CỜ SHOGI

Bên cạnh cờ vua của phương Tây, cờ tướng của Trung Hoa, người Nhật Bản cũng có một loại cờ, đó là Shogi. Tuy nhiên người Nhật đã có nhiều sáng tạo độc đáo để tạo nên cách chơi khác biệt cho trò chơi của mình.

1. BÀN CỜ

Bàn cờ Shogi có kích thước 9×9, rộng hơn cờ vua (8×8), ít hơn cờ tướng và cờ tướng Triều Tiên (9×10). Các quân cờ được đặt trong các ô tương tự cờ vua. Hàng giữa có thể coi là ranh giới hai bên, tuy nhiên không ảnh hưởng đến cách đi quân nên ít được đề cập.

2. QUÂN CỜ

2.1. Số lượng và phân loại

Trên bàn cờ có tổng cộng 40 quân cờ chia đều cho 2 bên. Như vậy bàn cờ Shogi nhiều quân cờ hơn cờ tướng, cờ vua hay cờ tướng Triều Tiên (32 quân). Các quân cờ Shogi mỗi bên gồm: 1 vua, 2 tướng vàng, 2 tướng bạc, 1 xe, 1 tượng, 2 mã, 2 hương xa, 9 tốt.

2.2. Cách sắp xếp

Các quân cờ được xếp ở ba hàng đầu tiên của mỗi bên. Hàng thứ nhất gồm vua và một số loại quân được sắp xếp đối xứng với vua ở giữa, từ vua ra ngoài lần lượt là tướng vàng, tướng bạc, mã, hương xa. Hàng thứ 2 gồm 1 tượng và 1 xe. Xe được xếp bên phải, tượng được xếp bên trái, cả hai quân đều đứng trên quân mã. Hàng thứ 3 gồm 9 quân tốt.
3 hàng đầu tiên này cũng là vùng phong cấp của đối thủ. Nếu đưa quân vào 3 hàng này thì quân đó được phép phong cấp. Như vậy điều kiện phong cấp của Shogi dễ hơn cờ vua (quân cờ phải xuống hàng cuối cùng mới được phong cấp).

2.3. Quân cờ

Khác với quân cờ tướng hình tròn, quân cờ Shogi có dạng hình nêm, viết tên quân cờ bằng tiếng Nhật và tiếng Hán lên hai mặt. Gần đây một số quân cờ Shogi được vẽ thêm hình hoặc kí tự Latin để dễ tiếp cận với người chơi không biết tiếng Nhật hay tiếng Hán.
Khác với cờ tướng, quân cờ Shogi không được viết khác màu để chia phe. Việc chia phe được thực hiện bằng cách đặt mũi nhọn của nêm luôn hướng về phía đối thủ. Điều này liên quan đến luật bắt – thả quân của Shogi, khi một quân bị bắt có thể “phản chủ”, trở thành quân của đối thủ. Khi đó, quân này sẽ hướng mũi nhọn về “chủ cũ” của mình.
Trong Shogi có luật phong cấp, một số loại quân được phong sẽ có tên khác và cách đi khác. Loại quân phong cấp được viết trên mặt thứ hai của quân cờ. Khi phong cấp, kỳ thủ lật mặt sau quân cờ đó lên.

3. CÁCH ĐI VÀ ĂN QUÂN

Hai bên đi quân lần lượt như cờ tướng hay cờ vua. Bên cạnh các nước đi quân, bắt quân, Shogi còn có nước đi thả quân, tức kỳ thủ đưa những quân bị bắt của đối phương vào tham chiến bên phe mình. Khi quân cờ đi vào vùng phong cấp có thể được phong, nhưng không bắt buộc.

3.1. Vua

Vua được xếp ở chính giữa hàng đầu tiên (giống cờ tướng, nhưng không bị giới hạn trong cung). Vua đi và ăn dọc, ngang và chéo 1 ô (tương tự cờ vua), tổng cộng 8 nước đi. Vua không được phong cấp. Vua là loại quân quan trọng nhất trên bàn cờ, vua bị bắt đồng nghĩa với thất bại.

3.2. Tướng vàng

2 tướng vàng được xếp hai bên của vua (giống vị trí quân sĩ trong cờ tướng). Tướng vàng đi và ăn gần giống vua, ngoại trừ hai nước lùi chéo. Như vậy tướng vàng có 6 nước đi, độ cơ động kém và khó lùi hơn so với vua. Tướng vàng không được phong cấp.

3.3. Tướng bạc

2 tướng bạc được xếp bên cạnh 2 tướng vàng (trùng vị trí quân tượng trong cờ tướng). Tướng bạc đi và ăn gần giống vua, trừ hai nước đi ngang và nước lùi thẳng, tổng cộng tướng bạc có 5 nước đi. Có thể thấy hướng tiến lên của tướng vàng giống tướng bạc, còn các nước đi ngang và đi lùi thì đối lập hoàn toàn.
Tướng bạc được phong cấp đi như tướng vàng. Tướng bạc phong cấp cơ động hơn tướng bạc thông thường (6 nước so với 5 nước), nhưng lại khó rút lui hơn (chỉ có thể lùi thẳng, trong khi tướng bạc có thể lùi chéo 2 bên).

3.4. Xe

Xe được xếp trên ở hàng 2, trên mã phải 1 ô. Xe đi và ăn dọc, ngang tùy ý nếu không bị cản. Có thể thấy xe trong Shogi giống cờ tướng, cờ vua, nhưng chỉ có 1 xe trên bàn cờ. Vị trí xuất phát của xe không ở góc bàn cờ như các loại cờ khác.
Xe phong cấp thành vua rồng, ngoài các nước đi cũ, xe có thể đi chéo 1 ô. Xe phong cấp gần giống hậu trong cờ vua, nhưng chỉ đi chéo 1 ô.

3.5. Tượng

Tượng được xếp ở hàng 2, trên mã trái 1 ô. Tượng đi và ăn chéo tùy ý nếu không gặp vật cản. Tương tự cờ vua, tượng chỉ kiểm soát một nửa bàn cờ, nhưng Shogi chỉ có 1 tượng.
Tượng phong cấp thành ngựa rồng, ngoài các nước đi cũ, tượng có thể đi dọc và ngang 1 ô. Tượng phong cấp gần giống hậu trong cờ vua, nhưng chỉ đi dọc và ngang 1 ô.
Có thể thấy tượng và xe là hai loại quân cơ động nhất trên bàn cờ Shogi với khả năng tiến lùi nhiều ô. Những loại quân khác hoặc chỉ đi 1 ô, hoặc được đi nhiều ô nhưng không được đi lùi. Các loại cờ khác có nhiều quân cơ động hơn (7 quân hậu, xe, tượng, mã trong cờ vua hay 6 quân xe, pháo, mã trong cờ tướng).

3.6. Mã

2 mã được xếp hai bên tướng bạc, giống vị trí của mã trong cờ tướng, cờ vua. Mã đi và ăn theo hình chữ L, không bị cản, tuy nhiên nước đi của mã chỉ được tiến dọc 2 ô và ngang 1 ô. Như vậy mã rất kém cơ động so với mã các loại cờ khác, khi chỉ có 2 nước đi và không thể lùi.
Mã phong cấp đi như tướng vàng. Khi đi tới 2 hàng cuối của đối phương, việc phong mã là bắt buộc, vì mã không thể đi được nữa. Mã phong cấp có nhiều nước đi hơn (6 so với 2), nhưng không còn di chuyển theo hình chữ L và nhảy qua đầu quân như mã ban đầu nữa.

3.7. Hương xa

2 hương xa được xếp hai bên góc bàn cờ, giống vị trí xe các loại cờ khác. Hương xa có thể đi và ăn dọc nhiều ô nếu không gặp vật cản, nhưng không được phép đi lùi. Có thể thấy hương xa giống một con tốt phiên bản nâng cấp hoặc một con xe phiên bản lỗi. Hương xa kém cơ động hơn xe rất nhiều vì không thể đi ngang và đi lùi.
Hương xa phong cấp đi như tướng vàng. So với hương xa thường, hương xa phong cấp có thể đi ngang, chéo, lùi, nhưng không thể ảnh hưởng tới nhiều ô như hương xa nữa. Nếu đi đến hàng cuối, hương xa bắt buộc phải nâng cấp vì không còn nước đi nữa.

3.8. Tốt

9 tốt được xếp kín hàng thứ 3, tương tự 8 tốt trong cờ vua. Tốt chỉ đi và ăn 1 ô phía trước. Tốt trong Shogi kém cơ động hơn cờ tướng (cờ tướng sang sông có thể đi ngang), cũng không thể bảo vệ nhau như cờ vua. Việc thí tốt là cần thiết để mở đường cho xe, hương xa di chuyển, chưa kể thí tốt sẽ dọn đường cho nước đi thả tốt sau này (được đề cập trong phần thả quân).
Tốt phong cấp đi như tướng vàng. Nếu đi tới hàng cuối, tốt bắt buộc phải phong cấp vì hết nước đi.

4. PHONG CẤP

3 hàng xếp quân của một kỳ thủ chính là vùng phong cấp cho kỳ thủ còn lại. Khi đi qua ranh giới vùng phong cấp (không tính nước thả quân), kỳ thủ được phép phong cấp nhưng không bắt buộc. Có thể tóm gọn quy tắc phong cấp như sau:
· Vua và tướng vàng không được phong cấp.
· Tướng bạc, hương xa, mã, tốt phong cấp đi như tướng vàng. Hương xa, mã, tốt bắt buộc phong cấp nếu đến hàng cuối, với mã khi tới hàng 8 cũng bắt buộc phong cấp vì hết nước đi.
· Xe và tượng phong cấp bổ sung nước đi của vua. Xe có thể đi chéo 1 ô, tượng có thể đi dọc và ngang 1 ô. Xe, tượng phong cấp gần giống hậu trong cờ vua nhưng yếu hơn.
Nếu bị bắt, các quân phong cấp trở lại trạng thái ban đầu, tức khi được thả các loại quân này đi như chưa phong cấp. Không áp dụng phong cấp cho nước thả quân vào vùng phong cấp.

5. THẢ QUÂN

Thả quân là một sáng tạo của Shogi. Khi một kỳ thủ bắt quân, kỳ thủ đó có thể đưa quân bị bắt quay lại tham chiến cho phe của mình.
Thả quân được tính là một nước, tức không được vừa thả quân vừa đi hay ăn bằng quân khác. Quân được thả không được ăn ngay quân của đối phương. Tương tự, quân được thả trong vùng phong cấp cũng không thể phong cấp ngay. Nếu bị ăn khi đang phong cấp, quân được thả trở về trạng thái trước phong cấp.
Quân được thả phải có khả năng thực hiện nước đi hợp lệ. Tức không được thả tốt, mã, hương xa ở hàng cao nhất, cũng không được thả mã ở hàng thứ 8.
Có hai giới hạn trong thả quân tốt:
· Tốt không được thả cùng cột với một tốt đồng minh (tức một cột không được có hai tốt). Việc thí tốt bên cạnh mở đường cho xe và hương xa, cũng để dọn đường cho thả tốt.
· Tốt được thả có thể chiếu, nhưng không được chiếu hết.

6. KẾT THÚC VÁN CỜ

Ván cờ được kết thúc khi bắt vua đối phương, nhưng trên thực tế các kỳ thủ đa số chịu thua trước khi vua bị bắt.
Ngoài chiếu hết, Shogi cũng có thể kết thúc dưới dạng cờ hòa. Có hai dạng cờ hòa:
· Lặp nước đi: khi kỳ thủ có thể thực hiện 4 nước lặp đi lặp lại, đảm bảo thế cờ và quân cờ giữ nguyên. Tuy nhiên, việc lặp nước đi không áp dụng với thế chiếu vua, nếu chiếu vua 4 lần liên tục sẽ bị xử thua.
· Vua cùng tồn tại: áp dụng khi hai vua đều sang vùng phong cấp ở phía bên kia, và không thể chiếu hết hay ăn thêm quân được nữa.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *