Thượng phương và Hạ phương), chứ không phải là phương Đông hay phương Tây tương đối dựa trên Hệ quy chiếu Trái Đất (Trái Đất tự xoay quanh trục của mình) theo hương Mặt Trời mọc/lặn.

V) KIẾP, THỜI GIAN CỦA VŨ TRỤ và một chút về Thuyết Luân Hồi

Thế giới Ta Bà hiện tại thuộc phạm vi giáo hóa của Đức Phật Thích Ca, tức ở mỗi Trái Đất, ở mỗi hành tinh nơi có con người sinh sống, Đức Phật Thích Ca sẽ thị hiện mà hóa độ. Trái Đất của chúng ta, có Việt Nam, có lịch sử Trung Quốc, hay Châu Âu, hay Mỹ hay Phi… thì sẽ có những hành tinh khác, từng nơi như vậy có sự kiện lịch sử các nhau, bản đồ thế giới khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, quốc gia khác nhau, giống như các thế giới song song trong truyện viễn tưởng vậy.
Điều đó theo thuyết Luân Hồi cũng có nghĩa là, một khi chúng ta mạng chung và nếu may mắn được đầu thai làm người 1 lần nữa, thì xác suất để chúng ta tái sanh lại tại Việt Nam, hay thậm chí là tại Trái Đất này, là rất thấp. Chúng ta sẽ có 1 cuộc sống mới (lại 1 lần nữa, như vô lượng lần trước đây), ở 1 thế giới mới, 1 lịch sử – địa lý mới, ngôn ngữ mới, sẽ không còn VN hay TQ hay Mỹ hay Ý Pháp hay Triều Tiên hay Thái Bình Dương… mà sẽ là một thế giới địa lý hoàn toàn mới. Tất nhiên những điều này xét theo khoa học hiện tại là siêu thực và không thể kiểm chứng được.
Và nói theo Phật giáo, tâm thức và nghiệp lực tái sanh kèm theo vô minh của chính bản thân, sẽ khiến chúng ta quên đi những đời sống ở những kiếp trước (chứ không phải uống Bát Canh Mạnh Bà hay bị Tiêm Thuốc Lú gì cả, mà quên đi là do tự thân vô minh trong mỗi con người). Và bạn sẽ trở thành một bản ngã hoàn toàn mới không phải là bạn lúc này nữa, ví dụ cho dễ hiểu bạn là Maria Ozawa và luân hồi thành Trần Văn B chẳng hạn, thì rõ ràng “Ma Ri A Ozawa” và “Trần Văn B” đã là 2 bản ngã khác nhau (khái niệm Bản Ngã trong Phật giáo có thể diễn giải bằng cả hệ thống Triết học – và Vô Ngã vì quan điểm Đạo Phật cho rằng bản ngã chỉ là “illusion”, không thật và vô thường, vì vô minh mà chúng ta mới có nhận thức sai lệch về bản ngã), 2 đời sống khác nhau và nhận thức, môi trường lớn lên và quan điểm khác nhau, chứ A và B không phải 1 người nữa . và A và B không có cùng 1 “linh hồn” như nhiều người lầm tưởng – “linh hồn” không phải là thứ vô địch siêu vũ trụ tồn tại trường tồn mãi mãi hết kiếp này qua kiếp khác, mà theo Đức Phật, “thần thức” có sinh có diệt, thức cũ tức “linh hồn của cô Ma Ri A Ozawa” có sinh có diệt. Thứ giống nhau duy nhất ở đây chính là Nghiệp Lực của anh B kế thừa toàn bộ từ cô A, từ Nghiệp đấy sinh ra Thức mới là nền tảng cho đời sống tiếp theo.
Đính chính rõ rằng, tất cả những quá trình luân hồi (संसार Saṃsāra) – tái sinh chuyển sinh – đều phải phù hợp với Nhân Quả , và dựa trên Tâm (चित्त Citta) và Nghiệp Lực (कर्मन् Karma) của mỗi người. Chỉ có những ai thành tựu được đạt được “Túc mạng minh” (Purvanivasanusmrtijnana-sak-satkriyavidya) mới biết được tỏ tường những gì đã xảy ra trong đời sống của mình trước đây, những kiếp trước cũng như quá trình trôi lăn trong 6 nẻo luân hồi, biết được việc sinh tử của mình và người khác.
Quay lại về chủ đề vũ trụ quan, thì 1 thế giới có tuổi thọ tuần hoàn là 1 kiếp, nói đầy đủ là 1 đại kiếp. 1 đại kiếp = 4 trung kiếp. 1 trung kiếp = 20 tiểu kiếp. 1 tiểu kiếp = 16 triệu 800 ngàn năm.
4 trung kiếp tương ứng với 4 giai đoạn là:
  1. HÌNH THÀNH (Vivartakalpa विवर्तकल्प) trong trung kiếp này thế giới bắt đầu thành hình hài và vận động nên dạng
  2. TRỤ VỮNG (Vivartasthāyikalpa विवर्तस्थायिकल्प) trong trung kiếp này thế giới đã hoàn toàn hình thành và ở trong trạng thái ổn định.
  3. HƯ HOẠI (Saṃvartakalpa संवर्तकल्प) – thế giới bắt đầu mục ruỗng và hư hoại, đổ nát.
  4. DIỆT VONG (Saṃvartasthāyikalpa संवर्तस्थायिकल्प) và cuối cùng, thế giới lại trở về với hư vô, với “tánh Không”.
Thành – Trụ – Hoại – Diệt của vũ trụ cũng như Sinh – Lão – Bệnh – Tử của con người vậy, đó là quy luật của vạn vật và điều không thể nào tránh khỏi.

VI) Chú thích một vài đại lượng TOÁN HỌC – ĐẠI SỐ mà ĐỨC PHẬT sử dụng so sánh với đơn vị hiện đại

1 muôn (hoặc 1 vạn) = 10^4; 1 lạc xoa (lakṣa) = 10^5; 1 câu chi = 10^7; 1 ức = 10^8; 1 a du đa = 10^14; 1 na do tha = 10^28; 1 tần bà la = 10^56; 1 căn yết la = 10^112… 1 a tăng kỳ hoặc = 10^140 hoặc = 10 mũ của (a x 2b) trong đó cặp (a;b) có thể là (a=5 hoặc 7, b=103), (a=10, b=104) . Lưu ý có đến hàng trăm hàng ngàn con số đại số như vầy trong Phật học trong các văn kinh đều liệt kê đầy đủ logic, ngoài ra cũng thường xuất hiện những con số không đếm được như: Vô lượng, vô biên, Hằng hà sa, bất khả tư nghì, bất khả xưng, bất khả sổ, bất khả thuyết … đều là những con số vô cùng tận. Các bạn có thể cho rằng, các phép toán đại số nào là lũy thừa của lũy thừa học sinh lớp 7 cũng học làm được nữa là, nhưng đối với người trình độ thời đó thì là vấn đề hoàn toàn khác.
Đơn vị vĩ mô của thời gian bằng kiếp (như ở trên đã trình bày) thì đơn vị nhỏ nhất của thời gian là sát na, thường hay nhắc đến trong các văn kinh. Một sát nhãn giới bằng 0.0133333333… giây. 120 sát na là một Hằng sát na, bằng 1.6 giây. 60 Hằng sát na bằng 1 phút 36 giây.
Đức Phật dạy: “Nếu lấy một vật chia chẻ mãi tới còn bằng đầu sợi tóc, gọi là mao trần. Lấy hạt bụi bằng mao trần này chia chẻ còn bằng hạt bụi bay trong hư không, gọi là khích du trần. Hạt bụi bay lại chia chẻ nữa thành vi trần nhỏ, rồi hạt vi trần nhỏ này lại chia ra nữa cho tới khi không còn chia được nữa, gọi là cực vi trần, lân hư trần” (Kinh Lăng-Nghiêm của Hòa-Thượng Thích-Duy-Lực dịch, trang 103).
Ngài dạy tiếp: “Không bao giờ tìm cầu được thực tại cuối cùng của vật, vì những vật mà ta thấy chỉ là tổng tướng ảnh tượng được kết hợp bởi vô vàn vô số những cực vi, nó xuất hiện trong biên giới giữa vật và tâm, nó hiện diện khắp nơi; hư không, không phải là không có gì, mà trong đó có đủ loại quang minh cùng các loại chúng-sanh cư ngụ” (Đạo Phật và Khoa Học, trang 14, 20, 21).
Các nhà khoa học đã tìm ra từ phân tử tới nguyên tử mà Neil Bohr (1885-1950), nhà Vật lý người Đan Mạch là một trong những gương mặt sáng giá trong việc đề xướng thuyết nguyên tử. Nguyên tử trong đó có cái hạt Proton (điện tích dương), Neutron (trung hòa), và Electron (điện tử) chạy chung quanh. Nhưng nhà khoa học Muray Gellman cho rằng Dương điện tử và Âm điện tử còn có hạt vi phân gọi là Quark hay là cực vi, hạt ảo.
Nhà khoa học Pam Dirac thì nói: “Chân không sinh diệt”, còn nhà khoa học Eddington cho rằng “Vũ trụ là một tâm tưởng lớn”. Nhà bác học vật lý nổi tiếng Albert Einstein (1879-1955) nói rằng: “Vũ trụ phân tích đến cùng chẳng còn gì là vật chất mà chỉ còn lại là những rung động hay những làn sóng mà thôi”.
7 cực vi = 1 vi tụ, 7 vi tụ = 1 kim trần (7 x 7 = 49 cực vi), 7 kim trần = 1 thủy trần (49 x 7 = 343 cực vi), 7 thủy trần = 1 thố mao trần (343 x 7 = 2,401 cực vi), 7 thố mao trần = 1 dương mao trần (2,401 x 7 = 16,807 cực vi), 7 dương mao trần = 1 ngưu mao trần (16,807 x 7 = 117,649 cực vi), 7 ngưu mao trần = 1 khích du trần (117,649 x 7 = 823,543 cực vi). Phật đã nói đủ những con số cực lớn và những con số cực nhỏ, nhỏ đến độ mô tả Hạt (Particle/Matter) và Sóng (Wave/Mind). Ví dụ mà Phật gọi là Cực vi (Hạt ảo) theo Câu Xá Luận (Abhidharmakośakārikā अभिधर्मकोश) chỉ bằng 10 lũy thừa trừ 33 cm, tức 1/1 triệu tỉ tỉ của một centimet…
___________________________

Loạt bài về THIÊN VĂN VŨ TRỤ QUAN PHẬT GIÁO – Phật giáo & Thế giới Lượng tử – Tân vật lý & Vũ trụ luận nhân dịp mùa Phật Đản tháng 4 âm lịch (… to be continued)



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *